Tổng thống Mỹ Donald Trump và cuộc chiến với báo chí Mỹ |
Báo cáo mới nhất về lĩnh vực truyền thông và báo chí vừa được Trung tâm Nghiên cứu PEW đăng tải gần đây cho thấy, các nhà quan sát và nghiên cứu dư luận đã ghi nhận hầu hết dân Mỹ đều có chung nhận định: Căng thẳng gần đây giữa chính quyền của Tổng thống Donald Trump và hệ thống truyền thông, báo chí trong nước đã gây khó khăn cho họ trong tiếp nhận các thông tin thời sự chính trị một cách nghiêm túc.
Cả người Dân chủ và Cộng hòa đều thừa nhận
Theo đánh giá của PEW, đáng chú ý, phần đông cả người của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều thừa nhận rằng mâu thuẫn và “mối quan hệ không lành mạnh” giữa Tổng thống Trump và báo chí Mỹ đã gây khó khăn cho việc họ tiếp nhận các báo cáo về tin tức chính trị trong nước.
Xích mích giữa ông Trump và các trang báo của Mỹ bắt đầu xuất hiện kể từ khi các ứng viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ và Donald Trump của đảng Cộng hòa bắt đầu bước chân vào giai đoạn nước rút trong chiến dịch tranh cử Tổng thống vào năm 2016.
Khảo sát mới nhất được PEW tiến hành trong tháng 3/2017, được công bố trong tháng 4 vừa qua cho thấy, có đến 94% số người Mỹ nói rằng, họ biết tình trạng không mấy tốt đẹp trong mối quan hệ giữa chính quyền của Tổng thống Trump và các hãng tin tức kể cả lớn lẫn bé ở nước này. |
Ban đầu, các cuộc tranh cãi giữa ông Trump và các tờ báo lớn của Mỹ chỉ xuất hiện lẻ tẻ nhưng có xu hướng tăng dần, ngày càng nghiêm trọng hơn sau khi tỷ phú Mỹ chính thức nhậm chức, trở thành ông chủ thực sự ở Nhà Trắng.
Khảo sát mới nhất được PEW tiến hành trong tháng 3/2017, được công bố trong tháng 4 vừa qua cho thấy, có đến 94% số người Mỹ nói rằng, họ biết tình trạng không mấy tốt đẹp trong mối quan hệ giữa chính quyền của Tổng thống Trump và các hãng tin tức kể cả lớn lẫn bé ở nước này.
Phần đông những người được thăm dò đều có chung nhận xét mối quan hệ giữa chính quyền Trump và giới truyền thông Mỹ vẫn đang căng thẳng và điều đó gây ra cho họ những suy luận không đồng nhất khi đọc các tin tức liên quan đến hoạt động của chính quyền.
Nội dung một kết quả khảo sát khác của PEW với các đối tượng dân chúng Mỹ là người trưởng thành cũng cho thấy kết quả tương đồng. Trong đó, 83% dân Mỹ khẳng định quan hệ giữa chính quyền Trump và truyền thông nội địa không lành mạnh. Chỉ có khoảng 15% người lớn được hỏi cho rằng quan hệ giữa Nhà Trắng và báo chí tốt đẹp.
Khi thăm dò về mức độ ảnh hưởng của quan hệ giữa chính quyền Trump và các cơ quan báo đài, 73% người được hỏi cho rằng, thực trạng này ảnh hưởng đến việc họ tiếp nhận tin tức. Cũng theo PEW, 88% số người theo đảng Dân chủ Mỹ và 78% số người theo đảng Cộng hòa cùng thừa nhận vấn đề vốn rất ít khi có tiền lệ này.
Trump ưa thích hãng Fox
Bà Heather Nauert |
Trong lịch sử chính trường Mỹ, hiếm có một vị tổng thống nào lại có quan hệ không tốt đẹp với cánh báo chí như ông Donald Trump hiện nay. Tuy nhiên, thực tế cũng có một số kênh truyền thông được ông Trump ưa thích bởi họ không đưa các tuyến bài hoặc phóng sự công kích, chống lại uy tín và danh dự của ông.
Trong số các kênh truyền hình, Trump ưa thích Fox bởi cơ quan này gần như không có những chương trình, phóng sự đi ngược lại những điều mà ông Trump đang hoặc có vấn đề thực sự. Tương tự, các trang báo mạng do kênh Fox sở hữu cũng không đưa các bản tin, bài phân tích chống lại các chính sách, việc làm của Nhà Trắng.
Đối với những vấn đề Tổng thống Trump đã và đang phải đối mặt (điều tra liên quan đến Nga hay việc thi hành các chính sách bị phần đông tầng lớp ưu tú trong xã hội Mỹ phản đối như chính sách cấm nhập cư, cắt giảm trợ cấp cho những người khốn khó, rút chân khỏi các hiệp định có tính chiến lược, xây tường chắn biên giới...), hệ thống truyền tin của Fox chỉ phản ánh một cách chung chung, không bao giờ xoáy sâu, lên án hay phản biện lại.
Chính việc thi hành chính sách không đưa tin chống Trump, các kênh truyền thông của Fox luôn nhận được những ưu ái trong hoạt động tác nghiệp, đặc biệt là khi đưa tin về hoạt động của tổng thống. Fox luôn là một trong số ít các kênh truyền hình, báo chí của Mỹ có phóng viên được tháp tùng ông Trump trong các chuyến công cán, đặc biệt là trong các chuyến đi nghỉ cuối tuần kết hợp việc tiếp đón các nguyên thủ cấp cao của nước ngoài tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida.
Thậm chí, những nhà báo của kênh Fox News cũng được chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sủng ái, mời giữ những chức vụ quan trọng. Đầu tháng 3/2017, báo Bloomberg cho hay, nữ nhà báo Heather Nauert của kênh Fox News đã được bổ nhiệm làm người phát ngôn cho Bộ Ngoại giao Mỹ một cách bí mật.
Nữ phóng viên nổi tiếng Heather Nauert của Fox News (47 tuổi) từng là người dẫn chương trình “Fox & Friends” mà Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu thích. Đích thân ông Trump đã nhiều lần nhận xét tích cực về chương trình do nữ nhà báo này làm MC chính. Ông chủ Nhà Trắng từng thổ lộ mình là fan hâm mộ chương trình này từ lâu.
Bà Heather Nauert đã chấp nhận đề nghị của chính quyền Mỹ và trở thành nhân viên thứ hai của hệ thống Fox có việc làm mới tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong những ngày đầu tiên chính quyền của ông Trump hoạt động. Trước đó, một phóng viên khác của Fox là ông Jonathan Wachtel đã được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc.
Thù ghét một loạt các báo lớn
|
Phần lớn các tờ báo, kênh truyền hình lớn nhất tại Mỹ hiện nay đều coi ông Trump là một “mục tiêu” trong hoạt động đưa tin của họ. Điển hình trong số này có các báo nổi tiếng như: Washington Post, New York Times, USA Today, Politico, Los Angeles Times, truyền hình NBC, CBS, CNN...
Những tờ báo và kênh truyền hình lớn trên trước đó từng đưa các bài viết ủng hộ ứng cử viên Hillary Clinton - đối thủ chính trị lớn nhất của ông Donald Trump trong cuộc đua giành chiếc ghế ở Nhà Trắng hồi năm ngoái.
Ông Trump từng nhiều lần cáo buộc một số tờ báo, kênh TV rằng họ đã cố tình đưa “tin giả” (đặc biệt là về những số liệu thống kê người ủng hộ, quan hệ với Nga, thậm chí là số người đến tham dự lễ nhậm chức của ông hồi đầu năm 2017...) để cổ vũ dư luận chống lại ông trước và sau cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái.
Hồi giữa tháng 1/2017, trong khi tổ chức một cuộc họp báo đầu tiên với báo chí Mỹ, Tổng thống Trump thậm chí còn bực tức, đấu khẩu với một nam phóng viên kỳ cựu của CNN - kênh truyền hình đã đưa tin về các cáo buộc Nga nắm giữ những thông tin bí mật, có thể dùng để khống chế ông chủ Nhà Trắng.
Thái độ của ông Trump đối với một số báo lớn cũng gây ra hậu quả cho chính quyền của ông khi họ chưa có dấu hiệu thôi soi mói và công kích. Mới đây nhất, hồi tháng 5 vừa qua, một loạt các kênh truyền hình hàng đầu của Mỹ gồm: ABC, CBS, NBC, MSNBC và CNN đã từ chối phát sóng video quảng cáo những thành công của nhà lãnh đạo Donald Trump trong 100 ngày đầu làm Tổng thống Mỹ.
Theo hãng tin AP, trong video quảng cáo thành tựu 100 ngày đầu tiên của ông Trump do Nhà Trắng làm đạo diễn thậm chí còn có hình ảnh các nhà báo của các kênh: CNN, ABC, MSNBC, CBS và NBC cùng phụ đề “những tin tức sai sự thật”. Điều này đã khiến các kênh truyền hình lớn của Mỹ vô cùng tức giận.
Mâu thuẫn sẽ chưa dừng lại
Theo các nhà quan sát chính trị của nước Mỹ, “cuộc chiến” giữa chính quyền Tổng thống Donald Trump và báo chí Hoa Kỳ sẽ chưa dừng lại ở đây. Mới đây, ngày 29/5, Tổng thống Donald Trump tiếp tục một lần nữa đăng đàn lên án “tin tức truyền thông giả mạo”.
Ông Trump, người đã không sử dụng mạng xã hội Twitter của mình trong suốt chuyến công du nước ngoài đầu tiên kéo dài 9 ngày, đã bắt đầu lại hoạt động ưa thích này vào ngày 28/5 với một đoạn thông điệp lên án “những tin tức giả mạo.”
Sau khi công du một loạt quốc gia và trở về Mỹ, ông Trump đã viết trên trang cá nhân: “Quan điểm của tôi là rất nhiều thông tin bị rò rỉ từ Nhà Trắng đều là những sự lừa gạt được thêu dệt bởi những tin tức truyền thông giả mạo”.
Trong đoạn thông diệp này, ông Trump dường như ám chỉ thẳng thừng các tờ báo Mỹ và cho rằng, chuyến công du cùng những việc làm của ông trong hơn 100 ngày qua “thực sự thành công tuyệt vời”.
Xem ra cuộc chiến truyền thông giữa ông Trump và giới truyền thông Mỹ chưa có hồi kết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận