Xã hội

Cưỡng chế bộ, ngành không trả trụ sở cũ?

04/11/2022, 06:23

Dù có quyết định của Thủ tướng từ 2015 nhưng đến nay việc di dời trụ sở bộ ngành, cơ sở, trường học, bệnh viện ra khỏi nội đô HN diễn ra chậm.

Đây cũng là vấn đề được nhiều ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chiều 3/11.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển cho rằng, đã đến lúc cần phải có biện pháp mạnh.

img

Ông Hoàng Ngọc Giao

Tiến độ chậm vì quy định chưa cụ thể

Quyết định 130 của Thủ tướng được ban hành từ năm 2015, trong đó yêu cầu xác định rõ lộ trình, danh mục các công trình phải di dời ra khỏi nội thành Hà Nội. Đến nay, ông đánh giá việc thực hiện được triển khai thế nào?

Đến nay, việc di dời chưa đạt được mục tiêu như đã đề ra, nếu không muốn nói là quá chậm. Đơn cử, Đại học Luật Hà Nội, cách đây dăm năm, thầy và trò xôn xao, bàn ra tán vào về việc trường sắp di dời.

Hoặc như Đại học Quốc gia Hà Nội, dự kiến di dời lên Khu Công nghệ cao Hòa Lạc từ cách đây hơn 10 năm. Nhưng đến nay những trường này vẫn đang yên vị trong thành phố với số lượng sinh viên ngày càng tăng.

Quyết định 130 đã nêu biện pháp di dời, trong đó có đề cập tới việc Hà Nội và các tỉnh vùng Thủ đô có liên quan chuẩn bị quỹ đất nơi được di dời đến; Có cơ chế chính sách phù hợp với các đối tượng, đảm bảo tính khả thi. Theo ông, vì sao việc này chưa thể thực hiện?

Quyết định 130 có nhắc tới việc hỗ trợ kinh phí cho việc di dời, tuy nhiên, không rõ các tiêu chí đánh giá, thẩm định phù hợp với từng đối tượng nên khó xác định khoản hỗ trợ. Chính vì thế, việc cần làm ngay là xây dựng các tiêu chí đánh giá.

Trong khi nguồn vốn chưa được bố trí, chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng, các bộ, ngành, TP Hà Nội chưa triển khai đúng tiến độ việc lập quy hoạch và xây dựng các đề án di dời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên?

Trước hết, chúng ta thiếu những quy định, tiêu chí cụ thể thực thi chính sách di dời. Thứ hai, trách nhiệm và kỷ luật công vụ của cơ quan có thẩm quyền chưa đáp ứng yêu cầu công việc.

Tiếp đến là công tác kiểm tra, giám sát bị buông lỏng, không loại trừ việc bị “nhóm lợi ích” lợi dụng. Trước mắt, để tạo hành lang pháp lý, cần ban hành riêng một nghị định về vấn đề này, thay vì chỉ dừng lại bằng Quyết định của Thủ tướng.

Không di dời phải cưỡng chế

img

Theo Bộ Xây dựng, hiện chỉ có Bộ Nội vụ bàn giao lại trụ sở cũ cho cơ quan có thẩm quyền quản lý (Ảnh lớn: Trụ sở mới của Bộ Nội vụ tại số 8 Tôn Thất Thuyết, Hà Nội. Ảnh nhỏ: Trụ sở cũ của Bộ Nội vụ tại 37 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội được sắp xếp cho Bộ LĐ, TB&XH sử dụng). Ảnh: PV

Nếu cần thiết phải ban hành một nghị định như vậy, theo ông, nghị định này cần tập trung vào những nội dung gì?

Nghị định phải bao gồm các quy định, tiêu chí cụ thể để đánh giá các cơ sở di dời. Trong đó xác định tính cấp thiết phải di dời, lộ trình thực hiện bắt buộc, mức hỗ trợ di dời, áp dụng cho từng loại đối tượng cụ thể.

Tôi nhấn mạnh cụm từ “từng loại đối tượng”. Bởi, đối tượng di dời là doanh nghiệp thì áp dụng cơ chế riêng phù hợp. Các cơ sở công lập như đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, y tế... cũng có chính sách riêng. Như hiện nay, Quyết định 130 mới chỉ định hướng chung chung, chưa thật rõ ràng.

Thực tế cho thấy, có những đơn vị sau khi di dời không trả lại cơ sở cũ, sở hữu đồng thời cả cơ sở cũ và mới. Vì sao lại có tình trạng này, thưa ông?

Về nguyên tắc đã di dời thì phải trả lại đất cũ. Nhưng như đã nói trên, Quyết định 130 không quy định rõ ràng. Đơn vị, bộ ngành có thể vin vào đó để không thực hiện.

Một phần nữa là công tác giám sát kiểm tra thiếu quyết liệt, không loại trừ có tình trạng cố tình làm ngơ, “lợi ích nhóm” để thâu tóm “đất vàng”.

Với những đơn vị cố tình chây ì việc di dời, theo ông cần có chế tài nào để bắt buộc thực hiện?

Như đã nói ở trên, khi chưa có tiêu chí đánh giá, xác định lộ trình cụ thể thì chúng ta khó để đánh giá nguyên nhân có hay không việc chây ì.

Nhưng khi xây dựng được quy chế, quy trình cụ thể, đã có đất để di dời, có hỗ trợ của Nhà nước mà cố tình trì hoãn thì hoàn toàn có thể áp dụng các biện pháp hành chính, thậm chí là cưỡng chế.

Nên đấu giá quyền khai thác “đất vàng”

img

Kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội đã thông qua danh mục nhà, đất phải di dời (đợt 1), trong đó có Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long tại quận Thanh Xuân với diện tích hơn 64.000m2 Ảnh: Tạ Hải

Theo ông, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, cần có giải pháp nào để có kinh phí phục vụ việc di dời?

Quyết định 130 nêu rõ, đối với đất được giải phóng sau khi di dời thì tổ chức đấu giá phục vụ di dời. Tuy nhiên, tôi thấy quy định này dễ bị lạm dụng vì chưa cụ thể.

Hiện mới chỉ nêu là “ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội; không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành; không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch”.

Ví dụ, khi đơn vị trúng đấu giá họ xây chung cư, tòa nhà thương mại vài chục tầng nhưng không sai quy hoạch, như vậy sẽ đi ngược lại với chủ trương và mục tiêu quan trọng nhất là giãn dân, mở rộng không gian phát triển kinh tế đô thị.

Do đó, sau khi di dời, nên tổ chức đấu thầu quyền khai thác các dịch vụ phục vụ cộng đồng như: Trung tâm dịch vụ, thương mại, công viên nghỉ ngơi giải trí, khu phức hợp thể thao, nhà hát, rạp chiếu phim, điểm đỗ xe…

Từ đó Nhà nước có nguồn thu để hỗ trợ công tác di dời, người dân có thêm nhiều không gian nghỉ ngơi, giải trí, tiện ích thương mại...

Ông vừa nhắc đến việc đấu giá quyền khai thác đất, việc này khác với đấu giá đất thế nào?

Khác với đấu giá đất, đấu giá quyền khai thác thì quyền sử dụng đất vẫn thuộc sự quản lý trực tiếp của Nhà nước, đảm bảo đất được sử dụng vì lợi ích xã hội, cộng đồng, tránh được việc lợi dụng, lách luật để xây chung cư, văn phòng cho thuê... tăng áp lực dân số, gây ách tắc giao thông ở Thủ đô.

Khác với hợp đồng cho thuê đất, hợp đồng thầu quyền khai thác là có thời hạn, có thể không được gia hạn và dễ dàng bị Nhà nước chấm dứt nếu nhà thầu vi phạm các điều kiện cơ bản trong việc cung ứng dịch vụ cho cộng đồng.

Tôi tin chắc, khi đấu thầu quyền khai thác sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Bởi thực tế cho thấy, những trung tâm thương mại thuần dịch vụ như AEON, rạp chiếu phim... vẫn tồn tại, phát triển, không nhất thiết là phải biến thành các chung cư, nhà ở.

Ngăn đất cũ biến thành cao ốc

Trước mắt, cần phải có văn bản dưới luật để quy định sau khi di dời, các đơn vị phải giao lại khu đất cũ cho Hà Nội. Việc sửa Luật Đất đai trong thời gian tới cũng cần bổ sung các quy định về việc sử dụng quỹ đất công nghiệp trong nội đô rõ ràng hơn. Quỹ đất sau khi di dời nhà máy phải được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, hạ tầng xã hội, kỹ thuật và không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng.

KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam


Trước thực trạng nhiều cơ sở nhà đất khi di dời “biến” thành chung cư, theo ông nguyên nhân là do đâu?

Về mặt pháp luật, chúng ta có Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư... quy định việc giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi công năng sử dụng đất, lập và phê duyệt dự án đầu tư/xây dựng.

Tuy nhiên, trên thực tế không ít trường hợp dự án ban đầu được duyệt với chức năng nhất định (làm trụ sở, trưng bày sản phẩm, phục vụ dân sinh...), nhưng sau đó được điều chỉnh thành dự án chung cư, văn phòng cho thuê.

Thực trạng này trước hết, là do tuân thủ pháp luật không nghiêm từ phía doanh nghiệp; do buông lỏng kiểm tra giám sát từ phía cơ quan có thẩm quyền.

Công tác lập và thực thi quy hoạch còn nhiều bất cập, thường bị điều chỉnh không vì mục đích phát triển bền vững, bị lợi dụng, thâu tóm bởi nhóm lợi ích.

Theo ông, để khắc phục các bất cập hiện nay, cần có những quy định cụ thể nào?

Cần rà soát và khắc phục các bất cập trong công tác lập và thực thi quy hoạch, tăng cường kiểm tra, giám sát trách nhiệm công vụ của cán bộ, cơ quan có thẩm quyền liên quan.

Bên cạnh đó, cần quy hoạch quỹ đất điểm đến để đồng bộ công năng, chức năng của các cơ sở này. Quy hoạch khu bệnh viện thì địa điểm phải đáp ứng nhu cầu tính trên số lượng dân cư.

Khu công nghiệp thì hạ tầng phải đáp ứng các nhu cầu về vận tải, nhà kho, nhà xưởng, khu nhà ở cho công nhân. Các trường đại học nên được di dời tập trung vào một khu vực thành “làng đại học” với đầy đủ hạ tầng xã hội (ký túc xá, dịch vụ sinh hoạt...).

Cảm ơn ông!

Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhận trách nhiệm

Chiều 3/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng, trả lời chất vấn về việc chậm di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, công tác di dời còn triển khai chậm do các đơn vị chưa triển khai đúng tiến độ việc lập quy hoạch và xây dựng các đề án di dời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời).

Bên cạnh đó, công tác di dời đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn, trong khi nguồn vốn thực hiện công tác di dời và xây dựng cơ sở mới chưa được bố trí, chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng.

“Đối với việc chậm di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô Hà Nội, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm chung về giám sát đôn đốc; các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao”, ông Nghị nói.

Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị, các bộ, ngành cần thúc đẩy tiến độ lập các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, xác định danh mục cơ sở cần phải di dời, lộ trình di dời, biện pháp thực hiện và xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ di dời theo nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Trả lời chất vấn của đại biểu về việc sau di dời, rất nhiều trường hợp được sử dụng để xây dựng các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, quá trình thực hiện di dời phải thực hiện đúng theo các nguyên tắc nêu tại Quyết định 130 của Thủ tướng.

9 bộ, ngành có trụ sở mới, chỉ 1 bộ bàn giao trụ sở cũ

Ngày 23/1/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 130 về biện pháp, lộ trình di dời và sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất, giáo dục, bệnh viện và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội đến tháng 10/2021, có 8 sở, ngành của thành phố đã di dời trụ sở; 9 bộ, ngành, cơ quan trung ương đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng mới nhưng chỉ 1 bộ bàn giao trụ sở cũ.

Trong 4 quận lõi trung tâm có 26 trường thì chỉ duy nhất trường Đại học Y tế cộng đồng thực hiện di dời. Đối với cơ sở gây ô nhiễm, theo lộ trình đến năm 2020 di dời 117 cơ sở sản xuất trên địa bàn 12 quận nhưng mới di dời được gần 70 cơ sở.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.