Xã hội

Cư dân 8B Lê Trực đội mưa rét căng băng rôn đòi nhà

08/02/2020, 21:15

Dù thời tiết mưa lạnh nhưng nhiều khách hàng mua nhà tại dự án 8B Lê Trực vẫn tập trung tại dự án, căng băng rôn đòi quyền lợi.

img
Hàng chục khách hàng mua nhà tại dự án 8B Lê Trực căng băng rôn tại cổng dự án này

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, chiều nay (8/2) dù trời giá rét và mưa phùn nhưng nhiều khách hàng mua căn hộ tại công trình 8B Lê Trực, (phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP Hà Nội) vẫn tập trung căng băng rôn với các dòng chữ “Yêu cầu chủ đầu tư và chính quyền trả nhà cho cư dân - Mua nhà đã 5 năm nhưng chúng tôi chưa được về ở”; “Kính đề nghị Chủ tịch Thành phố Hà Nội giải quyết dứt điểm để trả nhà cho chúng tôi 8B Lê Trực” ngay cổng vào công trình.

Sau đó, những người này tập trung trước UBND phường Điện Biên đề nghị chính quyền đối thoại, nhưng không được hồi đáp.

Một số người mua nhà tại 8B Lê Trực cho biết, đây không phải lần đầu tiên khách hàng căng băng rôn đòi nhà. Lần tập trung này xuất phát từ thông tin cơ quan chức năng đưa cẩu tháp vào công trình để thực hiện cưỡng chế giai đoạn 2, phá dỡ tầng 17, 18 của công trình nhưng chưa có phương án cưỡng chế phá dỡ được phê duyệt.

Nhiều người lo ngại, việc phá dỡ khi chưa có phương án rõ ràng sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng kết cấu cũng như không đảm bảo cho công trình sau cưỡng chế đưa vào sử dụng. Để đảm bảo quyền lợi, nhiều chủ căn hộ ở đây mong muốn được đối thoại với các cơ quan chức năng.

img
Khách hàng dự án 8B Lê Trực căng băng rôn trước cổng UBND phường Điện Biên

Bà Nguyễn Thị Xuân (55 tuổi), một người mua nhà tại tầng 17 của dự án này cho biết: “Chúng tôi không chấp nhận việc phá dỡ tầng 17, 18, bởi đây là tài sản hợp pháp của chúng tôi.”.

Cũng là khách hàng mua nhà tại dự án 8B Lê Trực, ông Nguyễn Văn Tuấn bức xúc cho hay: “Tôi là cư dân ở đây, tôi đề nghị, chính quyền khi phá dỡ, cưỡng chế phải đúng quy định là công khai phương án phá dỡ và phương án đó phải được lấy ý kiến người dân. Nguyên tắc, phương án phải đảm bảo an toàn trong khi tháo dỡ và đủ điều kiện an toàn sau này cho người dân khi về ở”.

Nhiều chủ căn hộ khác cũng cho rằng, chính quyền cần có động thái đối thoại để nghe ý kiến của những người dân có quyền lợi tại dự án này.

“Là người dân mua nhà hợp pháp tại đây, chúng tôi mong các cơ quan chức năng giải quyết sao cho chúng tôi được về căn hộ đã mua chứ không đòi hỏi gì hơn", chủ căn hộ 503 nói.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch UBND phường Điện Biên cho biết: “Chiều nay thực hiện kế hoạch chỉ đạo của Thành phố và Quận, UBND phường đã chuẩn bị công tác xử lý giai đoạn 2 của dự án 8B Lê Trực chúng tôi chưa cưỡng chế gì cả mà chỉ chuẩn bị cho công tác cưỡng chế. Nếu cưỡng chế thì phải chờ kế hoạch cưỡng chế của cấp có thẩm quyền”.

Được biết ngày 24/10/2019, Công ty CP May Lê Trực nhận được thông báo của UBND quận Ba Đình áp dụng biện pháp cưỡng chế phá dỡ giai đoạn 2 đối với công trình 8B Lê Trực. Theo đó, việc cưỡng chế phá dỡ sẽ thực hiện từ ngày 23/12/2019 đến khi hoàn thành. Ngày 5/2/2020 UBND Quận Ba Đình đã ban hành văn bản 144/UBND-VP tạm ngừng cấp điện công trình 8B Lê Trực.

Thủ tướng 6 lần chỉ đạo

Công trình 8B Lê Trực nằm sát khu chính trị Ba Đình - cách Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tòa nhà Quốc hội khoảng 300m, cách Văn phòng Trung ương Đảng, Phủ Chủ tịch chừng 500m, tính theo đường chim bay. Khi chủ đầu tư xây xong phần thô thì bị phát hiện sai phạm so với giấy phép xây dựng.

Trước đó, Thủ tướng đã chỉ đạo xử lý sai phạm tại thông báo Kết luận số 351/TB-VPCP ngày 2/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Tháng 11/2015, TP Hà Nội bắt đầu phá dỡ sai phạm tại công trình 8B Lê Trực, gần 1 năm sau thì hoàn thành giai đoạn 1, cắt xong tầng 19. Tuy nhiên, sau đó các sai phạm vẫn không được xử lý dứt điểm, khiến lần lượt Thủ tướng phải có chỉ đạo tại các văn bản ngày 31/3/2016; ngày 28/6/2016; 13/7/2016 và ngày 15/10/2018. Đầu tháng 12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo lần thứ 6 về việc xử lý sai phạm tại Dự án số 8B Lê Trực.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.