Từ hàng thế kỷ qua, biết bao thế hệ đã sống, chiến đấu và hy sinh để xác lập chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, trong đó có đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ, nhân viên hải đăng Trường Sa.
Công nhân Vũ Văn Nam, trạm Hải đăng Trường Sa lớn bắt đầu ca trực vào lúc 17h30 bằng việc vệ sinh bóng đèn, kiểm tra thiết bị thông tin liên lạc...
Những người lính không quân hàm
17h30 chiều, anh Trần Văn Khánh (SN 1968, quê Nghệ An), Trạm trưởng Trạm Hải đăng Trường Sa lớn (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) lại leo lên tháp hải đăng, bắt đầu công việc của mình.
Thời điểm năm 1993, tôi đang là cán bộ thuộc Phòng Kỹ thuật bảo đảm hàng hải thuộc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải 1 thì nhận được lệnh đi Trường Sa xây loạt hải đăng trên các đảo ở Trường Sa. Cuối năm 1993, ngọn hải đăng trên đảo Song Tử Tây hoàn thành.
Tiếp đó, nhiều hải đăng khác lần lượt được chúng tôi xây dựng. Đến nay, các ngọn hải đăng vẫn sừng sững hiên ngang, như những dấu mốc khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc…”.
Ông Nguyễn Trọng Vinh, Chủ tịch công đoàn Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc
Ca trực của anh kéo dài 2 tiếng, với các công việc như vệ sinh bóng đèn, kiểm tra thiết bị thông tin liên lạc, hệ thống máy phát, xăng dầu… để bảo đảm đèn hoạt động liên tục từ 17h30 hôm trước đến 5h30 sáng hôm sau.
Sau ca trực của anh, sẽ là các ca trực của các công nhân Nguyễn Đình Hưng (SN 1980), Vũ Văn Nam (SN 1995), Phạm Đăng Hiệp (SN 1999).
Ngoài anh Khánh đã lập gia đình, có 2 con lớn, những công nhân còn lại đều chưa vợ, đến với Trường Sa bằng tình yêu biển đảo và nghề gác hải đăng.
“Thời tiết ở Trường Sa có 3 tháng nắng và 9 tháng mưa. 9 tháng mưa, chúng tôi làm việc khá vất vả”, anh Khánh kể.
Đã 27 năm trôi qua, công việc mỗi ngày của anh Khánh đều tuần tự như vậy, trên khắp 9 trạm hải đăng thuộc quần đảo Trường Sa.
Lần này đến với Trường Sa lớn, tính đến tháng 9/2022, anh đã ở đây được 8 tháng. Hết 9 tháng, anh sẽ rời đi, sang đảo khác theo điều động của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam.
Hàng năm, các nhân viên của Tổng công ty sẽ thay phiên nhau ra Trường Sa canh gác, gìn giữ các ngọn hải đăng để bảo đảm tín hiệu cho tàu bè qua lại ở biển Trường Sa. Thông thường, cứ 6 hay 9 tháng ở đảo, nhân viên hải đăng sẽ được về nghỉ đất liền ba tháng, rồi sau đó luân phiên sang các trạm hải đăng khác.
“Thời gian đầu ra đảo, ai cũng nhớ gia đình, nhưng dần dần đều quen. Nếu không đủ nhiệt huyết, có lẽ những anh em trẻ đã chọn công việc khác ở đất liền”, anh Khánh chia sẻ.
Nhân viên Vũ Văn Nam, năm nay vừa tròn 27 tuổi nhưng… vẫn chưa từng có bạn gái, tâm sự: “Trước khi đến với đảo, em cũng đã mường tượng cuộc sống ở đây thế nào. Nhưng đã trót yêu biển, yêu đảo từ khi còn học phố thông, nên em không ngại. Chỉ mỗi dịp Tết là cảm thấy nhớ nhà da diết, nhưng rồi nỗi nhớ cũng qua nhanh…”.
Anh Khánh cho hay, trước đây đời sống của nhân viên hải đăng khá vất vả, thiếu thốn. Tuy nhiên, giờ đây mọi chuyện đã khác. Mỗi 2 - 3 tháng một lần, tàu hậu cần lại ra tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước ngọt cùng các nhu yếu phẩm cần thiết. Anh em trong trạm cũng cải thiện thêm bằng cách trồng thêm rau xanh.
Chuyến khảo sát bão tố
Trạm hải đăng trên đảo Trường Sa lớn
Ở tuổi 65, ông Lưu Văn Quảng, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc vẫn nhớ như in quãng thời gian 35 năm gắn bó với nghề bảo đảm an toàn hàng hải. Với ông, việc xây dựng các ngọn hải đăng ở quần đảo Trường Sa là những ngày tháng đáng nhớ nhất.
Sau sự kiện Gạc Ma năm 1988, một yêu cầu cấp thiết đặt ra là ngoài lực lượng quân đội làm nhiệm vụ bảo vệ các đảo tiền tiêu ở quần đảo Trường Sa, chúng ta phải xây dựng các công trình dân dụng để khẳng định chủ quyền. Mặt khác, quần đảo Trường Sa là vùng biển có lượng tàu thuyền qua lại tấp nập nên Bộ GTVT quyết định xây dựng các ngọn hải đăng trên các đảo.
Ông Quảng khi đó là Phó giám đốc Xí nghiệp Xây dựng công trình thuộc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, được giao nhiệm vụ xây dựng hải đăng tại các đảo: Song Tử Tây, Đá Tây, An Bang, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn. Theo đó, quá trình xây dựng hải đăng phải được triển khai trong năm 1993.
Ngày 17/10/1992, ông Quảng dẫn đầu đoàn khảo sát gồm 55 cán bộ, kỹ sư công nhân chuyên ngành được giao nhiệm vụ ra Trường Sa khảo sát thực tế, nghiên cứu lập quy hoạch, thiết kế.
Sau 40 tiếng đồng hồ vật lộn với gió bão, đến trưa 19/10, tàu đã đến vùng Đá Tây, một đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa và bắt đầu ngay vào việc thực hiện nhiệm vụ. Sau khi hoàn thành, đoàn di chuyển sang đảo Đá Lát cách đó khoảng 35km, cũng là một đảo chìm. Do điều kiện địa hình nên tàu phải neo ngoài khơi để các thành viên di chuyển bằng ca nô vào đảo.
“Đến chiều 25/10/1992, công việc hoàn thành, chúng tôi chia tay mọi người trên đảo. Biển lúc này dềnh lên dập xuống như nuốt chửng chiếc ca nô nhỏ bé, xác định được nguy cơ nên anh em chúng tôi đã cho tài liệu bọc nilon để bảo quản. Khi ca nô cách tàu khoảng 500m, cột sóng cao 3m đã nhấn chìm ca nô, 14 thành viên trôi dạt giữa biển tối đen, lạnh cóng”, ông Quảng nhớ lại.
14 cán bộ kỹ thuật trên chiếc cano ấy đã sống sót thần kỳ khi lần lượt được cứu dù có người trôi dạt trên biển suốt cả đêm.
Chắt chiu từng lít nước, viên gạch xây hải đăng
Sau chuyến đi khảo sát đầy sóng gió đó, mang theo những tài liệu thu thập được vào bờ, đến đầu năm 1993 ông Quảng lại tiếp tục hành trình đi xây hải đăng. Ngọn hải đăng đầu tiên được chọn xây là trên đảo Song Tử Tây. Ngày 15/5/1993 ông Quảng chỉ huy 56 kỹ sư, công nhân rời Hải Phòng trên con tàu Bạch Long Vỹ mang theo hơn 3.000 tấn vật tư.
“Để xây dựng ngọn hải đăng cao 36m, cần tới hơn 5.000 tấn nguyên vật liệu xi măng, cát, gạch... và khoảng 500 khối nước. Khi đó, chúng tôi phải đóng những thiết bị để chuyển tải nước từ tàu “mẹ” đỗ ngoài xa, kéo vào sát đảo rồi bơm lên. Chúng tôi phải chắt chiu từng giọt để có nước ngọt trộn vữa xây dựng”, ông kể.
Việc xây dựng hải đăng trên các đảo ở Trường Sa được sự giúp đỡ hết lòng của cán bộ, chiến sỹ đóng quân trên các đảo. Xi măng, cát, đá... được đóng vào từng bao 35kg, bọc kín trong túi nilon để chiến sỹ, công nhân lội bộ vài trăm mét từ đảo ra tàu chuyển vào.
Bằng sức người, sự quyết tâm cao độ, sau 6 tháng làm việc không ngừng nghỉ, ngọn hải đăng Song Tử Tây đã hoàn thành, sừng sững đến ngày nay.
Hoàn thành công trình đèn biển trên đảo Song Tử Tây, về đất liền chỉ được vài tháng, năm 1994 ông Quảng lại tiếp tục ra Trường Sa chỉ đạo xây dựng ngọn hải đăng trên đảo Đá Tây. Việc xây dựng ngọn hải đăng này có đặc thù khó khăn hơn là phải làm trên đảo chìm, hoàn toàn không có mặt bằng. Khi thủy triều rút xuống, đảo Đá Tây nổi lên trên mặt biển nhưng khi thủy triều lên thì nơi đây trắng băng nước biển.
Các cán bộ, kỹ sư phải xây dựng hệ thống sàn đạo trên biển để tập kết vật tư, máy móc, làm nơi sinh hoạt và thi công công trình. Tiếp đó, hải đăng trên các đảo: An Bang, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn lần lượt được ông Quảng cùng đồng đội xây dựng…
Trên quần đảo Trường Sa, ngoài trạm hải đăng trên đảo Trường Sa lớn, còn có 8 trạm khác tại các đảo: Song Tử Tây, Đá Lát, Đá Tây, An Bang, Tiên Nữ, Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết. Những ngọn hải đăng dẫn lối cho tàu thuyền qua lại an toàn và đang ngày đêm khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa.
Tháp hải đăng tại các đảo cao từ 30 - 42m, sàn rộng từ 35 - 100m2, đèn có chu kỳ chớp 10 - 15 giây, độ chiếu xa trên 12 hải lý.
Đèn hải đăng chạy điện năng lượng mặt trời và tự động bật tắt khi trời tối nhưng luôn phải đảm bảo máy nổ, máy phát điện vận hành bình thường trong mọi điều kiện, nhất là mưa, bão kéo dài.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận