Quá nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh
Báo cáo mới nhất của Bộ KH&ĐT cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, tình hình đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp còn có nhiều điểm sáng.
Kịch bản tăng trưởng của nền kinh tế đang phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh, chạy đua sản xuất những tháng cuối năm
Song từ đầu tháng 7 tới nay, đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư đã gây ra những tác động tiêu cực lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh và phát triển của các doanh nghiệp.
Cụ thể, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7 tháng chỉ tăng 0,8% - mức tăng thấp nhất so với bình quân giai đoạn 2016-2020 (tăng 8,1%).
Trong khi đó số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lại tăng 25,5% so với cùng kỳ 2020 khi chạm con số 79.673 doanh nghiệp, trong đó có một tỷ lệ không nhỏ là doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn.
Số doanh nghiệp làm thủ tục giải thể cũng tăng 28,6%. Trung bình mỗi tháng có 11.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Theo ĐBQH, GS. TS. Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân, nền kinh tế, doanh nghiệp đang phải chịu tác động mạnh, do dịch đã lây lan rộng ra những trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh vùng Đông Nam bộ.
“Chúng ta đã nhìn thấy từ doanh nghiệp nhỏ đến doanh nghiệp lớn đều gặp rất nhiều khó khăn. Riêng với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong tháng 7 đã khiến nhiều nhà máy ngưng sản xuất, vốn thực hiện trong tháng này giảm tới 39,7% so với tháng 6”, ông Cường nói.
Theo phản ánh của các hiệp hội và doanh nghiệp, đơn hàng và hợp đồng của các ngành giảm 40-50%. Riêng khối ngành hàng không, vận chuyển hành khách, du lịch, nhà hàng khách sạn nhu cầu giảm đến 70-80%.
Ngành du lịch không phát sinh doanh thu; các nhà hàng, khách sạn bị tê liệt, đặc biệt từ tháng 4/2021 trở lại đây doanh thu ngành hàng không sụt giảm trung bình 61% so với 2019 và đợt dịch cao điểm đầu năm 2021 giảm 80% so với cùng kỳ năm 2020.
Chi phí đầu vào tăng cao trong khi dòng tiền thiếu hụt, nhiều doanh nghiệp không đủ tiền trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn...
Theo đánh giá của PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), do tác động của dịch bệnh lan rộng, tăng trưởng sản xuất của riêng khu vực Nam bộ đã giảm ít nhất 20% trong đợt dịch bùng phát lần này.
Hai động lực chính: Xuất khẩu và đầu tư công
Bên cạnh những tác động tiêu cực của dịch bệnh, theo các chuyên gia, một điểm sáng ít được đề cập trong những tháng vừa qua là việc định hình tư duy cải cách thể chế kinh tế.
Ngay trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ tiếp tục đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ cải cách nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, thúc đẩy thực hiện hiệu quả các FTA mới, mô hình phát triển kinh tế bền vững...
Sự quyết liệt cải cách của Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Do đó, tốc độ tăng GDP trong 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, trong đó quý I tăng 4,65% và quý II tăng 6,61%. Đà phục hồi tăng trưởng vẫn hiện hữu, cho dù việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 ở mức 6,5% là thách thức rất lớn.
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc kiểm soát sớm được dịch bệnh có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế. Trong đó, việc đẩy nhanh độ bao phủ tiêm vaccine, sớm đạt được miễn dịch cộng đồng có ý nghĩa quyết định. Nếu hoàn thành sớm, chắc chắn kinh tế sẽ nhanh chóng hồi phục.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thường Lạng
GS. TS. Hoàng Văn Cường nhận định, nếu kiểm soát sớm được dịch bệnh trong tháng 8 này, sẽ giúp mức độ hao phí, tổn phí nguồn tài lực cho phòng chống dịch giảm bớt, an toàn cho người lao động tăng lên, các doanh nghiệp rút khỏi thị trường cũng ít đi.
Ông Cường đánh giá, kinh tế thế giới đã dần phục hồi, nhiều nước trước đây tăng trưởng âm thì quý I, II năm nay đã tăng trưởng dương.
Đó là động lực thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu, là những chỉ báo cho thấy nếu kiểm soát dịch tốt, chúng ta sẽ bám sát được đà phục hồi của kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, hiện tại đã cho thấy mức độ ảnh hưởng rất lớn của đại dịch lần 4 nên mục tiêu 6,5% sẽ khó khăn, đòi hỏi nỗ lực lớn vượt bậc mới có thể đáp ứng được.
PGS. TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách - VEPR nhận định, hai động lực chính cho tăng trưởng những tháng cuối năm sẽ vẫn đến từ xuất khẩu và đầu tư công.
Với dòng vốn đầu tư FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam, xuất khẩu của khu vực này vẫn đóng vai trò quan trọng bậc nhất cho tăng trưởng kinh tế không chỉ cuối năm mà trong nhiều năm tới.
Tuy nhiên, tốc độ tăng xuất khẩu sẽ phụ thuộc nhiều vào sự hồi phục của kinh tế thế giới và xuất khẩu những mặt hàng truyền thống.
“Tôi cho rằng, quá trình phục hồi kinh tế trong ngắn hạn phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ và quy mô tiêm chủng vaccine, hiệu quả và phản ứng phụ của các biện pháp phòng, chống bệnh dịch và các gói hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng trong nước”, ông Thế Anh nói.
Hiến kế giải pháp, chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Nguyễn Thường Lạng đề xuất khai thác các “khe hở” trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay để giảm bớt thiệt hại cũng như hỗ trợ kinh tế phục hồi.
“Cần đẩy mạnh lưu thông, đẩy mạnh công nghệ thông tin, giao dịch điện tử… hay những ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt như thiết bị y tế, dược phẩm, hàng thiết yếu, hay những dịch vụ liên quan tới bảo vệ sức khỏe”, ông Lạng chỉ rõ.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng đề nghị những địa phương không chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh vẫn duy trì hoạt động sản xuất bình thường. “Về cơ bản, tôi vẫn lạc quan về kinh tế cuối năm. Cuối tháng 8 chúng ta kiểm soát được dịch bệnh và còn 4 tháng cuối năm chúng ta sẽ chạy đua bù lại”, ông Lạng nói.
Tương tự, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng, mức tăng trưởng kinh tế cả năm từ 6-6,5% hoàn toàn trong tầm tay: “Với chiến dịch tiêm chủng mở rộng, nếu khống chế được làn sóng dịch bệnh thứ tư trong tháng 8 này, nhất là tại các tỉnh phía Nam là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… tới tháng 9, tháng 10 sẽ quay lại sản xuất tốt. Do đó không cần thiết phải điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận