Dù đã 87 tuổi nhưng cụ bà Lưu Thị Phẩm thôn Hoàng Xá, xã Hoàng Kim (huyện Mê Linh, TP Hà Nội) vẫn dạy con cháu những bài học quý về tình người, sự sẻ chia từ chính những hành động hiến đất, vận động hiến đất, quyên tiền làm đường, góp tài sản ủng hộ phòng chống dịch Covid-19.
Để “tài sản con đường” cho con cháu
Những ngày cuối tháng 9, có mặt tại con đường chính khang trang, thẳng tắp dẫn vào xóm 2, thôn Hoàng Xá, xã Hoàng Kim (huyện Mê Linh, TP Hà Nội), PV Báo Giao thông ghi nhận việc đi lại của người dân rất thuận tiện, an toàn. Con đường rộng 8 - 9m, được đổ bê tông kiên cố, hai bên đường là những bức tường mới xây, thẳng thắn bao quanh những ngôi nhà mái bằng, mái ngói yên bình.
Chỉ đường cho PV tìm vào nhà cụ Lưu Thị Phẩm, bà Nguyễn Thị Tý, người dân xóm 2 cho hay: “Có được con đường này, là công lớn của cụ Phẩm. Nhà cụ ấy hiến đất, rồi lại hỗ trợ những người hiến đất xây lại tường, lại nhà. Dân ở đây biết ơn cụ lắm!”.
Bà Lưu Thị Sen (con dâu trưởng cụ Lưu Thị Phẩm) kể, cách đây hơn 10 năm, khu vực xóm 2 như vùng trũng, con đường từ ngoài đê vào xóm thấp nên hơi mưa là ngập, lụt lội. Thấy cảnh bà con đi lại khó khăn, trời mưa phải đi thuyền bè hoặc người khoẻ cõng người già, trẻ con, xóm như ốc đảo, cụ Phẩm đã đứng lên vận động người dân khu vực này cùng nhau hiến đất để làm đường giao thông.
“Mẹ chồng tôi hiến đất, nhà trước để mở rộng con đường, rồi bà hô hào bà con trong xóm cùng hiến đất. Xóm nghèo, nên các nhà đều ngần ngại. Có lẽ họ nghĩ rằng, hiến đất không chỉ mất đất, mà còn phải xây lại tường rào, công trình phụ, thậm chí nhà cửa. Thấy vậy, mẹ tôi hỗ trợ tiền để cho các hộ phải xây lại tường rào, công trình phụ, tường nhà”, bà Sen kể.
Thấy một bà cụ đã gần 90 tuổi tiên phong hiến đất, lại đem hết tiền dành dụm ra hỗ trợ, bà con xóm 2 ai nấy đều đồng thuận làm theo. Cụ Phẩm thấy mọi người đã thuận thì rất khẩn trương, chỉ cần vận động hộ gia đình nào đồng ý là cụ bỏ tiền gọi thuê máy móc vào làm cả ngày lẫn đêm. Có những ngày, chỉ trong đêm đến sáng hôm sau, vị trí đất hiến đã thành một đoạn mở rộng của con đường.
“Có những hộ chỉ hiến đất một phần, muốn đường rộng hơn, mẹ tôi lại bỏ tiền ra hỗ trợ kinh phí mua thêm phần đường cho xóm để được rộng hơn. Ban đầu, con cháu cũng có chút phân vân nhưng cụ đã quyết thì cả nhà đều đồng thuận, ủng hộ”, bà Sen tâm sự và cho hay, những hoạt động vì cộng đồng, thiện nguyện của cụ Phẩm luôn là bài học về sự chia sẻ, sống vì mọi người cho con cháu học hỏi, vươn lên để sống có ích.
Nói về lý do để hiến đất, hỗ trợ người dân hiến đất làm đường, cụ Phẩm cho hay, cụ chỉ muốn đóng góp để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. “Tôi cao tuổi rồi, thay vì để lại tài sản vật chất cho con cháu thì tôi để lại “tài sản con đường”. Đường sá rộng rãi thuận tiện cho việc tham gia giao thông trong xóm, bộ mặt của thôn xóm khang trang hơn, các con các cháu, bà con hàng xóm láng giềng làm gì cũng thuận lợi”, cụ Phẩm nói.
Cụ chia sẻ, trong kháng chiến chống Mỹ, cụ đã tình nguyện tham gia làm dân công hỏa tuyến, khi trở về quê hương thì tiếp tục lao động sản xuất, phát triển kinh tế. “Ngoài việc vun vén cho gia đình, tôi luôn đau đáu với những phong trào thiện nguyện ở địa phương, mong muốn làm được điều gì đó để góp phần xây dựng quê hương, đất nước thêm giàu đẹp”, cụ Phẩm cho hay.
Lan tỏa phong trào hiến đất làm đường
Là một trong những hộ hiến đất để làm đường theo sự vận động của cụ Phẩm, ông Lưu Văn Đống cho biết: “Thời điểm đó, đường rất hẹp. Khi được cụ Phẩm đến nhà vận động, gia đình tôi đồng ý ngay và hiến khoảng 10m chiều dài. Đây là việc có lợi cho cả xóm nên hầu như các gia đình đều rất vui vẻ, đồng lòng!”.
Một trường hợp khác là gia đình bà Nguyễn Thị Điều (SN 1957). Bà Điều chia sẻ: “Nhà tôi cũng hiến đến gần chục mét chiều dài mặt đường. Ở đây thì đất ở nhà nào cũng rộng. Chúng tôi thấy đây là việc chung, mỗi nhà hiến một ít đất để có con đường rộng rãi, đi lại thuận tiện hơn nên ai cũng đồng ý ngay”.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lưu Văn Cường, Trưởng thôn Hoàng Xá cho biết, năm nay cụ Phẩm đã 87 tuổi, trong suốt nhiều năm qua, cụ đã tự nguyện hiến đất làm đường, tự bỏ tiền dành dụm, quyên góp gần 2 tỷ đồng kinh phí làm tường rào, hỗ trợ các gia đình tự nguyện hiến đất.
Nhờ sự vận động, hỗ trợ kinh phí của cụ Phẩm, xóm đã có gần 20 hộ gia đình đồng ý ký biên bản hiến đất, di dời các công trình phụ để mở rộng con đường dài 550m, thuận tiện cho việc đi lại của bà con nhân dân.
“Không chỉ tích cực với phong trào hiến đất làm đường, cụ Phẩm còn nhiệt tình tham gia công tác thiện nguyện như trao tặng các suất quà cho các gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Hoàng Kim. Đợt dịch Covid-19 vừa qua, cụ Phẩm và gia đình đã ủng hộ Bệnh viện đa khoa Mê Linh 600 bộ quần áo bảo hộ, gần 5.000 khẩu trang y tế”, ông Cường cho hay.
Được biết, xã Hoàng Kim, huyện Mê Linh hoàn thành xây dựng nông thôn mới từ năm 2018. Tiếp đà thành công này, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nâng chất lượng các tiêu chí đã đạt, phấn đấu hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn 2020 - 2025.
Chủ tịch UBND xã Hoàng Kim, ông Lưu Văn Minh cho biết, xã Hoàng Kim là địa phương về “đích” nông thôn mới ở giai đoạn II (năm 2015 - 2020) của huyện Mê Linh. Điểm nổi bật nhất ở Hoàng Kim là hệ thống giao thông nông thôn được cải tạo khang trang, sạch đẹp.
Để làm được điều đó, xã đã tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ của huyện và huy động nhân dân đóng góp được hơn 8,8 tỷ đồng để nâng cấp, tu sửa các tuyến đường thôn, xóm. Trong đó, 100% trục giao thông chính tại 3 thôn: Hoàng Kim, Hoàng Xá, Tây Xá được bê tông hóa, rộng 3,5 - 5m; hệ thống thoát nước thải trong các ngõ, xóm được tu sửa, nâng cấp, bảo đảm vệ sinh môi trường.
“Trong việc phát triển hệ thống giao thông nông thôn, sự vào cuộc, đóng góp của nhân dân đóng vai trò rất quan trọng, những tấm lòng như của cụ Phẩm và gia đình rất đáng trân trọng”, vị lãnh đạo xã Hoàng Kim chia sẻ.
Với những đóng góp cho cộng đồng, cụ Lưu Thị Phẩm đã nhiều lần được UBND huyện Mê Linh khen thưởng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”, nhận bằng khen trong phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng Nông thôn mới”. Cụ Phẩm cũng là 1 trong 10 cá nhân được đề cử danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2020.
Trong số 10 cá nhân, ngoài cụ Lưu Thị Phẩm còn có ông Vũ Oanh (SN 1924, nguyên Ủy viên bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Kinh tế Trung ương); Trung tướng Lê Đỗ Nguyên (tức Phạm Hồng Cư, SN 1926, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Tư lệnh về chính trị Quân khu 2); ông Vũ Ngọc Chúc (bút danh: Vũ Quần Phương, SN 1940, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, Tổng Biên tập Báo Người Hà Nội); Thạc sĩ, Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ chuyên khoa cấp II Nguyễn Trung Cấp (SN 1970, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bộ Y tế)…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận