Xã hội

Covid-19 TP.HCM ngày 13/9: Xin rút ngắn khoảng cách 2 mũi tiêm AstraZeneca

13/09/2021, 12:00

Dịch Covid-19 ngày 13/9 tại TP.HCM: Sở Y tế TP.HCM vừa gửi văn bản khẩn đến Bộ Y tế xin rút ngắn khoảng cách 2 mũi tiêm AstraZeneca còn 6 tuần.

Sở Y tế TP.HCM gửi văn bản khẩn đến Bộ Y tế, đề nghị lãnh đạo bộ xem xét và có ý kiến về việc có thể rút ngắn khoảng cách giữa 2 mũi tiêm đối với vaccine AstraZeneca từ 8 đến 12 tuần xuống tối thiểu 6 tuần.

Sở Y tế cho hay, theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại quyết định số 3588 và công văn số 6030, công văn số 7252 và theo các tài liệu hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng cách giữa 2 mũi tiêm đối với vaccine AstraZeneca là từ 8 đến 12 tuần.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ bao phủ mũi 2 vaccine ngừa COVID-19, Sở Y tế đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế có ý kiến chỉ đạo về việc có thể rút ngắn khoảng cách giữa 2 mũi tiêm đối với vaccine AstraZeneca từ 8 đến 12 tuần xuống tối thiểu 6 tuần.

Hiện TP.HCM đang trong ngày thứ 5 của 7 ngày triển khai chiến dịch cao điểm tiêm vaccine COVID-19 tại TP.HCM. Tốc độ tiêm những ngày qua tăng cao, duy trì trên dưới 200.000 liều/ngày. TP đặt mục tiêu đến ngày 15-9 phải đạt 100% người dân được tiêm vaccine mũi 1.

Đề xuất của Sở Y tế đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại TP.HCM.

Tính đến 18h ngày 11/9, TP có 292.403 ca COVID-19. Hiện các bệnh viện trên địa bàn TP đang điều trị 39.296 bệnh nhân, trong đó có 2.690 bệnh nhân nặng đang thở máy, 23 bệnh nhân can thiệp ECMO và có 2.914 trẻ em dưới 16 tuổi. Tổng số tử vong cộng dồn từ đầu năm đến nay là 11.992.

Về tiến độ tiêm vaccine, tính đến hết ngày 11/9, TP đã triển khai tiêm 7.776.452 mũi, trong đó có 6.472.848 mũi 1 (đạt 89,8%) và 1.303.604 mũi 2 đạt (18,1%).

Trong đó, với vaccine AstraZeneca, TP đã tiêm 4.880.580 liều (mũi 1: 4.281.368 liều, mũi 2: 599.212 liều); vaccine Pfizer là 355.075 liều (mũi 1: 93.219 liều, mũi 2: 261.856 liều); vaccine Moderna là 628.770 liều (mũi 1: 552,409 liều, mũi 2: 76.361 liều), vaccine Vero Cell là 1.912.027 liều (mũi 1: 1.545.852 liều, mũi 2: 366.175 liều).

Theo thống kê của Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình vào ngày 30/6, tổng số người từ 18 tuổi trở lên tại TP là 7.208.800 người.

Ca nặng, tử vong giảm ở cả 3 tầng điều trị

Tính đến 18h ngày 12/9/2021, tại TP.HCM có hơn 292.000 trường hợp mắc bệnh phát hiện được Bộ Y tế công bố.

Hiện nơi đây đang điều trị 39.296 bệnh nhân, trong đó: có 2.914 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.690 bệnh nhân nặng đang thở máy và 23 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 11/9 có 2.925 bệnh nhân xuất viện nâng tổng số xuất viện cộng dồn từ đầu năm đến nay là 150.341.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM cho biết, cao điểm nhất về số ca tử vong do COVID-19 đã được ghi nhận vào ngày 22/8 với 340 trường hợp.

Nhờ tổng hợp các giải pháp chích ngừa vắc- xin, chủ động điều trị F0 tại nhà, sử dụng thuốc kháng virus, chủ động xét nghiệm xác định sớm và bóc tách F0 đến nay số ca tử vong đang giảm ở mức đáng kể.

Theo đó, từ ngày 9/9 TPHCM có 195 ca, qua ngày 10/9 thành phố có 188 trường hợp tử vong, sang ngày 11/9 có 200 trường hợp, cộng dồn từ đầu năm đến nay là 11.992 trường hợp.

Thống kê sơ bộ của các bệnh viện thuộc tầng 3, số ca bệnh nhập viện trong tình trạng nặng và nguy kịch những ngày qua đã giảm khoảng 30%.

Riêng tại Bệnh viện Điều trị COVID-19 do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách, số ca tử vong vì COVID-19 đang giảm sâu ở mức chỉ còn khoảng 50% so với những ngày cao điểm.

Theo đánh giá của Sở Y tế TP.HCM những ngày qua, Thành phố đã giảm rõ rệt trên cả 2 tiêu chí số mắc trong cộng đồng và số tử vong, đặc biệt số tử vong ở cả 3 tầng điều trị đã giảm 30%. Các quận, huyện đã kiểm soát được dịch là Quận 7, Củ Chi và Cần Giờ.

Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM cho biết, một người tử vong vì dịch bệnh là điều hết sức buồn. Tuy nhiên, số ca tử vong đang có xu hướng giảm những ngày qua cho thấy những tín hiệu tích cực.

TP.HCM chưa áp dụng "thẻ xanh, thẻ vàng" Covid-19 sau 15/9

Tại tọa đàm Kiểm soát dịch bệnh tối 12/9 của VTV1, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cung cấp thông tin về kế hoạch giãn cách xã hội của TP sau 15/9.

Theo ông Đức, tinh thần là đến cuối tháng 9, TP.HCM vẫn giãn cách theo Chỉ thị 16. Một số địa phương vẫn duy trì Chỉ thị 16+ và một số nơi có tình hình tương đối ổn định như huyện Cần Giờ, Củ Chi có thể áp dụng Chỉ thị 16- hoặc Chỉ thị 15+.

img

Lực lượng bộ đội hỗ trợ người dân vận chuyển nhu yếu phẩm trong ngày đầu giãn cách

TP.HCM và nhiều tỉnh phía Nam đang nghiên cứu cơ chế cấp "thẻ xanh Covid-19" hoặc "thẻ vàng Covid-19" để tạo điều kiện cho một số đối tượng an toàn được mở rộng các hoạt động theo tinh thần "an toàn đến đâu mở rộng đến đó".

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế cùng các lực lượng đang chuẩn bị đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu, hoàn thiện công nghệ thông tin. Mục đích là cả nước sử dụng một công cụ, ứng dụng duy nhất sau khi dữ liệu được đồng bộ.

Ông Đức cũng cho biết địa phương sẽ có thẻ xanh, vàng, đỏ và được cập nhật tự động. Tuy nhiên, không phải ai cũng tiếp cận được công nghệ nên sẽ nghĩ thêm cách khác và tham vấn chuyên gia để tạo điều kiện cho người dân, đảm bảo quyền lợi như nhau.

"Sau 15/9, TP.HCM chưa thể nới lỏng giãn cách xã hội theo thẻ xanh, vàng", Phó chủ tịch Dương Anh Đức thông tin.

Dự kiến, một trong những tiêu chí quan trọng để có "thẻ xanh Covid-19" là người dân đã tiêm 2 mũi vaccine được ít nhất 2 tuần. Sau 2 tuần kể từ thời điểm tiêm mũi 2, cơ thể mới bắt đầu phát sinh đủ kháng thể để bảo vệ.

Đến nay, TP.HCM đã tiêm khoảng 7,8 triệu mũi vaccine, trong đó, hơn 1,3 triệu người đã tiêm 2 mũi. Trong số này, nhiều người lớn tuổi hoặc có bệnh lý nền. Đây là nhóm có nguy cơ cao, được thành phố khuyến cáo hạn chế ra đường, kể cả người đã tiêm 2 mũi vaccine.

"Thời gian qua, đối tượng tiêm 2 mũi tập trung nhiều cho nhóm yếu thế nên số người dự kiến được nhận thẻ xanh không quá lớn. Có lẽ sau 15/9 một thời gian, khi nào sẵn sàng, thành phố mới triển khai thẻ xanh, thẻ vàng", ông Đức nói.

Chợ truyền thống mở cửa khi đáp ứng các yêu cầu phòng dịch

Chiều 12/9, Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.HCM họp báo để cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trong ngày.

Tính đến 18h00 ngày 11/9, có 292.403 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 291.930 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 473 trường hợp nhập cảnh. Trong ngày ghi nhận 200 ca tử vong do Covid-19.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chợ Bình Thới quận 11 đưa mô hình hoạt động mới, đưa chợ ra sân, các gian hàng có vách ngăn để tránh tiếp xúc trực tiếp giữa người bán và người mua.

Trả lời câu hỏi về thời gian, lộ trình và các điều kiện để mở lại chợ truyền thống tại TP.HCM, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết, thành phố chưa bao giờ có chủ trương đóng cửa hoặc ngừng hoạt động các chợ truyền thống, các cửa hàng, siêu thị, hệ thống phân phối. Do đó cũng không có kế hoạch để tổ chức mở cửa hoạt động trở lại.

Theo ông Phương, việc tạm ngưng hoạt động của các chợ, các hệ thống phân phối là do điều kiện thực tế, yêu cầu của công tác phòng chống dịch. Trước đó ở một số chợ, điểm bán hàng xuất hiện các ca F0, hoặc các điều kiện hoạt động chưa đáp ứng các tiêu chí phòng, chống dịch nên phải tạm ngưng.

Để phục vụ cung ứng hàng hoá cho người dân kịp thời, nguồn hàng phong phú, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân, Sở Công thương phối hợp các quận huyện nhanh chóng tổ chức phương án tái khởi động các chợ tạm ngưng hoạt động.

Sở đã có những hướng dẫn chi tiết về các mô hình tổ chức chợ, không tổ chức hoạt động tập trung như cũ mà áp dụng mô hình chợ an toàn.

Theo đó, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực cung ứng lương thực, thực phẩm tươi sống, với số lượng tiểu thương hạn chế, có phân luồng, giãn cách, vách ngăn, bán hàng theo phương thức đồng giá.

Người đi mua được phát phiếu, thông tin trước hàng cần mua để người bán chuẩn bị, tới chợ chỉ việc lấy hàng rồi đi về, không giao dịch, tiếp xúc.

Khi các phương án đang xây dựng và chuẩn bị triển khai, thì thành phố áp dụng Chỉ thị 16 tăng cường, thực hiện giãn cách tuyệt đối, ai ở đâu ở yên đó. Đồng thời thực hiện giải pháp cung ứng hàng hoá cho người dân theo phương thức “đi chợ hộ”.

Chính vì vậy các chợ truyền thống hoạt động theo các phương thức trên rất khó khăn, đặc biệt khi 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn cũng tạm ngưng hoạt động.

Để chuẩn bị cho hoạt động trở lại của các chợ truyền thống, tại 3 chợ đầu mối đã được thành phố chỉ đạo và Sở Công thương cũng đã có hướng dẫn tổ chức mô hình điểm trung chuyển, tập kết hàng hoá, từng bước mở rộng nguồn hàng để cung ứng cho các chợ.

Người các tỉnh về TP.HCM làm việc cần đáp ứng gì?

Liên quan đến vấn đề kiểm tra giấy đi đường của người dân trong thời gian qua, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng tham mưu Công an TP.HCM cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Công an thành phố đã cấp giấy đi đường và ban hành các văn bản hướng dẫn theo từng giai đoạn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.

Đến nay công an thành phố đã lắp đặt 109 điểm trạm kiểm soát với 116 thiết bị camera quét mã QR code để kiểm tra giấy đi đường.

img

Công an TP.HCM sẽ ứng dụng công nghệ để kiểm tra giấy đi đường của người dân một cách thuận tiện hơn.

Theo thống kê, từ ngày 6/9 đến 11/9 tại 914 chốt trạm kiểm soát trên toàn địa bàn thành phố, công an thành phố đã kiểm tra 1.380.500 lượt phương tiện. Lập biên bản xử lý 3.986 trường hợp với số tiền 6.813 triệu đồng.

Tỷ lệ người vi phạm chiếm 0,59% trên tổng số người kiểm tra, tức là cứ 170 người kiểm tra thì có 1 người vi phạm. Lỗi vi phạm chính là ra đường không có lý do chính đáng.

Trong thời gian tới, công an thành phố đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành các quy định giãn cách xã hội. Đồng thời tăng cường ứng dụng CNTT, sử dụng camera quét mã QR code để phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm tại các chốt trạm kiểm soát.

Đã cấp đến công an các quận huyện 50 thiết bị máy tính xách tay để lắp đặt tại các chốt, trạm kiểm soát. Tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý tại các khu dân cư. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật, giả danh, giả mạo giấy tờ.

Về việc người lao động ngoài tỉnh, hay người dân thành phố đang mắc kẹt tại các tỉnh muốn quay trở về TP.HCM, họ đã được tiêm 2 mũi vaccine thì cần các điều kiện gì khác, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, việc mở cửa trở lại cùng với dịch vụ xe vận chuyển thì thành phố đang tính toán để cho người dân các tỉnh quay trở lại thành phố.

Đối với công an thành phố sẽ tôn trọng hướng dẫn của cơ quan y tế. Còn hiện nay việc kiểm tra lưu thông trên đường, công an thành phố rất tạo điều kiện.

Trong thời gian qua, những người ở các tỉnh về thành phố hoặc các chuyên gia đi máy bay về nước ngành công an thành phố không hề cản trở việc này.

“Quan điểm của công an thành phố là hỗ trợ người dân hết mức khi quay trở lại thành phố làm việc nhưng phải đảm bảo các quy định của ngành y tế”, Thượng tá Hà nói.

TP.HCM cần thêm 2 tuần để kiểm soát dịch

Ngày 12/9, bên lề cuộc họp với Ban Thường vụ Huyện ủy Cần Giờ về công tác phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ về những dự định của TP.HCM thời gian tới. Ông nhấn mạnh thành phố cần những bước đi thận trọng, hiệu quả, "không phiêu lưu" trong mở cửa lại các hoạt động.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tồn tại ở bất kỳ thời điểm, không gian nào, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết để tiến đến trạng thái "bình thường mới", thành phố đã chuẩn bị những chiến lược cụ thể để đạt "mục tiêu kép", từng bước mở lại các hoạt động. Chiến lược của TP.HCM sẽ bao gồm các lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, khoa học công nghệ, huy động nguồn lực, an ninh quốc phòng, dân vận, hệ thống chính trị...

img

Về việc TP.HCM cần thêm 2 tuần để kiểm soát dịch Covid-19, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhận định 2 tuần là quãng thời gian quan trọng và phù hợp với quy luật của dịch bệnh.

"Vì sao gọi là chiến lược, vì chúng ta xác định phải sống trong thời kỳ này dài hơn, vì chúng ta không thể quét sạch F0 trong một thời gian nhất định, cũng không thể thực hiện giãn cách nghiêm ngặt kéo dài. Thành phố tính toán từng bước bằng các chiến lược đảm bảo an toàn, an toàn mới mở, mở phải an toàn", ông Nguyễn Văn Nên chia sẻ.

Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết thời gian qua, thành phố đã nỗ lực bằng nhiều biện pháp để đạt được mục tiêu kiểm soát dịch trước 15/9 như yêu cầu của Nghị quyết 86. Sau thời gian giãn cách triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, những nỗ lực bước đầu cho thấy hiệu quả.

Dù vậy, ông Nguyễn Văn Nên thẳng thắn nhìn nhận nhiều nơi tại TP.HCM vẫn chưa đạt được mục tiêu kiểm soát dịch như tiêu chí của Bộ Y tế. Hiện, huyện Củ Chi, Cần Giờ, quận 7 cùng một số nơi đã tiệm cận với tiêu chí của Bộ Y tế.

"Tuy nhiên, thành phố chưa tìm được sự ổn định về dịch tễ tại các địa phương nên cần thêm thời gian. Đến khi sự ổn định được hình thành, chúng ta mới tự tin bước vào giai đoạn mới", ông Nguyễn Văn Nên nói.

Về việc TP.HCM cần thêm 2 tuần để kiểm soát dịch Covid-19, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhận định 2 tuần là quãng thời gian quan trọng và phù hợp với quy luật của dịch bệnh. TP.HCM đang có khoảng hơn 100.000 F0 cần quản lý, điều trị. Sau 2 tuần, số F0 trên có thể được kéo giảm, đồng nghĩa việc thành phố hạn chế, ngăn chặn được nguồn lây lan.

Bên cạnh đó, thành phố đang có tỷ lệ người dân được tiêm vaccine Covid-19 ở mức cao. Sau 2 tuần, kháng thể của người đã tiêm chủng sẽ được nâng lên, tạo những hiệu quả về mặt dịch tễ.

"Với 2 lý do đó, cộng với các biện pháp khác nhằm ổn định tình hình, tăng cường, nâng cao chất lượng điều trị, chắc chắn thành phố sẽ có kết quả khả quan hơn bây giờ", Bí thư Thành ủy TP.HCM nhận định.

Định hướng về việc giãn cách xã hội thời gian tới, ông cho biết tùy vào hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh, nhiều khả năng, số khu vực giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 sẽ thu hẹp lại. Với những nơi kiểm soát được dịch bệnh, những khu vực giãn cách theo Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 19 sẽ được mở rộng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.