Phim “Tây du ký - Mối tình ngoại truyện 2” có nhiều cảnh diễn viên ăn mặc hở hang mà dư luận cho rằng không phù hợp với các em nhỏ. |
Phim ra rạp: Cắt cứ cắt, lọt vẫn lọt
Trước luồng dư luận tùy hứng dán nhãn phim, Cục trưởng Cục Điện ảnh, bà Ngô Phương Lan chia sẻ về việc kiểm duyệt, phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi mới gồm bốn mức: P, C13, C16 và C18 sau khi Thông tư số 12/2015 về Tiêu chí phân loại phim có hiệu lực được 2 tháng.
Nói “dán nhãn C13 khiến phim nội thất thu” là bao biện
Thông tư số 12/2015 (Bộ VH,TT&DL) áp dụng Tiêu chí phân loại phim có hiệu lực gần 2 tháng. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, phân loại phim chưa chuẩn xác và khiến doanh thu phim Việt giảm rất nhiều. Ý kiến của bà về việc này thế nào?
Thông tư 12 mới được áp dụng trong thời gian ngắn nên những đánh giá có thể là vội vàng. Tôi thấy đa số các nhà phát hành phim đều thực hiện đúng quy định, chưa thấy họ phản ánh khó khăn gì lớn. Dịp Tết Đinh Dậu vừa qua, lượng khán giả đến các rạp chiếu đông không kém gì các năm trước. Tình trạng “cháy vé” không phải là hiếm. Tôi khẳng định, phim có doanh thu cao nhất trong các phim ngoại và phim có doanh thu cao nhất trong các phim nội là các phim được cấp phép với phân loại C16. Phim ngoại là XXX: Phản đòn và phim nội là Nàng tiên có 5 nhà. Bởi vậy, những người nói “dán nhãn C13 khiến phim nội thất thu” thực sự chỉ là bao biện.
Vậy còn trường hợp “Tây du ký - Mối tình ngoại truyện 2” mà báo chí nêu có nhiều cảnh hở hang không phù hợp với các em nhỏ nhưng vẫn qua kiểm duyệt?
Báo chí nhắc nhiều đến trường hợp Tây du ký - Mối tình ngoại truyện 2 cho rằng, việc dán nhãn “lỏng tay” so với Mỹ (PG13). Trước tiên, phải hiểu PG13 (PG-13: Parents Strongly Cautioned) là cảnh báo “các bậc phụ huynh đặc biệt chú ý” chứ không phải là “Cấm khán giả dưới 13 tuổi” (C13) như ở Việt Nam. Tuy nhiên, cách đây 10 ngày, tôi đã có cuộc họp để kiểm tra lại việc thẩm định phân loại của Hội đồng, bởi tất cả phiếu thẩm định và phiếu phân loại của các thành viên Hội đồng đều đánh giá phim phù hợp phổ biến rộng rãi.
Điện ảnh Việt Nam là ngành Nghệ thuật thực hiện chủ trương xã hội hóa hiệu quả nhất và phát triển với những con số ấn tượng: Doanh thu tăng khoảng hơn 20%/năm trong khi Hàn Quốc đang chững lại với mức tăng 2%/năm, còn Trung Quốc là 3,7%/năm. Thị phần phim Việt là gần 30%, chủ yếu là phim sản xuất từ nguồn vốn xã hội hóa, trong khi Pháp là nước bảo hộ điện ảnh nội cao nhất thế giới, với việc tài trợ cho hàng trăm phim mỗi năm thì thị phần phim nội cũng chỉ hơn 30%”. Bà Ngô Phương Lan |
Hội đồng đánh giá đây là phim cổ trang có yếu tố thần thoại, mà trước đó series phim Tây du ký được phát đi phát lại trên truyền hình đã rất nổi tiếng và được trẻ em Việt Nam đặc biệt yêu thích.
Hơn nữa, nội dung phim là trừ diệt cái ác để bảo vệ cái thiện, các cảnh chiến đấu diệt trừ yêu ma cũng tương tự như trong phim Tấm Cám (được phổ biến rộng rãi). Cảnh được cho là hở hang trong phim hoàn toàn không phải là cảnh khỏa thân. Tuy nhiên, tôi đã rút kinh nghiệm với Hội đồng để việc thẩm định và phân loại thận trọng hơn.
Bà có thể cho biết, Hội đồng thẩm định phim hiện nay gồm những ai và làm việc theo quy trình như thế nào?
Bà Ngô Phương Lan. |
Hội đồng T.Ư thẩm định và phân loại phim truyện vừa được Bộ VH, TT&DL thành lập theo nhiệm kỳ mới và bắt đầu hoạt động từ 1/1/2017 bao gồm 11 thành viên, trong đó có Chủ tịch (đạo diễn NSƯT Vũ Xuân Hưng), hai Phó Chủ tịch (nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh VN và ông Đỗ Duy Anh, Phó cục trưởng Cục Điện ảnh), các đại diện là lãnh đạo cấp vụ của Ban Tuyên giáo T.Ư, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh, thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ GD&ĐT (đều được các ban bộ, ngành nói trên cử chính thức), các nhà chuyên môn điện ảnh như biên kịch, đạo diễn, lý luận phê bình, phát hành phổ biến phim. Nhiệm vụ của Hội đồng là tư vấn cho Cục trưởng Điện ảnh việc thẩm định, phân loại và cấp phép phổ biến phim.
Hội đồng xem, thẩm định phim, thảo luận dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng và ghi vào hai phiếu đánh giá đối với mỗi phim: Phiếu thẩm định và Phiếu phân loại. Căn cứ vào ý kiến tư vấn của Hội đồng, Cục trưởng Cục Điện ảnh sẽ ra quyết định cho phép hoặc không cho phép phổ biến đối với bộ phim trình duyệt.
Doanh thu phim tăng một phần nhờ kiểm duyệt?
Những yêu cầu, những tiêu chí duyệt phim của Hội đồng thẩm định phim truyện là gì, thưa bà?
Nghiêm cẩn, khách quan, công tâm và đúng luật là yêu cầu đối với thành viên Hội đồng. Bản thân khán giả cũng cần được nâng cao dần thị hiếu và thẩm mỹ điện ảnh, bởi vì có phim khán giả này thích nhưng khán giả khác lại không chịu nổi. Làm sao để thị hiếu của số đông khán giả ngày càng tinh, càng hướng đến cái thiện, cái đẹp là trách nhiệm chung của người làm điện ảnh, của truyền thông và cả của khán giả nữa.
Khâu kiểm duyệt phim có vai trò như thế nào trong sự phát triển thị trường điện ảnh Việt Nam, thưa bà?
Mục đích của việc thẩm định và cấp phép phổ biến phim là đưa đến cho khán giả những tác phẩm điện ảnh lành mạnh, nhân văn phù hợp với nhu cầu giải trí của công chúng. Cục Điện ảnh luôn tiến hành duyệt phim đúng theo quy định, trả kết quả đúng hạn đối với các đơn vị trình duyệt.
Cái gì mới thực hiện cũng có thể có một vài điểm chệch choạc. Chắc bạn cũng nhớ câu hát nổi tiếng “Ngày đầu chưa quen đường cày đâu thẳng ngay”. Hy vọng sau tháng đầu tiên này mọi việc sẽ trôi chảy và việc thẩm định, phân loại phim sẽ phát huy hiệu quả tích cực nhất.
Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận