Tin tức Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 12/8 mới nhất, thông tin các ca dương tính, các ca khỏi bệnh - xuất viện và trường hợp tử vong được cập nhật liên tục trong ngày tại Báo Giao thông.
Cập nhật tin tức dịch Covid-19 ngày 12/8 (Ảnh minh họa)
Tính từ 6h đến 18h ngày 12/8, Bộ Y tế đã công bố thêm 1.523 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM. Như vậy tính từ 18g30 ngày 11/8 đến 18g00 ngày 12/8, Thành phố ghi nhận 3.841 trường hợp nhiễm mới.
Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố đã có tổng cộng 137.008 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố. Tổng số trường hợp xuất viện cộng dồn từ ngày 01/01/2021 đến nay là 62.986 người.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM đã liên hệ và phối hợp với cơ quan y tế, chính quyền địa phương triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho toàn thể sinh viên hiện đang cư trú tại ký túc xá của trường.
Đợt tiêm này kéo dài từ ngày 11/8 đến ngày 12/8 với tổng cộng 850 liều tại điểm tiêm vắc-xin phường 7, quận 10. Các sinh viên đang bảo vệ luận văn hoặc chưa tiêm được trong đợt này sẽ tiêm vào đợt sau.
Nhằm hỗ trợ shipper hoạt động nội quận có thể nhận giao các đơn hàng nằm ngoài địa bàn, Grab đã triển khai tính năng “Điểm trung chuyển” giúp tài xế có thể hoàn thành đơn hàng. "Điểm trung chuyển” là tính năng cho phép shipper thứ 1 giao hàng đến điểm trung chuyển và shipper thứ 2 sẽ tiếp tục vận chuyển đến người nhận. Khi shipper thứ 1 vận chuyển đơn hàng đến điểm trung chuyển, người gửi sẽ đặt tiếp chuyến xe thứ 2 để shipper thứ 2 tiếp nhận hàng và chuyển đến người nhận.
Dù gặp khó khăn do dịch bệnh nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn thể hiện sự quan tâm, đóng góp đối với công tác phòng, chống dịch của TP.HCM. Trong thời gian qua, gần 100 tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đăng ký tham gia ủng hộ nhiều loại vật tư, trang thiết bị y tế như: hệ thống ECMO, máy thở chức năng cao, kit xét nghiệm PCR, test nhanh COVID-19, đồ bảo hộ, khẩu trang y tế, ... trị giá hơn 1.650 tỷ đồng.
Để có thể kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15/9, TP.HCM kêu gọi sự chung tay của cộng đồng trong việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, nhất là thông điệp 5K, giãn cách giữa người với người và tiêm vắc-xin ngay khi đến lượt. Đồng thời, chủ động tự theo dõi và chăm sóc sức khỏe khi thực hiện cách ly tại nhà. Hãy cùng nhau hành động để sớm đưa Thành phố trở về trạng thái bình thường mới!
Trường THPT Phú Nhuận được hỏa tốc chuyển đổi công năng thành bệnh viện dã chiến.
TP.HCM lấy trường học mở thêm bệnh viện dã chiến
Sau một tuần gấp rút chuyển đổi công năng, một trường học trên địa bàn quận Phú Nhuận, TPHCM đã trở thành bệnh viện dã chiến với quy mô 350 giường. Đây là giải pháp tình thế được thành phố xúc tiến triển khai trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 vẫn ở mức rất cao.
Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp trên địa bàn TPHCM nhu cầu điều trị của các trường hợp F0 có biểu hiện triệu chứng hoặc bệnh lý chuyển nặng ngày càng lớn nhiều bệnh viện dã chiến đã được thành lập. Sáng 12/8, thành phố tiếp tục đưa bệnh viện dã chiến trên địa bàn quận Phú Nhuận vào hoạt động với quy mô 350 giường, trong đó có 60 giường hồi sức.
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Huỳnh Nguyễn Lộc, Giám đốc Viện Y dược học Dân tộc, TPHCM là đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyên môn tại bệnh viện dã chiến cho biết, bệnh viện được thiết lập khẩn cấp trên cơ sở sử dụng hạ tầng tại trường THPT Phú Nhuận. Đây là cơ sở chịu trách nhiệm chính trong việc thu dung, điều trị cho các bệnh nhân ở tầng 2 và tầng 3 (nhóm có biểu hiện bệnh nguy cơ chuyển nặng, bệnh lý nền). Ngay tại thời điểm đi vào hoạt động, bệnh viện đã có hơn 20 bệnh nhân đang được theo dõi, điều trị.
Tại đây hiện đã được trang bị hệ thống bồn oxy lỏng với dung tích 13m3 và hệ thống 130 đầu van oxy tại giường cấp cứu, có chức năng nhiệm vụ thu dung, sàng lọc, khám bệnh, cách ly, điều trị, chăm sóc và cấp cứu bệnh nhân COVID-19 theo hướng dẫn chuyên môn của ngành y tế. Bệnh viện có 250 nhân viên chuyên môn y tế thuộc biên chế bệnh viện Y học dân tộc TPHCM là những người chịu trách nhiệm chính về mặt chuyên môn trong chăm sóc bệnh nhân.
Xem xét cho bệnh nhân khỏi bệnh chống dịch
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, vừa có công văn khẩn về đẩy mạnh một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch.
Theo đó, thành phố yêu cầu Giám đốc Sở Y tế tham mưu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 việc vận động, sử dụng các bệnh nhân Covid-19 đã hoàn thành điều trị để tham gia tình nguyện phục vụ phòng, chống dịch. Cụ thể như công việc tham gia, chế độ hỗ trợ...
Sở có trách nhiệm phối hợp với Bộ phận Thường trực của Bộ Y tế tiến hành khảo sát cơ sở tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 để tham mưu việc điều phối lực lượng y tế tại các cơ sở tiếp nhận, điều trị; quy trình chuyển và điều trị bệnh nhân Covid-19; hướng dẫn thuốc điều trị tại các cơ sở tiếp nhận, điều trị trong tháp 5 tầng.
Sở Y tế cũng có trách nhiệm tham mưu Ban chỉ đạo việc quản lý, cập nhật kịp thời, thường xuyên khả năng tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 của từng cơ sở tiếp nhận, điều trị để thực hiện tốt quy trình phân loại, điều chuyển và điều trị hiệu quả, đặc biệt là bệnh nhân Covid-19 nặng. Ban chỉ đạo đề nghị Giám đốc Sở Y tế báo cáo chậm nhất vào ngày 13/8.
Trước đó, Tổ điều phối nguồn nhân lực tham gia phòng, chống dịch Covid-19, cho biết TP.HCM cần bổ sung 12.000 nhân viên y tế gồm 2.800 bác sĩ; 8.200 điều dưỡng, kỹ thuật viên và 1.000 giảng viên, sinh viên tham gia công tác phòng, chống dịch để phục vụ tại khu cách ly, điều trị F0 và khối cấp cứu.
Khó khăn hiện nay của TP.HCM là số lượng bệnh nhân Covid-19 nặng gia tăng, thành phố rất cần lực lượng bác sĩ, điều dưỡng đủ trình độ khám, điều trị bệnh nhân Covid-19 từ tầng 2 đến tầng 5 trong mô hình tháp 5 tầng.
Hơn 2 tháng qua, dịch diễn biến phức tạp nên lực lượng nhân viên y tế thành phố đang trong tình trạng quá tải về sức khỏe, cần hoạt động thiết thực để khích lệ tinh thần.
TP.HCM lập 5 trạm cấp cứu vệ tinh dã chiến 115
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức vừa ký quyết định thành lập các trạm cấp cứu vệ tinh dã chiến 115 phục vụ công tác cấp cứu bệnh nhân trực thuộc Trung tâm Cấp cứu 115 tại 5 khu vực.
Các trạm cấp cứu vệ tinh dã chiến hoạt động trên cơ sở trưng dụng, chuyển đổi công năng một số xe vận chuyển hành khách thuộc Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang (Futa Bus Lines) và Tập đoàn Mai Linh.
Các trạm này chịu sự chỉ đạo, quản lý, điều hành trực tiếp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM và Trung tâm Cấp cứu 115, cũng như hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Y tế.
Nhiệm vụ của các trạm là cấp cứu người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân Covid-19, và vận chuyển đến cơ sở điều trị phù hợp.
Các cơ sở y tế đóng trên địa bàn có trách nhiệm phân công, biệt phái nhân viên y tế của bệnh viện, bố trí thành lực lượng y tế theo xe cấp cứu của các trạm. Các xe cấp cứu thực hiện hai chức năng: Nhiệm vụ tại đơn vị chủ quản (tiêm chủng, chuyển bệnh) và chức năng của trạm cấp cứu vệ tinh dã chiến 115.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu UBND TP.HCM quyết định mức chi trả cho người lao động tại Công ty Phương Trang và Tập đoàn Mai Linh trong thời gian tham gia trạm cấp cứu vệ tinh dã chiến 115. Sở Tài chính và Sở Y tế được giao tham mưu bố trí kinh phí hoạt động cho các trạm này.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 11/8 và các trạm tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Tại TP.HCM có hơn 135.000 ca nhiễm trong đợt dịch thứ 4.
Trong đợt dịch thứ 4 (từ 27/4), thành phố đã có hơn 135.000 ca nhiễm
Theo bản tin sáng của Bộ Y tế, tính từ 18h30 ngày 11/8 đến 6h ngày 12/8 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.642 ca nhiễm mới, trong đó 03 ca nhập cảnh và 4.639 ca ghi nhận trong nước. Tại TP. Hồ Chí Minh, sáng nay Bộ y tế công bố thêm 2.318 ca.
Theo đó, tính đến sáng ngày 12/8, Việt Nam có 241.543 ca nhiễm trong đó có 2.384 ca nhập cảnh và 239.159 ca nhiễm trong nước.
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 237.589 ca, trong đó có 82.380 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Tại TP.HCM có hơn 135.000 ca nhiễm trong đợt dịch thứ 4.
Hai ổ dịch mới ở quận 5
Zing.vn dẫn thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết, 2 ổ dịch mới được đưa vào theo dõi tại thành phố nằm trên địa bàn quận 5.
Ổ dịch hẻm 93 Bạch Vân, phường 5, quận 5 ghi nhận tổng cộng 70 ca Covid-19. Bệnh nhân đầu tiên được phát hiện ngày 8/7 có liên quan chợ đầu mối Bình Điền.
Sau khi tiến hành phong tỏa hẻm và lấy mẫu tầm soát vào ngày 10/7 (35 mẫu) và ngày 11/7 (82 mẫu), cơ quan y tế phát hiện thêm 7 ca dương tính.
Ngày 2/8, người dân trong con hẻm này được tiến hành tầm soát lần 3 (135 mẫu), qua đó phát hiện thêm 41 ca. Ngày gần nhất ghi nhận ca bệnh là 8/8 với 9 ca dương tính trong khu phong tỏa.
Ổ dịch hẻm 57 Trần Nhân Tôn, phường 9, quận 5: Ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào ngày 28/7 qua xét nghiệm tầm soát. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã phong tỏa toàn bộ con hẻm này và lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.
Lần xét nghiệm đầu tiên vào ngày 29/7 có 165 mẫu, lần 2 vào ngày 7/8 với 300 mẫu. Ngày 8/8, thêm 34 ca dương thuộc ổ dịch này. Tổng cộng 36 ca được ghi nhận tại khu vực này.
Tính đến nay, thành phố ghi nhận 29 ổ dịch đang diễn tiến gồm chợ (2), khu dân cư (23), công ty/ khu công nghiệp (1), cơ sở y tế (1), đang theo dõi (2).
Bộ Y tế đã chuyển 10.000 liều thuốc của Ấn Độ cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam
Tại buổi họp báo, trước câu hỏi về tình hình đáp ứng điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM và một số tỉnh phía nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, thực tế có sự quá tải.
"Việc quá tải chủ yếu xảy ra ra ở phân tầng 3 điều trị là chính. Trong khi đó, tầng 3 chúng ta có thể điều trị ở tuyến dưới. Trong công tác điều trị, chúng ta phân tầng các tầng điều trị, việc phân tầng là hết sức quan trọng", Thứ trưởng Thuấn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Thuấn cũng cho biết, Bộ đã phối hợp xây dựng các bệnh viện dã chiến, Trung tâm hồi sức cấp cứu dưới sự phụ trách của các Bệnh viện tuyến Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Hiện Bộ đã chuyển 10.000 liều thuốc của Ấn Độ để kịp thời phục vụ công tác điều trị cho các tỉnh phía Nam. Bên cạnh đó, Bộ cũng huy động 11.000 lực lượng y tế, sinh viên để hỗ trợ cho các tỉnh phía Nam.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nghẹn ngào khi nhắc đến sự vất vả của lực lượng y tế trong công cuộc chiến đấu với dịch bệnh: "Chúng tôi đã chứng kiến nhiều anh em gồng mình chống dịch từ Đà Nẵng, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang… rồi lần này hỗ trợ các tỉnh phía Nam. Hi vọng với sự vào cuộc mạnh mẽ, chúng ta sẽ sớm khống chế được dịch Covid-19".
TP.HCM đã tiêm hơn 3,5 triệu liều vaccine
Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 11/8, thông tin về tiến độ tiêm vaccine, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, đã tiêm được khoảng 11,3 triệu, tương đương 65% tính trên hơn 18 triệu liều đã cấp. Nhưng theo ông Thuấn, nhiều khi số liệu công bố vẫn thấp hơn so với số tiêm thực tế do việc nhập số liệu chậm hơn.
Tại TP.HCM, đại diện Bộ Y tế cho biết, đã tiêm hơn 3,5 triệu liều trên tổng số hơn 4 triệu liều được cấp, tương ứng 88,2%. “Trong hôm nay và ngày mai sẽ tiêm hết số vaccine được cấp và chuyển sang tiêm vaccine Sinopharm”, ông Thuấn cho hay.
Về việc điều trị cho bệnh nhân F0, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, để đáp ứng điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, Bộ Y tế đã chủ động thảo luận với địa phương và chuẩn bị cho mọi kịch bản có thể xảy ra. Trên cơ sở đó, đã chuẩn bị về cơ sở vật chất, thiết bị, con người.
Cũng theo đại diện Bộ Y tế, hiện có sự quá tải y tế ở TP HCM và một số tỉnh phía Nam do lượng bệnh nhân lớn ở khu vực hồi sức tích cực (tầng 3). Có một số trường hợp do quá lo, chưa tới mức phải lên tầng 3 nhưng vẫn đưa lên tầng 3, trong khi họ có thể điều trị ở bệnh viện dã chiến, bệnh viện tuyến huyện hoặc trạm y tế xã.
“Chúng ta phải phân tầng đúng và kịp thời, tránh gia tăng nguy cơ tử vong cho bệnh nhân, đồng thời giảm tải cho hệ thống y tế”, ông Thuấn cho hay.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện đã thiết lập 141 bệnh viện dã chiến tại các tỉnh phía Nam và các trung tâm hồi sức cấp cứu, riêng TP HCM có 5 trung tâm. Đồng thời, Bộ đã cử các chuyên gia về phòng bệnh, truy vết, điều trị để hỗ trợ họ nhanh nhất.
“Ngoài ra, chúng ta cũng chuyển 10.000 liều thuốc đặc trị nhập khẩu từ Ấn Độ về để phục vụ công tác điều trị; 10.000 sinh viên cũng được huy động cho công tác chống dịch ở các tỉnh phía Nam”, ông Thuấn cho hay.
Đã có 133.167 ca nhiễm Covid-19 từ 27/4
Tính đến trước 6h ngày 12/8, trong đợt dịch thứ 4 (từ 27/4), TP.HCM đã có 133.167 trường hợp nhiễm Covid-19 được công bố, là địa phương có số ca nhiễm nhiều nhất cả nước.
Theo HCDC TP.HCM, hiện thành phố có gần 58.000 người đang công tác trong ngành y tế và hơn 20.000 người tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19.
Ngoài ra, thành phố còn tiếp nhận hơn 4.000 nhân sự từ 44 bệnh viện trực thuộc trung ương, các tỉnh thành và hơn 63.000 người đăng ký tình nguyện và từ các khối chính quyền, Đảng, đoàn thể.
Thành phố vẫn cần bổ sung 12.000 người tham gia công tác phòng, chống dịch, lực lượng bác sĩ, điều dưỡng đủ trình độ khám, điều trị từ tầng 2 đến tầng 5; đặc biệt rất cần đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn về hồi sức, hồi sức tích cực, hồi sức nâng cao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận