Vì sao có hành vi bị nâng mức phạt hàng chục lần?
Sáng 7/1, sau một tuần lực lượng chức năng trên cả nước áp dụng xử phạt vi phạm giao thông theo quy định tại Nghị định 168/2024, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đánh giá, ý thức chấp hành của người tham gia giao thông đã có sự chuyển biến rõ rệt.
Tại buổi giao lưu trực tuyến "Những điều cần biết về tăng mạnh mức xử phạt vi phạm giao thông theo Nghị định 168" do báo Tuổi trẻ tổ chức sáng 7/1, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT thông tin rõ hơn một số nội dung trong nghị định mới.
Điển hình như chế tài mới đối với hành vi lái ô tô, xe máy vượt đèn đỏ, mức phạt nâng thành 4-6 triệu (với xe máy) và 18-20 triệu (với ô tô), đại tá Nhật phân tích, nhiều hành vi vi phạm, trong đó có việc vượt đèn đỏ là rất nguy hiểm và diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông bất cứ lúc nào.
Nhóm vi phạm lỗi này chủ yếu là người đi xe máy, xe máy điện, xe đạp, xe đạp điện...
Do đó, việc nâng mức xử phạt là cần thiết, lập lại kỷ cương trật tự mới trong quá trình đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Bỏ xe vì mức phạt cao sẽ bị xử lý nghiêm
Theo đại tá Nguyễn Quang Nhật, thời gian qua xuất hiện tình trạng một bộ phận người vi phạm không đến giải quyết vi phạm hành chính, khiến nhiều bãi tạm giữ phương tiện bị tồn đọng xe, gây quá tải.
Để giải quyết tình trạng nêu trên, lực lượng chức năng sẽ lập hội đồng sung công và bán thanh lý phương tiện theo quy định, nộp tiền vào ngân sách khi hết thời hạn mà người vi phạm không đến làm việc.
Theo đại tá Nhật, việc tạm giữ phương tiện để xác minh và ra quyết định xử phạt, ngăn chặn vi phạm khẩn cấp, bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.
Khi người điều khiển bị tạm giữ giấy phép lái xe thì sẽ không được cấp/đổi, trên hệ thống quản lý của CSGT đã xác nhận giấy phép lái xe bị tạm giữ không đến xử lý thì sẽ không có giấy phép lái xe, sẽ không có quyền điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nguy cơ thường trực là bị xử lý rất nặng.
Khi nào người báo tin vi phạm được thưởng tiền?
Một trong những nội dung dư luận quan tâm là quy định về hướng dẫn thanh toán cho người tố giác vi phạm giao thông. Về việc này, đại diện Cục CSGT cho hay các cơ quan chức năng đang xây dựng và sẽ sớm đưa vào thi hành.
Cục CSGT nhấn mạnh, pháp luật khuyến khích mọi người dân có trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ chấp hành pháp luật, lên án các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông.
Việc trích tiền thưởng từ kinh phí đảm bảo an toàn giao thông cho người cung cấp thông tin có giá trị để xử lý vi phạm giao thông, cơ chế mức hỗ trợ cá nhân/tổ chức của một vụ, việc không quá 10% (không quá 5 triệu/vụ, việc).
Hiện, Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đang xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết.
Để phản ánh, người dân có thể gửi thông tin, hình ảnh qua fanpage chính thức của Cục CSGT, hòm thư điện tử, Zalo, ứng dụng iHanoi, VNETraffic...
Với ứng dụng VneTraffic - Ứng dụng giao thông thông minh Việt Nam, người dân có thể tiếp cận rất nhiều thông tin. Trong đó, lực lượng CSGT có thể tiếp nhận thông tin và phân luồng để giải quyết nguồn tin người dân báo.
Với các vi phạm sẽ chuyển đến lực lượng chức năng các nơi liên quan để giải quyết và tai nạn cũng được chuyển ngay để giải quyết. Ngoài ra, người dân sẽ nắm bắt được các thông báo về phạt nguội. Đồng thời tiến tới kết nối để người dân nắm bắt được điểm bằng lái xe của mình, bản đồ số an toàn giao thông...
Hiện tại app đã đưa vào hoạt động từ ngày 1/1/2025 và tiếp tục có điều chỉnh bổ sung. Mới 3 ngày qua, app Traffic đã có 250.000 người đăng ký, hơn 8.000 phản ánh về vi phạm giao thông.
Thời gian tới, Cục CSGT cũng sẽ hướng dẫn cho người dân có thể đăng ký tài khoản VNETraffic qua ứng dụng định danh điện tử VneID.
Ứng dụng VneTraffic trước đây được thí điểm tại Bắc Ninh từ năm 2024 và những ngày đầu có thể ứng dụng báo mới thí điểm ở Bắc Ninh. Còn hiện tại ứng dụng đã có thể sử dụng trên cả nước.
"Tôi cũng xin nói thêm, thực tế vừa qua trên mạng xã hội xuất hiện trào lưu “săn tiền thưởng” thông qua việc ghi hình báo vi phạm giao thông.
Về vấn đề này, chúng ta phải suy nghĩ tích cực, tránh những trào lưu. Ở đây mọi công dân đều có trách nhiệm lên án những thói hư, tật xấu, hành vi vi phạm pháp luật, lệch chuẩn để hướng đến xã hội văn minh, tiến bộ, ý thức giao thông nền nếp.
Báo cáo thông tin về vi phạm là ý thức trách nhiệm của công dân, không chỉ là thông tin về trật tự an toàn giao thông mà còn là thông tin về tội phạm", đại tá Nhật nói.
CSGT được trích lại 85% tiền xử phạt vi phạm là không chính xác
Về thông tin mạng xã hội cho rằng CSGT được trích lại 85% tiền xử phạt vi phạm giao thông, Cục CSGT khẳng định điều này là không chính xác. Luật Trật tự, an toàn giao thông không quy định nội dung này.
Theo Nghị định 176/2024 quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự ATGT và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước (có hiệu lực từ 1/1/2025), cơ quan được sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự ATGT sau khi nộp vào ngân sách gồm: Bộ Công an, UBND tỉnh, thành phố và các cơ quan khác tại địa phương.
Nghị định 176 quy định, cùng thời điểm lập dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, căn cứ vào tiến độ thực hiện, nhu cầu kinh phí, Bộ Công an xây dựng dự toán tương ứng với số tiền thu từ xử phạt và 30% số tiền thu từ đấu giá biển số xe năm trước liền kề đã nộp vào ngân sách Nhà nước.
Sau đó gửi cơ quan có liên quan tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí theo quy định của pháp luật.
Đối với kinh phí thu từ xử phạt, Bộ Công an đề xuất phương án bố trí kinh phí cho Bộ Công an và các địa phương.
Đồng thời, tổng hợp cùng báo cáo dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm của Bộ Công an để gửi cơ quan có liên quan tổng hợp theo quy định.
Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thu từ xử phạt vi phạm và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước của Bộ Công an thực hiện theo quy định về quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước đối với hoạt động thuộc lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội...
Sau 1 tuần triển khai Nghị định 168, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý hơn 92.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, khoảng 2.300-2.500 tài xế ô tô và xe máy vi phạm về nồng độ cồn.
Khoảng 350-380 trường hợp/ngày bị lập biên bản do vi phạm không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu (vượt đèn đỏ). Ngoài ra, vi phạm về tốc độ 19.600 trường hợp; chở quá tải hơn 1.100 trường hợp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận