Thấp thỏm lo an toàn chạy tàu
Chia sẻ với PV Báo Giao thông từ tỉnh Bình Dương, anh Nguyễn Xuân Huyên, nhân viên gác đường ngang tại km 1705+830 tuyến đường sắt Bắc - Nam (Công ty CP Đường sắt Sài Gòn quản lý) cho biết vừa hỗ trợ đồng nghiệp tác nghiệp đón chuyến tàu sớm qua đường ngang dù không phải ca anh làm việc.
“Đường ngang nằm trên tỉnh lộ 743B, khu vực giáp hai tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, nhiều xe container qua lại nên tôi hỗ trợ thêm để đảm bảo an toàn. Giờ chúng tôi làm việc, ăn nghỉ ngay tại nhà gác đường ngang như mô hình “3 tại chỗ”, nên hết giờ làm việc, tôi vẫn ở đây, rảnh việc hỗ trợ thêm anh em”, anh Huyên nói.
Nhân viên gác đường ngang Nguyễn Xuân Huyên tác nghiệp đón tàu qua an toàn
Anh Huyên cho biết mới được đơn vị điều đến tăng cường nhân lực cho gác chắn này do đang thiếu người. Đây là lần thứ hai anh đến tăng cường. Lần trước từ hồi cuối tháng 6, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại tỉnh Bình Dương. Sau đó, anh lại được điều về đường ngang km 1704+722, cùng một đồng nghiệp nam thay nhau “trực chiến” gần một tháng.
“Chuyển đi, chuyển lại “cắm chốt” đến nay đã hơn hai tháng mà chưa được về nhà. Khi lên ban, phải thực hiện đúng quy trình tác nghiệp để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Nhưng khi xuống ban, cũng không thể ngon giấc. Đã thành phản xạ nghề nghiệp, ban đêm đang ngủ mà nghe thấy còi tàu, tiếng đoàn tàu rầm rầm chạy từ xa là bật dậy, nhiều khi thót tim, cứ ngỡ mình đang lên ban, chỉ lo sơ sẩy, mất an toàn”, anh Huyên tâm sự.
Cùng nỗi canh cánh lo an toàn, anh Nguyễn Đình Tiến, nhân viên gác chắn tại đường ngang km 1705+830 cho biết, đã cắm chốt hơn một tháng.
Trước kia còn chạy tàu khách, tàu hàng chưa giảm, đường ngang này khá phức tạp. Hàng ngày có hàng chục chuyến tàu qua lại, trong khi lưu lượng phương tiện rất lớn. Nếu không thao tác nhanh, rất dễ gây ách tắc, nhất là nguy cơ xe container mắc trên đường ngang khi tàu đến gần.
“Từ cuối tháng 8, dừng chạy toàn bộ tàu khách, tàu hàng cũng giảm, chỉ còn khoảng 13-15 chuyến/ngày đêm qua đường ngang. Lượng xe qua lại cũng ít hơn, nhưng không vì thế mà chúng tôi chủ quan, lơ là mà càng phải chú ý hơn. Vì đường vắng, người điều khiển phương tiện rất dễ nảy sinh tâm lý chủ quan, phóng nhanh, vượt ẩu, nhất là ban đêm, nên nguy cơ đâm vào cần chắn cao”, anh Tiến nói.
Anh Tiến cũng cho hay, lo ngại mất an toàn do chủ quan, đơn vị cũng tăng cường giám sát hơn. Ngoài giám sát tác nghiệp qua camera lắp đặt trong nhà gác và ngoài đường ngang, đơn vị còn cử cán bộ đột xuất kiểm tra trực tiếp hoặc đột xuất kiểm tra sự có mặt của toàn bộ nhân viên đang thực hiện “3 tại chỗ” qua camera điện thoại…
Chốt 11m2 là chỗ ăn ngủ cho 5 người
Anh Huyên cho biết, không chỉ các anh mà công ty và nhiều đơn vị bảo trì đường sắt khác cũng yêu cầu các nhân viên gác chắn phải thực hiện “cắm chốt” để bảo toàn lực lượng tuần gác, đảm bảo an toàn chạy tàu.
Việc thực hiện như mô hình “3 tại chỗ” này vừa hạn chế nguy cơ lây nhiễm, vừa đảm bảo công việc bình hành, không lo thiếu hụt nhân lực. Vì nhân viên gác chắn đòi hỏi phải có nghiệp vụ, chứng chỉ nên không dễ bố trí lao động ở bộ phận khác sang làm.
Các nhân viên gác đường ngang Nguyễn Đình Tiến và Nguyễn Xuân Huyên kiểm tra nhật ký gác đường ngang.
Diện tích nhà gác nhỏ, ngoài bàn ghế làm việc còn có tủ điều khiển tín hiệu, các dụng cụ tác nghiệp khác nên rất chật chội, bất tiện. Theo quy định, diện tích nhà gác đạt chuẩn phải khoảng 13m2; Nhưng tại chắn km 1705+830 diện tích nhà gác chỉ khoảng 11m2, lại có đến 5 nhân viên thay nhau lên ban, mỗi ban 2 người.
Vì vậy, ban ngày, khi xuống ban, ba người còn lại cũng rất khó có chỗ nghỉ ngơi, ngủ bù thật sự. Hơn nữa còn phải lo nấu cơm cho các anh em khác. Còn ban đêm, vì nhà gác chật, anh em phải thay nhau ra ngoài hiên mắc mùng ngủ, để không gian cho anh em lên ban tác nghiệp. Nhưng giấc ngủ cũng không yên được vì ầm do tiếng tàu, tiếng xe container qua lại.
Anh Tiến chia sẻ thêm, ngay cả tập trung làm việc, sinh hoạt tại chắn rồi nguy cơ lây nhiễm bệnh vẫn rất cao. Trước khi anh Huyên được điều đến, một nhân viên của chắn sau khi đi tiêm vaccine về vẫn bị nhiễm bệnh, thành F0, 4 anh em còn lại, trong đó có anh thành F1.
“Hơn mười ngày qua chúng tôi thấp thỏm, lo lắng. Đã xét nghiệm âm tính mấy lần nên cũng yên tâm phần nào, nhưng dù sao nguy cơ vẫn còn. Là F1, chúng tôi cũng không được đi đâu ra khỏi chắn. Lương thực, thực phẩm công ty hỗ trợ một phần, còn lại phải nhờ người dân xung quanh đi chợ mua hộ hoặc mua online.
Có điều, chi phí sinh hoạt cao hơn mà lương vẫn vậy, vì ăn lương ngân sách nên cố định đơn giá tiền lương. Hơn nữa, như gia đình tôi, hai con còn nhỏ, vợ tôi làm tự do, phải nghỉ hàng tháng nay. Cả nhà trông vào lương của tôi nên cũng eo hẹp. Nói vậy thôi, chứ giờ là khó khăn chung của cả xã hội. Chúng tôi bảo nhau cố gắng khắc phục, vừa là giữ an toàn cho mình, vừa giữ an toàn cho mọi người”, anh Tiến nói.
Ông Lê Đình Hà, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Sài Gòn cho hay, với địa bàn quản lý trải dài qua các tỉnh đang là tâm dịch như TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, công ty đã phải bố trí đến 67 điểm thực hiện “3 tại chỗ”.
Định kỳ khoảng 7-10 ngày, công ty chở lương thực, thực phẩm, kể cả thực phẩm tươi sống như rau củ, thịt cá đến hỗ trợ các điểm. Công ty cũng thường xuyên đôn đốc, yêu cầu nhân viên gác đường ngang và nhân viên giám sát qua camera phải tập trung, thực hiện tốt nhiệm vụ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận