Xã hội

Covid-19 ngày 21/8: 31 bệnh nhân ở Đà Nẵng tiên lượng từ nặng đến nguy kịch

21/08/2020, 22:40

Tin tức Covid-19 ngày 21/8: Trong số 243 người đang điều trị ở Đà Nẵng, 31 bệnh nhân có tiên lượng nặng, rất nặng và nguy kịch.

img
Kiểm soát dịch Covid-19 ở Bệnh viện Việt Đức

Báo Vnexpress, Thanh niên... dẫn thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố Đà Nẵng cho biết, từ 24/7 đến 18h ngày 21/8, Bộ Y tế ghi nhận Đà Nẵng có 369 người mắc Covid-19. Trong đó, 21 người tử vong; 98 người được chữa khỏi và xuất viện; 82 người có kết quả xét nghiệm âm tính lần một đến lần bốn.

Trong số 243 người đang điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, ngoài số không có triệu chứng và biểu hiện lâm sàng nhẹ, 120 bệnh nhân đã ổn định (49,4%), 92 bệnh nhân tiến triển tốt (37,9%), 31 bệnh nhân có tiên lượng nặng, rất nặng và nguy kịch (12,8%).

Thành phố đã xác định được hơn 11.100 người tiếp xúc gần với ca mắc Covid-19 (F1), gần 14.000 người F2; xét nghiệm gần 170.000 mẫu; rà soát 17.479 trường hợp là bệnh nhân và người nhà liên quan đến các bệnh viện, trong đó kết quả xét nghiệm phát hiện 23 người dương tính.

Trong ngày 21/8, Thứ trưởng Y tế cùng một số thành viên của bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế đã rời Đà Nẵng. Các bộ phận chuyên môn khác tiếp tục ở lại hỗ trợ Đà Nẵng.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng, đã bước đầu kiểm soát được dịch bệnh nhưng chính quyền Đà Nẵng không được chủ quan. Thay vào đó, phải tiếp tục quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch như Chính phủ, địa phương đã ban hành thời gian qua.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã yêu cầu UBND các quận, huyện phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố mở rộng lấy mẫu xét nghiệm những nhóm có nguy cơ cao và dễ lây nhiễm bệnh; truy vết trường hợp F1 và quyết liệt trong điều tra dịch tễ ca bệnh mới.

Thêm 2 ca mắc mới COVID-19 tại Đà Nẵng

Bản tin lúc 18h ngày 21/8 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết ghi nhận thêm 2 ca mắc mới COVID-19 ở Đà Nẵng. Việt Nam hiện có 1009 bệnh nhân.

Tính đến 18h ngày 21/8, Việt Nam có tổng cộng 667 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay 527 ca.

Cụ thể, CA BỆNH 1008 (BN1008): Bệnh nhân nữ, 75 tuổi, có địa chỉ tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, là F1 (mẹ) của BN988.

CA BỆNH 1009 (BN1009): Bệnh nhân nam, 47 tuổi, có địa chỉ tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng, là F1 của bệnh nhân BN797 (con), BN781 (vợ) và BN780 (mẹ)

2 bệnh nhân này được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) 100.569; trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện: 1.818, cách ly tập trung tại cơ sở khác: 31.333, cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 67.418.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: Có 3 bệnh nhân ra viện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh: BN459, BN676, BN989.

Như vậy, đến thời điểm này có 545 bệnh nhân/1009 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh.

Tính đến chiều 21/8, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 41 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 62 ca, số ca âm tính lần 31 là 27 ca.

Tính đến hôm nay, Việt Nam có 25 ca tử vong; đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đến nay đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng...

113 ca Covid-19 có xét nghiệm âm tính

Bộ Y tế thông tin, tính từ 18h ngày 20/8 đến 6h ngày 21/8 không có ca mắc mới. Việt Nam có tổng cộng 666 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 525 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 100.569, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 1.818; Cách ly tập trung tại cơ sở khác 31.333; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú 67.418.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19: Số ca âm tính với SARS-CoV 2 lần 1: 44; Lần 2: 39 và lần 3: 31.

Yên Bái yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang

UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành văn bản tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid - 19.

Theo đó, UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu các sở, ban, ngành thành viên Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền yêu cầu người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà, tại nơi tập trung đông người và trên các phương tiện giao thông công cộng.

"Đối với các trường hợp mắc bệnh mãn tính, người có nguy cơ cao, người cao tuổi không đi ra ngoài khi không thật cần thiết và luôn sử dụng khẩu trang, sát khuẩn tay nếu ra khỏi nhà. Hạn chế tối đa việc tập trung đông người không cần thiết", văn bản của UBND tỉnh Yên Bái nêu rõ.

img
Kiểm tra y tế theo quy định

UBND tỉnh Yên Bái cũng yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, đơn vị, cá nhân lơ là, không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Đặc biệt, các hành vi vi phạm như không đeo khẩu trang, vứt khẩu trang đã qua sử dụng không đúng nơi quy định, không khai báo y tế, không chấp hành cách ly y tế và đưa tin không đúng sự thật về dịch bệnh Covid-19; hành vi găm hàng, đầu cơ hàng hóa khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp; hành vi không niêm yết giá, bán hàng cao hơn giá niêm yết, không công khai thông tin giá hàng hóa.

img
UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu xử nghiêm các trường hợp lơ là trong công tác phòng chống dịch Covid -19

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Yên Bái cũng yêu cầu giãn cách chỗ ngồi, bố trí khu vực rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn tay, lau rửa bề mặt các vật dụng thường xuyên tiếp xúc, nhân viên phục vụ đeo khẩu trang trong quá trình phục vụ tại các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ và tại các khu vực tập trung đông người khác kể từ ngày 22/8. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà máy, xí nghiệp, công trường tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định…

Nâng công suất xét nghiệm toàn ngành y tế

Để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm tăng sau thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Đà Nẵng và một số địa phương, Bộ Y tế đã chỉ đạo và thực hiện tăng năng lực xét nghiệm cho toàn bộ ngành y tế.

Chỉ riêng trong giai đoạn chưa đầy 1 tháng từ 23/7- 19/8, hệ thống xét nghiệm của ngành y tế đã thực hiện xét nghiệm 390.490 mẫu (so với 426.718 mẫu được thực hiện từ khi dịch COVID-19 bắt đầu xâm nhập vào Việt Nam cuối tháng 1/2020 đến 24/7/2020), chiếm 47.8% tổng số mẫu xét nghiệm từ đầu dịch.

Theo đó, trong tuần đầu tiên mỗi ngày xét nghiệm 5.500 mẫu. Tuần thứ 2 trung bình mỗi ngày xét nghiệm 15.500 mẫu, gấp 2,7 lần so với tuần thứ 1. Tuần thứ 3 mỗi ngày xét nghiệm gần 25 nghìn mẫu, gấp gần 4 lần so với tuần thứ 1 và gấp 1,6 lần so với tuần thứ 2.

Tính từ 25/7 đến nay, Đà Nẵng xét nghiệm nhiều mẫu nhất (khoảng 86 nghìn mẫu), tiếp theo là TP Hồ Chí Minh và Quảng Nam.

Nếu so sánh với các giai đoạn trước của dịch Covid-19 ở Việt Nam, có thể thấy công suất xét nghiệm được nâng lên rõ rệt. Trong giai đoạn từ 22/1-5/3, xét nghiệm được 3.094 mẫu, trung bình 70 mẫu/ngày.

Trong giai đoạn từ 6/3- 22/4, xét nghiệm được 182.109 mẫu, trung bình 3.874 mẫu/ngày. Trong giai đoạn từ 23/4- 22/7-, xét nghiệm được 237.815 mẫu, trung bình 2.631 mẫu/ngày. Trong giai đoạn từ 23/7-19/8 đã thực hiện 390.697 mẫu, trung bình 14.470 mẫu/ngày.

Hiện cả nước có 123 phòng xét nghiệm có khả năng xét nghiệm bằng phương pháp RealTime-PCR với công suất tối đa hơn 46 nghìn mẫu/ngày. Trong số trên có 71 phòng xét nghiệm khẳng định, công suất các phòng này là hơn 36 nghìn mẫu/ngày.

Bộ Y tế đã thành lập hệ thống hỗ trợ xét nghiệm tại 3 khu vực để giúp các địa phương nâng công suất xét nghiệm trong trường hợp cần thiết.

WHO cảnh báo đại dịch không kết thúc nhờ vaccine

Theo thống kê của Worldometers, tính tới sáng 21/8, thế giới ghi nhận 22.812.285 ca mắc COVID-19, 795.927 người chết và 15.492.282 người đã bình phục.

Tổ chức y tế kêu gọi người dân chuẩn bị tâm lý sống chung với dịch bệnh kể cả khi đã có vaccine.

Giám đốc khu vực châu Âu của WHO Hans Kluge kêu gọi mọi người chuẩn bị tâm lý chung sống với COVID-19 và không dựa vào vaccine để chấm dứt đại dịch.

img
Giám đốc khu vực châu Âu của WHO Hans Kluge. (Ảnh: WHO)

"Có vaccine không đồng nghĩa là đại dịch COVID-19 kết thúc. Mọi người cần chuẩn bị tâm lý sống chung với virus SARS CoV-2", ông Kluge nói hôm 20/8.

Ông Kluge tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các biện pháp chống dịch như khẩu trang, rửa tay thường xuyên trong bối cảnh mùa cúm đang tới gần.

Quan chức WHO nhấn mạnh đại dịch COVID-19 sẽ chỉ kết thúc khi tất cả mọi người có trách nhiệm phòng chống dịch và tập cách sống chung với loại virus này.

"Mùa cúm sắp đến gần. Điều quan trọng là các quốc gia cần giám sát các hoạt động của cúm, tăng cường giám sát các loại virus cũng như cung cấp vaccine phòng cúm cho các nhóm có nguy cơ cao", ông này cho hay.

Cho tới nay mới chỉ duy nhất Nga đăng ký vaccine chống COVID-19.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh học Gamaleya, ông Alexander Gintsburg hôm 16/8 cho biết người dân Nga có thể được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 hàng loạt vào giữa tháng 9.

BN 994 ra khỏi danh sách nhiễm Covid-19, dỡ phong tỏa Bệnh viện E

Từ 18h ngày 20/8, Bệnh viện E chính thức được dỡ phong tỏa sau khi ca bệnh 994 đã có nhiều lần xét nghiệm âm tính.

Căn cứ phiếu trả lời kết quả xét nghiệm của bệnh nhân Lưu Bá N, nam, 87 tuổi âm tính với Covid-19 và báo cáo tóm tắt diễn biến lâm sàng của người bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho phép Bệnh viện E tiếp tục hoạt động trở lại từ 18h ngày 20/8.

img
Giây phút hàng rào phong tỏa tại bệnh viện E được dỡ bỏ

Trước đó, 20h tối 19/8, Bệnh viện E tạm dừng mọi hoạt động đón tiếp bệnh nhân, tạm đóng cửa để tiến hành rà soát sau khi phát hiện một trường hợp từ Phú Thọ lên Bệnh viện E khám dương tính với SARS-CoV-2.

Đây là trường hợp ông Lưu Bá N, (87 tuổi), người ở Thanh Ba, Phú Thọ.

Ngày 10/8, ông N. có biểu hiện sốt, đau bụng. Đến ngày 12/8, ông N. được người nhà đưa đi khám tại Bệnh viện E (khoa khám bệnh theo yêu cầu); sau đó bệnh nhân rời bệnh viện, về nhà người thân tại ngõ 117 Trần Cung, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm nghỉ.

Đến ngày 13/8, bệnh nhân lại quay lại Bệnh viện E khám, nhập viện khoa C4 Gan mật. Tại đây, bệnh nhân được chụp CT Scan phổi có hình ảnh viêm phổi và được chuyển sang khoa Hô hấp ngày 15/8.

Ngày 18/8, bệnh nhân được lấy mẫu gửi Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm và có kết quả dương tính ngày 19/8. Sáng 20/8, Bộ Y tế công bố ca mắc mới Covid-19 là bệnh nhân trên, với mã số bệnh nhân 944.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.