Chuyện dọc đường

Cụ thể hóa quy định trừ điểm bằng lái

Hôm qua (22/7), Văn phòng Chủ tịch nước công bố 6 luật vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Trong nhiều nội dung quan trọng, người dân rất quan tâm đến quy định trừ điểm bằng lái xe đối với những trường hợp vi phạm giao thông.

Cụ thể hóa quy định trừ điểm bằng lái- Ảnh 1.

Khi áp dụng trừ điểm bằng lái, nếu vi phạm nhiều lần, tài xế sẽ phải học và sát hạch lại. Ảnh: Tạ Hải.

Theo đó, đại diện Bộ Công an cho biết, người vi phạm bị trừ hết điểm sẽ phải học và kiểm tra lại kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ. Khi đủ điều kiện, họ mới được cấp lại điểm trong giấy phép lái xe.

Để chuẩn bị thực hiện quy định này, Bộ Công an đang tham mưu Chính phủ xây dựng nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó có các hành vi vi phạm bị trừ điểm giấy phép lái xe.

Từ ngày 1/1/2025, khi luật có hiệu lực, việc trừ điểm hoàn toàn tự động và được kết nối với hệ thống VNeID, Cổng dịch vụ công quốc gia. Người bị trừ điểm sẽ biết các hành vi đã bị trừ bao nhiêu điểm, số điểm còn lại bao nhiêu.

Việc trừ điểm bằng lái ngay từ khi đưa ra lấy ý kiến vào dự thảo luật đã được nhiều người ủng hộ. Tác dụng của việc này là nhằm nâng cao ý thức người tham gia giao thông.

Nhất là đối với các tài xế lái xe kinh doanh vận tải, việc bị trừ điểm bằng lái liên quan mật thiết tới công ăn việc làm, thu nhập của họ. Họ sẽ phải thường xuyên theo dõi thông tin trên cơ sở dữ liệu, luôn chú ý và chấp hành nghiêm pháp luật về giao thông để không bị trừ hoặc trừ hết điểm.

Một lợi ích quan trọng nữa là thông qua hệ thống quản lý điểm bằng lái, doanh nghiệp hoặc cơ quan sẽ nắm bắt được cụ thể tài xế có từng vi phạm hay không, vi phạm bao nhiêu lần, từ đó cân nhắc việc ký kết hợp đồng lao động.

Theo quy trình, sau khi luật có hiệu lực, sẽ phải có các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện rất cụ thể. Một trong những nội dung được nhiều người quan tâm là số điểm bị trừ tương ứng với các hành vi vi phạm.

Chẳng hạn, vượt đèn đỏ thì bị trừ bao nhiêu, chạy quá tốc độ bị phạt bao nhiêu? Với tài xế xe khách, nếu chở quá số người, đón trả khách dọc đường có bị trừ hay không? Những vi phạm bị trừ điểm sẽ không bị giữ GPLX, vậy cụ thể là những vi phạm nào? Với người điều khiển xe máy có bị trừ như điều khiển ô tô hay không?

Thậm chí, cũng có ý kiến cho rằng "có thưởng thì có phạt", chẳng hạn những trường hợp một năm không vi phạm thì có thể cộng điểm thưởng để khuyến khích. Thực tế, đã có không ít quốc gia trên thế giới thực hiện việc này.

Ví dụ như ở Ý, họ áp dụng thang điểm 20 cho bằng lái và có cả hình thức cộng điểm bên cạnh trừ điểm. Nếu không vi phạm luật giao thông trong 2 năm liên tiếp, tài xế được cộng thêm 2 điểm. Mỗi người được tích lũy tối đa 30 điểm trên bằng lái…

Nhìn chung, việc đưa ra được quy định trừ điểm bằng lái là một bước tiến đáng ghi nhận trong việc đảm bảo trật tự ATGT. Chắc chắn quy định này sẽ tác động tích cực đến ý thức của người lái xe, từ đó góp phần hạn chế tai nạn giao thông.

Vấn đề còn lại là tại các văn bản dưới luật, cơ quan chức năng cần đưa ra những quy định chi tiết, cụ thể trường hợp nào thì trừ điểm, mức trừ bao nhiêu. Nhất là với những lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, cần có mức trừ đủ sức răn đe.

Trừ tiền phạt vi phạm giao thông qua tài khoản thế nào?Trừ tiền phạt vi phạm giao thông qua tài khoản thế nào?

Một trong những đề xuất được dư luận quan tâm là việc khấu trừ tiền từ tài khoản đối với tổ chức, cá nhân không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.