Giá thuốc và dịch vụ y tế tăng cao, đẩy CPI tháng 8. Ảnh: Diễn biến CPI qua các tháng. Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Như vậy, sau 8 tháng, CPI đã tăng 2,58% so với tháng 12 năm trước.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 6 nhóm tăng. Trong đó, tăng cao nhất là thuốc và dịch vụ y tế 8%, tiếp đến là giáo dục tăng 0,47%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,14%...
Trong số 5 nhóm hàng giảm giá, nhóm giao thông giảm mạnh nhất với 1,97%. Tiếp đến là hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,14%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,12%; bưu chính viễn thông giảm 0,03%; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,02%.
Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 8 chịu tác động bởi giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng theo bước 2 (bao gồm chi phí tiền lương) theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Liên Bộ Y tế, Tài chính về quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, ở 16 địa phương. Do đó, chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng 8,12%, góp phần làm tăng CPI tháng 8.
Bên cạnh đó là 9 tỉnh, thành phố tăng học phí theo lộ trình Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015, cùng với nhu cầu mua sắm tăng do chuẩn bị vào năm học mới...
Đáng chú ý, trong tháng 8, mặt hàng xăng dầu điều chỉnh giảm giá trong hai ngày 20/7 và 4/8 làm giảm giá vé ô tô khách 0,12%, giá vé tàu thủy 0,14%. Qua đó làm giảm chỉ số giá nhóm giao thông 1,97%.
Bên cạnh đó là giá gas cũng giảm từ 1/8với mức giảm 4.500 đồng/bình 12 kg; giá lương thực và giá thực phẩm giảm nhẹ; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở cũng giảm 0,47%...
Dự báo CPI tháng 9, Tổng cục Thống kê cho rằng có thể dự báo tăng cao hơn CPI tháng 8 do giá dịch vụ giáo dục tăng theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ; giá xăng dầu được điều chỉnh tăng do giá xăng dầu thế giới tăng. Tuy nhiên lại có yếu tố kiềm chế CPI trong tháng 9, đó là giá lương thực thực phẩm ổn định với xu hướng giảm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận