Cảnh phim “Vòng eo 56” - bộ phim từng bị đánh giá là hư cấu về cuộc đời Ngọc Trinh |
Hình ảnh các sao Việt không còn bó gọn trên trang báo hay tự truyện, tiểu thuyết diễm lệ. Sự đột phá trong chiến lược hình ảnh của họ - một bước lên phim, hay một cách giãi bày tâm sự mới của sao Việt ngày nay khi họ chưa vắng bóng?
Phim đời tư các sao hút công chúng
Việc làm phim về cuộc đời của những nghệ sĩ nổi tiếng vốn không phải điều gì mới mẻ với làng điện ảnh thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đề tài này gần đây mới được các nhà làm phim mạnh dạn khai thác và gây được nhiều tò mò từ phía công chúng. Năm 2014, bộ phim Chàng trai năm ấy của đạo diễn Quang Huy đã thu hút sự quan tâm của khán giả ngay từ khi phim lên kế hoạch triển khai. Chàng trai năm ấy được quảng bá lấy cảm hứng từ cuộc đời của nam ca sĩ tài hoa bạc mệnh Wanbi Tuấn Anh, với kịch bản được chuyển thể từ cuốn tự truyện Bắt đầu từ một kết thúc của nhà báo Lý Minh Tùng - quản lý của Wanbi Tuấn Anh. Bộ phim đã khắc họa phần nào những biến cố và sự kiên cường chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo suốt bốn năm của Wanbi thông qua nhân vật Đình Phong (Sơn Tùng M-TP đóng).
Vòng eo 56 cho đến giờ vẫn là bộ phim mà nhiều người nhắc đến khi nói tới Ngọc Trinh. Hình ảnh cô gái miền Tây lăn lộn trên thành phố để kiếm sống và mối tình ngang trái với đại gia đã làm nhiều người xúc động. Nhưng cũng vì vậy, sau khi bộ phim công chiếu đã gây ra những luồng dư luận trái chiều gay gắt với những sự thật lần đầu được phơi bày của cô người mẫu này.
Hãng First New - đơn vị nắm bản quyền cuốn tự truyện Để gió cuốn đi của nữ ca sĩ Ái Vân vừa thông báo, phía đơn vị này và nữ ca sĩ vừa ký hợp đồng với một hãng phim để chuyển thể cuốn tự truyện này thành phim. Hiện tại, những thông tin về dự án này vẫn trong vòng bí mật vì chưa có kịch bản phim. Nhưng theo First New, lý do mà các hãng phim quan tâm tới cuốn tự truyện này vì chứa đựng nhiều chi tiết thú vị về cuộc sống của giới nghệ sĩ Việt Nam trong thời bao cấp.
Có thể nói, những bộ phim về cuộc đời hay lấy cảm hứng từ cuộc đời của các nghệ sĩ luôn gây tò mò với công chúng. Với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng, Chàng trai năm ấy đạt mức doanh thu hơn 40 tỷ đồng sau khi ra rạp. Trong khi đó, Vòng eo 56 gây ra nhiều tranh cãi cũng thu về 15 tỷ đồng chỉ sau 5 ngày công chiếu. Theo đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, làm phim về một nghệ sĩ cũng giống như bất kỳ những người lãnh đạo nào hay nhân vật nào, vì ai cũng có câu chuyện để kể. Tuy nhiên, anh cho rằng không phải phim nào cũng có tác dụng về mặt truyền thông vì không phải nghệ sĩ nào cũng được công chúng quan tâm.“Khán giả thường tò mò nghệ sĩ sống làm sao, yêu thế nào, cuộc đời, quá khứ, góc khuất của họ ra sao… nên tôi nghĩ làm phim về nghệ sĩ cũng chỉ là một dạng hồi ký, làm kỷ niệm thôi”.
Phóng đại hay sao chép nhân vật nguyên mẫu
Sau khi công chiếu, Chàng trai năm ấy từng khiến dư luận bức xúc vì có nhiều tình tiết không đúng về Wanbi Tuấn Anh. Đạo diễn Quang Huy đã lên tiếng lý giải, đây không phải phim tài liệu về Wanbi mà chỉ lấy cảm hứng từ cuộc đời của nam ca sĩ này nên phim có quyền hư cấu. Đáp lại, nhà báo Lý Minh Tùng lại khá bức xúc khi nhân vật Đình Phong trong phim được sao chép đến 80% những chi tiết có thật từ cuộc đời Wanbi, từ quá trình chiến đấu với căn bệnh u não đến những chi tiết liên quan đến sự nghiệp, thói quen cá nhân của Wanbi… nên không thể nói đây là phim chỉ lấy cảm hứng được. Và điều này cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ.
Không chỉ Chàng trai năm ấy, Vòng eo 56 sau khi ra rạp cũng bị khán giả đánh giá là quá hư cấu, biến Ngọc Trinh thành “nữ siêu anh hùng”, từ một cô gái nông thôn lên thành thị nhưng dễ dàng giàu có và nổi tiếng. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đã khẳng định, Vòng eo 56 là phim được anh làm trực tiếp về cuộc đời của “nữ hoàng nội y” với 70% là sự thật và có hư cấu một số tình tiết về các nhân vật liên quan cho phù hợp với kịch bản.
Dù vấp phải những ý kiến trái chiều nhưng đạo diễn Vũ Ngọc Đãng tự tin, anh đã cẩn trọng khi làm phim về cuộc đời của một người nổi tiếng. Vị đạo diễn này cho rằng, làm phim về một nhân vật thì có quyền hư cấu nhưng không nên hư cấu quá nhiều, biến không có thành có, biến xấu thành tốt hay biến tốt thành xấu. “Tôi nghĩ điều quan trọng là bộ phim đáng tin bao nhiêu %. Người nghệ sĩ dũng cảm dám nói lên bao nhiêu % sự thật hay chỉ làm phim để tô hồng bản thân. Nếu phim nói về cuộc đời nghệ sĩ mà có những cái làm sai sự thật, để khán giả hiểu sai về người đó thì đó là vấn đề thuộc phạm trù đạo đức của những người làm phim. Mà không phải chuyện gì cũng có thể kể trên phim. Có những thứ nói ra có thể tốt cho bản thân mình nhưng lại ảnh hưởng tới những người khác. Làm một bộ phim mà khi đưa ra không ai bị tổn thương là đã thành công rồi”, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng nói.
Đồng quan điểm với đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, biên kịch Lê Quang Thanh Tâm cho hay, khi khai thác đề tài về cuộc đời của một nghệ sĩ ở Việt Nam, mọi người hay thiên vị, phóng đại hóa nhân vật, biến họ thành những người “trên trời”. Không chỉ vậy, nếu đưa kịch bản cho nhân vật duyệt thì hầu hết cũng đều sửa mọi thứ thành tốt chứ không có những sự thật chính xác, nên điều này gây ra những phản ứng của khán giả cũng là điều dễ hiểu. “Điện ảnh có quyền sáng tạo, hư cấu, nhưng chỉ trong một giới hạn nào đó thôi. Mà nếu hư cấu thì nên nêu rõ phim chỉ lấy cảm hứng từ nhân vật. Còn nếu làm phim về cuộc đời thì tuyệt đối phải chính xác và không được hư cấu bất cứ tình tiết nào”, biên kịch Lê Quang Thanh Tâm cho biết thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận