Cập nhật tin tức mới nhất Covid-19 tại TP.HCM
Tính từ 6h - 19h ngày 30/7, Bộ Y tế đã công bố thêm 1.542 trường hợp nhiễm mới tại TP HCM.
Phường 19, quận Bình Thạnh bị phong tỏa.
Theo Bộ Y tế, tính từ 6h - 19h ngày 30/7, ghi nhận thêm 1.542 trường hợp nhiễm mới Covid-19 tại TP HCM.
Như vậy tính từ 18h30 ngày 29/7 - 19h ngày 30/7, Thành phố ghi nhận 4.282 trường hợp nhiễm mới.
Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố đã có tổng cộng 86.063 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.
Thành phố đang triển khai mạng lưới tư vấn sức khỏe gồm chuyên gia y khoa, y bác sĩ, người có kiến thức về ngành y để tư vấn việc cách ly tại nhà từ xa thông qua hệ thống tổng đài của Trung ương và địa phương.
Các tình nguyện viên đang sinh sống trên địa bàn Thành phố cũng được huy động để thăm khám, hướng dẫn, giúp người dân có thể tự chăm sóc sức khoẻ khi cách ly tại nhà.
Nhìn từ biểu đồ dịch COVID-19 với số ca F0 đang đi ngang, cho thấy TP HCM đã rất nỗ lực trong công tác phòng chống dịch thời gian qua. Nếu Thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định, cộng với sự nỗ lực của các lực lượng và có sự hợp tác đầy đủ của người dân thì tình hình dịch sẽ sớm ổn định và có chuyển biến tích cực hơn.
Thành phố kêu gọi bản thân mỗi người dân hãy chia sẻ, chung sức và nghiêm túc thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, quy định của khu cách ly, khu phong tỏa, kiên quyết giữ vững các “vùng xanh không dịch” hiện có và tiếp tục mở rộng thêm nhiều vùng xanh.
Gỡ phong tỏa phường 19, quận Bình Thạnh từ ngày 31/7
Ngày 30/7, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quận Bình Thạnh, TP.HCM ban hành quyết định dừng thiết lập cách ly y tế vùng có dịch Covid-19 đối với phường 19 từ 0h ngày 31/7.
UBND quận Bình Thạnh giao UBND phường 19 thực hiện nghiêm việc quản lý phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo Chỉ thị số 12-CT/TU của Thành ủy TP.HCM và Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Bên cạnh đó, đánh giá để xác định phạm vi phong tỏa từng khu vực phù hợp trên địa bàn phường.
Thực hiện triệt để các quy định về giãn cách, nhất là việc đảm bảo giãn cách giữa người và người, gia đình với gia đình; thực hiện triệt để các yêu cầu, quy định phòng, chống dịch.
Ngoài ra, thường xuyên thực hiện đánh giá mức độ an toàn tại khu vực có nguy cơ cao, kịp thời có giải pháp đảm bảo các điều kiện an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn phường.
Trước đó, từ 0h ngày 22/7, quận Bình Thạnh đã thực hiện phong tỏa toàn bộ phường 19 khi các ca nhiễm và nghi nhiễm Covid-19 tại khu vực này có chiều hướng tăng lên.
1.000 đơn vị máu cấp cứu ca bệnh nặng đã đến TP.HCM
Lúc 1h sáng ngày 30/7, chuyến bay chở 1.000 đơn vị máu từ Hà Nội khởi hành và đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) chỉ sau 3 tiếng. Ngay sau đó, những đơn vị máu này được đưa tới kho máu của Bệnh viện Chợ Rẫy để phục vụ điều trị, cấp cứu bệnh nhân COVID-19 nặng.
Những ngày qua, tình trạng thiếu máu điều trị diễn ra trầm trọng, nguy hiểm nhất là thiếu máu điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Trong tháng 7, đã hai lần liên tiếp Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy phát đi lời kêu gọi hiến máu. Đến ngày 28/7, Trung tâm chỉ còn 1.700 đơn vị máu. Nếu không được bổ sung, lượng máu này chỉ cung cấp được chưa đầy một tuần.
Dù lượng máu dự trữ tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cũng đang rất hạn chế nhưng để chia sẻ với khó khăn này, ngay sau khi trao đổi với Giám đốc Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, lãnh đạo Viện đã chỉ đạo ngay lập tức lên kế hoạch, phương án dành 1.000 đơn vị máu và khẩn trương vận chuyển tới Bệnh viện Chợ Rẫy.
TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trưng ương chia sẻ: “Vài ngày qua, sau những nỗ lực kêu gọi, lượng người hiến máu tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã tăng lên đáng kể. Chúng tôi nghĩ cần phải làm gì đó khi chúng ta vẫn có thể tiếp nhận máu, vẫn phối hợp được để góp sức cùng miền Nam kiên cường chống dịch. Nếu không giúp đỡ thì chỉ trong vài ngày nữa, không còn đơn vị máu nào để phục vụ nhu cầu điều trị, đặc biệt cho bệnh nhân COVID-19 nặng”.
Theo đó, lúc miền Bắc khó khăn, hàng ngàn đơn vị máu của đồng bào Tây Nguyên tại Lâm Đồng, Đắk Lắk đã vượt cả nghìn cây số ra đến Hà Nội, chi viện cho các tỉnh, thành phố phía Bắc. Khi miền Nam cần tiếp viện, những đơn vị máu cứu người từ Hành trình Đỏ của Hải Dương, Nam Định, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Nội… cũng lập tức được chuyển tới Bệnh viện Chợ Rẫy.
Thêm 2.740 ca mắc mới Covid-19, tổng số ca hơn 84.500
Số ca Covid-19 mới nâng tổng số ca nhiễm tại TP HCM lên 84.521 ca
Tin tức Covid-19 mới nhất ngày 30/7, theo bản tin của Bộ Y tế, tính từ 18h30 ngày 29/7 đến 6h ngày 30/7 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.992 ca mắc mới, trong đó 5 ca nhập cảnh và 4.987 ca ghi nhận trong nước.
Số ca mắc ghi nhận tại TP. HCM cao nhất với 2.740, tiếp đến Bình Dương (1.284), Tiền Giang (242), Đồng Nai (203), Đồng Tháp (90), Tây Ninh (88), Bến Tre (79), Khánh Hòa (78), Hà Nội (63), Cần Thơ (23), Long An (21), Phú Yên (17), Bình Định (17), Kiên Giang (17), Vĩnh Long (15), Thái Nguyên (3), Đắk Nông (2), Hà Tĩnh (2), Lạng Sơn (2), Nam Định (1) trong đó có 987 ca trong cộng đồng.
Số ca mới nâng tổng số ca nhiễm tại TP HCM lên 84.521, Bình Dương 11.968, Long An 4.451, Đồng Nai 3.513, Đồng Tháp 2.888, Tiền Giang 2.097, Tây Ninh 1.285, Khánh Hòa 1.236, Phú Yên 1.224, Hà Nội 1.203, Vĩnh Long 754, Bến Tre 714, Cần Thơ 580, Kiên Giang 199, Hà Tĩnh 137, Bình Định 137, Lạng Sơn 128, Đăk Nông 53, Thái Nguyên 12, Nam Định 11.
Tính đến sáng ngày 30/7, Việt Nam có 133.405 ca mắc trong đó có 2.213 ca nhập cảnh và 131.192 ca mắc trong nước.
Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 129.622 ca, trong đó có 29.006 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Tổng số ca được điều trị khỏi là 31.780 ca; 364 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU; 19 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO.
Theo thông báo của Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, có 159 ca tử vong do COVID-19 (số 864-1022) từ ngày 27-29/7/2021 tại 8 tỉnh, thành phố sau: TP. HCM 27-29/7: 132 ca; Long An từ ngày 27-29/7: 9 ca; Đồng Tháp từ ngày 27-28/7: 6 ca; Đà Nẵng từ ngày 27-28/7: 3 ca; Hà Nội ngày 28/7: 1 ca; Khánh Hòa ngày 27/7: 3 ca; Đồng Nai từ ngày 27-29/7: 4 ca và Vĩnh Long ngày 27/7: 1 ca.
Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TP.HCM.
Hệ thống cấp cứu TP.HCM sẽ tăng thêm 300 xe, 100 tình nguyện viên tổng đài
Tăng công suất đường truyền, huy động nhân lực cho nhân viên cấp cứu, chuyển đổi các xe taxi để vận chuyển bệnh nhân... là những biện pháp mà ngành y tế TP.HCM đang nỗ lực để giải quyết ùn ứ cho hệ thống cấp cứu 115, để đảm bảo bệnh nhân được cấp cứu kịp thời.
Ngoài giải pháp để hỗ trợ hệ thống cấp cứu, các cơ sở cấp cứu phải thực hiện đúng quy trình cấp cứu để bảo vệ hệ thống cơ sở, vừa đảm bảo sức khỏe cho người bệnh.
Ông Nguyễn Duy Long, giám đốc Trung tâm cấp cứu 115, cho biết để giải quyết những khó khăn về cấp cứu cho người dân trong mùa dịch COVID-19, trung tâm đã được Công viên phần mềm Quang Trung hỗ trợ trang thiết bị, cơ sở hạ tầng... để mở thêm một nhánh tổng đài 115 dã chiến, tăng công suất từ 14 đường truyền lên 40 đường truyền và có thể mở rộng hơn nữa nếu cần.
Về nguồn nhân sự, tổng đài dã chiến 115 có 20 người là lực lượng nòng cốt và cần thêm 100 sinh viên tình nguyện để huấn luyện cấp tốc, có thể nghe điện thoại xử lý các thông tin. Tổng đài 115 đặt mục tiêu tất cả các cuộc gọi đến đều được tiếp nhận, sàng lọc và đáp ứng các cuộc gọi đó.
Tuy nhiên, ông Long cho rằng khắc phục được điểm nghẽn về mạng thì vấn đề khó khăn tiếp theo cần được khắc phục sớm là xe cấp cứu để vận chuyển bệnh nhân. Hiện nay xe không đủ để đáp ứng được nhu cầu vận chuyển bệnh nhân mắc COVID-19.
Trong 2 tuần tới, thành phố dự kiến tăng thêm 100 xe cấp cứu 115 với đủ êkip cấp cứu và trang thiết bị y tế, tăng cường chuyển đổi thêm 200 xe taxi thành xe cấp cứu cho bệnh nhân. Hệ thống cấp cứu 115 sẽ được triển khai đến từng cơ sở chăm sóc và theo dõi sức khỏe các trường hợp F0 tại quận, huyện, các khu dân cư nhằm kịp thời vận chuyển những bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng đến các bệnh viện, can thiệp điều trị sớm nhằm làm giảm tỉ lệ bệnh nhân chuyển nặng và tỉ lệ tử vong.
Việc huy động nhân sự, xe vận chuyển cũng phải thực hiện đồng bộ với tổng đài 115 mới hiệu quả, trong đó trước mắt sẽ có 50 xe taxi chuyển đổi thành xe y tế. Hiện thành phố cũng chỉ đạo thành lập 4 trạm cấp cứu vệ tinh khu vực đặt tại huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, quận 12 và TP Thủ Đức để kịp thời đáp ứng nhu cầu cấp cứu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận