Hôm qua (20/8) đánh dấu ngày cuối cùng của sự kiện Đại hội Đảng Dân chủ bất thường nhất trong lịch sử khi được tổ chức hoàn toàn trực tuyến. Đây chính là ví dụ điển hình cho thấy những ảnh hưởng vô cùng lớn của dịch bệnh Covid-19 đối với vấn đề chính trị và tiến trình bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới.
Thay đổi quy trình bầu cử
Đáng lẽ, 2020 sẽ là một năm rộn ràng với các sự kiện chính trị, những cuộc vận động bỏ phiếu sôi nổi của các ứng viên trên khắp các bang, 2 sự kiện đại hội Đảng rầm rộ, ngày người dân Mỹ tấp nập đi bỏ phiếu và màn ra mắt hoành tráng của tân Tổng thống.
Trong lịch sử nước Mỹ hiện đại, chưa có tiền lệ khủng hoảng quốc gia làm ảnh hưởng tới bất cứ cuộc bầu cử và bỏ phiếu nào nhưng Covid-19 khả năng cao sẽ làm thay đổi tất cả.
Ngay sau khi đại dịch bùng nổ, nhiều bang vội vàng điều chỉnh lịch trình cũng như quy trình bầu cử, bởi cách thức bầu trực tiếp truyền thống sẽ mâu thuẫn với lệnh giãn cách xã hội.
Cảnh tượng cử tri xếp hàng chờ đợi hàng giờ tại các điểm bỏ phiếu đông đúc khi bang Winconsin tổ chức cuộc bỏ phiếu sơ bộ vào đầu tháng 4 vừa qua, đẩy cử tri vào tình thế phải lựa chọn giữa tuân thủ quy định y tế cộng đồng hoặc mạo hiểm tính mạng, đã trở thành lời cảnh báo cho các quận/bang khác.
Sau đó, 25 bang khác trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ đã quyết định hoãn một số sự kiện như bỏ phiếu sơ bộ bầu Tổng thống, Quốc hội cũng như bầu cử địa phương, dù đã lên lịch sẵn.
Nhiều sự kiện được rời lịch sang tháng 6 hoặc tháng 7. Riêng bang Connecticut phải tổ chức bầu cử Tổng thống sơ bộ vào tháng 8 - chỉ 1 tuần trước Đại hội Đảng Dân chủ, sau 2 lần hoãn liên tiếp.
Bản thân sự kiện Đại hội Đảng Dân chủ đã một lần bị hoãn và cuối cùng phải thực hiện theo hình thức trực tuyến, chỉ có một số lượng hạn chế người được tham gia trực tiếp tại thành phố chủ trì Milwaukee.
Đại hội Đảng Cộng hòa dự kiến diễn ra ở Charlotte, Bắc Calorina cũng phải thu hẹp quy mô và dự định chia nhỏ, tổ chức một vài phần tại Jacksonville, Florida.
18 bang phải sửa đổi điều kiện bắt buộc đối với ứng viên bầu cử, thừa nhận yêu cầu tập hợp đủ chữ ký cử tri (một trong những điều kiện cần để trở thành ứng viên Tổng thống) trong mùa dịch quá khó khăn.
Do đó, một vài bang đã phải hạ thấp yêu cầu về chữ ký, một số bang ra thêm thời hạn cho yêu cầu này, thậm chí, nhiều địa phương lần đầu tiên chấp nhận chữ ký điện tử thay thế chữ ký bằng tay.
Đến thời điểm hiện tại, 2 ứng viên nổi bật nhất trên đường đua Tổng thống Mỹ là tỷ phú Donald Trump đến từ Đảng Cộng hòa và cựu Phó Tổng thống Mỹ dưới thời ông Bacrack Obama - Joe Biden, đến từ Đảng Dân chủ, đều buộc phải hủy các sự kiện hội nghị, kêu gọi tài trợ, vận động bầu cử trực tiếp và chuyển đổi sang hình thức trực tuyến.
Buộc các ứng viên phải thay đổi chiến lược vận động
Cũng từ cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng toàn cầu này, mối quan tâm của cử tri với tân Tổng thống cũng chuyển hướng vì nó đã phơi bày điểm yếu của Hoa Kỳ trong hệ thống y tế cộng đồng.
Thay vì để ý tới những chiến lược giúp nền kinh tế của Mỹ phồn thịnh, tạo thêm nhiều việc làm…, cử tri tập trung vào những kế sách có thể giúp đất nước vượt qua những vấn đề y tế nghiêm trọng như đại dịch Covid-19.
Theo Tiến sỹ Michael Mina, giảng viên dịch tễ học của Trường Y tế công cộng T.H.Chan thuộc Đại học Harvard, một trong những yếu điểm chết người của nền y tế Mỹ khiến một đất nước phát triển như họ lại không thể bảo vệ người dân trước những cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng lớn là do họ không có hệ thống chăm sóc sức khỏe tập trung và xét nghiệm trong phòng thí nghiệm tập trung.
Một ví dụ là tại Mỹ, mỗi bang, giữa các quận, thậm chí từng bệnh viện có sự độc lập rất lớn nên các lãnh đạo liên bang không có được sự phối hợp toàn quốc như nhiều quốc gia khác để tập trung các nguồn lực vào một chỗ và lập ra một quy ước rõ ràng, thực sự hiệu quả để xét nghiệm cho nhiều người.
Nắm bắt mối quan tâm của cử tri đã chuyển hướng, ông Joe Biden - người vừa chính thức được Đảng Dân chủ bầu chọn là người đại diện tham gia tranh cử, nhanh chóng đưa ra các biện pháp giải quyết Covid-19 và ngăn chặn các rủi ro y tế tương tự khi xây dựng chiến lược vận động.
Chẳng hạn, để nước Mỹ vững vàng trước các cuộc khủng hoảng y tế trong thời gian tới, nếu trở thành Tổng thống, ông Biden hứa hẹn thành lập và điều hành một hệ thống phản ứng nhanh và y tế cộng đồng được cung cấp đủ nguồn lực, chuyên nghiệp và bền vững.
Hệ thống này sẽ bảo vệ người Mỹ bằng cách mở rộng quy mô nghiên cứu y sinh học, triển khai năng lực thử nghiệm nhanh chóng, đảm bảo hệ thống giám sát bệnh tật trên toàn quốc hoạt động linh hoạt, duy trì lực lượng phản ứng nhanh và y tế cộng đồng ở mức cao.
Đồng thời, thiết lập một cơ quan ngân sách khẩn cấp linh hoạt và vận động thế giới hành động để chuẩn bị sẵn sàng cho các đại dịch bất ngờ trong tương lai.
Trong khi đó, ông Donald Trump, ứng viên chạy đua tái cử thêm nhiệm kỳ Tổng thống nữa, khẳng định Mỹ sẽ có vaccine vào đúng khoảng thời gian diễn ra ngày bầu cử nhằm trấn an dư luận, thu hút thêm sự ủng hộ của cử tri trung lập.
Bất đồng cách thức bỏ phiếu
Đại dịch Covid-19 tại Mỹ một lần nữa cho thấy: Thẩm quyền quyết định nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến bầu cử không tập trung trong tay chính quyền liên bang mà do chính quyền địa phương và bang - với 8.000 quyền hạn pháp lý khác nhau trên toàn nước Mỹ thực thi.
Ngày bầu cử càng đến gần, sự rối loạn trong cách điều hành và tổ chức của Mỹ càng thể hiện rõ. Trong khi nhiều quan chức và một bộ phận dư luận kêu gọi chấp nhận bỏ phiếu qua gửi thư, bỏ phiếu sớm thì số còn lại cho rằng, động thái này sẽ vi phạm tiến trình bầu cử. Một số quan chức tại bang Texas và các bang khác phản đối bỏ phiếu qua thư vì lo ngại hạ tầng bầu cử không đủ sức xử lý lượng lớn phiếu bầu. Một số quận thì đã quyết định, số khác lại đang cân nhắc giải pháp sử dụng các sân bóng rổ và hạ tầng thể thao làm nơi tổ chức bầu cử để đảm bảo giãn cách xã hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận