"Cúng giao thừa, cúng tổ tiên, chào tân niên", gọi chung là lễ trừ tịch hay lễ giao thừa. Đây là phong tục và tín ngưỡng quan trọng từ xa xưa của ông bà ta được lưu truyền qua các thế hệ và đến ngày nay vẫn còn lưu giữ.
Theo quan niệm của dân gian, mỗi một năm sẽ có một vị đương niên Thái Tuế cai quản và điều hành toàn bộ năm đó. Chính vì vậy, 12h đêm là lúc thời khắc chuyển giao giữa vị cũ và vị mới, nên người ta gọi đó là lễ "Giao Thừa" (nghĩa là giao và nhận).
Ngoài ra, trong quá trình chuyển giao công việc các vị thần có mang theo quân lính của mình nên đây cũng chính là lúc trừ tà, đuổi quỷ hiệu quả nhất. Vì vậy, cúng giao thừa còn được coi là lễ đuổi ma quỷ.
Không chỉ vậy, cúng giao thừa còn là để rước ông bà tổ tiên của chúng ta về chơi lễ Tết, nhìn con cháu sum vầy vui vẻ bên gia đình.
Cúng giao thừa ở đâu?
Theo dân gian, lễ giao thừa thường được cúng ở ngoài trời, bởi các cụ xưa hình dung trong phút cựu vương hành khiển bàn giao công việc cho tân vương luôn có quân đi, quân về đầy không trung tấp nập, vội vã, thậm chí có quan quân còn chưa kịp ăn uống gì.
Những phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả, toàn đồ ăn nguội ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa vị thần đã cai quản mình năm cũ và đón vị thần mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới.
Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn cấp nên các vị không thể vào trong nhà khề khà mâm bát mà chỉ có thể dừng vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà.
Ngoài ra, cúng giao thừa còn là để rước ông bà tổ tiên nên cũng được thực hiện cả trong nhà. Lễ cúng ngoài trời được thực hiện trước, sau đó đến lễ cúng giao thừa trong nhà.
Sửa soạn lễ cúng giao thừa
Lễ cúng giao thừa thường được thực hiện tại các đình, miếu, các văn chỉ trong xóm cũng như tại các tư gia... Các chùa chiền cũng cúng giao thừa, nhưng lễ vật là đồ chay.
Với lễ cúng ngoài trời thường diễn ra vào giờ Tý, để tránh trường hợp tiết khí năm này qua năm khác có sự biến đổi, nên người ta cẩn thận tiến hành làm lễ cúng giao thừa từ 23h10 phút đến 0h40 phút.
Để trọn vẹn nhất cho lễ cúng giao thừa, gia chủ nên bắt đầu làm lễ cúng từ 23h30 phút. Đến 12h đêm (giờ Chính Tý) thì bắt đầu có thể hóa vàng, hóa vàng trong lúc hương vẫn còn cháy thì mới có linh, tránh trường hợp hóa vàng khi hương đã tàn.
Song các gia đình lưu ý, mọi việc tiến hành đều mang tính lễ nghi, tránh có sự mê tín dị đoan, mê muội, nên không cần thiết phải mua nhiều vàng mã.
Sau lễ ngoài trời, tiếp tục vào nhà làm lễ dâng hương tổ tiên, cúng Thổ công.
Lễ vật cúng giao thừa gồm:
Thủ lợn hoặc con gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu nước, vàng mã, đôi khi có thêm chiếc mũ của Ðại Vương Hành khiển.
Trong văn hóa truyền thống, người Việt dùng gà trống để cúng. Người dân quan niệm gà trống là biểu tượng của ngũ đức: Văn, võ, dũng, nhân, tín. Bông hoa hồng đỏ trên miệng gà là hình ảnh tượng trưng cho ông mặt trời.
Ðến giờ phút giao thừa, chuông trống vang lên, người chủ ra khấu lễ, rồi mọi người kế đó cũng lễ theo, thành tâm cầu xin vị tân vương hành khiển phù hộ độ trì cho một năm nhiều may mắn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận