Dự thảo Nghị định quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đang được lấy ý kiến.
Đã có quy định nhưng khó thực hiện
Theo Ban soạn thảo, biện pháp cưỡng chế "khấu trừ tiền từ tài khoản" được áp dụng cho những tổ chức, cá nhân không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả… mà có mở tài khoản hoặc tiền gửi tại tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước.
Để việc khấu trừ tiền phạt qua tài khoản khả thi phụ thuộc rất nhiều vào việc tổ chức thi hành cũng như áp dụng công nghệ (ảnh minh họa).
Trao đổi với Báo Giao thông, một cán bộ chuyên trách công tác xử lý vi phạm thuộc đơn vị của Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, quy định về khấu trừ tiền từ tài khoản đối với người vi phạm đã có tại Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020.
"Quy định này đã có, song chưa có hướng dẫn cụ thể nên hầu như chưa có trường hợp người vi phạm nào bị áp dụng", cán bộ này cho hay.
Theo vị cán bộ, quy trình xác minh thông tin về tài khoản của người vi phạm tại nơi họ gửi tiền vướng mắc nhiều thủ tục. Ví dụ, một tài xế vi phạm giao thông, quá thời hạn phải nộp phạt nhưng tài xế vẫn không chấp hành. Khi đó, theo quy định, CSGT có quyền khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân đó.
Tuy nhiên, để khấu trừ tiền, lực lượng xử lý vi phạm hành chính phải trải qua các quy trình khác nhau, phối hợp với cơ quan, tổ chức tín dụng để xác minh làm rõ tài khoản của người vi phạm.
Cần gì để khả thi?
Luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc khấu trừ là một biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính.
Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, tổ chức tín dụng nơi cá nhân bị cưỡng chế có trách nhiệm cung cấp thông tin về tài khoản của người đó khi có yêu cầu của người có thẩm quyền. Đồng thời, trích chuyển từ tài khoản của người bị cưỡng chế vào ngân sách Nhà nước. Việc trích chuyển không phải cần được sự đồng ý của người bị cưỡng chế.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng (nguyên ĐBQH thuộc đoàn Bình Dương) nhìn nhận, hiện nay Bộ Công an và lực lượng CSGT đang tích cực áp dụng khoa học công nghệ vào quản lý người và phương tiện giao thông. Nhiều quy định đã được ban hành để quản lý công dân qua hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, quản lý phương tiện bằng định danh biển số xe và quản lý giấy phép lái xe, đăng ký xe và đăng kiểm bằng mã số định danh.
"Chúng ta quản lý người vi phạm bằng mã định danh công dân để xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Như vậy, ai không chấp hành việc xử phạt, cơ quan quản lý sẽ cưỡng chế", ông Hồng nêu quan điểm.
Theo ông, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng biện pháp cưỡng chế này. Ở Việt Nam, hiện dữ liệu các bộ, ngành đã được liên thông. Khi cá nhân vi phạm luật mà có phương tiện đã được định danh, cơ quan chức năng sẽ khấu trừ tiền phạt vào tài khoản đó.
Còn theo luật sư Trần Tuấn Anh, trước đây, để xác định được người vi phạm có sử dụng tài khoản ngân hàng hay không, mở tài khoản ở ngân hàng nào… có thể gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên hiện nay, cơ sở dữ liệu hoàn toàn liên thông, CSGT chỉ cần xác minh được người vi phạm có sử dụng tài khoản ngân hàng, mở tài khoản ở đâu là có thể áp dụng hình thức cưỡng chế này.
"Quy định về khấu trừ có khả thi hay không chỉ còn phụ thuộc vào các vấn đề như tổ chức thi hành như thế nào, công nghệ kỹ thuật áp dụng ra sao mà thôi", luật sư nêu quan điểm.
Càng chậm nộp phạt, lãi càng cao
Trong dự thảo của Bộ Công an, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Kho bạc Nhà nước cung cấp thông tin về tài khoản, tiền gửi của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế.
Sau khi xác định được thông tin về tài khoản, tiền gửi của người vi phạm, người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế sẽ khấu trừ tiền từ tài khoản, tiền gửi của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế.
Theo luật sư Trần Tuấn Anh, hiện nay, hầu hết mọi người đều có tài khoản để nhận lương, gửi tiết kiệm hoặc thực hiện các giao dịch khác. Theo quy định tại Thông tư 18/2023 của Bộ Tài chính, cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Do đó, người vi phạm cố tình chây ì thì số tiền nộp phạt sẽ ngày càng tăng lên, nhất là với số tiền nộp phạt lớn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận