Đánh giá cuộc tranh luận giữa hai ứng viên Trump - Harris, hãng tin MSN nhận định, nhìn chung bà Harris đã giữ được thái độ bình tĩnh và đi thẳng vào trọng tâm vấn đề trong hầu hết thời gian tranh luận.
Trong khi đó, ông Trump lại có phần khá căng thẳng, đưa ra một số tuyên bố gây nghi ngờ.
Một thách thức khác đối với ông Trump chính là việc 2 MC của đài ABC News liên tục kiểm chứng ngược thông tin đối với ông Trump khiến cựu Tổng thống Mỹ trở nên bị động và bà Harris có thêm thời gian trong quá trình tranh luận.
Theo MSN, dù bà Harris có vẻ như đã áp đảo được ông Trump, cả hai vẫn cho thấy những thế mạnh và điểm yếu trong từng thời điểm khác nhau của cuộc tranh luận.
MNS đã "mổ xẻ" kỹ lưỡng về màn thể hiện của 2 ứng viên:
Thế mạnh của bà Harris
MNS đánh giá, bà Harris đã tỏa sáng khi nói về quyền mang thai và sinh con. Bà đã đề cập đến chủ đề nạo phá thai để dồn ép cựu Tổng thống Donald Trump.
Một điểm sáng nữa cũng rất đáng ghi nhận của bà Harris khi nêu lại cuộc bạo loạn ở đồi Capitol ngày 6/1/2021 qua đó ngầm ám chỉ sự bất ổn của ông Trump lúc ông thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.
Thậm chí, bà Harris còn tiến xa hơn, chỉ trích ông Trump hành động chỉ vì lợi ích của bản thân, khẳng định những chính sách kinh tế, ngoại giao của ông chỉ mang lại lợi ích cá nhân thay vì lợi ích quốc gia.
Điểm yếu của bà Harris
Dù được đánh giá khá tốt trong cuộc tranh luận với ông Trump, bà Harris vẫn có những khoảnh khắc gặp khó khăn khi bị đối thủ dồn ép về sự thay đổi trong các chính sách của bà, đặc biệt trong vấn đề khai thác dầu mỏ bằng kỹ thuật fracking (thủy lực cắt phá) mà trước đó bà từng ủng hộ cấm fracking.
Ngoài ra, bà Harris bị đánh giá là có cách tiếp cận không rõ ràng, "đứng giữa ngã tư đường" trong vấn đề cuộc chiến Israel – Hamas ở Gaza.
Quan điểm này không làm thỏa mãn các bên liên quan, làm dấy lên hoài nghi liệu chính sách của bà có khác biệt so với chính quyền đương nhiệm nếu bà trúng cử Tổng thống.
Thế mạnh của ông Trump
Cựu Tổng thống Mỹ ghi điểm khi bàn về lạm phát và kinh tế, một trong những vấn đề then chốt đối với rất nhiều cử tri Mỹ.
Dù việc ông Trump tuyên bố tỷ lệ lạm phát dưới thời ông Biden đang ở mức 21% được cho là có phần nói quá nhưng ông vẫn tạo ra được sự kết nối với các cử tri vốn đang thất vọng vì giá cả leo thang.
Trong vấn đề Ukraine, ông Trump một lần nữa thể hiện rõ quan điểm phản đối Mỹ tiếp tục ủng hộ tài chính cho Ukraine và nhấn mạnh các quốc gia châu Âu cần phải có trách nhiệm hơn.
Quan điểm này được cho là làm hài lòng đa số người dân Mỹ vốn cho rằng Chính phủ Mỹ cần phải phân bổ các nguồn lực trong nước một cách hợp lý hơn.
Điểm yếu của ông Trump
Một trong những bước đi sai lầm nhất của ông Trump chính là ông lại nhiều lần đưa ra những tuyên bố không được kiểm chứng về việc người nhập cư có thể gây ảnh hưởng đến công việc chăn nuôi trong nước. Tuyên bố của ông đã bị 2 MC của Đài ABC News phản pháo ngay trong cuộc tranh luận.
Cựu Tổng thống Mỹ cũng bị mất điểm nghiêm trọng khi đào xới lại bình luận trong quá khứ về chủng tộc của bà Harris, một vấn đề khá gây tranh cãi mà lẽ ra ông chưa nên đưa ra thảo luận vào lúc này.
Cuối cùng, cựu Tổng thống Mỹ đã cho thấy sự bối rối khi bị dồn ép về vấn đề chăm sóc y tế. Khi được hỏi tại sao ông chưa trình bày một bản kế hoạch thay thế Đạo luật Bảo vệ Bệnh nhân và Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (Affordable Care Act), ông Trump chỉ đáp mơ hồ rằng ông đã có ý tưởng cho kế hoạch này.
Ai được lòng cử tri hơn?
Một cuộc thăm dò do SSRS tiến hành liên quan đến cuộc tranh luận giữa bà Harris và ông Trump cho thấy, trước khi cả hai bên đối mặt nhau các cử tri được hỏi vẫn chưa ngã ngũ nên nghiêng về ai với tỷ lệ ủng hộ chia đều cho cả hai là 50% - 50%.
Tuy nhiên, sau cuộc tranh luận, tỷ lệ này nhanh chóng nghiêng về phía bà Harris với sự chênh lệch khá lớn lên đến 63% so với 37% dành cho ông Trump. Trong đó, có tới 96% cử tri ủng hộ bà Harris cho rằng bà đã có màn thể hiện tốt hơn trong cuộc tranh luận. Tỷ lệ này đối với các cử tri ủng hộ ông Trump chỉ là 69%.
Hãng tin CNN cảnh báo dù bà Harris có chiếm ưu thế trong cuộc tranh luận lần này, vẫn không có gì bảo đảm bà sẽ chiến thắng ông Trump trong cuộc bầu cử sắp tới.
Thực chất, trong cuộc thăm dò trên, có tới 82% cử tri được hỏi cho biết kết quả cuộc tranh luận đêm 10/9 không ảnh hưởng gì đến sự lựa chọn ứng viên Tổng thống của họ. 14% thừa nhận cuộc tranh luận khiến họ phải suy nghĩ lại nhưng vẫn sẽ không thay đổi quyết định của mình. Chỉ 4% cho biết họ đã thay đổi quyết định sẽ bầu cho ai.
Điều tương tự từng xảy ra vào năm 2004 và 2016 khi các ứng viên Tổng thống là George W. Bush và chính ông Trump bị đánh giá thất thế so với đối thủ trong tranh luận nhưng sau đó lại trở thành ông chủ Nhà Trắng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận