Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tính từ 18h ngày 15/8 đến 18h ngày 16/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.341 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM. Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 152.627 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.
TP.HCM thực hiện chuyển đổi chiến lược điều trị từ 5 tầng xuống 3 tầng
Cụ thể, tầng 1 triển khai gói chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà kết hợp các điều kiện đảm bảo an sinh và tại cơ sở cách ly tập trung quận, huyện, TP Thủ Đức cho các F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ. Tầng 2 tiếp nhận, thu dung các F0 cần cấp cứu, điều trị từ nhẹ, trung bình đến nặng, có kèm hoặc không kèm bệnh lý nền tại các BV dã chiến, BV điều trị COVID-19, bệnh viện chuyển đổi công năng. Tầng 3 hồi sức chuyên sâu trường hợp F0 nặng, nguy kịch tại các BV tuyến cuối và do Bộ Y tế tăng cường.
“Gói chăm sóc sức khỏe tại nhà” cho F0 được triển khai nhằm tạo tâm lý thoải mái cho người bệnh, điều trị kịp thời góp phần kéo giảm số ca tử vong, với 6 hoạt động chính: gồm (1) Xác định và lập danh sách người F0 cách ly tại nhà; (2) Hướng dẫn người F0 tự chăm sóc sức khỏe tại nhà; (3) Khám bệnh và theo dõi sức khỏe; (4) Hướng dẫn sử dụng toa thuốc điều trị tại nhà; (5) Xét nghiệm cho người F0 cách ly tại nhà; (6) Tư vấn sức khỏe và hỗ trợ cấp cứu cho người F0 cách ly tại nhà.
Khi xây dựng các gói hỗ trợ, thành phố hướng đến các đối tượng cụ thể theo tình hình thực tế, nên sẽ có những gói hỗ trợ để người dân không bị đói, có gói hỗ trợ cho điều trị F0. Gói hỗ trợ được xây dựng để người dân duy trì cuộc sống từ 3 - 7 ngày, sau đó tiếp tục điều chỉnh.
Bên cạnh đó, TP.HCM vẫn đang tích cực phối hợp với các tỉnh, thành phố bằng những kế hoạch cụ thể, đảm bảo an toàn để hỗ trợ đưa người dân về quê.
Từ 0 giờ ngày 16/8 đến hết ngày 15/9, TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 để kiểm soát dịch bệnh với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”, hạn chế tối đa số lượng người dân ra khỏi nơi cư trú; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào tự quản bảo vệ “vùng xanh”, phát triển “vùng xanh”.
Thành phố kêu gọi người dân tiếp tục phát huy sự đồng lòng, chung sức trong phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm thông điệp 5K, giãn cách giữa người với người và phát động phong trào “Toàn dân tiếp tục chung tay, góp sức phòng, chống dịch”.
TP.HCM đang thực hiện kế hoạch tiêm vacicne đợt 6 cho người dân. Ảnh: Duy Hiệu.
Chờ kiểm định 1 triệu liều vaccine Sinopharm
Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM sáng 16/8, trong ngày 15/8, thành phố đã tiêm vaccine Covid-19 cho 92.836 người. Trong đó, 90% số vaccine được sử dụng là Vero Cell của Sinopharm. Tại các điểm tiêm, người dân đều trật tự, ổn định.
Qua hơn 2 ngày, các quận huyện tiêm khoảng 200.000 liều vaccine Vero Cell (hãng Sinopharm) và thành phố vừa tiếp nhận thêm một triệu liều vaccine này.
Thông tin được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nói tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống Covid-19 trên địa bàn trưa 16/8. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh TP.HCM bước sang ngày thứ 39 giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và đã ghi nhận hơn 149.200 ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư.
Theo ông Đức, đến nay thành phố đã có 2 đợt nhận vaccine Vero Cell, mỗi đợt một triệu liều.
Trong đó, một triệu liều nhận hôm 31/7 đã được kiểm định xong và đang đưa vào tiêm; còn một triệu liều nhận hôm 14/8, đang được Bộ Y tế kiểm định. Sau khi được đánh giá đủ điều kiện, vaccine đợt hai sẽ hòa vào chung số vaccine đang có để tiêm cho người dân.
"Một lọ vaccine Astrazeneca chứa 10 liều còn một lọ vaccine Sinopharm chứa chỉ 1-2 liều, nên nó chiếm không gian nhiều hơn, tốc độ kiểm đếm cũng chậm hơn các loại khác", ông Đức nói và cho biết hôm nay các địa phương sẽ tiếp tục tiêm đồng loạt cho người dân.
Ông Đức cho rằng, các chuyên gia đều khẳng định "vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất". Chưa kể, bất kỳ loại vaccine nào cũng cần thời gian để phát huy tác dụng, sau một thời gian sẽ hết hiệu lực, phải tiêm nhắc lại.
Vì vậy, thành phố quán triệt tinh thần phải tổ chức khoa học và tiêm nhanh cho người dân; tập trung tiêm cho nhóm nguy cơ cao, lớn tuổi, bệnh nền...
Lãnh đạo UBND thành phố thông tin thêm, từ ngày 22/7, TP.HCM đã đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, ngày cao nhất đạt 318.000 liều. Đến nay thành phố nhận hơn 4,4 triệu liều vaccine qua 20 đợt cấp phát của Bộ Y tế .
Trong đó có 3,6 triệu liều Astrazeneca, 19.000 liều Vero Cell, 55.000 liều Pfizer và 571.000 liều Moderna. Toàn bộ số này đã tiêm hết.
Từ ngày 22/7 đến 15/8, gần 3,6 triệu người đã được tiêm. Tất cả đều an toàn.
Hiện, 4 quận, huyện Cần Giờ, Phú Nhuận, 5 và 11 đã cơ bản phủ kín vaccine cho người trên 18 tuổi và đã tạm dừng tiêm mũi 1, tiếp tục rà soát những người chưa được tiêm, đồng thời chuẩn bị cho đợt tiêm mũi 2.
F0 nặng, nguy kịch đang điều trị tại Bệnh viện Hồi sức TP.HCM. Ảnh: Trương Thanh Tùng.
TP.HCM chuyển sang mô hình tháp 3 tầng để điều trị bệnh nhân Covid-19
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, việc phân tầng lại nhằm phù hợp với tình hình hiện nay và tập trung các y bác sĩ, trang thiết bị chăm sóc bệnh nhân.
Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP sáng 16/8, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết, trước đây, TP phân bổ chữa trị F0 theo theo mô hình 5 tầng tháp. Trong đó, tầng 5 là các bệnh viện tuyến cuối, điều trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Tuy nhiên, hiện tại, khi Bộ Y tế chấp nhận cách ly F0 tại nhà, TP sẽ phân tầng lại cho phù hợp với 3 tầng phân chia chữa cho F0 nhẹ, trung bình và nặng.
“Việc phân tầng để tập trung các y bác sĩ, nhân viên y tế và trang thiết bị nhằm đáp ứng được từng mức độ của bệnh nhân”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng chia sẻ.
Tầng thứ nhất sẽ chăm sóc các F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ, không bệnh nền tại nhà và các cơ sở cách ly quận, huyện. Hiện tầng này đang điều trị cho 18.120 F0, TP đang có 153 cơ sở cách ly F0, với 23.889 giường để cách ly, điều trị.
Tầng hai tiếp nhận các trường hợp F0 từ nhẹ đến trung bình và nặng, có hoặc không có bệnh nền đi kèm. Bác sĩ Hưng cho biệt, hiện này, TP đã có 71 bệnh viện chuyển đổi công năng và 24 bệnh viện dã chiến, với 49.392 giường để điều trị.
Tầng ba sẽ điều trị cho các F0 nặng, nguy kịch và có bệnh nền. Hiện TP đang có 8 bệnh viện, Trung tâm Hồi sức cấp cứu, với 3.883 giường để điều trị cho người bệnh. Đây là các bệnh viện tuyến cuối có các trang thiết bị đầy đủ nhằm phục vụ cho công tác điều trị.
Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP.HCM (HCDC) cho biết, tính đến 6h ngày 16/8, TP có 151.904 ca mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố, trong đó 151.507 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 397 người nhập cảnh.
Hiện, TP.HCM đang điều trị 33.149 F0, trong đó có 2.122 trẻ em dưới 16 tuổi, 1.858 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Ngoài ra, TP đang có 41.209 F0, trong đó có 15.554 trường hợp mới phát hiện và 25.655 người sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 13.569 người.
TP.HCM tiếp tục giãn cách thêm 1 tháng
Ngày 15/8, trước tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, nhằm tăng cường triệt để kiểm soát dịch bệnh COVID-19, UBND TP.HCM ra công văn số 2718, yêu cầu tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn thành phố theo tinh thần chỉ thị số 16 từ 0h ngày 16/8 đến hết ngày 15/9 với nguyên tắc "ai ở đâu thì ở đó".
Lấy mẫu xét nghiệm cho F0 tại nhà. Ảnh: Thanh Niên
UBND TP.HCM yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các chỉ đạo. Trong đó tiếp tục kiểm soát việc đi lại của người dân.
Cụ thể, đối với khung giờ từ 6h đến 18h hàng ngày, tiếp tục kiểm soát việc di chuyển trên địa bàn TP của các nhóm đối tượng được phép hoạt động theo chỉ đạo tại Công văn 2468 và các công văn 2522, 2523.
Cho phép thêm các nhóm đối tượng sau được hoạt động:
Các cơ sở sản xuất thực phẩm (như bánh mì, tàu hũ, bún, hủ tiếu..); Các tổ chức hành nghề công chứng; Các công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ, bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư.
Công ty bảo hiểm (chỉ thực hiện các hoạt động liên quan công tác giám định, lập hồ sơ bồi thường và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng), phòng bán vé máy bay, phòng khám tư nhân.
Nhóm đối tượng được lưu thông để vận chuyển hàng hóa thiết yếu gồm: đội ngũ người giao hàng (shipper) có quản lý ứng dụng công nghệ được lưu thông, vận chuyển hàng hóa thiết yếu liên quận, huyện, thành phố Thủ Đức.
Các nhóm này phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch, giao nhận thanh toán không tiếp xúc và có các đặc điểm nhận diện. Ngoài ra còn có người đi giao - nhận hàng hóa của các cơ sở chế biến thực phẩm, cửa hàng bán lẻ lương thực, thực phẩm.
Đối với khung giờ từ 18h đến 6h, TP yêu cầu mọi người dân hạn chế tối đa ra đường, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải tiếp tục tạm ngưng hoạt động, trừ trường hợp được phép như: Đi tiêm vaccine, cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng chống dịch hoặc các lực lượng hỗ trợ theo yêu cầu của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
Nhân viên các hệ thống siêu thị, cửa hàng bình ổn, cửa hàng tiện lợi được lưu thông để chuẩn bị công tác hậu cần, sắp xếp hàng hóa và vệ sinh, khử khuẩn khu vực kinh doanh...
Không để người dân tự phát về quê
Sáng 15/8, rất đông người dân ở các quận, huyện và TP Thủ Đức (TP.HCM) lỉnh kỉnh đồ đạc, chở nhau bằng xe máy đổ xô ra đường, lưu thông trên Xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1A theo hướng đi các tỉnh miền Trung. Từng đoàn người với hàng chục, hàng trăm xe máy, cả thanh niên và những gia đình có con nhỏ, đèo theo balo, va-ly, quạt máy, nồi cơm điện để về quê.
Khi đến chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 ở cửa ngõ thành phố, giáp ranh phường Linh Trung, Tân Phú, TP Thủ Đức thì bị lực lượng chức năng yêu cầu quay đầu về nơi xuất phát. Lực lượng chức năng liên tục phát loa tuyên truyền, nhắc nhở người dân trở lại nơi xuất phát để tránh bị phạt vì ra đường không có lý do chính đáng.
Người dân tự phát về quê khiến cửa ngõ phía Đông nghẹt cứng.
Nhiều người dân cho biết, dịch bệnh ở TP.HCM kéo dài nhiều tháng nay khiến họ mất việc làm, tiền dự phòng đã dùng cạn, việc tiếp cận đồ tiếp tế của chính quyền gặp nhiều khó khăn, thậm chí một thời gian dài không được tiếp tế nên cuộc sống rơi vào bế tắc. Trong khi đó, TPHCM tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 1 tháng nữa, không còn cách nào khác, họ đành phải về quê.
TP.HCM sẽ kịp thời phân phối hàng hoá cứu trợ
Liên quan đến việc nhiều người dân tự phát chạy xe máy từ TP.HCM về quê và tạo nên cảnh tưởng ùn ứ ngay các chốt kiểm soát dịch ở cửa ngõ, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM ông Phan Văn Mãi đã lên tiếng trấn an.
Theo ông Mãi, việc thực hiện giãn cách xã hội sẽ gây nhiều khó khăn cho thành phố, nhất là người lao động. Hiện tại, TP.HCM đã yêu cầu các quận, huyện đẩy nhanh việc giải ngân các gói hỗ trợ an sinh xã hội và cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân.
Đồng thời, tiếp tục rà soát để hỗ trợ tiền nhà trọ, gói an sinh xã hội bằng tiền mặt, cung cấp lương thực - thực phẩm cho tất cả các đối tượng khó khăn trên địa bàn.
Bên cạnh đó, thành phố cũng phát huy hoạt động của trung tâm an sinh các cấp để tiếp nhận và phân phối hàng hoá cứu trợ đến với bà con được kịp thời nhất. Ngoài ra, thành phố tích cực vận động sự tương thân tương ái trong cộng đồng và phát huy các hoạt động thiện nguyện của những cá nhân, tổ chức để giúp đỡ bà con.
“Lãnh đạo thành phố đề nghị bà con bình tĩnh, không tự ý về quê mà không có tổ chức. Vì như thế sẽ rất là nguy hiểm, không an toàn. Khi tình hình ổn định và phối hợp được với các địa phương thì thành phố sẽ tổ chức cho bà con về quê trật tự và an toàn”, ông Mãi nói thêm.
Siết chặt tại các cửa ngõ, yêu cầu người dân trở lại nơi xuất phát
Cũng trong sáng 15/8, khoảng 500 người dân ở quận Bình Tân, TP.HCM hẹn nhau ra quốc lộ 1A để chạy xe máy về các tỉnh miền Trung. Dòng người xếp hàng dài trên quốc lộ gây ách tắc giao thông, lực lượng công an, chính quyền địa phương sau đó đã có mặt, vận động người dân di chuyển về một trường học trên địa bàn để ăn uống, nghỉ ngơi.
Đồng thời, người dân được chia thành từng nhóm, theo đơn vị phường nơi người dân từng lưu trú trước đó, để chính quyền địa phương lập danh sách, lên phương án hỗ trợ.
Ông Lê Văn Thinh, Bí thư quận ủy quận Bình Tân cho biết, sau khi yêu cầu người dân chấp hành Chỉ thị 16, quận sẽ có phương án chăm lo, hỗ trợ người dân, vận động chủ trọ miễn hoặc giảm giá phòng trọ cho người dân khó khăn. “Quận sẽ đảm bảo cung cấp đủ lương thực, thực phẩm để người dân sống trong một tháng giãn cách sắp tới”, ông Thinh nói.
Nhiều người dân buộc phải quay đầu xe khi đến chốt kiểm soát trên đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh).
Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TP.HCM cho hay, PC08 đã tăng cường lực lượng, phối hợp cùng Công an TP Thủ Đức và các địa phương chốt chặn tại các chốt trạm kiểm soát cửa ngõ thành phố để vận động, yêu cầu người dân trở lại nơi xuất phát.
Lực lượng tại các chốt kiểm soát cũng tuyên truyền, hướng dẫn người dân trở về nơi cư trú, liên hệ công an khu vực hoặc UBND phường để được hỗ trợ.
Sau khi lực lượng chức năng nhắc nhở, đa số người dân đã chấp hành quay xe trở lại, một số trường hợp cố tình không chấp hành bị lập biên bản vi phạm hành chính với lỗi ra đường không có lý do chính đáng.
Theo ông Bình, việc người dân tụ tập đông người, ra đường khi không có lý do chính đáng là vi phạm các quy định về giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tăng cường.
Lực lượng CSGT sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra, siết chặt kiểm soát ở các chốt, trạm phòng chống COVID-19 cửa ngõ để kịp thời phát hiện, xử lý trường hợp vi phạm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận