Cử tri TP.HCM bức xúc dự án giao thông, chống ngập chậm hoàn thành

Nhiều cử tri phản ánh ngập là một trong những tồn tại lớn làm đảo lộn sinh hoạt, đi lại của người dân nhiều năm qua nhưng TP.HCM chưa giải quyết triệt để.

10/10/2023, 18:06

Chiều 10/10, Tổ đại biểu Quốc hội số 4 TP.HCM có buổi tiếp xúc cử tri 3 đơn vị quận 7, quận 4 và huyện Nhà Bè xoay quanh vấn đề ngập lụt đô thị, tắc đường, công trình giao thông chậm hoàn thành ảnh hưởng quá trình đi lại của người dân. 

Bên cạnh đó, nhiều cử tri nêu ý kiến liên quan chính sách hỗ trợ về nhà lưu trú công nhân, an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy trên địa bàn.

Tổ đại biểu Quốc hội số 4 gồm Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ TP.HCM Nguyễn Trần Phượng Trân và trung tướng Dương Văn Thăng, Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao. 

Buổi tiếp xúc cử tri diễn ra trực tiếp tại quận 7 và kết nối trực tuyến với điểm cầu quận 4 và huyện Nhà Bè.

Cử tri kêu chuyện ngập nước, kẹt xe triền miên

Nêu ý kiến về các bất cập hạ tầng giao thông trên địa bàn, cử tri Nguyễn Xuân Mừng (phường Phú Mỹ, quận 7) cho biết: Người dân quận 7 có linh cảm đang bị tách rời khỏi trung tâm thành phố vì giao thông chứ không phải vì chính sách giãn dân. 

"Chỉ cách một đến hai cây cầu, nhưng có việc gì phải đi vào trung tâm TP là kẹt xe, tắc đường kinh khủng", ông Mừng nói. 

Cử tri TP.HCM bức xúc dự án chống ngập chậm hoàn thành  - Ảnh 1.

Cử tri quận 7 Nguyễn Xuân Mừng nêu ý kiến về bất cập hạ tầng giao thông (Ảnh: Trọng Nghĩa).

Cử tri Nguyễn Xuân Mừng cũng đặt câu hỏi: Vì sao nhiều năm qua đường Nguyễn Tất Thành kết nối từ trung tâm (quận 1) tới quận 4, quận 7 vẫn chưa được mở rộng? Trong khi đó, đường này chật chội, còn bên trong cảng Sài Gòn (một bên đường Nguyễn Tất Thành) là đất chưa khai thác, vậy sao không mở rộng để người dân đi?

Cử tri cũng đề cập việc chậm hoàn thành dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ gây ùn ứ trầm trọng vào giờ cao điểm tại khu vực. 

"Buổi sáng thì tắc đường ở ngã tư. Nhưng bên trong thì máy móc, công trường im lìm. Người dân không biết bao giờ mới xong", ông Mừng nêu.

Cử tri Nguyễn Xuân Mừng cũng nêu quận 7 là địa bàn có lưu lượng lớn xe container, xe tải nặng chạy cả ngày lẫn đêm. Theo ông Mừng, vào giờ cao điểm, người dân đi làm, đi học chung với xe tải nặng lưu thông rất nguy hiểm. Cử tri quận 7 đề nghị các cơ quan có phương án phân luồng xe tải nặng chạy theo khung giờ hợp lý, đảm bảo an toàn cho người dân.

Cử tri Lê Ngọc Anh (huyện Nhà Bè) phản ánh các điểm kẹt xe và đòi hỏi thành phố phải có phương án giải quyết. Đó là các điểm, đoạn đường cầu Kênh Tẻ 2 nối giữa quận 7 và huyện Nhà Bè; Đường Lê Văn Lương, Nguyễn Hữu Thọ; Cầu Rạch Đĩa 2 nối Nhà Bè - quận 7... 

Cử tri TP.HCM bức xúc dự án chống ngập chậm hoàn thành  - Ảnh 2.

Dự án chống ngập do triều khu vực TP.HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) đã hoàn thành 93%. Ảnh: Chí Hùng

Đồng kiến nghị, cử tri Lý Ngọc Linh (huyện Nhà Bè) cũng cho biết, nhiều tuyến đường trên địa bàn như Lê Văn Lương, Nguyễn Bình thường ngập sâu kéo dài, gây kẹt xe giờ cao điểm sáng lẫn chiều.

"Người dân chờ đợi dự án chống ngập nước 10.000 tỷ đồng nhưng chưa thấy đưa vào sử dụng. Đề nghị Tổ đại biểu Quốc hội tham mưu UBND TP sớm đẩy nhanh hoàn thành dự án, đồng thời nâng cấp sửa chữa các tuyến đường của huyện như Lê Văn Lương, Đào Sư Tích để người dân được đi lại thuận tiện hơn", cử tri Lý Ngọc Linh nêu ý kiến.

Dự án chống ngập đang vướng, dần tháo gỡ

Phản hồi kiến nghị của cử tri, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng là một trong những công trình TP.HCM đang tập trung tháo gỡ vướng mắc.

Ông Mãi cho biết, dự án đã hoàn thành 93% khối lượng. Tuy nhiên, nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính nên bị trì hoãn. Số tiền còn lại để hoàn thành dự án là khoảng 1.800 tỷ đồng. Song, nhà đầu tư không đủ tài chính, hợp đồng với ngân hàng không cho vay nữa do không trả tiền gốc, tiền lãi đúng tiến độ. 

Ông Phan Văn Mãi cho biết, hiện TP.HCM xin cơ chế cho thanh toán sớm 5.700 tỷ, trích từ nguồn 68.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được Trung ương, TP giao để thanh toán cho nhà đầu tư nhưng đến nay chưa có điều kiện.

Cử tri TP.HCM bức xúc dự án chống ngập chậm hoàn thành  - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM (Ảnh: Trọng Nghĩa).

"Phía nhà đầu tư nói nếu khởi động lại thì khoảng 6 tháng sẽ hoàn thành. Công trình vẫn tiếp tục làm nhưng cần phải tháo gỡ một số khó khăn thủ tục đầu tư", ông Mãi khẳng định.

Mặt khác, Chủ tịch Phan Văn Mãi nhận định việc hoàn thành dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng chưa thể giải quyết hết các điểm ngập toàn thành phố. 

"Dự án chống ngập này chưa phải là hệ thống khép kín nên cần phải khảo sát để phát huy hết vai trò của công trình. Đề nghị 3 quận khảo sát và có đề nghị nâng đường lên hoặc giải pháp khác để xử lý, giúp đời sống bà con tốt hơn", Chủ tịch Phan Văn Mãi nói.

Về việc kết nối quận 7 với trung tâm, ông Mãi cho hay TP đang rà soát điều chỉnh quy hoạch chung, bao gồm giao thông trên địa bàn để kết nối quận 7 với Khu đô thị Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, trung tâm TP.HCM, sân bay Tân Sơn Nhất.

Cũng theo ông Mãi, quy hoạch chung đang hoàn thiện và cần trình cho cơ quan thẩm quyền. Trong thời gian tới, quy hoạch TP hướng đến mô hình đô thị đa trung tâm, gắn với phát triển khu dân cư theo trục giao thông công cộng theo tinh thần Nghị quyết 98. Ý tưởng này đã được thống nhất, các ngành chức năng đang nghiên cứu để cụ thể hóa.

Chung cư không có đường đấu nối

"Chung cư Lux Garden không có đường đấu nối giao thông. Đó là tình trạng hơn 2.000 cư dân chúng tôi phải chịu đựng trong suốt 5 năm qua", cử tri Lê Dung (quận 7) bức xúc.

"5 năm qua chúng tôi gửi rất nhiều đơn thư, nhưng đến nay chỉ nhận được câu trả lời các bên đang rà soát. Còn đại diện quận 7 nói chưa có ngân sách. Vậy, chúng tôi muốn hỏi vì sao không có ngân sách, Sở GTVT và các đơn vị lại cấp phép cho chủ đầu tư xây dựng dự án?", cử tri Lê Dung đặt câu hỏi.

Cử tri Dung cho biết nhiều năm qua, hơn 2.000 cư dân mỗi ngày phải đi chung với các xe rơ-moóc, xe container, rất nguy hiểm đến tính mạng người dân. Bà đòi hỏi: Dù là trách nhiệm của cơ quan nào thì việc xây đường kết nối cho hơn 2.000 người dân cũng không thể trì hoãn thêm.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.