Covid-19 xuất hiện, phá vỡ mọi cấu trúc truyền thống, tác động trực tiếp không chỉ đến kinh tế.
Dịch bệnh không chỉ là câu chuyện sức khỏe và kinh tế mà còn là lửa thử cho bản lĩnh văn hóa của mỗi quốc gia, mỗi tổ chức, mỗi con người.
Trong “trạng thái bình thường mới”, các hoạt động đang dần trở lại nhằm phục hồi các hoạt động kinh tế, xã hội. Ảnh: Tạ Hải
Cho đến ngày hôm nay, chúng ta tự hào vì đã cùng nhau vượt qua được những chặng cam go nhất của dịch bệnh - khi hàng triệu người trên thế giới đã tử vong.
Khi đất nước cần, người Việt Nam đồng lòng chung tay góp Quỹ Phòng chống Covid-19, cùng xung phong ra tuyến đầu chống dịch.
Có những bà mẹ nghèo góp từng quả trứng mớ rau cho nhân viên y tế, cho chiến sỹ ở khu cách ly; có em bé đập lợn đất góp tiền để hỗ trợ bạn bè còn thiếu khó ở nơi khác đang hứng chịu dịch bệnh, thiên tai.
Khi đất nước cần, hàng chục nghìn y tá, bác sỹ vài tháng xa nhà, luân phiên ra “tiền tuyến”, ngày ngày đối mặt giặc Covid-19 để cứu đồng bào.
Cán bộ chính quyền từ cấp cao nhất đến chủ tịch phường, xã, tổ trưởng dân phố luôn chân luôn tay cả ngày không hết việc.
Không “đao to, búa lớn”, hàng xóm tự nguyện giúp nhau, người xa lạ cũng tự nguyện giúp nhau từng bữa cơm qua ngày khốn khó. Tất cả tạo thành một khối thống nhất. Đó là văn hóa và nghĩa đồng bào của người Việt.
Nhưng cũng trong khó khăn, phát lộ ra những câu chuyện, cách hành xử cần được nhìn nhận thấu đáo.
Để những chấm đen nhỏ không loang thành vệt dầu to, để những sai lầm đâu đó trong hệ thống thực thi nhiệm vụ công chỉ là hiện tượng cá biệt chứ không thể là bản chất.
Từ việc cán bộ phường nói bánh mì không phải là thực phẩm, từ việc xử phạt người ra đường với lý do không thiết yếu một cách khiên cưỡng, niêm phong cửa xe người ngoài tỉnh qua tỉnh nhà… cho đến những văn bản sửa đi, sửa lại như chong chóng, không được bàn bạc thấu đáo gây phiền hà, làm xáo trộn đời sống người dân.
Từ những hành trình rời TP.HCM về quê trốn dịch của hàng trăm nghìn người đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về đời sống vật chất và tinh thần của công nhân ở các đô thị lớn.
Điều này gợi mở cho tương lai nhiều việc phải làm, nếu muốn nuôi dưỡng nguồn nhân lực, để người lao động không bị bỏ rơi ngay chính nơi mà họ đang là một phần máu thịt.
Ở đâu đó, một hành xử chưa thấu tình đạt lý của cán bộ chính quyền có thể tạo ra những bức xúc, những phản kháng kèm bạo lực. Không thể kỳ vọng tất cả các cán bộ Nhà nước đều có hành xử đúng trong bối cảnh đại dịch chưa từng có trong tiền lệ.
Có hàng trăm nghìn tình huống phát sinh mỗi ngày mà người giỏi luật nhất cũng không thể tìm ngay ra giải pháp ứng phó đúng đắn nhất.
Nhưng một phông nền văn hóa tốt của cá nhân sẽ hạn chế bớt những hành vi tiêu cực, một tập thể có văn hóa (văn hóa ở trình độ cao bao gồm cả trình độ chuyên môn) sẽ loại bớt đi những quyết định sai lầm mà thông thường chỉ có một thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm.
Người lao động đi xe máy hàng nghìn km từ các tỉnh phía Nam trở về quê ở các tỉnh miền núi phía Bắc tránh dịch
Đó là vai trò của chính quyền địa phương nhưng nhìn ở góc độ công dân, khi con người cá nhân rơi vào tình huống bị đẩy lên “bi kịch” hoặc có cơ hội trục lợi từ dịch bệnh, lúc ấy rất cần những yếu tố văn hóa tác động.
Dư luận xã hội và những ràng buộc sẽ khiến con người phải nghĩ đến cộng đồng, nghĩ đến những giá trị đạo đức nhiều hơn. Khi thiếu đi những thứ đó, họ chỉ nghĩ đến bản thân, đề cao lợi ích vật chất, lợi ích cá nhân và xem nhẹ những lợi ích cộng đồng khác.
Đó chính là nguyên nhân của nhiều vấn đề xã hội nảy sinh.
Dịch bệnh trong thời đại hiện nay là không có biên giới, không một quốc gia, địa phương nào có thể bế quan tỏa cảng đơn lẻ kiểm soát và chiến thắng dịch bệnh. Càng không thể cát cứ làm đứt gãy dây chuyền sản xuất chung.
Tất cả phải chung tay hợp tác, liên khối, liên vùng. Các tỉnh, thành giáp ranh phải họp bàn, thống nhất phương án chống dịch. Không thể tái diễn chuyện đuổi chợ đã thành giai thoại: người bán hàng rong chạy sang địa giới phường khác là phường này đứng nhìn không xử lý được.
Quan trọng hơn, sự hợp tác sẽ dần dần mở rộng được “vùng xanh” và đỡ đần bọc lót cho nhau trong hành trình thích ứng sống chung với Covid-19.
Những bài học mà nơi này trả giá phải mở ra con đường sáng cho nơi khác thoát khỏi kịch bản tồi tệ, không giẫm vào vết xe đổ.
Trong “trạng thái bình thường mới”, các hoạt động đang dần trở lại bình thường nhằm phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, nhưng đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục đòi hỏi các giải pháp kiểm soát chặt chẽ.
Cảnh giác với Covid-19 lúc này không thừa mà là thái độ tích cực vì phát triển.
Chắc chắn, để có thắng lợi cuối cùng trong cuộc chiến với dịch bệnh, không chỉ cần có sự nỗ lực của chính quyền mà còn cần đến ứng xử văn hóa, ứng xử thượng tôn luật pháp, vì sự sống, vì những giá trị văn hóa ở từng tổ chức, cá nhân.
Ngô Đức Hành
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận