Xã hội

Covid-19 ngày 27/9: Hôm nay, cả nước thêm 9.362 ca nhiễm mới

Dịch Covid-19 ngày 27/9: Trong số 9.362 ca nhiễm mới cả nước hôm nay, TP.HCM có 4.134 ca, Bình Dương 3.793 và Đồng Nai 616 ca...

Tin tức Covid-19 mới nhất hôm nay 27/9

Bộ Y tế thông tin, tính từ 17h ngày 26/9 đến 17h ngày 27/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 9.362 ca nhiễm mới, trong đó 20 ca nhập cảnh và 9.342 ca ghi nhận trong nước (giảm 669 ca so với ngày trước đó) tại 36 tỉnh, thành phố (có 4.453 ca trong cộng đồng).

img

Đến nay, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 39.232.772 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 30.946.214 liều, tiêm mũi 2 là 8.286.558 liều.

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP.HCM (4.134), Bình Dương (3.793), Đồng Nai (616), Long An (190), An Giang (131), Tây Ninh (80), Kiên Giang (73), Tiền Giang (58), Cần Thơ (56), Hà Nam (54), Bình Thuận (32), Khánh Hòa (26), Bình Định (21), Quảng Bình (15), Đồng Tháp (14), Phú Yên (11), Ninh Thuận (9), Kon Tum (5), Cà Mau (4), Bắc Giang (4), Bà Rịa - Vũng Tàu (4), Nghệ An (3), Quảng Ngãi (3), Quảng Trị (3), Vĩnh Long (3), Quảng Nam (3), Đắk Nông (3), Trà Vinh (2), Gia Lai (2), Bến Tre (2), Quảng Ninh (2), Bình Phước (1), Đà Nẵng (1), Thanh Hóa (1), Vĩnh Phúc (1), Hà Nội (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP. Hồ Chí Minh (-987), Đồng Nai (-130), Bình Phước (-26). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (461), An Giang (50), Tây Ninh (43).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 10.035 ca/ngày. Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 766.051 ca nhiễm, đứng thứ 44/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.783 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 761.527 ca, trong đó có 533.275 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 10.528, tổng số ca được điều trị khỏi 538.454.

Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.135 ca, trong đó: - Thở ô xy qua mặt nạ: 2.638 - Thở ô xy dòng cao HFNC: 661 - Thở máy không xâm lấn: 104 - Thở máy xâm lấn: 703 - ECMO: 29 Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc. kcb. vn ghi nhận 174 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (122), Bình Dương (32), Tây Ninh (4), An Giang (4), Đồng Nai (4), Cần Thơ (3), Đồng Tháp (2), Tiền Giang (1), Bình Thuận (1), Đà Nẵng (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 208 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 18.758 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,0%).

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 168.786 xét nghiệm cho 344.543 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 18.137.096 mẫu cho 51.904.476 lượt người. Trong ngày 26/9 có 865.610 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm.

Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 39.232.772 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 30.946.214 liều, tiêm mũi 2 là 8.286.558 liều.

Hà Nội cho phép người dân thể dục ngoài trời từ 28/9

Ngày 27/9, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng ký ban hành công văn điều chỉnh một số biệnpháp phòng, chống dịch trong tình hình mới trên địa bàn thành phố.

img

Từ ngày 28/9, Hà Nội cho phép thực hiện một số hoạt động ngoài trời...

Cụ thể, từ ngày 28/9, Hà Nội cho phép thực hiện một số hoạt động, yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ, người dân thực hiện nghiêm quy định 5K, bắt buộc quét mã QR và các biện pháp phòng chống dịch của Bộ Y tế và thành phố.

Cụ thể, Hà Nội cho phép thể dục, thể thao ngoài trời nhưng không được tập trung quá 10 người; các trung tâm thương mại được phép hoạt động trở lại (riêng các cửa hàng ăn uống chỉ được phép bán mang về) và các cửa hàng may mặc, thời trang, hóa mỹ phẩm.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng giao Sở Y tế và đơn vị tiếp tục thực hiện tầm doát y tế, nhất là xét nghiệm tầm soát 2-3 ngày/lần tại các điểm phong toả, điểm có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao để kiểm soát lây lan dịch bệnh; tiếp tục rà soát các trường hợp chưa tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 1 để hoàn thành việc tiêm vét mũi 1 và hoàn thành tiêm mũi 2 cho các trường hợp đến hạn tiêm.

Giao các Sở, ban, ngành và UBND các cấp hướng dẫn các đơn vị và các cơ sở kinh doanh dịch vụ xây dựng kịch bản theo nguyên tắc "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19".

Trưa nay Hà Nội ghi nhận một ca dương tính mới

Trưa 27/9, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 6h đến 12h ngày 27/9, TP ghi nhận 1 ca mắc Covid-19 tại Hai Bà Trưng đã được cách ly thuộc chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho sốt.

Đó là bệnh nhân B.K.L., nữ, sinh năm 1983, Minh Khai, Hai Bà Trưng. Bệnh nhân là F1 của bệnh nhân N.M.C. (vào chăm con tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang từ 31/8), được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thực hiện).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 3.966 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.601 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.365 ca.

Về tình hình điều trị, tổng số bệnh nhân điều trị khỏi là 3.123 và 34 người tử vong. Hiện các cơ sở y tế của Hà Nội đang điều trị hơn 420 bệnh nhân Covid-19, trong đó, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đang điều trị 112 trường hợp, Bệnh viện Thanh Nhàn (68), Bệnh viện Gia Lâm (62), Bệnh viện Bắc Thăng Long (27), Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (21), Cơ sở cách ly, điều trị Đền Lừ III (100), Cơ sở điều trị KTX Phenikaa (30).

img

Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Ngô Nhung.

Bộ Y tế tiếp nhận hơn 1,3 triệu liều AstraZeneca

Zing.vn đưa tin, trưa 27/9, VNVC bàn giao hơn 1,3 triệu liều vaccine Covid-19 mua của hãng AstraZeneca cho Bộ Y tế.

Như vậy, trong tháng 9, Hệ thống tiêm chủng VNVC đã bàn giao hơn 5 triệu liều vacccine cho cơ quan y tế để phân bổ cho TP.HCM và các địa phương chống dịch.

Các lô vaccine này thuộc hợp đồng VNVC đặt mua trước 30 triệu liều của AstraZeneca từ cuối năm 2020. Đến nay, hợp đồng này đã mang về gần 15 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam.

Việt Nam đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp 8 loại vaccine Covid-19, gồm: AstraZeneca, Moderna, Pfizer, Sputnik V, Janssen, Sinopharm, Abdala và Hayat-Vax.

Vaccine AstraZeneca là loại đầu tiên được phê duyệt (tháng 2/2021) và được nhập về nhiều nhất thông qua các nguồn thương mại, cơ chế COVAX và hỗ trợ của các nước.

Tính đến sáng 27/9, Việt Nam đã nhận hơn 50 triệu liều vaccine ngừa Covid-19. Cả nước đã tiêm được hơn 39 triệu mũi. Số người tiêm 2 mũi là hơn 8 triệu.

Số ca mắc mới ở Hà Nội những ngày gần đây ở mức thấp

Sáng nay, Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới Covid-19. Những ngày gần đây, số ca mắc mới tại Hà Nội đều ở mức thấp.

Hôm qua (26/9), Hà Nội cũng không phát sinh bệnh nhân Covid-19. Đây là buổi sáng thứ 2 liên tiếp thành phố không ghi nhận ca mắc mới kể từ ngày 5/7 tới nay.

Cũng trong ngày hôm qua 26/9, Hà Nội xét nghiệm 5.365 mẫu, kết quả đều âm tính. Cụ thể, trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thực hiện xét nghiệm 2.079 mẫu, kết quả âm tính. Xét nghiệm của bệnh viện trong ngày thực hiện 3.286 mẫu, kết quả đều âm tính.

Số mũi tiêm thực hiện trong ngày 26/9 là 80.007 mũi; trong đó có 15.149 mũi 1; 64.858 mũi 2. Các quận, huyện, thị xã tiêm được 5.742.548 mũi, trong đó có 5.023.089 mũi 1 và 719.459 mũi 2. Các bệnh viện trung ương tiêm được 1.073.350 mũi, trong đó có 765.491 mũi 1 và 307.859 mũi 2.

Như vậy, theo Sở Y tế Hà Nội, thành phố đã thực hiện được 6.815.890 mũi, trong đó có 5.788.580 mũi 1 (đạt 96,15% dân số trên 18 tuổi), 1.027.318 mũi 2 (đạt 17,06 % dân số trên 18 tuổi).

Theo Sở Y tế Hà Nội, tính riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4 tới nay), toàn thành phố phát hiện tổng cộng 3.965 ca Covid-19, gồm 1.601 ca ghi nhận ngoài cộng đồng và 2.364 người tại khu cách ly, khu vực phong tỏa.

img

Liên tục cập nhật thông tin diễn biến dịch Covid-19 trong ngày 27/9.

Cả nước có 756.689 ca nhiễm, 522.747 ca khỏi bệnh

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 756.689 ca nhiễm, đứng thứ 44/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.689 ca nhiễm).

Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 752.185 ca, trong đó có 522.747 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 16/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Giang, Thái Bình, Lạng Sơn.

Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Kon Tum, Hải Dương.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (371.660), Bình Dương (200.196), Đồng Nai (45.667), Long An (31.789), Tiền Giang (13.787).

Đến nay, tổng số ca được điều trị khỏi là 527.926 trường hợp. Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.321 ca.

img

Số bệnh nhân tử vong

Trong ngày hôm qua 26/9, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc. kcb. vn ghi nhận 184 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (131), Bình Dương (26), Đồng Nai (9), Long An (4), An Giang (4), Tây Ninh (2), Kiên Giang (2), Tiền Giang (2), Đà Nẵng (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Nghệ An (1), Quảng Ngãi (1).

Như vậy, trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 213 ca/ngày

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 18.584 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).

Tình hình xét nghiệm và tiêm chủng vaccine COVID-19

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 162.977 xét nghiệm cho 432.433 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 17.968.310 mẫu cho 51.559.933 lượt người.

Đến nay, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 38.367.246 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 30.420.963 liều, tiêm mũi 2 là 7.946.283 liều.

Số ca mắc COVID-19 trên thế giới tính đến sáng 27/9

Toàn thế giới đã có 232.357.945 ca nhiễm, trong đó 208.970.497 khỏi bệnh; 4.758.738 tử vong và 18.628.710 đang điều trị (93.775 ca diễn biến nặng).

Trong ngày số ca nhiễm của thế giới tăng 105.599 ca, tử vong tăng 2.103 ca.

Châu Âu tăng 39.627 ca; Bắc Mỹ tăng 9.753 ca; Nam Mỹ tăng 195 ca; châu Á tăng 52.991 ca; châu Phi tăng 989 ca; châu Đại Dương tăng 2.044 ca.

Tại Đông Nam Á, trong ngày ghi nhận 35.730 ca, trong đó Indonesia tăng 1.760 ca, Thái Lan tăng 12.353 ca, Philippines tăng 20.755 ca, Cambuchia tăng 830 ca, Đông Timor tăng 32 ca.

img

Công nhận hộ chiếu vaccine Covid-19

Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 6891/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc công nhận “Hộ chiếu vaccine”.

Việt Nam sẽ xem xét công nhận lẫn nhau về hộ chiếu vaccine với các nước khu vực ASEAN, EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Nội dung này được nêu trong thông báo ngày 26/9 của Văn phòng Chính phủ. Theo đó, việc công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau giữa Việt Nam với các nước có vai trò "rất quan trọng, đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay". Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương làm việc với cơ quan chức năng các nước để công nhận lẫn nhau về hộ chiếu vaccine.

Trên thế giới hiện có nhiều quốc gia áp dụng “Hộ chiếu vaccine” để mở cửa nền kinh tế, đưa hoạt động kinh tế-xã hội trở lại trạng thái bình thường mới.

Việc công nhận “Hộ chiếu vaccine” lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới rất quan trọng và đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của các quốc gia ASEAN, EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác trên thế giới để công nhận lẫn nhau về “Hộ chiếu vaccine”.

img

Chỉ chưa đầy một tuần, tỉnh Hà Nam ghi nhận 59 ca mắc COVID-19 cộng đồng là giáo viên, học sinh (Những xe xét nghiệm lưu động đang thực hiện nhiệm vụ tại Hà Nam).

Thêm nhiều học sinh mắc COVID-19, quân y hỗ trợ Hà Nam xét nghiệm diện rộng

Ông Trương Thanh Phòng, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nam, trả lời phỏng vấn Báo Sức khỏe&Đời sống về nguyên nhân dịch COVID-19 quay trở lại địa phương.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam, ngày 26/9, trên địa bàn tỉnh Hà Nam ghi nhận thêm 49 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Như vậy, kể từ ca bệnh BN687470 ở thôn Lê Lợi, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào chiều 19/9, đến 18 giờ ngày 26/9, Hà Nam ghi nhận 179 ca bệnh mắc COVID-19. Trong số đó, có 5 giáo viên, 54 học sinh F0 cùng hàng trăm F1 đang được cách ly tập trung. Hiện, sức khỏe của các em học sinh và giáo viên không có diễn biến bất thường và đang được theo dõi, điều trị.

Sau khi xem xét đề nghị của Sở GD&ĐT, Sở LĐ,TB&XH, UBND tỉnh Hà Nam đồng ý cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, học viên trên địa bàn tỉnh tiếp tục nghỉ học. Từ ngày mai (27/9) sẽ chuyển sang học trực tuyến đến khi kiểm soát tốt được dịch bệnh.

Riêng với số giáo viên và học sinh phải đi cách ly trong diện F0, F1 sẽ thực hiện giảng dạy và học tập bù sau khi đảm bảo điều kiện. Sở GD&ĐT tỉnh này cũng lên kế hoạch để động viên tinh thần số giáo viên và học sinh diện F0, F1 phải đi điều trị, cách ly.

Để đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 trên diện rộng, Đoàn công tác Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) và Học viện Quân y gồm 60 người cùng 4 xe xét nghiệm lưu động sau khi về Hà Nam đã tiến hành ngay việc tiếp nhận các mẫu xét nghiệm từ CDC Hà Nam.

Đoàn công tác chi viện cho tỉnh Hà Nam lần này, là những bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch, họ đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, kể cả các tỉnh phía Nam để hỗ trợ tăng cường chống dịch cho các địa phương. Cùng với sự nỗ lực của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng sẽ hỗ trợ Hà Nam sớm nhất có thể khống chế được dịch bệnh.

img

Bắt đầu từ ngày 27/9, Bình Dương đồng bộ quét mã QR.

Bình Dương vượt mốc 200.000 F0, áp dụng quét mã QR từ 27/9

Với việc vừa ghi nhận thêm 3.332 ca mắc COVID-19, Bình Dương hiện có 200.196 ca trong đợt dịch lần thứ tư. Bắt đầu từ ngày hôm nay 27/9, Bình Dương sẽ thực hiện quét mã QR nhằm kiểm soát dịch bệnh tốt nhất.

Chiều tối 26/9, CDC Bình Dương thông tin, đã ghi nhận thêm 3.332 ca mắc COVID-19 mới. Trong đó, có 48 ca phát hiện tại cơ sở y tế, 113 ca phát hiện ở khu cách ly tập trung, 3.099 ca phát hiện trong khu phong tỏa và 72 ca phát hiện qua sàng lọc cộng đồng.

Tính từ đợt dịch thứ 4 này, tỉnh Bình Dương ghi nhận 200.196 ca mắc COVID-19, (Trong đó 9.507 ca bệnh phát hiện qua khám tại cơ sở y tế, 25.968 ca bệnh phát hiện trong khu cách ly tạm thời cho người test nhanh dương tính, 126.682 ca bệnh phát hiện trong khu phong tỏa, 37.958 ca trong cộng đồng, chợ, khu không phong tỏa).

Cũng trong đợt dịch này, Bình Dương có 1.891 ca tử vong và gần 170.000 bệnh nhân xuất viện về nhà.

Hiện, Bình Dương đang có 1.276 khu vực phong tỏa, gồm: Thuận An: 247; Phú Giáo: 12, Bàu Bàng: 20; Dĩ An: 585; Dầu Tiếng: 7; Bến Cát: 211; Tân Uyên: 102, Bắc Tân Uyên 0; Thủ Dầu Một: 92, với 116.898 người trong khu vực phong tỏa. Bình Dương có 5.285 F1 và 4.100 F0 cách ly tại nhà.

Bắt đầu từ ngày 27/9, người dân lưu thông ra, vào các điểm công cộng, nơi tập trung đông người, các địa điểm sản xuất kinh doanh, làm việc, giải trí... phải quét mã QR.

Đối với việc lưu thông trên đường, UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông làm việc với Công an tỉnh để thống nhất việc quét mã QR tại các chốt, các điểm chốt kiểm soát dịch COVID-19, đảm bảo không gây ùn tắc giao thông, phát sinh phiền hà cho người dân.

UBND tỉnh Bình Dương cũng yêu cầu các sở ngành, đơn vị và doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký, dán mã QR, hướng dẫn và nhắc nhở mọi người quét mã QR khi ra vào giao dịch, làm việc.

img

TP.HCM vẫn đang tiếp tục đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine cho người dân.

TP.HCM đã qua đỉnh dịch, số bệnh nhân nặng phải thở máy ngày càng giảm

Chiều 26/9, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, Thành phố đã qua đỉnh điểm của dịch cũng như việc chống dịch đang ở mức độ có hiệu quả rất tốt.

Thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM cho biết, hiện thành phố đang điều trị 39.208 bệnh nhân; số bệnh nhân nặng đang thở máy ngày càng giảm, đến ngày 25/9 còn 1.918 trường hợp. Trong ngày ghi nhận 131 trường hợp tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết, thành phố đã bắt đầu bước vào đợt cao điểm xét nghiệm từ ngày 22/9; trung bình mỗi ngày, lấy khoảng 1 triệu mẫu xét nghiệm. Qua 8 ngày, ngành y tế đã lấy mẫu 2 đợt cho tất cả các vùng và tỷ lệ dương tính cũng giảm dần qua từng đợt.

Cụ thể, nếu như ở “vùng xanh”, ngày 22/9 có tỷ lệ dương tính là 0,2% thì đến ngày 25/9 còn 0,1%; vùng "cận xanh" ngày 22/9 có tỷ lệ dương tính là 0,3% thì đến ngày 25/9 giảm còn 0,2; riêng ở "vùng vàng" không thay đổi tỷ lệ (0,2 %); "vùng cam" ngày 22/9 có tỷ lệ 0,6% thì đến ngày 25/9 giảm xuống còn 0,3%; "vùng đỏ" giảm rất mạnh, từ 0,7% ngày 22/9 xuống còn 0,4% vào ngày 25/9.

Tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 25/9 là 9.441.815 mũi, trong đó tổng số mũi 1 là 6.814.687, mũi 2 là 2.627.128; số người được tiêm trên 65 tuổi và người có bệnh nền là 1.107.266 người.

Về việc đánh giá tình hình của TP.HCM dựa trên 5 chỉ số “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" trong dự thảo hướng dẫn tạm thời Bộ Y tế vừa công bố, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho rằng, Thành phố đã thành lập 22 đoàn kiểm tra để đánh giá từng quận, huyện và phường, xã, qua đó sẽ có những đánh giá để biết được Thành phố đang ở mức độ nào.

"Về chỉ tiêu dựa theo dự thảo của Bộ Y tế đưa ra, hiện nay Sở Y tế cùng với các sở, ngành có liên quan đang rà soát từng chỉ tiêu để có kế hoạch thực hiện từng chỉ tiêu", bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai nói.

Thông tin thêm về kế hoạch thu hẹp bệnh viện dã chiến để trả lại công năng như ban đầu, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho rằng, tùy theo tình hình dịch bệnh, Sở Y tế sẽ có kế hoạch thu hẹp các bệnh viện dã chiến theo lộ trình phù hợp. Hiện Thành phố đã qua đỉnh điểm của dịch cũng như việc chống dịch đang ở mức độ có hiệu quả rất tốt.

Theo kế hoạch của TP.HCM, đối với những bệnh viện ở “vùng xanh”, từ nay đến cuối tháng 9, các bệnh viện này sẽ được trả lại công năng để tham gia điều trị bệnh nhân không phải COVID-19, cụ thể là Bệnh viện Quận 7 và Bệnh viện đa khoa Củ Chi.

Đối với các bệnh viện dã chiến thu dung, khi các bệnh viện đã hoàn thành sứ mệnh, tức khi không còn bệnh nhân thì cơ sở đó sẽ thu hẹp lại. Theo lịch trình, các bệnh viện dã chiến thu dung tại khu vực các quận, huyện và thành phố Thủ Đức sẽ dần thu hẹp từ nay đến hết tháng 12/2021 để trả lại trường học cho các cơ sở giáo dục.

Đối với các cơ sở dã chiến thu dung, ngành y tế sẽ cơ cấu lại bệnh viện 3 tầng trong một bệnh viện dã chiến và sẽ giữ lại các bệnh viện có gắn kết với trung tâm hồi sức, gồm Bệnh viện dã chiến số 13, 14 và 16.

img

TP.HCM nới lỏng giãn cách và khôi phục kinh tế sau ngày 30/9 trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn khá phức tạp, cần phải có cơ chế đặc thù riêng.

TP.HCM kiến nghị cơ chế riêng để mở cửa kinh tế

Do điều kiện đặc thù, TP.HCM đã kiến nghị cho phép thành phố áp dụng quy định riêng do Thủ tướng Chính phủ quyết định để mở cửa kinh tế.

Theo đó, UBND TP.HCM khẳng định và đánh giá rất cao nỗ lực xây dựng Hướng dẫn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Tuy nhiên, với điều kiện đặc thù, TP.HCM đề nghị Thủ tướng xem xét cho phép thành phố áp dụng quy định riêng do Thủ tướng quyết định để mở cửa kinh tế.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng đề nghị Chính phủ quan tâm ưu tiên vaccine cho TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để sớm đạt độ bao phủ theo quy định của hướng dẫn. UBND TP.HCM cam kết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 25/9 vừa qua, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã trình dự thảo hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Hướng dẫn trên có 3 chỉ số bắt buộc và yêu cầu đánh giá, gồm: Ít nhất 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19.

100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có oxy y tế và 100% số xã có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động và tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng

Các tỉnh, thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng, bảo đảm tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca bệnh theo dự báo tình hình dịch tại địa phương ở cấp độ 4 tại các cơ sở y tế của tỉnh/thành phố.

Bên cạnh đó, hướng dẫn đưa ra 2 chỉ số phân loại cấp độ dịch, gồm” Số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần và tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vaccine".

Dựa theo hai chỉ số này, Bộ Y tế chia nguy cơ dịch của các tỉnh, thành theo 4 cấp: nguy cơ thấp (bình thường mới), nguy cơ trung bình, nguy cơ cao và nguy cơ rất cao. Tương ứng với từng cấp nguy cơ sẽ được áp dụng các biện pháp hành chính, y tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả.

Nếu không đạt được chỉ số trên 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine, phải tăng lên 1 cấp độ dịch (trừ khi đang ở cấp độ 4 hoặc địa bàn không có ca mắc).

Nhiều chuyên gia cho rằng nếu áp các chỉ số quy định tại hướng dẫn của Bộ Y tế để đánh giá nguy cơ dịch bệnh tại thời điểm hiện nay, TP.HCM sẽ thuộc nhóm nguy cơ 3 hoặc 4. Các biện pháp được áp dụng sẽ rất hạn chế và việc mở cửa lại nền kinh tế sẽ gặp khó khăn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.