Tại cuộc họp báo liên ngành sáng nay 28/10 về vụ việc Asanzo, Đại diện Bộ Công thương đã cơ bản đồng ý với báo cáo của Tổng cục Hải quan về các dấu hiệu vi phạm của Công ty CP Tập đoàn Asanzo và các công ty có liên quan.
Đại diện Bộ Công thương đã làm rõ một số vấn đề: Liên quan xuất xứ gồm xuất xứ nhập khẩu linh kiện để xuất khẩu có tận dụng các Hiệp định FTA không? Lắp ráp linh kiện lưu thông trong nước; Điều tra xác minh làm rõ các công ty mua hàng trong nước, ghi nhãn; Cấp chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao có đúng quy định?...
Về cấp chứng nhận chất lượng cao cho sản phẩm của Asanzo, Bộ Công thương cho biết hoạt động này do Hội doanh nghiệp TP.HCM cấp và chịu trách nhiệm.
Về vấn đề Asanzo có dấu hiệu vi phạm xuất xứ hay không, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đặt câu hỏi: “Lô hàng xuất khẩu hơn 600 TV và kết quả xác minh là lắp ráp rồi tiêu thụ các anh thấy có vấn đề không?”. Trả lời, đại diện Tổng Cục quản lý thị trường, Bộ Công thương cho rằng, qua thực tế làm việc và xác minh thông tin thì nhất trí với báo cáo Tổng cục Hải quan.
“Từ thực tế sản xuất và dây truyền công nghiệp, quy trình lắp ráp… chúng tôi đã làm việc Asanzo. Qua quá trình triển khai thực tế cho thấy, không liên lạc với nhiều công ty có liên quan đến Asanzo… Với những kết quả kiểm tra, Asanzo vi phạm quy định gia công chế biến đơn giản và hàng hóa không có xuất xứ Việt Nam”, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường khẳng định.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết thêm, hiện chưa có quy định cụ thể để quy định hàng hóa lưu thông trong nước có tỷ lệ nội địa bao nhiêu, cũng như quy định xuất xứ trong nước. Do đó, Bộ Công thương đang xây dựng thông tư ghi nhãn hàng hóa cho sản phẩm lưu thông trong nước.
Cũng giống như với đại diện VCCI, người chủ trì cuộc họp liên ngành là ông Nguyễn Văn Cẩn cũng đề nghị Bộ Công thương có quan điểm rõ ràng là chưa có quy định với hàng trong nước? Như vậy, cùng một loại hàng là TV với hàm lượng chỉ 2% giá trị nội địa, khi xuất khẩu thì vi phạm quy định, không được chấp nhập là hàng có xuất xứ Việt Nam nhưng mang tiêu thụ nội địa thì chưa có quy định?
“Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ việc này và trước hết đề nghị Bộ công thương sớm ban hành thông tư quy định. Không thể để cả xã hội và người dân thấy quá vô lý. Cùng một loại hàng thì người tiêu dùng Việt Nam lại khác biệt với người tiêu dùng các nước khác. Quan điểm của chúng tôi và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia là cái gì chưa rõ thì phải làm cho rõ. Còn chúng tôi đã xác định doanh nghiệp có những dấu hiệu giả mạo xuất xứ. Hàng có chất lượng cao đâu mà ghi chất lượng cao, nhãn vi phạm sở hữu công nghiệp cũng giả rồi. Tất cả các nội dung khác đều là giả rồi như vậy đề nghị đại diện Bộ Công thương tham dự ở cuộc họp này sớm báo cáo lãnh đạo bộ trước khi chúng tôi tập hợp báo cáo Chính phủ. Chúng tôi bình luận thì nó hơi vô lý đấy”, ông Cẩn nói.
Như vậy, trong cuộc họp liên ngành này, các bộ ngành có đại diện tham dự đều thống nhất với quan điểm của báo cáo sơ bộ do Tổng cục Hải quan tổng hợp là Công ty CP Tập đoàn Asanzo và các đơn vị có liên quan có dấu hiệu trốn thuế, lừa dối người tiêu dùng, xâm phạm sở hữu công nghiệp, vi phạm về xuất xứ.
Trong hai ngày hôm nay và ngày mai, Tổng cục Hải quan sẽ tổng hợp nốt ý kiến từ các bộ ngành còn "nợ" để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo 389 báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 30/10.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận