Thủ tướng đồng ý công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý công bố dịch Covid-19 toàn quốc và yêu cầu tiếp tục rà soát mọi đối tượng có nguy cơ lây nhiễm.
Thủ tướng nêu rõ, cách ly xã hội là cần thiết để ngăn chặn hiệu quả việc lây lan ra cộng đồng, “chúng ta không được chủ quan, không được lơ là vì chúng ta có nhiều biện pháp mạnh mẽ nhưng trên đường phố vẫn đông người, trên bãi biển vẫn còn rất nhiều người và trong một số điểm vẫn chưa thực hiện nghiêm về số người tụ tập”. Đây thực sự là nguy cơ lây nhiễm cao.
Đối với các bệnh viện trong toàn hệ thống, Bộ Y tế nên có quy định phù hợp để tránh trường hợp một cá nhân nhiễm Covid-19 đi khám mà ảnh hưởng đến toàn bộ bệnh viện.
Cơ bản dừng vận chuyển công cộng, hạn chế tối đa phương tiện cá nhân
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu “tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, khu phố nào ở khu phố đó, nhà nào ở nhà đó” ít nhất trong vòng 15 ngày để tránh lây nhiễm.
Các cơ quan bố trí cán bộ làm việc ở nhà và xử lý công việc qua công nghệ thông tin trừ trường hợp đặc biệt phải đến cơ quan, ví dụ như xử lý tài liệu mật, bộ phận trực sẵn sàng chiến đấu, trực cơ quan đầu não, bộ phận sản xuất dịch vụ thiết yếu, sản xuất công cụ cần thiết cho nền kinh tế… Người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm nếu để cơ quan có nhiều người lây nhiễm do không nắm vững các quy định về phòng chống dịch Covid-19.
Thủ tướng nêu rõ, cơ bản dừng vận chuyển công cộng, hạn chế tối đa phương tiện cá nhân. Yêu cầu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo việc tách riêng khu cách ly cũ và mới để tránh lây nhiễm chéo giữa người cũ và người mới vào khu cách ly.
TP.HCM: Thêm 4 bệnh nhân Covid-19, 2 người liên quan bar Buddha
Chiều 30/3, trong buổi giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế cho biết TP HCM mới phát hiện thêm 4 ca dương tính với virus SARS-CoV-2.
Trường hợp 1 là bệnh nhân nam, sinh năm 2000, quốc tịch Việt Nam, đang cách ly tại Trường Quân sự Quân khu 7.
Trường hợp 2 là bệnh nhân nữ, sinh năm 1985, từ Hi Lạp về Việt Nam được cách ly tại Trung đoàn 10.
Trường hợp 3 là người ngoại quốc, chồng của bệnh nhân 151 - là bệnh nhân liên quan đến bar Buddha (Q.2)
Trường hợp 4 là tài xế của bệnh nhân 151.
Thông tin thêm về tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, đối với quán bar Buddha đã phối hợp với các sở ban ngành xác định được 222 trường hợp, xét nghiệm có 166 ca âm tính, 11 ca dương tính.
Trước đó đã công bố thêm 2 ca dương tính, hiện tại có 2 ca nguy cơ lây nhiễm cao là chồng và tài xế lái xe của bệnh nhân 151.
Như vậy đến hiện tại, Sở Y tế TP.HCM đã xác định 15 ca dương tính liên quan đến bar Buddha.
Tuy nhiên, ông Bỉnh cho rằng ổ dịch bar Buddha hiện tại cơ bản đã được kiểm soát, nhờ có những biện pháp khoanh vùng, rà soát, xét nghiệm kịp thời. Hiện cơ quan chức năng đang theo dõi hơn 2.400 người liên quan đến tụ điểm này.
Đến chiều 20/3 đã ghi nhận thêm 9 ca bệnh mới, tổng số 203 ca nhiễm
CA BỆNH 195 (BN195): Bệnh nhân nữ, 41 tuổi, là nhân viên công ty TNHH Trường Sinh tại căng tin Bệnh viện Bạch Mai.
CA BỆNH 196 (BN196): Bệnh nhân nữ, 34 tuổi, là nhân viên công ty TNHH Trường Sinh tại căng tin Bệnh viện Bạch Mai.
CA BỆNH 197 (BN197): Bệnh nhân nam, 41 tuổi, 41 tuổi, địa chỉ khu đô thị Thanh Hà, Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội. Ngày 12/3/2020, bệnh nhân có đến khám tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Ngày 29/3/2020 đươc lấy mẫu xét nghiệm.
CA BỆNH 198 (BN198): Bệnh nhân nữ, 53 tuổi, là nhân viên công ty TNHH Trường Sinh tại căng tin Bệnh viện Bạch Mai.
CA BỆNH 199 (BN199): Bệnh nhân nữ, 57 tuổi, là nhân viên công ty TNHH Trường Sinh tại căng tin Bệnh viện Bạch Mai.
CA BỆNH 200 (BN200): Bệnh nhân nữ, 61 tuổi, là nhân viên công ty TNHH Trường Sinh tại căng tin Bệnh viện Bạch Mai.
CA BỆNH 201 (BN201): Bệnh nhân nữ, 23 tuổi, là nhân viên công ty TNHH Trường Sinh tại căng tin Bệnh viện Bạch Mai.
CA BỆNH 202 (BN202): Bệnh nhân nữ, 57 tuổi, là nhân viên công ty TNHH Trường Sinh tại căng tin Bệnh viện Bạch Mai.
Hiện cả 8 trường hợp trên được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh và có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2, tình trạng sức khoẻ ổn định.
CA BỆNH 203 (BN203): Bệnh nhân nữ, quốc tịch Việt Nam, 35 tuổi. Bệnh nhân đi từ Hy Lạp về trên chuyến bay TK162, số ghế 21A, có quá cảnh ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhập cảnh Việt Nam tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất ngày 17/3/2020.
Ngay sau khi nhập cảnh, bệnh nhân không có triệu chứng và được cách tại khu cách ly tập trung tại Trung đoàn 10, huyện Nhà Bè. Ngày 27/3/2020, Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh tiến hành lấy mẫu gửi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Mẫu bệnh phẩm đã được xét nghiệm và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân đang được điều trị cách ly tại Bệnh viện Cần Giờ (TP HCM).
Tại cuộc họp trực tuyến với các quận huyện, phường xã để tiếp tục triển khai các biện pháp quyết liệt phòng chống lây lan dịch bệnh sáng 30/3, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống Covid -19 TP Hà Nội đã yêu cầu các quận huyện báo cáo về các trường hợp liên quan đến bệnh viện Bạch Mai để thấy rõ nguy cơ lây nhiễm từ các trường hợp này.
Chủ tịch huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng báo cáo 2 trường hợp dương tính lần 1 theo thông báo lúc 1h ngày 30/3 của CDC Hà Nội tại tòa nhà HH01B, khu đô thị Thanh Hà.
Tiền sử dịch tễ người chồng có làm nhân viên xây dựng tại UBND phường Trúc Bạch. Khi phường ghi nhận ca bệnh thì nghỉ làm về ở tại Thanh Hà, ngày 7/3 có ho không sốt. Bệnh nhân đi khám bệnh tại bệnh viện Bạch Mai ngày 12/3, hiện tình trạng sức khỏe bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, có ho, không sốt. Người vợ có biểu hiện sốt nên từ chỗ làm việc ra viện gặp người chồng và cùng khám tại bệnh viện Bạch Mai ngày 12/3.
Sau khi khám 2, vợ chồng về tại khu đô thị Thanh Hà tự cách ly tại nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác. Người vợ có xuống mua thịt tại quán đối diện tòa nhà và mua đồ tại siêu thị tầng 1, đều đeo khẩu trang...
Hiện nay, huyện đã phun khử khuẩn tại nhà bệnh nhân, ngoại cảnh bề mặt, tầng bệnh nhân ở và mặt sảnh tòa nhà, gọi 115 đưa bệnh nhân lên bệnh viện nhiệt đới Trung ương 2 tại Đông Anh. Huyện tiến hành phong tỏa tòa nhà, khóa các cầu thang máy và cửa ra vào đểu ngày hôm nay (30/3) tiếp tục điều tra các hộ liền kề cùng tầng, điều tra các quán, siêu thị người vợ mua hàng.
Liên quan đến bệnh viện Bạch Mai, quận Đống Đa cho biết, có 5 trường hợp của công ty Trường Sinh đã xác định dương tính có thuê trọ trên địa bàn. Tổng số trường hợp liên quan đến bệnh viện trên địa bàn quận là 760 người, trong đó bệnh nhân nội trú 93, ngoại trú là 37; học sinh sinh viên liên quan ngành y và các truờng hợp khác... Quận đã ban hành 668/760 quyết định cách ly. Toàn bộ khu vực của các trường hợp F1 liên quan F0, các bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân của Bạch Mai đã được quận tổ chức phun khử khuẩn các địa điểm này.
Quận Hai Bà Trưng cho biết, địa bàn có bệnh nhân số 169 là nhân viên công ty Trường Sinh thuê trọ tại ngõ Cột Cờ, phường Đồng Tâm. Quận đã đã khử khuẩn khu vực này và yêu cầu người dân không tiếp xúc cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm và đưa đi cách ly tập trung.
Về xóm chạy thận nhân tạo liên quan bệnh viện Bạch Mai có 105 người. Quận đã lấy mẫu 1 trường hợp liên quan khoa tim mạch, kết quả âm tính. Quận đã tiến hành khoanh vùng, đặt chốt tại xóm này. Với bệnh nhân đi chạy thận quản lý theo hướng đưa bệnh nhân đến bệnh viện Bạch Mai theo cửa riêng, bác sỹ đón theo đường riêng vào bệnh viện, khi về bệnh nhân cam kết chỉ ở trong nhà. Trước mắt quận hỗ trợ mỗi gia đình tại xóm chạy thận 1 triệu đồng, ký hợp đồng với Vinmart để cung cấp thực phẩm theo yêu cầu 2 ngày/lần.
Quận Thanh Xuân cho biết có 824 trường hợp liên quan bệnh viện Bạch Mai, quận đã cách ly 592 trường hợp và đang tiếp tục ra quyết định cách ly. Về trường hợp dương tính lần 1 tại huyện Thanh Oai công tác tại Cục Sở hữu trí tuệ, quận đã xác định cơ quan này có khoảng 300 người; trong đó tiếp xúc trực tiếp là 10 người, tiếp xúc với người tiếp xúc là 100 người và đang tiến hành các biện pháp cần thiết…
Liên quan đến các trường hợp liên quan đến các ca dương tính với Covid -19 ở Bệnh viện Bạch Mai, quận Ba Đình cho biết đã tiến hành phong tỏa, cách ly cơ sở Đông y ở 182 Ngọc Hà; một khoa ở bệnh viện Xanh Pôn để phòng lây nhiễm….
Đáng chú ý, các quận huyện phản ánh đều đã hết kít xét nghiệm Covid-19 trong khi các trường hợp liên quan đến ổ dịch tại bệnh viện Bạch Mai vẫn còn không ít, cần phải xét nghiệm ngay…
Lãnh đạo BV Bạch Mai xin lỗi vì ổ dịch đã làm ảnh hưởng lớn đến TP
Báo cáo tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội sáng 30/3, ông Ngô Quý Châu (quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai) nói lời xin lỗi vì ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của thành phố, các quận, huyện cũng như nhiều tỉnh, thành khác.
Ông cũng gửi lời cảm ơn lãnh đạo thành phố Hà Nội, lãnh đạo quận, huyện, sở ngành đã giúp đỡ bệnh viện những ngày qua.
Theo ông Ngô Quý Châu, ngày 19/3, sau khi phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên liên quan đến 2 điều dưỡng của bệnh viện, tại buổi họp ở Bộ Y tế ngày 20/3, bệnh viện đã chính thức đề nghị Bộ Y tế và CDC Hà Nội vào cuộc hỗ trợ điều tra dịch tễ học, vì lúc đó khả năng xét nghiệm của bệnh viện hạn chế.
Sau đó, bệnh viện đã lấy được hơn 7.300 mẫu xét nghiệm của những người liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai. Trong đó, khoảng 7.000 mẫu đã cho kết quả âm tính, còn lại đang chờ kết quả. Toàn bộ cán bộ nhân viên của Bệnh viện Bạch Mai, gồm cả ông Châu, đã có xét nghiệm âm tính.
Chia sẻ về khó khăn, ông Ngô Quý Châu lý giải dịch bệnh xảy ra ra đúng thời điểm chuyển giao lãnh đạo.
Hiện, toàn bộ Bệnh viện Bạch Mai đã được phong toả, cách ly, cộng thêm việc 15 nhân viên của Công ty Trường Sinh mắc Covid-19, vấn đề thực phẩm, dinh dưỡng cho nhân viên, bệnh nhân và người nhà rất khó khăn. Vì vậy, ông Châu kiến nghị thành phố cho bệnh viện tiếp nhận một nguồn thức ăn từ bên ngoài vào.
26 người nhiễm Covid-19 từ BV Bạch Mai
Sáng 30/3, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thành phố Hà Nội.
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, tại ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận 26 ca nhiễm Covid-19.
Hiện nay, theo dữ liệu trích xuất từ Bệnh viện Bạch Mai, có 1.591 trường hợp bệnh nhân nội trú từ ngày 15/3, trong đó có 1.288 trường hợp đang ở Hà Nội. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã lấy được 865 mẫu bệnh phẩm, tiến hành xét nghiệm 228 mẫu (đều cho kết quả âm tính).
Đối với những trường hợp liên quan, hiện đã điều tra, rà soát được 9.062 trường hợp, tổ chức cách ly được 6.898 trường hợp chưa qua 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 230 trường hợp, hiện 33 mẫu có kết quả, trong đó 3 trường hợp dương tính.
Sở Y tế tiếp tục rà soát, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ trường hợp sống trên địa bàn Hà Nội đã điều trị nội trú tại Bệnh viện Bạch Mai và ra viện trong khoảng thời gian từ ngày 15-25/3, đồng thời cách ly các đối tượng liên quan.
Thời gian này, tất cả cơ sở điều trị sẽ không cho người nhà vào thăm bệnh nhân, chỉ cho 1 người nhà vào chăm sóc và phải được kiểm tra y tế trước khi vào chăm sóc bệnh nhân; Các cơ sở điều trị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hẹn khám qua điện thoại, khám bệnh theo giờ, bố trí các ghế chờ cách nhau tối thiểu 2m.
5 nhóm ở Bệnh viện Bạch Mai có nguy cơ lây nhiễm Covid-19
Ngày 30/3, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 tổ chức hội nghị trực tuyến với ngành Y tế 63 tỉnh thành về tập huấn nâng cao năng lực của y tế cơ sở trong phòng chống dịch COVID-19.
Theo báo Sức khỏe và Đời sống, tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia cho biết, đến 6 giờ sáng nay Việt Nam đã ghi nhận 194 người nhiễm COVID-19. Trong đó, 70% là số ca mang mầm bệnh từ nước ngoài về.
Ở nước ta, ổ dịch lớn hiện là quán bar Buddha ở TP.Hồ Chí Minh và ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai.
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, riêng tại Bệnh viện Bạch Mai có 3 “tâm dịch”: Ở Trung tâm bệnh nhiệt đới (2 nữ điều dưỡng); khoa Thần Kinh với 3 bệnh nhân từng điều trị và khu vực nhà ăn do Công ty Trường Sinh cung cấp dịch vụ hậu cần phục vụ. Do đó, đánh giá bước đầu nguy cơ dịch từ Bệnh viện Bạch Mai lây ra cộng đồng rất cao.
5 nhóm nguy cơ gồm: Nhóm bệnh nhân đã điều trị trong bệnh viện đã ra viện hoặc bệnh nhân chuyển tuyến điều trị; Cán bộ y tế tham gia điều trị bệnh nhân ; Học sinh sinh viên thực tập tại Bệnh viện; Người phục vụ bệnh nhân ( là người nhà bệnh nhân hoặc người được gia đình thuê chăm sóc bệnh nhân); Nhân viên phục vụ trong bệnh viện: là nhóm tại nhà ăn Trường Sinh; nhân viên lái xe điện trong bệnh viện; nhân viên vệ sinh;
“Nguy cơ cao nhất là nhóm bệnh nhân đã điều trị tại đây ra viện hoặc được chuyển tuyến. Sau khi xác định là ổ dịch, để tránh lây nhiễm trong bệnh viện, lây truyền giữa bệnh nhân-bệnh nhân, Bệnh viện Bạch Mai đã rà soát và chuyển một số bệnh nhân về tuyến dưới”- thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Ngoài ra, cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám, điều trị; học sinh và sinh viên đến thực tập; người phục vụ bệnh nhân (gồm có 2 nhóm nhỏ là người nhà đến phục vụ bệnh nhân như con, cháu và nhóm được người nhà thuê phục vụ bệnh nhân); nhân viên phục vụ tại bệnh viện gồm phục vụ tại nhà ăn và nhân viên lái xe điện, bảo vệ, nhân viên vệ sinh môi trường… cũng có nguy cơ cao mắc COVID-19.
Do đó, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, từ những nhóm nguy cơ này nếu không được phát hiện và giám sát chặt chẽ thì đây là một trong những nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất lớn. Vì thế, một trong những việc cần quan tâm là những đối tượng liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai. Hiện tại cần huy động tối đa vai trò y tế cơ sở trong phát hiện sớm ca bệnh trong cộng đồng cách ly ngăn chặn dịch bệnh.
Hôm nay 27 bệnh nhân xuất viện
Tin từ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong ngày hôm nay 30/3, Bệnh viện cho xuất viện 27 bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã được điều trị tại đây. Trong các bệnh nhân khỏi bệnh, ra viện đợt này có bệnh nhân thời gian điều trị trong viện khá ngắn từ 5-8 ngày.
Cụ thể gồm: Bệnh nhân số 17, 27 tuổi, trú tại Trúc Bạch, Hà Nội, nhập viện ngày 5/3, đã qua 3 lần xét nghiêm âm tính, khỏi bệnh. Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định, không ho, không khó thở.
Bệnh nhân số 22, người Anh, 58 tuổi, cũng có kết quả 2 lần sau cùng liên tiếp âm tính; Bệnh nhân 24, nữ người Ireland, 67 tuổi, 3 lần xét nghiệm âm tính, sức khỏe ổn định; Bệnh nhân 27, nữ người Anh, 70 tuổi, 3 lần âm tính; Bệnh nhân 39, nam hướng dẫn viên, 25 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy, 2 lần âm tính; Bệnh nhân 46, nữ người Việt, 30 tuổi, 3 lần âm tính, có kèm bệnh viêm xoang mãn, nhưng sức khỏe hiện tại ổn định; Bệnh nhân 47, nữ người Việt, 43 tuổi, 3 lần âm tính, có kèm bệnh tim, hiện sức khỏe ổn; Bệnh nhân 51, nữ người Việt, 2 lần âm tính, BN tỉnh, tiếp xúc tốt, hết sốt trên 3 ngày, không ho, không khó thở, ổn định;
Bệnh nhân 55, nam người Đức, 36 tuổi, 2 lần âm tính, sức khỏe ổn định; Bệnh nhân 56, nam người Anh, 36 tuổi, 2 lần âm tính; Bệnh nhân 58, nữ người Việt , 26 tuổi, 2 lần xét nghiệm âm tính; Bệnh nhân 59, nữ người Việt, 30 tuổi, 2 lần âm tính; Bệnh nhân 60, nam người Pháp, 26 tuổi, 2 lần âm tính; Bệnh nhân 62, nam người Việt, 18 tuổi; 2 lần âm tính; Bệnh nhân 69, nam người Đức, 30 tuổi, 2 lần âm tính; Bệnh nhân 70, nam người Việt, 19 tuổi, 2 lần âm tính; Bệnh nhân 71, nữ người Việt, 19 tuổi, 2 lần âm tính; Bệnh nhân 77, nữ người Việt, 25 tuổi; Bệnh nhân 85, nam người Việt, 20 tuổi; Bệnh nhân 88, nữ người Việt, 25 tuổi;
Bệnh nhân 93, nam người Việt, 20 tuổi; Bệnh nhân 110, nam người Việt, 29 tuổi; Bệnh nhân 112, nữ người Việt, 30 tuổi; Bệnh nhân 113, nữ người Việt, 19 tuổi; Bệnh nhân 130, nam người Việt, 30 tuổi; Bệnh nhân 140, nam người Việt, 21 tuổi; Và bênh nhân cuối cùng là Bệnh nhân 187, nam người Mỹ, 30 tuổi.
Các bệnh nhân ra viện sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe ở cơ sở y tế tuyến dưới hoặc tại nhà.
Thanh niên trốn cách ly ở Tây Ninh được tìm thấy tại Hà Nội
Trưa 30/3, trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh cho biết đã tìm thấy Nguyễn Thành Nam (28 tuổi, quê Hà Nội) tại Hà Nội.
Sau khi bỏ trốn khỏi khu cách ly ở huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, Nam đã về Hà Nội. Sau đó, người này đã đến cơ quan chức năng huyện ở Hà Nội trình báo và được đưa đi cách ly.
“UBND tỉnh Tây Ninh cũng đã đề nghị Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính đối tượng trên. Ngoài ra, cơ quan chức năng Hà Nội đang làm rõ hành trình, những người đã tiếp xúc với Nam”, lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh nói.
Tối 20/3, Nam từ Campuchia nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Người này được lực lượng chức năng đưa đi cách ly tại Trường THCS Thành Long, xã Thành Long (huyện Châu Thành) trong 14 ngày. Tuy nhiên, sau đó, Nam bỏ trốn khỏi khu cách ly.
6 bệnh nhân mới 190-194 đều từ BV Bạch Mai
Sáng nay (30/3), Bộ Y tế cũng công bố thêm 6 trường hợp mắc mới COVID-19 tại ổ dịch Công ty TNHH Trường Sinh, đơn vị cung cấp dịch vụ cho Bệnh viện Bạch Mai, nâng tổng số mắc tại Việt Nam lên 194 ca.
Cụ thể, Bệnh nhân 190, nữ, 46 tuổi, địa chỉ tại Tân Quang, Nông Cống, Thanh Hóa, là nhân viên thuộc bộ phận chuyển phát nước sôi của Công ty TNHH Trường Sinh tại các khoa/phòng Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân ở cùng nhà với 2 trường hợp làm cùng công ty dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Trong 2 tuần trở lại đây, bệnh nhân không đi đâu xa khỏi khuôn viên bệnh viện.
Ngày 25/3, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ho, đau họng và sốt. Ngày 28/3, bệnh nhân được chuyển vào cách ly tại BVNĐTƯ cơ sở Đông Anh, mẫu bệnh phẩm được chuyển đến Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại BVNĐTƯ cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.
Bệnh nhân 190, nữ, sinh năm 1971; Bệnh nhân 191, nữ, sinh năm 1984; Bệnh nhân 192, nữ, sinh năm 1997; Bệnh nhân 193, nữ, sinh năm 1999; Bệnh nhân 194, nữ, sinh năm 1978.
Bộ Y tế cũng cho biết, do sai sót trong khâu thu thập và cập nhật thông tin, nên trong bản thông tin báo chí phát hành lúc 18h30 29/3, Bộ Y tế để trùng lắp trường hợp BN184 với trường hợp BN173 đã công bố trước đó và sai chi tiết của BN185. Theo đó, thông tin về 2 ca bệnh 184, 185 như sau:
Bệnh nhân 184: Bệnh nhân nữ, 42 tuổi, địa chỉ tại Diễn Vạn, Diễn Châu, Nghệ An, là nhân viên thuộc bộ phận bán hàng và chuyển phát nước sôi của Công ty TNHH Trường Sinh tại căng tin và các khoa/phòng Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân ở cùng nhà với 2 trường hợp làm cùng công ty dương tính với vi rút SARS-CoV 2. Trong 2 tuần trở lại đây, bệnh nhân không đi đâu xa khỏi khuôn viên bệnh viện. Ngày 28/03/2020, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ho, cùng ngày, bệnh nhân được chuyển vào cách ly tại BVNĐTƯ cơ sở Đông Anh, mẫu bệnh phẩm được chuyển đến Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại BVNĐTƯ cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.
Bệnh nhân 185: Bệnh nhân nam, 38 tuổi, địa chỉ tại Đông La, Hoài Đức, Hà Nội. Bệnh nhân vào chăm anh rể điều trị tại Khoa Thần kinh – Bệnh viện Bạch Mai các ngày từ 15-16/3 và 18-19/3, trong đó có ít nhất 2 lần qua căng tin của bệnh viện để ăn và mua đồ. Ngày 28/03/2020, xét nghiệm sàng lọc của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cho kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV 2, sau đó bệnh nhân được chuyển vào cách ly tại BVNĐTƯ cơ sở Đông Anh. Cùng ngày mẫu bệnh phẩm được chuyển đến Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại BVNĐTƯ cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.
Như vậy, tính đến ngày 30/3, Việt Nam ghi nhận 194 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 52 bệnh nhân đã được điều trị khỏi.
Truy tìm người trốn khỏi khu cách ly
Sáng nay (30/3), lãnh đạo Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, cơ quan chức năng đang truy tìm một người phụ nữ quốc tịch Mỹ có triệu chứng nghi nhiễm Covid-19 bỏ trốn khỏi nơi cách ly.
Cụ thể, người phụ nữ tên là Danielle Smith (29 tuổi, quốc tịch Mỹ), nhập cảnh Việt Nam ngày 13/2/2020. Thông tin ban đầu, người này từng đi Trung Quốc và Đài Loan.
Sáng 30/3, Danielle Smith đến khám tại Trung tâm Y tế quận Sơn Trà (Đà Nẵng) và có biểu hiện nghi nhiễm Covid-19 như: triệu chứng đau đầu, ho, sốt.
Ngay sau đó, Danielle Smith được xe cấp cứu đưa đến Bệnh viện 199 (Bộ Công an) để cách ly theo quy định. Tuy nhiên, khi đến nơi cách ly thì người này tự ý bỏ trốn.
Trước đó, tối 29/3, Sở Y tế tỉnh Tây Ninh cũng ra thông báo khẩn để thông tin, tìm kiếm người trốn khỏi khu cách ly tập trung tại Trường trung học cơ sở Thành Long, xã Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Thẻ căn cước công dân của Nguyễn Thành Nam - người vừa trốn khỏi khu cách ly tập trung tại xã Thành Long, H.Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Ngày 30/3, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh huyện Châu Thành (tỉnh Tây Ninh) cho biết vẫn chưa tìm được thanh niên này.
Cụ thể, lúc 16h ngày 29/3, anh Nguyễn Thành Nam, sinh 25/12/1992, ngụ tại thôn Bồng Mạc, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh (Hà Nội), căn cước công dân số 001092011750 do Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp, đã trốn khỏi khu cách ly tập trung tại xã Thành Long, huyện Châu Thành.
Để thực hiện đúng quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia và đảm bảo an toàn cho cộng đồng, Sở Y tế Tây Ninh đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Tây Ninh khẩn trương chỉ đạo lực lượng công an rà soát các khách sạn, nhà trọ để lấy thông tin về anh Nguyễn Thành Nam; Sở GTVT Tây Ninh thông báo thông tin về anh Nam cho các nhà xe, nếu phát hiện thông tin về anh Nam phải thông báo ngay cho Công an hoặc ngành y tế nơi gần nhất.
Sở Y tế Tây Ninh cũng đã có công văn đề nghị Sở Y tế thành phố Hà Nội thông báo cho địa phương để rà soát đưa anh Nguyễn Thành Nam vào cách ly theo quy định, nếu trở về địa phương.
Cô gái F2 với bệnh nhân Covid-19 đi xe khách về Thanh Hoá xét nghiệm âm tính
Sáng ngày 30/3, trao đổi với Báo Giao thông, ông Bùi Huy Hùng - Chủ tịch UBND Tx Bỉm Sơn (Thanh Hóa) cho biết, liên quan đến cô gái đi trên xe khách từ Hà Nội về Thanh Hóa đã có kết quả xét nghiệm âm tính đối với Sars-Cov-2.
"Chiều qua (29/3), đã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính với Sars-Cov-2. Hiện cô gái này vẫn đang được cách ly y tế, theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa TX Bỉm Sơn.
Riêng đối với toàn bộ hành khách đi trên xe 36B-026.96 thì lực lượng chức năng cũng đã lấy thông tin quê quán, số điện thoại từng người và yêu cầu về địa phương cách ly, theo dõi tại nhà", ông Hùng cho biết thêm.
Trước đó, vào lúc 15h, ngày 29/3, trên tuyến QL1A, sau khi nhận được tin báo, lực lượng Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Công an TX Bỉm Sơn và các lực lượng liên quan tiến hành dừng ô tô khách BKS: 36B-026.96 của nhà xe Tùng Lâm chạy tuyến Hà Nội - Thanh Hóa.
Theo tin báo, trên xe có chở chị Th.N.Tr (SN 1997, ngụ ở huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) có tiếp xúc với F1 (F1 tiếp xúc gần với người bị nhiễm Covid-19 của Công ty Trường Sinh). Tại thời điểm này, trên xe có 29 hành khách bao gồm cả lái, phụ xe.
Ngay sau đó, Tr. được đưa về Bệnh viện TX Bỉm Sơn cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Còn phương tiện và toàn bộ hành khách trên xe được đưa đến một khách sạn trên địa bàn TX Bỉm Sơn cách ly, theo dõi.
Bộ Y tế khẳng định không thiếu sinh phẩm xét nghiệm bệnh COVID-19
Báo Sức khỏe và Đời sống dẫn nguồn tin từ Bộ Y tế cho biết, không thiếu sinh phẩm xét nghiệm bệnh COVID-19, trong đó có gồm cả sinh phẩm để làm xét nghiệm real time RT-PCR, test xét nghiệm nhanh.
Trong ngày 30/3, Bộ Y tế sẽ có 100.000 sinh phẩm để chẩn đoán xét nghiệm COVID-19. Các địa phương có nhu cầu số lượng như thế nào có thể nhắn tin cho Cục Y tế Dự phòng, sau đó gửi văn bản sau để Cục tổng hợp nhanh chóng cung cấp cho các địa phương, đảm bảo việc xét nghiệm được nhanh chóng.
Trong ngày 7/4, Bộ sẽ tiếp tục mua thêm 100.000 sinh phẩm nữa để xét nghiệm. Như vậy trong tuần tới, Việt Nam sẽ có 200.000 sinh phẩm để xét nghiệm.
Hạ Long thực hiện "lệnh giới nghiêm", hàng chục người ra đường sau 22h bị đưa về khu cách ly
Báo Thanh niên đưa tin, đúng 22h ngày 29/3, chính quyền thành phố Hạ Long bắt đầu thực hiện “lệnh giới nghiêm”. Theo đó, những ai ra đường sau 22 giờ không có lý do đã bị đưa về các khu cách ly tập trung tại nhà văn hóa, trường học trên địa bàn.
Chính quyền thành phố Hạ Long đã bố trí chỗ ngủ, đồ dùng thiết yếu tại các địa điểm cách ly tập trung trên. Tất cả những người bị đưa về đây sẽ được lực lượng chức năng yêu cầu khai báo y tế, đo thân nhiệt và có người bảo lãnh về nhân thân, nơi ở, làm việc mới được ra về.
Ghi nhận trong đêm 29, rạng sáng nay, 30.3, hàng chục người dân bị đưa về các khu cách ly tập trung tỏ ra ngỡ ngàng vì không nghĩ chính quyền làm quyết liệt đến vậy. Trong số đó, có cả những người nước ngoài, vì không chấp hành quy định của chính quyền thành phố.
Hà Nam đề nghị tạm dừng khám, chữa bệnh tại BV Bạch Mai cơ sở 2
Ngày 30/3, thông tin từ UBND tỉnh Hà Nam cho biết, trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, trong đó một số ca bệnh mới phát hiện có liên quan đến BV Bạch Mai cơ sở 2 ở Hà Nam, thì UBND tỉnh có văn bản gửi Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Y tế và BV Bạch Mai đề nghị tạm dừng hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2.
Trước đó, ngày 28/3, Sở Y tế Hà Nam phối hợp với BV Bạch Mai thực hiện điều tra, theo dõi, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm của 8 trường hợp có tiền sử dịch tễ và nghi ngờ bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam. Chiều ngày 29/3, kết quả xét nghiệm cho thấy có 2 trong số 8 trường hợp này dương tính với SARS - Cov- 2.
Hiện tại, ngành y tế Hà Nam đã và đang tiếp tục tiến hành điều tra, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định đối với 15 trường hợp nghi ngờ có tiền sử dịch tễ đến thăm, khám và điều trị tại BV Bạch Mai.
Ba bệnh nhân Covid-19 nặng đang tốt lên
Bộ Y tế tối 29/3 cho biết, ba bệnh nhân nặng gồm: bác gái của "bệnh nhân 17", du khách người Anh và nam bệnh nhân người Việt 50 tuổi, liên tục trong những ngày qua được theo dõi sát. Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cùng chuyên gia đầu ngành đã hội chẩn, nỗ lực chăm sóc và điều trị.
Bệnh nhân người Anh 69 tuổi tiến triển khá hơn, bác sĩ đang cân nhắc giảm chế độ máy thở. Bệnh nhân có bệnh lý nền là đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, từ ngày 15/3 đã phải thở máy, lọc máu. Trước đó ông cùng vợ đến Việt Nam trên chuyến bay VN54 ngày 2/3, chuyến bay ít nhất 15 người nhiễm nCoV trong đó có Hồng Nhung. Sau khi nhập cảnh ông cùng vợ du lịch tới Lào Cai và ghi nhận nhiễm nCoV tại đây, được chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị.
Bác gái của "bệnh nhân 17" chạy ECMO ngày thứ 10 đang khá lên, hy vọng cai dần ECMO. Trước đó, bà suy hô hấp, tổn thương phổi nặng, được lọc máu liên tục.
Bác gái "bệnh nhân 17", 64 tuổi, nhập viện ngày 7/3, lây nhiễm nCoV từ cháu Nguyễn Hồng Nhung. Bà có bệnh lý nền rối loạn tiền đình. Ngày 15/3, bà bị khó thở tăng dần, đến khuya thì suy hô hấp. Các bác sĩ hội chẩn quyết định đặt ống khí quản, thở máy, đặt Catheter tĩnh mạch, chuyển bệnh nhân tới khoa Hồi sức tích cực, lọc máu và theo dõi điều trị.
Bộ Y tế cũng cho biết hiện 53 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế có kết quả xét nghiệm âm tính từ hai lần trở lên. 12 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính một lần.
Tìm 40.000 người từng ra vào Bệnh viện Bạch Mai
Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với 5 thành phố trực thuộc Trung ương, ngày 29/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, 15 ngày tới là “giờ vàng” quan trọng quyết định có ngăn chặn được dịch bệnh COVID- 19 hay không.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu phải có biện pháp mạnh mẽ, toàn diện đối với các ổ dịch đã được thảo luận tại cuộc họp. Với trường hợp Bệnh viện Bạch Mai và quán bar Buddha (thành phố Hồ Chí Minh), người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải có phương án riêng trên tinh thần tìm ra, khoanh lại, cách ly quyết liệt, diện rộng bằng công nghệ và các phương pháp khác để giảm thiểu lây nhiễm từ các ổ dịch này.
"Như với BV Bạch Mai, phải tìm cho được khoảng 40.000 người ra vào thời gian qua để theo dõi, sàng lọc, xử lý cụ thể từng trường hợp. Tăng cường năng lực XN tại chỗ, chẩn đoán nhanh các ca nghi ngờ. Tập trung nâng cao năng lực điều trị cho tất cả các tuyến, tập huấn điều trị cho bác sĩ, nhân viên y tế, kể cả nhân viên y tế đã về hưu", Thủ tướng nhấn mạnh.
Liên quan đến BN làm việc tại Công ty Trường Sinh, trong khi về địa phương (tỉnh Thái Nguyên) đã không khai báo từ BV Bạch Mai về mà lại khai "ở nhà không đi đâu", Thủ tướng đồng ý việc Bộ Y tế, Bộ Công an phối hợp xử lý BN này để răn đe, giáo dục.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, các Bộ liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung tăng cường năng lực xét nghiệm tại chỗ để xét nghiệm nhanh các ca nghi ngờ, quan tâm tập huấn nghiệp vụ, phác đồ điều trị cho lực lượng y tế, kể cả cho cán bộ y tế đã nghỉ hưu; quan tâm động viên, chú ý bảo đảm trang bị, trang phục phòng hộ cho cán bộ y tế, quân đội, công an… trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống dịch, ngăn ngừa lây nhiễm chéo; tăng cường huy động các bệnh viện để tham gia điều trị bệnh COVID-19.
Thủ tướng cũng đánh giá cao việc xử lý nghiêm vi phạm như Hà Nội xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, với mức 200 nghìn đồng. Thủ tướng đồng ý với Bộ Y tế, Bộ Công an phối hợp xử lý bệnh nhân 178 (khai báo vòng vo, thiếu trung thực) để răn đe, giáo dục.
Thêm một người trốn cách ly ở Tây Ninh
VnEpress đưa tin, thêm một trường hợp trốn cách ly ở Tây Ninh. Đó là Nguyễn Thành Nam, 28 tuổi, quê Hà Nội, trốn khỏi khu cách ly tại huyện Châu Thành chiều 29/3, khi chưa làm xét nghiệm nCoV.
Nam nhập cảnh vào Việt Nam từ Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài vào tối 20/3. Sau khi khai báo y tế bắt buộc, anh này được đưa về cách ly tập trung tại trường THCS Thành Long, huyện Châu Thành.
Sở Y tế Tây Ninh gửi thông báo đến các địa phương trong tỉnh khẩn trương rà soát các khách sạn, nhà trọ thông tin về thanh niên này; Sở Giao thông Vận tải phối hợp thông báo đến các nhà xe, nếu phát hiện Nam phải thông báo ngay cho công an và cơ sở y tế gần nhất.
Ngoài ra, Tây Ninh cũng đề nghị Sở Y tế TP Hà Nội phối hợp rà soát cách ly nếu người này về nhà.
Chiều hôm qua, nam thanh niên cũng trốn khỏi nơi cách ly ở huyện Bến Cầu được cảnh sát tìm thấy tại TP.HCM, đưa về khu cách ly bằng xe chuyên dụng.
Hà Nội dỡ bỏ cách ly toàn bộ tòa nhà 34T Hoàng Đạo Thúy
VOV đưa tin, tối 29/3, lực lượng chức năng phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy đã tháo bỏ hàng rào barie tại tòa nhà 34T Hoàng Đạo Thúy.
Trao đổi với PV báo này, ông Lai Mạnh Tiến – Chủ tịch UBND phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Chiều ngày 29/3, sau khi phun khử khuẩn toàn bộ toàn nhà 34T, đến tối cùng ngày các lực lượng chức năng đã tiến hành tháo dỡ barie, chốt ngăn chặn cách ly tại khu vực tòa nhà 34T Hoàng Đạo Thúy".
Theo ông Tiến, việc dựng hàng rào, lập chốt cách ly, giám sát chặt chẽ hoạt động của tòa nhà 34T Hoàng Đạo Thúy do có trường hợp dương tính với Covid-19, là để khử khuẩn, lập danh sách người tiếp xúc với bệnh nhân 183…
“Sau khi khử khuẩn, hoàn thành lập danh sách người tiếp xúc, các lực lượng chức năng đã tiến hành tháo dỡ hệ thống rào chắn trong khu vực. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khuyến cáo những cư dân thuộc tòa nhà này nên cách ly tại nhà và hạn chế đi lại ra bên ngoài. Đặc biệt những cư dân tại tầng 26 nơi có bệnh nhân dương tính, chúng tôi đã thông báo tự cách ly tại nhà và cần nhu cầu gì thì sẽ có một đội thuộc ban quản trị tòa nhà giúp đỡ ”, ông Tiến cho biết thêm.
Theo người dân trong tòa nhà, hiện tại mặc dù đã dỡ bỏ cách ly nhưng cư dân trong khu nhà khá hoang mang, đi lại rất hạn chế. Lực lượng chức năng khuyến cáo nên hạn chế đi lại, tầng 25, 26, 27 đặc biệt được quan tâm hơn khi yêu cầu cách ly tại căn hộ.
Thủ tướng yêu cầu rà soát, sẵn sàng phương án cách ly cả thành phố
Tối 29/3, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp với 5 thành phố trực thuộc TƯ về phòng, chống dịch Covid-19.
Thông báo nhấn mạnh cả nước đã bước vào giai đoạn cao điểm, có ý nghĩa quyết định phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng đề nghị các ngành, các cấp trong cả nước nhất là 5 thành phố trực thuộc Trung ương tập trung cao độ, thần tốc hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch đã đề ra.
Đồng thời, tích cực chuẩn bị mọi điều kiện về nhân lực, vật chất sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh trên diện rộng bảo đảm phương châm 4 tại chỗ; kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa người từ vùng có dịch đến các vùng khác; sẵn sàng hỗ trợ, chi viện cho các địa phương quá tải khi có yêu cầu.
Bộ Y tế, các Bộ liên quan và các địa phương trong cả nước cần rà soát, cập nhật phương án huy động nhân lực, cơ sở vật chất, bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu khi dịch lây lan trên diện rộng.
Các thành phố trực thuộc Trung ương là địa bàn tập trung đông dân cư và các hoạt động kinh tế - xã hội, mật độ giao lưu lớn hơn rất nhiều các địa phương khác. Kết quả phòng, chống dịch tại các thành phố này có ý nghĩa quyết định đến thành quả chung của cả nước.
UBND các thành phố phải có phương án, giải pháp phòng, chống dịch phù hợp đặc thù của địa phương mình, tập trung và ưu tiên đối với các khu vực, địa bàn nhiều nguy cơ như chung cư, cao ốc, văn phòng, chợ dân sinh, bệnh viện, đầu mối giao thông. Tiếp tục phát huy cả hệ thống chính trị, trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch.
Chính quyền cấp cơ sở phải đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để phát hiện sớm nhất các nguồn lây; đề nghị mọi người dân khai báo y tế và thực hiện giám sát chặt chẽ các trường hợp có nguy cơ. Có giải pháp bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động tại các thành phố. Khẩn trương thiết lập hệ thống chỉ đạo, điều hành theo dõi diễn biến, phòng chống dịch và điều trị bệnh của từng thành phố.
Sẵn sàng mọi điều kiện (nhân lực, phương tiện, bệnh viện dã chiến, lương thực thực phẩm…) cho mọi tình huống, bảo đảm ứng phó ngay lập tức, kể cả khi áp dụng tình trạng khẩn cấp về dịch hoặc khi phải áp dụng các biện pháp như giới nghiêm, thiết quân luật.
UBND thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh rà soát, cập nhật phương án phòng, chống dịch trên địa bàn, bảo đảm sẵn sàng cho cả phương án cách ly toàn thành phố. Đảm bảo nguồn lực, nhất là lương thực, thực phẩm cho nhân dân trong mọi tình huống. Xử lý nghiêm đầu cơ tăng giá vật tư y tế và lương thực thực phẩm.
Hạn chế vận tải khách, dừng dịch vụ xổ số, trò chơi có thưởng
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo dừng các chuyến bay vận chuyển hành khách đến Việt Nam và hạn chế tối đa các chuyến bay vận chuyển hành khách từ Hà Nội, Hồ Chí Minh đến các địa phương khác và ngược lại trong vòng 2 tuần tới, trừ trường hợp đặc biệt; giãn cách, giảm mật độ vận chuyển hành khách bằng xe lửa, xe khách, xe bus; áp dụng chặt chẽ việc kiểm tra y tế và các biện pháp ngăn ngừa lây lan dịch bệnh trên các phương tiện giao thông công cộng.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thông tin tạo sự đồng thuận, tin tưởng và tự giác tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của nhân dân; kịp thời biểu dương và khen thưởng các điển hình tiên tiến, làm lan tỏa mạnh mẽ các hoạt động chia sẻ, hỗ trợ và các giá trị tốt đẹp của dân tộc, tránh gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.
Các Bộ: Y tế, Công an và các cơ quan liên quan phối hợp xử lý nghiêm, kể cả về hình sự các trường hợp không khai báo, khai báo không đúng, không chấp hành cách ly, trước mắt xem xét xử lý nghiêm việc khai báo không trung thực của bệnh nhân số 178. Xử lý những trường hợp bịa đặt làm ảnh hưởng tâm lý người dân.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đổi mới phương thức làm việc, tăng cường các hoạt động trực tuyến; rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản thủ tục hành chính; có chế độ làm việc phù hợp trong đợt cao điểm phòng, chống dịch; tạm dừng dịch vụ xổ số, trò chơi có thưởng, hoạt động casino trong vòng 15 ngày, kể từ ngày 1/4/2020.
Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xử lý vấn đề người nhập cảnh không trở về Campuchia khi hết thời hạn cách ly tập trung.
Diễn biến khác liên quan cập nhật Covid-19: Cả thế giới đã có gần 34.000 người chết
Cụ thể, theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến 6h sáng ngày 30/3, tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 (gây dịch bệnh Covid-19) trên toàn thế giới là 720.217 trường hợp, trong đó 33.903 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm bệnh đã phục hồi là 150.918 trường hợp. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 199 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tại Mỹ, đến sáng sớm 30/3, ít nhất 135.738 người trên tất cả bang của Mỹ và thủ đô Washington, D.C. đã dương tính với virus, theo thống kê của New York Times. Ít nhất 2.391 người đã tử vong. Ít nhất 20 bang đang có trên 1.000 ca nhiễm bên trong ranh giới của mình.
New York vẫn là bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với 59.513 ca nhiễm, tăng gần 7.200 so với ngày trước đó. Hơn một nửa số ca nhiễm là ở thành phố New York, với 33.768 ca. Số ca tử vong trên toàn bang là 965, tăng 237 so với ngày trước đó - mức tăng lớn nhất theo ngày để từ đầu dịch.
Trên truyền hình vào ngày 29/3, thống đốc một số bang khác của Mỹ cũng lo ngại các bệnh viện của họ sẽ quá tải với bệnh nhân Covid-19 như ở New York.
Hệ thống bệnh viện ở New York đang quá tải, trong khi các quan chức cảnh báo tình trạng thiếu hụt thiết bị. “Chúng tôi chỉ có đủ thiết bị để dùng cho một tuần nữa, ngoại trừ máy thở, chúng tôi cần thêm vài trăm máy thở ngay lập tức”, Thị trưởng New York Bill de Blasio nói với CNN ngày 29/3.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận