Tin tức Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 30/9 mới nhất, thông tin các ca nhiễm mới, ca tử vong và khỏi bệnh được cập nhật liên tục trong ngày tại Báo Giao thông.
Tính từ 17g ngày 29/9 đến 17g ngày 30/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.372 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM. Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 385.242 trường hợp nhiễm COVID-19 được Bộ Y tế công bố.
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm những người liên quan đến các ca dương tính.
Trong ngày ghi nhận 159 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (106), Bình Dương (30), An Giang (7), Đồng Nai (6), Kiên Giang (3), Tiền Giang (2), Đồng Tháp (1), Gia Lai (1), Tây Ninh (1), Cần Thơ (1), Quảng Bình (1).
Bổ sung 44 ca tử vong trong thời gian trước đó tại: Bình Dương (28), Long An (14),Quảng Bình (2). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 177 ca.
Thủ tướng Chính phủ đã có công điện hỏa tốc gửi TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An (sau đây gọi là “Khu vực”) yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm việc kiểm soát người ra vào "Khu vực".
Việc đưa đón người ra, vào "Khu vực" phải được chính quyền các tỉnh, thành phố trong "Khu vực" và tỉnh, thành phố khác thống nhất, tổ chức an toàn, chu đáo.
Các tỉnh, thành phố trong cả nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các tỉnh, thành phố trong "Khu vực" tuyên truyền, vận động và có sự hỗ trợ cần thiết để động viên nhân dân không tự ý di chuyển về quê. Phối hợp đưa công nhân, người lao động đã về quê trở lại các tỉnh, thành phố trong "Khu vực" để khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Sau ngày 30/9, người dân TP.HCM khi tham gia lưu thông sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID, Thẻ Xanh COVID trên ứng dụng Y tế HCM (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động); trường hợp không có mã QR, xuất trình giấy tờ sau: (1) Là F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; (2) Đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với vaccine yêu cầu tiêm 2 mũi và sau 14 ngày) khi được cơ quan chức năng yêu cầu hoặc tại các địa điểm đến cơ quan, công sở, cơ sở khám chữa bệnh, quán ăn, nhà hàng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, phương tiện công cộng, công ty, nhà máy, ...).
Người nước ngoài khi nhập cảnh vào Thành phố tiến hành khai báo y tế tại cửa khẩu và sau đó sử dụng mã QR hoặc giấy tờ thay thế cho các hoạt động tại Thành phố.
Thời gian tới, TP.HCM có thể bước sang một thời kỳ mới phát triển hay quay trở lại trạng thái như 4 tháng vừa qua hay không phụ thuộc vào việc triển khai và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ thị lần này từ ngày 01/10. Trong đó, ý thức của người dân là chìa khóa then chốt để chiến thắng được đại dịch.
Sau khi đã được tiêm vaccine, người dân cần tiếp tục thực hiện thông điệp 5K, giữ khoảng cách giữa người với người tại nơi công cộng và cả trong không gian làm việc để đảm bảo an toàn trước đại dịch COVID-19 và khôi phục phát triển kinh tế - xã hội.
8 nhóm hoạt động được mở lại từ ngày mai
Sáng 30/9, UBND TP.HCM thông báo lộ trình mới điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội.
Các hoạt động sản xuất kinh doanh ở TP.HCM được mở rộng và doanh nghiệp chủ động thực hiện các biện pháp chống dịch theo các bộ quy tắc của những lĩnh vực đã ban hành
8 nhóm hoạt động được mở lại
Cụ thể gồm:
1. Cơ quan, đơn vị Nhà nước được hoạt động với số lượng nhân sự phù hợp.
2. Cơ quan lãnh sự, tổ chức chức quốc tế và văn phòng kinh tế - văn hóa nước ngoài có trụ sở tại TP.HCM.
3. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân; cơ sở dịch vụ y tế; cơ sở kinh doanh dược, mỹ phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế.
4. Các hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ.
5. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao:
- Tham quan bảo tàng được hoạt động với điều kiện đáp ứng Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch, mỗi nhóm tham quan tối đa 10 người cùng một thời điểm.
- Những sự kiện biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, thi đấu được tổ chức quy mô tối đa 70 người với điều kiện 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 được cơ quan có thẩm quyền cho phép tổ chức.
- Các hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe hàng ngày của người dân được hoạt động, nếu hoạt động theo từng nhóm tối đa 15 người/nhóm. Trường hợp có 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, được hoạt động tối đa 100 người.
- Tổ chức đám tang, đám cưới, tối đa 20 người cùng thời điểm.
6. Hoạt động giáo dục, đào tạo tiếp tục dạy - học gián tiếp qua Internet, qua truyền hình. Các loại hình đào tạo cho người đã được tiêm đủ liều vaccine có thể dạy - học trực tiếp nếu đảm bảo các tiêu chí an toàn (phải hoạt động lệch ca, lệch giờ, không tập trung đông người...).
7. Hoạt động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự tập trung tối đa 10 người; trường hợp người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 được tập trung tối đa 70 người.
8. Hoạt động tập trung:
- Trong nhà tối đa 10 người; nếu người tham gia đã tiêm đủ liều vaccine hoặc khỏi bệnh Covid-19 được tập trung tối đa 70 người.
- Ngoài trời tối đa 15 người; nếu người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc khỏi bệnh Covid-19 được tập trung tối đa 100 người.
- Các trường hợp khác được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
13 lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ được hoạt động trở lại
- Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu Công nghệ cao, Công viên Phần mềm Quang Trung và trên địa bàn quận, huyện, TP Thủ Đức.
- Doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại dịch vụ, hợp tác xã, tổ hợp tác; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp; dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y, đối tượng hành nghề thú y.
- Công trình giao thông, xây dựng.
- Hoạt động kinh doanh, dịch vụ gồm:
+ Cung cấp lương thực, thực phẩm.
+ Trung tâm thương mại, siêu thị, siêu thị mini; cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa; chợ đầu mối, chợ truyền thống.
+ Xăng, dầu, gas, hóa chất; điện; nước; nhiên liệu; vật liệu.
+ Dịch vụ mua bán, sửa chữa, bảo trì các loại xe, máy móc, thiết bị dân dụng, công nghiệp.
+ Dịch vụ quản lý, vận hàng, bảo trì, sửa chữa, ứng dụng hệ thống hạ tầng, trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư.
- Dịch vụ công ích; dịch vụ bảo vệ; dịch vụ tiện ích công như cấp thoát nước, công viên, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật, giao thông vận tải; trạm thu phí sử dụng đường bộ; dịch vụ tư vấn xây dựng; dịch vụ vệ sinh môi trường; dịch vụ quan trắc và xử lý môi trường; dịch vụ giới thiệu việc làm; dịch vụ cưới - hỏi; dịch vụ rửa xe; dịch vụ tang lễ.
- Hoạt động của văn phòng, văn phòng đại diện của doanh nghiệp trong và ngoài nước, chi nhánh thương nhân nước ngoài tại thành phố.
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, logistics và bổ trợ doanh nghiệp, người dân (công chứng, luật sư, đấu giá tài sản, tư vấn thẩm định giá, kiểm toán, dịch vụ tài chính, thừa phát lại, trọng tài thương mại, hòa giải thương mại, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp, quản lý - thanh lý tài sản, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm, đăng ký biến động đất đai), chứng khoán; dịch vụ cầm đồ.
- Bưu chính, viễn thông; in, xuất bản, báo chí; hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, sử dụng dịch vụ giao hàng trực tuyến; doanh nghiệp lịch; cửa hàng sách, thiết bị văn phòng; đường sách; thư viện, phòng tranh, triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh; đồ dùng, dụng cụ học tập; công nghệ thông tin; thiết bị tin học; cửa hàng điện máy; cửa hàng mắt kính; cửa hàng thời trang, may mặc; cửa hàng vàng bạc đá quý và đồ trang sức.
- Kho dự trữ, điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa.
- Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán mang đi; với nhà hàng trong cơ sở lưu trú, cơ sở nghỉ dưỡng, tham quan du lịch chỉ được phục vụ tại chỗ cho khách lưu trú, tham quan, không tổ chức buffet.
- Cơ sở kinh doanh dịch vụ cắt tóc, gội đầu được hoạt động tối đa 50% công suất.
- Các hoạt động xúc tiến thương mại (hội chợ, triển lãm, hội nghị, sự kiện kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm).
- Cơ sở lưu trú, nghỉ dướng, tham quan du lịch, dịch vụ khác phục vụ khách tham quan được hoạt động tối đa 50% công suất, phải đáp ứng Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch.
- Các hoạt động khác phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Các hoạt động tiếp tục tạm dừng- Sự kiện văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, mitting, lễ phát động (trừ các trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động).
- Hoạt động kinh doanh, dịch vụ như quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử.
- Hoạt động bán hàng rong, vé số dạo.
- Hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác (trừ trường hợp được phép hoạt động).
Shipper tiếp tục hoạt động theo hướng dẫn của Sở Công Thương
Vận tải hành khách đường bộ, đường thủy nội địa được hoạt động phù hợp với cấp độ dịch bệnh từng khu vực, địa phương, theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải. Phương tiện giao thông cá nhân chỉ lưu thông trong thành phố.
Vận tải hành khách liên tỉnh (đường bộ, đường thủy, đường sắt, hàng không) theo lộ trình phù hợp với kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Y tế.
Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn việc đi lại giữa các tỉnh trong vùng của các đối tượng ưu tiên (công vụ, công nhân, chuyên gia, người đi khám chữa bệnh); tổ chức vận chuyển người lao động về thành phố; lưu thông liên tỉnh trong trường hợp cấp thiết.
TP.HCM tăng cường kiểm soát lưu thông tại các chốt cửa ngõ giáp ranh với các tỉnh. Các chốt kiểm soát tiếp tục kiểm tra phương tiện, người tham gia lưu thông bằng mã QR và các công cụ nhận diện của từng ngành, lĩnh vực. Bên cạnh đó, thành phố tổ chức chốt kiểm soát lưu động, không để tập trung đông người tại chốt kiểm soát.
Sáng nay, TP.HCM công bố Chỉ thị mới về chống dịch và phục hồi kinh tế
Theo kế hoạch, 9h00 sáng nay (30/9), lãnh đạo UBND TP.HCM công bố Chỉ thị mới về kiểm soát dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn.
Vào lúc 9h00 sáng nay (30/9), lãnh đạo UBND TP.HCM sẽ công bố Chỉ thị mới về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn từ 0 giờ ngày 1/10. Theo kế hoạch lúc đầu, sự kiện này sẽ công bố vào tối qua nhưng đã lùi lại đến sáng nay.
Người dân TP.HCM rất nóng lòng chờ đợi thông tin chính thức từ Chỉ thị này, bởi họ muốn biết sau ngày 30/9 người dân sẽ được tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh nào. Việc đi lại sẽ được kiểm soát ra sao, người dân đang mắc kẹt tại các tỉnh có về được TP.HCM hay không?
Vẫn kiểm soát ra vào thành phố
Theo dự thảo "Điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid - 19 và phục hồi kinh tế xã hội” được UBND TP.HCM gửi đến các quận, huyện để lấy ý kiến, thành phố sẽ nới lỏng kiểm soát dịch Covid - 19 trong một số lĩnh vực theo tinh thần giao tự chủ cho các doanh nghiệp thực hiện.
Theo đó, từ 0h00 ngày 1/10/2021 thực hiện từng bước nới lỏng giãn cách xã hội tương ứng với cấp độ được đánh giá theo hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid - 19” của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid - 19.
Dự thảo đưa ra kế hoạch tiếp tục duy trì 12 chốt kiểm soát ra/vào thành phố và 39 chốt tại địa bàn các cửa ngõ giáp ranh với các tỉnh. Các hoạt động vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường sắt, đường thuỷ tối đa 50% công suất.
Vận chuyển hàng hoá nội tỉnh, liên tỉnh được hoạt động nhưng phải đảm bảo công tác phòng dịch và phải được cấp mã QR đi vào luồng xanh. Thành phố cũng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền mở một số đường bay quốc tế và trong nước đến, đi từ sân bay Tân Sơn Nhất.
Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, cho phép tổ chức hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời (hội họp, tập huấn, hội thảo…) nhưng tối đa 10 người; trường hợp 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid - 19, nhưng tối đa 50 người.
Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh sử dụng toàn bộ lao động trực tiếp có Thẻ xanh Covid được quyền tham gia các hoạt động với điều kiện phải đảm bảo chấp hành bộ quy định an toàn phòng, chống dịch bệnh của ngành Y tế và các Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid - 19 trên các lĩnh vực.
Các cơ sở khám chữa bệnh, phục hồi chức năng; cơ sở kinh doanh dược liệu, trang thiết bị y tế; dịch vụ thẩm mỹ tại các cơ sở như: bệnh viện, phòng khám đa khoa, chuyên khoa được phép hoạt động trở lại.
Theo dự thảo Chỉ thị này, các Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tạp hoá, cơ sở bán lẻ; nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; chợ đầu mối, chợ bán lẻ, chợ truyền thống cũng được hoạt động tối đa không quá 50% công suất.
Người dân khi đến các nơi công cộng như siêu thị, nhà hàng, phương tiện công cộng phải quét mã QR hoặc xuất trình giấy chứng nhận đủ điều kiện lưu thông được gọi là “Thẻ xanh Covid”
Kiểm soát đi lại bằng "Thẻ xanh Covid"
Người dân khi đến các nơi công cộng như siêu thị, nhà hàng, phương tiện công cộng phải quét mã QR hoặc xuất trình giấy chứng nhận đủ điều kiện lưu thông được gọi là “Thẻ xanh Covid”. Cụ thể, Thẻ xanh Covid áp dụng cho những người là F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; đã tiêm chủng ít nhất 1 mũi vaccine sau 14 ngày.
Dịch vụ cắt tóc, gội đầu được hoạt động tối đa 50% công suất. Điểm tham quan du lịch, nghỉ dưỡng, bảo tàng hoạt động tối đa 30% công suất.
Những sự kiện thi đấu thể dục thể thao được tổ chức quy mô tối đa 30% công suất và 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid - 19.
Đám cưới tổ chức tối đa 50 người tham dự cùng một thời điểm và có sự giám sát của nhân viên y tế phường. Đám tang tổ chức tối đa 20 người.
Tiếp tục dạy học online, các loại hình đào tạo cho nhóm trên 18 tuổi trở lên đã được tiêm đủ liều vaccine có thể dạy học trực tiếp nếu đảm bảo các tiêu chí an toàn.
Với hoạt động phòng, chống dịch Covid - 19 trên địa bàn TP.HCM cũng có một số thay đổi. Theo đó thành phố sẽ đa dạng hoá nguồn vaccine, huy động mọi nguồn lực để đạt bao phủ vaccine toàn dân sớm nhất.
Tổ chức xét nghiệm giám sát trọng điểm tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người, những người có triệu chứng nghi ngờ; Khuyến khích doanh nghiệp, người dân tự làm xét nghiệm test nhanh kháng nguyên khi có triệu chứng nghi ngờ.
Ban hành quy trình phát hiện và xử lý khi có F0 trong cộng đồng và trong khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với tình hình mới, vừa đảm bảo an toàn vừa không làm gián đoạn các hoạt động. Tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình điều trị 3 tầng, khống chế tỷ lệ tử vong ở mức thấp nhất có thể.
Triển khai nhanh gói hỗ trợ đợt 3 để trợ cấp tối thiểu cho người thực sự khó khăn tại thành phố. Người dân thực hiện nghiêm quy định 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại nơi công cộng và cả trong không gian làm việc.
Các loại hình tiếp tục dừng hoạt động
Dự thảo đưa ra các loại hình tiếp tục dừng hoạt động như: Quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử; Các sự kiện, hoạt động văn hoá nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưởng, lễ phát động; Bán hàng rong, vé số dạo.
Trong ngày 28/9, TP.HCM đã tiêm gần 400.000 liều vaccine Covid-19, số mũi tiêm gần gấp đôi so với ngày tiêm cao nhất trước đó.
Kỷ lục một ngày tiêm được gần 400.000 liều vaccine Covid-19
Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trong ngày 28/9, TP.HCM đã tiêm gần 400.000 liều vaccine Covid-19, số mũi tiêm gần gấp đôi so với ngày tiêm cao nhất trước đó.
Như vậy, tính đến 7h30 sáng 29/9, TP.HCM đã tiêm tổng cộng hơn 10,1 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó, mũi 1 đạt 6,9 triệu liều (gần 96%), mũi 2 đã tiêm được hơn 3,2 triệu liều (khoảng 44%). Hơn 1,1 triệu liều cũng đã được tiêm cho người có bệnh nền, người trên 65 tuổi.
Theo Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM, hiện đã có 13 quận, huyện trên địa bàn tiêm mũi 1 đạt 100%; quận có mũi 1 thấp nhất là Bình Tân với 87%. Nhiều quận, huyện đã tiêm mũi 2 đạt tỷ lệ cao, như: Cần Giờ (72%), Q.10 (70%), Q.1 (58%)…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận