Đường bộ

Cục Đường bộ bác tin trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài thu thừa 200 tỷ

14/10/2022, 19:54

Cục Đường bộ VN lên tiếng về thông tin trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài thu thừa 200 tỷ đồng.

Không có chuyện thu thừa

Liên quan đến thông tin trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài thu phí thừa gần 200 tỷ đồng, Cục Đường bộ VN cho biết, không chính xác.

img

Thông tin trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài thu thừa 200 tỷ đồng so với số tiền đầu tư là chưa chính xác

Theo Cục Đường bộ VN, trạm thu phí này đặt trên đường Võ Văn Kiệt (Hà Nội) để thu phí cho dự án đường tránh thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc).

Căn cứ hợp đồng BOT được ký giữa đại diện Bộ GTVT là Tổng cục Đường bộ VN (nay là Cục Đường bộ VN) và nhà đầu tư dự án là Tổng công ty cổ phần Thương mại xây dựng, tổng mức đầu tư dự án ban đầu là 531 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư dự án sau khi quyết toán là 599,931 tỷ đồng.

Để hoàn vốn, nhà đầu tư được Tổng cục Đường bộ VN (nay là Cục Đường bộ VN) ký hợp đồng BOT đặt trạm thu phí 16 năm 10 tháng kể từ 1/9/2009.

Tính đến cuối năm 2021, sau 12 năm thực hiện thu phí, tổng số tiền phát sinh thêm của dự án lên đến 571,462 tỷ đồng bao gồm các khoản như: Thuế giá trị gia tăng của thu phí sử dụng đường bộ, sửa chữa, bảo trì dự án, lãi vay tính trên lãi vay được vốn, các khoản chi tổ chức thu, chi khác.

“Tổng số tiền phải trả cho nhà đầu tư dự án là 1.171 tỷ đồng. Đến nay, tổng số thu từ vận hành trạm thu phí là hơn 777 tỷ đồng, bao gồm hơn 730 tỷ đồng tiền thu phí sử dụng đường bộ và gần 47 tỷ đồng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng, được khấu trừ. Như vậy, số tiền còn phải trả cho nhà đầu tư vẫn còn hơn 394 tỷ đồng, chứ không phải đã thu thừa gần 200 tỷ đồng”, đại diện Cục Đường bộ VN cho biết.

img

Cục Đường bộ VN đề xuất 2 phương án tháo gỡ vướng mắc trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài

Đề xuất phương án gỡ vướng mắc

Cục Đường bộ VN cho biết, đến nay hoạt động thu phí của trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc như: Dự án không được tăng giá (theo quy định của hợp đồng, giá vé phải được điều chỉnh tăng 1,5 lần từ năm 2012 tuy nhiên đến nay chưa được tăng). Trong khi đó, lưu lượng xe qua trạm thu phí giảm do thực hiện bỏ trạm thu phí phụ Vĩnh Thanh, phân lưu qua cầu Nhật Tân và các tuyến khác giao cắt với đường Bắc Thăng Long - Nội Bài và do ảnh hưởng từ các đợt sửa chữa mặt cầu Thăng Long, đại dịch Covid-19, ...

Khi Quỹ Bảo trì đường bộ đi vào hoạt động theo Nghị định số 18/2012/NĐ CP ngày 13/3/2012, các trạm thu phí hoàn vốn cho các dự án BOT được tiếp tục thu phí.

Năm 2013, trên cơ sở ý kiến của cử tri và UBND TP Hà Nội, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất xử lý bất cập tại trạm thu phí này theo hướng ghép với trạm thu phí của Dự án BOT QL2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên hoặc Nhà nước bố trí vốn mua lại bằng NSNN.

Đến năm 2014, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 7909/VPCP-KTN ngày 9/10/2014: “Bộ GTVT chỉ đạo thực hiện thu phí hoàn vốn cho dự án xây dựng quốc lộ 2, đoạn tránh TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc theo Hợp đồng BOT đã được ký kết với nhà đầu tư. Vì vậy, Trạm thu phí này tiếp tục được hoạt động đến nay.

Cuối năm 2018, một số lái xe phản đối, dừng xe tại trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài gây mất an ninh trật tự và mất ATGT; thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN (nay là Cục Đường bộ VN) đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của TP Hà Nội và nhà đầu tư nhằm đảm bảo an ninh trật tự và ATGT tại trạm thu phí. Từ đó đến nay trạm thu phí này đã vận hành ổn định.

Năm 2021, thực hiện Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng, trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài đã hoàn thành việc lắp đặt và thực hiện thu phí điện tử không dừng từ 1/2/2021.

Theo Cục Đường bộ VN, việc triển khai Dự án và duy trì hoạt động của trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài trên tuyến đường Võ Văn Kiệt đã tuân thủ các của pháp luật tại thời điểm thực hiện dự án (Nghị định số 78/2007/NĐ-CP ngày 11/5/2007) và được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Do đó, Cục Đường bộ VN đã đề xuất 2 phương án xử lý trạm thu phí này. Phương án 1 tiếp tục thu phí tại vị trí hiện tại, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Nhà đầu tư tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan trên địa bàn trạm thu phí để thực hiện việc tuyên truyền, giải thích cho người tham gia giao thông đồng thuận khi qua trạm thu phí, đảm bảo an ninh trật tự.

Phương án 2 được đưa ra là thực hiện xóa bỏ trạm theo kiến nghị của cử tri, đề nghị Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và bố trí vốn nhà nước để thanh toán cho Doanh nghiệp dự án.

Cục Đường bộ VN cho biết, đối với phương án di chuyển trạm thu phí vào trong phạm vi của Dự án, Cục đã cùng Sở GTVT Vĩnh Phúc, Nhà đầu tư kiểm tra hiện trạng tuyến đường thuộc Dự án (chiều dài 10,532km); có 10 nút giao kết nối với hệ thống đường bộ, dọc hai bên tuyến tránh từ Km0-Km9+856 thuộc phạm vi đô thị đã được phê duyệt quy hoạch theo các quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc (hiện không thể đặt trạm thu phí trong khu đô thị); từKm9+856 đến Km10+523 hai bên có đường điện cao thế chạy song song và có các nhà máy xí nghiệp đang hoạt động, không có diện tích đất để bố trí đặt trạm thu phí.

Do đó, nếu thực hiện di chuyển trạm vào trong phạm vi của Dự án sẽ làm tăng thêm chi phí đầu tư xây dựng trạm mới, đồng thời doanh số thu phí sẽ không đảm bảo phương án tài chính nên phương án này không khả thi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.