Xu hướng “công nghệ xanh” đang cách mạng hóa ngành vận tải biển
Cục Hàng hải VN vừa có văn bản gửi các doanh nghiệp hàng hải và thuyền viên kêu gọi tìm giải pháp hướng đến sử dụng “công nghệ xanh” cho ngành vận tải hàng hải.
Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN Hoàng Hồng Giang, năm 2022, dù đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhưng hậu quả của đại dịch ảnh hưởng không nhỏ tới lĩnh vực hàng hải nói chung và vận tải biển nói riêng, đặc biệt sự gián đoạn chuỗi cung ứng vận chuyển hàng hóa toàn cầu.
Vận tải biển xanh đang là xu hướng trong ngành hàng hải
Dù vậy, ngành vận tải biển vẫn duy trì hoạt động liên tục, thông suốt và an toàn, đảm bảo vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đáng chú ý, lượng hàng vận tải biển quốc tế tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021, là mức tăng trưởng cao trong đầu năm 2012.
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Hoàng Hồng Giang cho biết trước xu hướng hội nhập thế giới, vẫn có nhiều thách thức được đặt ra, trong đó có xu hướng “công nghệ xanh” đang cách mạng hóa ngành vận tải biển.
“Việc cắt giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm khí thải carbon góp phần giảm tác động của biến đổi khí hậu, đem lại lợi ích cho môi trường và nâng cao hiệu quả kinh doanh đối với các doanh nghiệp vận tải hàng hải”, ông Giang nhấn mạnh.
Năm nay, Ngày Hàng hải Thế giới (29/9/2022) lấy chủ đề “Công nghệ mới cho ngành vận tải biển được xanh hơn” - New technologies for greeer shipping”. Từ đây, lãnh đạo Cục Hàng hải VN kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp tìm ra các giải pháp cắt giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm khí thải carbon, góp phần giảm tác động của biến đổi khí hậu, hướng đến sử dụng “công nghệ xanh” cho ngành vận tải hàng hải.
Nhiều biện pháp chuyển đổi năng lượng xanh
Việc sử dụng dầu có hàm lượng lưu huỳnh thấp khá tốn kém cho các doanh nghiệp vận tải biển
Trên thực tế hiện nay, một số doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam đã bắt đầu trên tiến trình chuyển đổi năng lượng xanh cho hoạt động vận tải biển. Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Vũ Mạnh Quân - Trưởng phòng kỹ thuật CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) cho biết, doanh nghiệp này đã xây dựng và triển khai Kế hoạch quản lý năng lượng hiệu quả (SEEMP) theo yêu cầu của tổ chức Hàng hải Thế giới (IMO).
Theo đó, tất cả các tàu được tiến hành kiểm tra trung gian hoặc cấp mới sau ngày 1/1/2013 đều đã được Đăng kiểm VN kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận phù hợp sử dụng hiệu quả năng lượng (IEEC).
Tất cả các tàu đều được đăng kiểm phê duyệt bản Kế hoạch quản lý năng lượng hiệu quả (SEEMP) phần II – Kế hoạch thu thập dữ liệu tiêu thụ dầu nhiên liệu các tàu đồng thời triển khai việc tuân thủ qui định về chỉ số hiệu quả năng lượng đối với tàu hiện có (EEXI) và Chỉ thị cường độ các bon (CII) theo yêu cầu bổ sung đối với Phụ lục VI của MARPOL với các tàu hiện có tại đợt kiểm tra hàng năm hoặc kiểm tra trung gian hoặc cấp mới của Giấy chứng nhận quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm không khí từ tàu (IAPP) sau ngày 1/1/2023.
Cùng đó, các tàu của doanh nghiệp này đã lựa chọn việc sử dụng dầu có hàm lượng lưu huỳnh không vượt quá 0.5% và tại các vùng đặc biệt không vượt quá 0.1%.
"Trong năm 2021, đội tàu đã dùng lượng LSFO là 39.759,48 MT. Nếu lấy độ chênh lệch 3% từ dầu hàm lượng lưu huỳnh cao (HSFO - dưới 3.5% S) sang dầu hàng lượng lưu huỳnh thấp (LSFO – dưới 0.5%), lượng sulphur thải ra môi trường đã giảm khoảng 1.190 T", ông Quân phân tích.
Dù vậy, đại diện của VOSCO thừa nhận việc sử dụng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp (LSFO) khá tốn kém. Đơn cử, theo giá ngày 2/9/2022 tại Singapore, giá LSFO là 699 USD/MT và HSFO là 451 USD/MT. "Nếu lấy độ chênh lệch này với lượng tiêu thụ LSFO cho 1 năm của đội tàu, sẽ ra mức chi phí nhiên liệu cho đội tàu tăng rất lớn so với trước đây", ông Quân nói thêm.
Khủng hoảng năng lượng làm giá nhiên liệu tăng cao đã khiến việc khai thác tàu hết sức khó khăn. Chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong khai thác tàu, gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các công ty vận tải biển. Để nâng cao hiệu quả kinh doanh đồng thời hướng tới giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường, đại diện của VOSCO cho biết doanh nghiệp này đã phải vận dụng các biện pháp để tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ để giảm chi phí nhiên liệu.
Cụ thể như phối hợp tốt giữa chủ tàu và người thuê tàu với thoả thuận các điều khoản trong hợp đồng thuê tàu để tàu chở được nhiều hàng, hoạt động ở tốc độ tối ưu, tối ưu hoá hoạt động làm hàng; Duy trì tốc độ khai thác tối ưu, thu xếp tàu cập cầu ngay khi đến; cải thiện hiệu quả của vỏ tàu, chân vịt thông qua các biện pháp làm sạch, sơn chống hà, đánh bóng chân vịt, cắt lưới quấn chân vịt kịp thời; Bảo dưỡng kịp thời hệ động lực theo đúng chu kỳ và hướng dẫn của nhà chế tạo.
Ngoài ra, trong từng chuyến, thuyền trưởng và máy trưởng xem xét áp dụng tối đa các biện pháp quản lý năng lượng hiệu quả trong SEEMP, bao gồm lập kế hoạch chuyến đi một cách chi tiết xét đến các yếu tố dòng chảy, thủy triều; tối ưu hóa tuyến đường theo thời tiết; tối ưu hóa tốc độ, nước dằn tàu, xếp dỡ hàng, kiểm soát chất lượng nhiên liệu...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận