Xã hội

Covid-19 ngày 6/3: 1 nhân viên y tế dương tính, Hải Dương phong tỏa 400 hộ

Tin tức dịch Covid-19 ngày 6/3 tại Việt Nam: Người này đi cách ly tại khu tập trung từ 25/2.

img

Thống kê của Bộ Y tế số ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam và thế giới tính đến 6h ngày 6/3/2021.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hải Dương hôm nay xác nhận thông tin về một trường hợp dương tính mới, đó là anh N.Đ.D. (34 tuổi, nhân viên Trạm y tế xã Đại Hợp, huyện Tứ Kỳ).

N.Đ.D dương tính lần 1 với Covid-19. Người này đã được cách ly tập trung từ trước, không ở trong cộng đồng. Anh N.Đ.D là nhân viên Trạm y tế xã Đại Hợp, từng tiếp xúc với F0 là nhân viên bán xăng.

Theo đó, hằng ngày anh D. đến Trạm y tế xã Đại Hợp, hết giờ về nhà, tiếp xúc gia đình.

Ngày 20/2, anh trực ở Trạm y tế xã, có tiếp xúc T.C.L. (nhân viên cây xăng, đã được xác định mắc Covid-19). Ngày 25/-2, anh được cách ly tại khu tập trung Đại Sơn.

Đến ngày 5/3, nam nhân viên y tế được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương đang tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm để có kết quả khẳng định.

Ngay sau khi có thông tin trên, chính quyền địa phương đã phong tỏa, phun khử khuẩn nơi ở của bệnh nhân ở thôn Mỹ Đức (xã Quảng Nghiệp, huyện Tứ Kỳ) và một khu vực liên quan với khoảng 400 hộ dân.

Qua truy vết, ngành chức năng xác định có 14 F1, tất cả đã được đưa đi cách ly tập trung.

Chiều 6/3, thêm 6 ca mắc Covid-19 đều ở Hải Dương

Bản tin 18h ngày 6/3 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết, có 6 ca mắc mới đều ghi nhận tại Hải Dương, trong đó 3 ca tại huyện Kim Thành, 3 ca tại Kinh Môn, đều là trường hợp F1.

Tính đến 18h ngày 06/3: Việt Nam có tổng cộng 1584 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 891 ca.

Trong đó, riêng Hải Dương có 706 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TP. Hồ Chí Minh (36 ca ), Hoà Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (3 ca).

10 tỉnh, thành phố đã qua 21 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới COVID-19 trong cộng đồng gồm: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh.

Hà Nội, đã 18 ngày không có ca bệnh COVID-19 mắc mới tại cộng đồng.

Hải Phòng: tính từ ca bệnh mắc gần nhất đến nay đã 11 ngày, thành phố này không có ca bệnh COVID-19 mắc mới tại cộng đồng.

- Tính từ 6h đến 18h ngày 06/3: 06 ca mắc mới, trong đó có 0 ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Tiêm vắcxin đợt đầu cho 900 nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM

VietnamPlus dẫn thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết, Bộ Y tế đã quyết định tiêm vắcxin phòng Covid-19 cho 900 nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới vào ngày 8/3.

Đây là những nhân viên y tế đầu tiên của khu vực phía Nam được ưu tiên tiêm vắcxin AstraZeneca ngừa Covid-19.

900 nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh là những người trực tiếp tiếp nhận, chăm sóc, điều trị hoặc có tiếp xúc với các nguồn nguy cơ sẽ được tiêm vắcxin đợt đầu tiên.

Cụ thể, có 7 đối tượng của bệnh viện được lựa chọn tiêm vắcxin gồm nhân viên y tế của Khoa Nhiễm D; Khoa Cấp cứu; Khoa Khám bệnh; Phòng Công tác xã hội; Phòng Xét nghiệm sinh học phân tử; Khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn và các trưởng, phó phòng chức năng cùng Ban Giám đốc bệnh viện.

Thời gian tiêm được chia theo hai ca, buổi sáng và buổi chiều ngày 8/3.

Sở dĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên được lựa chọn tiêm vắcxin phòng COVID-19 bởi nơi đây thường xuyên thực hiện việc tiêm ngừa các bệnh truyền nhiễm cho người dân; do đó việc tổ chức tiêm vắcxin tại đây rất phù hợp khi có đội ngũ nhân sự có kinh nghiệm, có các phác đồ chống sốc, cùng các trang thiết bị để hồi sức.

Bên cạnh đó, từ khi dịch COVID-19 bùng phát cho đến nay Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là đơn vị nòng cốt trong việc tiếp nhận điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 nặng; điều động lực lượng quản lý Bệnh viện Dã chiến Củ Chi và chi viện cho các tỉnh miền Trung chống dịch.

Hà Nội dừng giãn cách trên phương tiện vận tải công cộng từ ngày 8/3

Ngày 6/3, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thông tin về việc tổ chức các hoạt động vận tải hành khách nội tỉnh, bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Đào Việt Long, đối với hoạt động vận tải trên địa bàn thành phố (các tuyến vận tải hành khách cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe buýt), từ 0h ngày 8-3 không thực hiện việc giãn cách hành khách trên các phương tiện vận tải hành khách công cộng. Tuy nhiên, các đơn vị liên quan vẫn phải thực hiện nghiêm biện pháp ngăn ngừa dịch Covid-19 và thực hiện tốt thông điệp "5K" (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế).

Các doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện phải yêu cầu lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, hành khách đeo khẩu trang đúng cách theo khuyến cáo của Bộ Y tế trong suốt thời gian di chuyển. Trên phương tiện phải có dung dịch sát khuẩn tay (có ít nhất 60% nồng độ cồn), dung dịch khử khuẩn, thùng rác có nắp đậy; thực hiện việc khử khuẩn các bề mặt phương tiện trước và ngay sau khi kết thúc chuyến đi.

TP.HCM: Phong tỏa khách sạn có 35 người Trung Quốc nghi nhập cảnh trái phép

Đến 16h ngày 6/3, lực lượng chức năng quận 1 (TP.HCM) vẫn đang phối hợp với cơ quan y tế quận tiến hành phun thuốc, phong tỏa một khách sạn trên đường Lý Tự Trọng (phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM), điều tra, làm rõ vụ nhóm khoảng 35 người nghi là người Trung Quốc nhập cảnh trái phép đang cư trú.

img

Lực lượng chức năng đang tiến hành phong tỏa khu vực khách sạn nơi 35 người Trung Quốc nghi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Được biết, rạng sáng cùng ngày, nhóm này di chuyển bằng xe buýt (BKS 51B - 310xx) về khách sạn trên thì bị cơ quan chức năng bất ngờ kiểm tra, bắt giữ.

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, cơ quan chức năng quận 1 đang phong tỏa khu vực khách sạn nhóm đối tượng này lưu trú, đồng thời xét nghiệm nhanh Covid-19, đưa đi cách ly theo quy định, làm rõ danh tính và xử lý theo quy định của pháp luật.

Sáng 6/3, có 7 ca mắc COVID-19, riêng Hải Dương đã 6 ca

Bản tin 6h ngày 6/3 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết có 7 ca mắc mới COVID-19, trong đó riêng Hải Dương đã ghi nhận 6 ca; 01 ca còn lại là chuyên gia nhập cảnh được cách ly ngay tại Thái Nguyên.

Cụ thể, 2 ca tại huyện Cẩm Giàng: F1 của BN2419; cách ly tập trung từ 24/2/2021 (BN2496); F1 của BN2155; cách ly tập trung từ 17/02/2021 (BN2497).

1 ca tại TP Hải Dương: là F1 của BN2237; cách ly tập trung từ ngày 2/2/2021 (BN2498).

3 ca tại TP Chí Linh: F1 của BN1906; cách ly tập trung từ ngày 29/01/2021 (BN2499); F1 của BN1897; cách ly tập trung từ ngày 03/02/2021 (BN2500); F1 của BN2194; cách ly tập trung từ ngày 11/02/2021 (BN2501).

Hiện cả 6 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2 - Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.

BN2495 là ca bệnh được cách ly ngay sau nhập cảnh tại Thái Nguyên: nam, 42 tuổi, là chuyên gia, quốc tịch Hàn Quốc.

Ngày 19/02/2021, bệnh nhân từ Hàn Quốc nhập cảnh Sân bay Nội Bài trên chuyến bay OZ733, được cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại Thái Nguyên. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 05/03/2021 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Như vậy, tính đến 6h ngày 6/3, Việt Nam có tổng cộng 1.578 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước.

Trong đó, riêng Hải Dương có 701 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TP. Hồ Chí Minh (36 ca ), Hoà Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (3 ca).

10 tỉnh, thành phố đã qua 21 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới COVID-19 trong cộng đồng gồm: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TP Hồ Chí Minh.

img

Hà Nội đã 18 ngày không có ca bệnh COVID-19 mắc mới tại cộng đồng.

Hải Dương lập đội xử lý tình trạng khẩn cấp do Chủ tịch thị xã làm đội trưởng

Ông Lưu Văn Bản - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu thiết lập ngay đội "xử lý tình trạng khẩn cấp" do Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn làm đội trưởng, triển khai cấp bách các biện pháp cấp bách phòng dịch trên địa bàn.

Yêu cầu thị xã Kinh Môn rà soát, đánh giá nguy cơ về dịch bệnh, đề ra các giải pháp quyết liệt, đặc biệt lưu ý đối với các địa bàn xã, phường có nhiều F0, F1 cần tiếp tục khoanh vùng, cách ly xóm, thôn, cụm dân cư. Thậm chí khoanh vùng, cách ly toàn xã, phường còn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh để quản lý, giám sát chặt chẽ hơn thêm một thời gian.

Thị xã Kinh Môn cần ban hành ngay quy định biện pháp phòng chống dịch trên toàn địa bàn đối với từng khu vực, địa điểm cụ thể. Thiết lập ngay đội “xử lý tình trạng khẩn cấp” về y tế do Chủ tịch UBND thị xã làm đội trưởng.

Giao Bí thư Thị ủy Kinh Môn chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị khẩn trương rà soát, kiện toàn BCĐ phòng chống COVID-19 cấp thị xã, xã phường và các tổ COVID-19 cộng đồng. Đồng thời, chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy về công tác phòng dịch.

Giao Phó bí thư Thường trực Thị ủy Kinh Môn thành lập đoàn kiểm tra và các tổ kiểm tra liên ngành giám sát lực lượng tham gia phòng chống dịch trên địa bàn.

Đặc biệt yêu cầu Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn trực tiếp chỉ đạo cấp xã, tổ COVID-19 cộng đồng triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Rà soát bộ máy quản lý các khu cách ly tập trung, ban hành quy định siết chặt quản lý các khu cách ly, phong tỏa. Bổ sung các quyết định thành lập, kiện toàn bộ máy quản lý đối với từng khu cách ly tập trung nhằm siết chặt kỷ cương, nâng cao ý thức, trách nhiệm người làm nhiệm vụ.

img

Sau ba ngày TP Chí Linh chuyển sang trạng thái mới, phòng chống COVID-19 theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt.

Nam sinh ở Chí Linh dương tính SARS-CoV-2 sau 8 lần xét nghiệm

Lực lượng y tế TP Chí Linh ghi nhận một nam học sinh (11 tuổi, ở Bến Tắm, phường Hoàng Tân) dương tính SARS-CoV-2 sau 8 lần xét nghiệm. Tuy nhiên trường hợp này là F1 trước đó, được cách ly từ đầu nên không có F1, F2 mới.

Trước đó, chiều 5/3, đại diện Trung tâm Y tế TP Chí Linh thông tin, sau ba ngày TP Chí Linh chuyển sang trạng thái mới, phòng chống COVID-19 theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt. Hiện toàn thành phố chỉ còn 89 trường hợp F1 (trong đó 41 người liên quan Công ty Poyun) đang được cách ly tại Trung đoàn 125.

Đại diện TTYT TP Chí Linh cho biết, tối 4/3 Bệnh viện Nhiệt đới TƯ thông báo một ca bệnh khi hoàn thành điều trị được về nhà, lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm lại cho kết quả nghi ngờ dương tính SARS-CoV-2 nên đã nhanh chóng đưa người này trở lại Bệnh viện Đại học Hải Dương.

Trước đó, ngày 3/3 qua xét nghiệm, ngành y tế cũng phát hiện bé N.H.N (SN 2009, ở khu Bến Tắm, phường Hoàng Tân) dương tính SARS-CoV-2 sau 8 lần xét nghiệm.

Đây là trường hợp F1, được cách ly từ trước, ủ bệnh trong thời gian dài. Do đó, khi nam sinh trở thành F0, thì chỉ có bố mẹ là người tiếp xúc gần vì cùng được cách ly từ trước. Trường hợp này không phải ca mắc trong cộng đồng và hiện đang được điều trị, theo dõi, sức khỏe tốt.

img

Hải Dương tổ chức xét nghiệm sàng lọc các học sinh, sinh viên chuẩn bị đến địa phương khác học tập.

Nữ sinh ở Hải Dương nghi mắc Covid-19 xét nghiệm âm tính

Sinh viên nữ ngụ ở phường Ngọc Châu, TP Hải Dương, nghi mắc Covid-19, kết quả xét nghiệm ngày 5/3 cho kết quả âm tính.

Theo ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương, xét nghiệm do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và CDC cùng thực hiện, mang giá trị khẳng định. Vì vậy, nữ sinh được kết thúc cách ly, nơi cư trú được gỡ bỏ phong tỏa.

Trước đó, nữ sinh được phát hiện dương tính nCoV khi tỉnh Hải Dương tổ chức xét nghiệm sàng lọc các học sinh, sinh viên chuẩn bị đến địa phương khác học tập. Ngay sau đó, phường Ngọc Châu đã phun khử khuẩn, dựng rào chắn phong tỏa tạm thời khu vực cô gái sống và khuyến cáo nữ sinh tự cách ly tại nhà.

Hải Dương đã ghi nhận 695 ca nhiễm cộng đồng trong đợt dịch bùng phát từ cuối tháng 1 đến nay. Tỉnh cũng kết thúc cách ly xã hội từ ngày 3/3. Ngoài Hải Dương, có 12 tỉnh, thành khác cũng ghi nhận các ca nhiễm cộng đồng, gồm Quảng Ninh (61), TP HCM (36), Hà Nội (35), Gia Lai (27), Bình Dương (6), Bắc Ninh (5), Hải Phòng (4), Điện Biên (3), Hòa Bình, Hưng Yên và Bắc Giang mỗi nơi 2 ca, Hà Giang một ca. Tổng ca nhiễm tích lũy từ đầu dịch đến nay là 2.488, tổng số khỏi 1.920.

img

Người tình nguyện tham gia nghiên cứu sẽ được tiêm 2 mũi (tiêm vaccine hoặc tiêm giả dược) cách nhau 28 ngày.

Hơn 500 tình nguyện viên đăng ký tiêm vaccine COVIVAC

Đã có hơn 500 tình nguyện viên đăng ký tiêm thử nghiệm vaccine COVIVAC tính đến 15h ngày 5/3.

Trước đó, trong sáng 5/3, tại Trung tâm Dược lý lâm sàng, Đại học Y Hà Nội bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đăng ký của các tình nguyện viên thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine COVID-19 thứ 2 của Việt Nam (vaccine COVIVAC).

Trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, Trung tâm Dược lý lâm sàng, Đại học Y Hà Nội sẽ phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện thử nghiệm trên 120 tình nguyện viên khoẻ mạnh, từ 18-59 tuổi.

COVIVAC là vaccine dạng dung dịch có hoặc không có tá chất bổ trợ, không có chất bảo quản, với công nghệ sản xuất là vaccine vector Newcastle (NDV), gắn gen biểu hiện Protein S của virus SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vaccine dự phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam.

Nghiên cứu giai đoạn 1 dự kiến sẽ tiến hành tuyển chọn 120 người tình nguyện là người khỏe mạnh, chia thành 05 nhóm: 03 nhóm vaccine không có tá chất với các mức liều 1 mcg, 3 mcg, 10 mcg, 01 nhóm vaccine mức liều 1 mcg có bổ sung tá chất và nhóm giả dược (placebo).

Người tình nguyện tham gia nghiên cứu sẽ được tiêm 2 mũi (tiêm vaccine hoặc tiêm giả dược) cách nhau 28 ngày.

Sau khi thu thập được kết quả nghiên cứu giai đoạn 1 vào ngày 43 của tất cả những người tình nguyện, nếu vaccine cho thấy đạt các tiêu chuẩn về an toàn và tạo được miễn dịch có khả năng phòng bệnh thì sẽ tiếp tục triển khai nghiên cứu giai đoạn 2 với cỡ mẫu lớn hơn.

img

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết dự kiến tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên vào 8/3. Ảnh: VGP.

Việt Nam sẽ tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên ngày 8/3

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, nhu cầu về vaccine hiện nay lớn nhưng nguồn cung của thế giới còn hạn chế. Nhiều nước sẵn sàng mua vaccine dưới dạng kỳ vọng, thậm chí có hơn 30 nước đăng ký mua gấp nhiều lần nhu cầu thực tế.

"Việc đảm bảo đủ vaccine rất khó khăn trong khi đây là những vaccine mới phát triển, chưa có nghiên cứu đủ lâu để khẳng định chất lượng, hiệu quả bảo vệ. Vì vậy, quan điểm của Bộ Y tế là bên cạnh việc mua vaccine từ nước ngoài, phải tập trung nghiên cứu, sản xuất, chủ động bằng nguồn trong nước", Bộ trưởng Y tế nói.

Trưa 24/2, hơn 117.600 liều vaccine AstraZeneca đã về tới Việt Nam và đến nay đã có giấy kiểm định chất lượng lô vaccine này, khẳng định đảm bảo điều kiện tiêm cho người dân Việt Nam.

Theo kế hoạch, ngày 6/3, Bộ trưởng Y tế sẽ chủ trì hội nghị triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, tập huấn trên toàn quốc trong vấn đề hướng dẫn tiếp nhận, sử dụng, bảo quản vaccine cũng như xử lý tai biến sau tiêm…

Dự kiến hai ngày sau (8/3), những liều vaccine phòng Covid-19 đầu tiên được tiêm cho người dân Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Thủ tướng.

Vaccine trước hết được tiêm tại 18 cơ sở đang điều trị bệnh nhân Covid-19 (những người trực tiếp tham gia quá trình điều trị bệnh nhân); các đối tượng theo Nghị quyết 21; các vùng dịch (tập trung cho 13 tỉnh có dịch, trong đó tập trung nhất cho Hải Dương do lượng vaccine lần này quá ít so với nhu cầu thực tế).

Những người được tiêm chủng sẽ được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khoẻ điện tử, có chứng nhận điện tử đã được tiêm vaccine.

img

Đà Nẵng dỡ bỏ 14 chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại cửa ngõ thành phố

Đà Nẵng dỡ bỏ 14 chốt kiểm soát dịch Covid-19

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có thông báo tạm dừng hoạt động tại các chốt kiểm dịch liên ngành vị trí cửa ngõ ra, vào thành phố từ 8h ngày 5/3 cho đến khi có thông báo mới.

Công an TP Đà Nẵng cho biết, đã yêu cầu công an các đơn vị phối hợp Phòng Hậu cần, các đơn vị chức năng thuộc UBND các quận, huyện có chốt thu gom các trang thiết bị, dọn vệ sinh tại khu vực xung quang chốt kiểm dịch.

Đồng thời, sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị để triển khai ngay khi có thông báo của UBND thành phố.

Trước đó, ngày 6/2, Ban Chỉ đạo phòng chống, dịch Covid-19 Đà Nẵng quyết định thành lập các chốt kiểm soát dịch liên ngành tại các vị trí cửa ngõ ra, vào thành phố.

Theo đó, thành phố thành lập 14 chốt tại: tuyến đường Tạ Quang Bửu, tuyến đường Hoàng Văn Thái - đoạn gần bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu); tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài - tuyến đường dẫn hầm Hải Vân.

Tuyến đường 14G - đoạn chân núi Thần Tài Quốc lộ 14B - đoạn gần quán Dê 89, Quốc lộ 1A - đoạn ngã ba Tứ Câu, tỉnh lộ 605 - đoạn lên núi Bồ Bồ, Quốc lộ 14B - bên cạnh Trạm Cảnh sát giao thông Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang); Dự án tổ hợp du lịch và giải trí Cocobay - tuyến đường Trường Sa, điểm cuối tuyến đường Trần Đại Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn).

Bến xe trung tâm thành phố (quận Cẩm Lệ); Ga đường sắt Đà Nẵng (quận Thanh Khê); Cảng Đà Nẵng (quận Sơn Trà); Ga nội địa - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng (quận Hải Châu).

Chốt kiểm soát dịch liên ngành thực hiện nhiệm vụ 24/24 giờ, liên tục các ngày trong tuần, bắt đầu từ ngày Quyết định này có hiệu lực đến khi có thông báo kết thúc nhiệm vụ của Chủ tịch UBND thành phố

img

Sở GD&ĐT Hải Phòng cũng yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp về phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo đúng chỉ đạo của các cấp.

Học sinh Hải Phòng chính thức đi học trở lại từ 8/3

Sở GD&ĐT Hải Phòng vừa ra văn bản số 403/SGDĐT-VP về việc học sinh đi học trở lại từ ngày 8/3/2021.

Theo đó, Sở GD&ĐT Hải Phòng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị giáo dục triển khai việc thông báo tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường liên cấp; Trung tâm GDNN-GDTX, Trung tâm Ngoại ngữ, Tin học, Trung tâm Tư vấn du học hoạt động trở lại từ ngày 8/3/2021.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT Hải Phòng cũng yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp về phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo đúng chỉ đạo của các cấp; yêu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp ”5K” của Bộ Y tế.

Trước đó, ngày 4/3, UBND TP Hải Phòng có Văn bản số 1339/UBND-VX về việc điều chỉnh một số hoạt động trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, kể từ 18h ngày 4/3/2021, tiếp tục duy trì hoạt động các Tổ kiểm soát dịch bệnh Covid-19 ở các thôn của các xã tiếp giáp với tỉnh Hải Dương. Các Tổ kiểm soát dịch bệnh Covid-19 ở các thôn, tổ dân phố còn lại chuyển sang hoạt động theo hình thức tự nguyện, tự quản.

Cho phép hoạt động trở lại các lễ hội, nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự: các giải đấu thể thao; tổ chức ăn uống tập thể (đám hiếu, hỉ, tiệc liên hoan…) nhưng không được tập trung quá 20 người.

Các hãng taxi trên địa bàn thành phố được hoạt động 100% số đầu xe và chỉ được vận chuyển không quá 50% số người cho phép đối với mỗi phương tiện; phải thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh.

img

Phương pháp gộp mẫu tăng năng lực sàng lọc số lượng người xét nghiệm.

Anh: Thêm một biến chủng COVID-19 mới được phát hiện

Một biến chủng COVID-19 mới xuất hiện ở Anh đang được các nhà khoa học nước này đưa vào danh sách theo dõi và nghiên cứu.

Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) cho biết đã phát hiện 16 ca mắc mới liên quan đến một biến chủng mới được xác định lần đầu hôm 15/2 thông qua giải mã trình tự gen. Biến chủng mới này được gọi là VUI-202102/04 hay B.1.1.318, đã được liệt ngay vào danh sách cần được theo dõi và điều tra của quốc gia này.

PHE nói thêm tất cả những người có kết quả xét nghiệm dương tính với biến chủng mới và những người có tiếp xúc với họ đã được giới chức y tế Anh khoanh vùng cũng như khuyến nghị cách ly.

Các biến chủng mới thường xuyên xuất hiện và các chuyên gia sẽ tiến hành phân tích thường xuyên để xác định liệu chúng có đáng lưu tâm hay không. Giới chức khoa học Anh được cho là đang theo dõi 4 biến chủng đang được điều tra (VUI) và 4 biến chủng đáng quan tâm (VOC).

Theo công bố từ PHE, biến chủng mới B.1.1.318 chứa đột biến E484K, từng được tìm thấy trong hai VUI ở Anh. E484K còn được gọi là "đột biến trốn thoát" bởi nó có thể qua mặt một số kháng thể trong vắc-xin.

Anh đang là vùng dịch lớn thứ tư thế giới với hơn 4,2 triệu ca mắc và hơn 124.000 ca tử vong do COVID-19. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 4/3 đã cảnh báo đà lây nhiễm tại các nước châu Âu đã tăng trở lại sau 6 tuần giảm tốc liên tục.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.