CPI tháng 9 tăng mạnh vì học phí Ảnh minh hoạ |
Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoài, CPI bình quân 9 tháng năm 2016 tăng 2,07%.
Trong 11 nhóm hàng hoá chính tháng này có tới 10 nhóm tăng giá. Trong đó, tăng cao nhất là nhóm giáo dục với 7,19%.
Tại buổi họp báo ngày 24/9, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, bà Vũ Thị Thu Thủy cho biết, từ tháng 9, đồng loạt 63 tỉnh thành trên cả nước tăng học phí theo Nghị định của Chính phủ khiến nhóm này đóng góp 0,42% vào mức tăng chung. Bên cạnh đó, chuẩn bị vào năm học mới nên nhu cầu mua sắm sách vở và các dụng cụ học tập tăng.
Nhóm giao thông tăng cao thứ 2 với 0,55% do nhiều lần điều chỉnh tăng giá xăng dầu. Do quy định về ngày tính chỉ số giá của Tổng cục Thống kê nên đợt tăng giá xăng ngày 20/9 vừa qua chưa tác động đến CPI tháng này.
Đáng chú ý, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, sau hai tháng giảm liên tiếp, chỉ số giá nhóm hàng này đã quay đầu tăng trở lại khi ghi nhận ở mức 0,09% so với tháng trước, trong đó lương thực tăng 0,16%, thực phẩm tăng 0,1% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,04%.
Tháng này, duy nhất nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,07%.
Diễn biến CPI qua các tháng. Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 9 năm 2016 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 1,85% so với cùng kỳ; 9 tháng năm 2016 lạm phát cơ bản so cùng kỳ năm 2015 tăng 1,81%.
Bình quân 9 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao.
Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, năm nay Chính phủ đặt mục tiêu CPI tăng 5%, trong khi CPI 9 tháng là 3,14% nên vẫn còn dư địa.
Tuy nhiên, bà Ngọc cũng cho biết, từ nay đến hết năm, có nhiều yếu tố gây áp lực lên CPI đó là giá dịch vụ y tế, giá xăng dầu, chi tiêu dùng cuối năm...Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường. Chính phủ và một số Bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.
Dự báo CPI tháng 10, Tổng cục Thống kê cho rằng có thể tăng cao hơn tháng 9 do một số yếu tố như: giá dịch vụ y tế tăng và giá xăng dầu được điều chỉnh tăng do giá xăng dầu thế giới tăng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận