Các tuyến “luồng xanh” vận tải hàng hóa đường thủy sẽ được mở ngay trong tuần này. Đi kèm với đó là quy trình phòng dịch nghiêm ngặt và thống nhất tại các khu vực giãn cách xã hội để đảm bảo lưu thông hàng hóa.
Việc mở các “luồng xanh” đường thủy sẽ giúp khơi thông vận tải hàng hóa trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp (Trong ảnh: Một tuyến đường thủy khu vực phía Nam). Ảnh: CTV
Mỗi nơi một kiểu
Hơn 1 tuần trước, một sà lan của Cảng thủy container Hải Linh chở hàng từ Việt Trì, Phú Thọ đi đến cảng biển Đình Vũ, Hải Phòng. Hành trình của phương tiện phải đi qua Hà Nội, Bắc Ninh và Hải Dương, trong đó chỉ có Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Phương tiện khi lưu thông qua Hà Nội, Bắc Ninh không bị kiểm tra, nhưng khi đến địa bàn Hải Dương thì bị chốt kiểm soát dịch yêu cầu tất cả thuyền viên phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 mới được lưu thông qua địa bàn.
“Chốt kiểm dịch không có tổ chức xét nghiệm y tế tại chỗ nên sà lan phải mất hơn 1 tiếng quay về Bắc Ninh để làm xét nghiệm. Trong khi đó, trước khi phương tiện xuất phát đã khai báo điểm đến và cam kết đi đúng hành trình. Khi tới điểm đến, chỉ một thuyền viên đã có xét nghiệm y tế được lên bờ làm thủ tục. Anh em thuyền viên thắc mắc nhưng công ty yêu cầu chấp hành, vì biết đâu ở địa phương có văn bản riêng. Nếu không chấp hành sẽ nảy sinh rắc rối”, ông Đỗ Cường Quốc, Trưởng phòng Kỹ thuật Cảng thủy container Hải Linh kể.
Cũng theo ông Quốc, hiện chi phí vận tải tăng hơn do có thêm khoản chi phí xét nghiệm y tế, lắp đặt tủ cấp đông để dự trữ thực phẩm dài ngày trên phương tiện.
Một số doanh nghiệp khác phản ánh, nhiều địa phương dù không áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 như Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang nhưng yêu cầu toàn bộ người trên phương tiện thủy khi giao nhận hàng tại các cảng, nhà máy phải có xét nghiệm y tế. Các địa phương này không chấp nhận kết quả test nhanh mà phải xét nghiệm PCR có hiệu lực 72 giờ.
Còn tại khu vực phía Nam, sau khi 19 địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (từ ngày 19/7 và trước đó), nhiều chốt kiểm dịch trên sông của các địa phương quy định khác nhau về kiểm tra y tế và lưu thông phương tiện.
Trong khi các tỉnh như: Long An, Bình Dương không kiểm tra giấy tờ y tế đối với phương tiện lưu thông, tỉnh Đồng Tháp, An Giang lại kiểm tra.
Tương tự, An Giang, Kiên Giang cấm các phương tiện lưu thông từ 18h hôm trước đến 5h sáng hôm sau, sau đó An Giang cho phép phương tiện chở lúa, gạo, cá, rau củ và trái cây lưu thông.
Mới đây theo phản ánh của Sở GTVT Cà Mau, các phương tiện thủy thu, mua lúa cũng gặp khó khăn do không được lưu thông qua các chốt kiểm dịch trên sông.
Vì vậy, Cục Đường thủy đã có văn bản đề nghị Sở GTVT Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang và Kiên Giang tham mưu UBND tỉnh có biện pháp tạo điều kiện cho phương tiện thủy vận chuyển lúa, nông sản được lưu thông qua địa bàn tỉnh, đảm bảo vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân vùng có dịch.
Cũng theo các Cảng vụ đường thủy khu vực phía Nam, vận tải khó khăn dẫn đến nhiều cảng, bến thủy phải tạm dừng hoạt động. Trong tuần đầu tháng 8/2021, trong số hơn 2.900 cảng, bến thủy do cảng vụ Trung ương quản lý có tới hơn 2.650 cảng bến dừng hoạt động; trung bình mỗi ngày chỉ có hơn 200 lượt phương tiện vào, rời cảng bến.
Mở “luồng xanh”, giảm kiểm tra
“Luồng xanh” đường thủy sẽ hướng dẫn áp dụng thống nhất quy trình vận tải, kiểm soát phương tiện thủy lưu thông liên tỉnh
Ông Lê Minh Đạo, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, để tránh tình trạng không thống nhất trong hoạt động đường thủy, đơn vị này sắp ban hành hướng dẫn Sở GTVT các địa phương xây dựng các “luồng xanh” đường thủy.
Cục sẽ xây dựng quy trình vận tải thủy thống nhất giữa các tỉnh, thành trên toàn quốc trong thời gian diễn ra dịch Covid-19 nhằm bảo đảm lưu thông hàng hóa bằng đường thủy thông suốt giữa vùng an toàn đến vùng có dịch hoặc ngược lại.
Theo đó, Cục phối hợp với Sở GTVT các địa phương công bố các tuyến “luồng xanh” đường thủy liên tỉnh. Sở GTVT địa phương công bố “luồng xanh” đường thủy tại địa phương.
Các phương tiện thủy đăng ký và được Cục Đường thủy nội địa VN, Sở GTVT cấp qua mạng thẻ nhận diện ưu tiên có mã QR Code, dán lên phương tiện để lưu thông thuận lợi trên “luồng xanh”.
Phương tiện đăng ký thẻ nhận diện phải tuân thủ các yêu cầu về điều kiện hoạt động, đảm bảo sử dụng đúng công dụng.
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó phòng Vận tải - ATGT, Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, phương tiện thủy được lưu thông trên “luồng xanh” là vận chuyển hàng hóa nói chung, chỉ trừ hàng hóa cấm sản xuất, kinh doanh.
Trên hành trình vận tải, phương tiện có dán thẻ nhận diện còn hiệu lực sẽ không bị kiểm tra trên tuyến hoặc tại chốt kiểm dịch. Trường hợp phương tiện không có thẻ hoặc thẻ hết hạn bị kiểm tra về khai báo y tế và giấy chứng nhận xét nghiệm với SARS-CoV-2 đối với người trên phương tiện.
Khi phương tiện ở trong cảng bến, thuyền viên chỉ được ở trên tàu và được ủy quyền cho người trên bờ làm thủ tục cảng vụ. Nếu không có người ủy quyền, chỉ cử 1 người lên làm thủ tục và phải tuân thủ quy định của Bộ Y tế về phòng dịch.
Đại diện Cục Đường thủy cho biết thêm, phần mềm cấp, quản lý thẻ và phương tiện thủy được lưu thông trên “luồng xanh” đang được khẩn trương hoàn thiện. Dự kiến ngay trong tuần này sẽ công bố các tuyến “luồng xanh” đường thủy trên toàn quốc.
Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa VN cho rằng, mở các “luồng xanh” đường thủy và thống nhất quy trình kiểm soát vận tải, y tế sẽ giúp vận tải thủy hàng hóa thông thoáng trở lại, rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí vận tải.
Phương tiện cần chuẩn bị gì?
Để lưu thông “luồng xanh”, đơn vị vận tải cần chuẩn bị: Phương án vận chuyển (số lượng phương tiện, hành trình, ngày giờ hoạt động...), danh sách phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện; cảng, bến nơi đi, đến; thông tin về xét nghiệm và tiêm phòng cho thuyền viên; thẻ nhận diện đi “luồng xanh”.
Người lái phương tiện thủy phải có điện thoại thông minh, có cài đặt các phần mềm khai báo y tế NCOVI, Bluezone, tokhaiyte.vn; khai báo y tế và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế; có xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định của Bộ Y tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận