Xã hội

Cựu chiến binh bán nhà, đất xây khu tưởng niệm Bác Hồ

02/09/2017, 14:45

Bán nhà, bán đất không đủ, ông Phước lại vay mượn bạn bè để xây dựng “Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh”...

59

Một nhóm học sinh đến tham quan khu tưởng niệm Bác Hồ của ông Phước

Bán căn nhà gắn bó mấy chục năm, bán luôn miếng đất trước đó tặng cho con gái, bán xe, vay mượn bạn bè… ông Bùi Xuân Phước (SN 1935, thôn Phước Tân, xã Phước Đồng, TP Nha Trang, Khánh Hòa) đã dành phần lớn gia sản của mình để thực hiện ý niệm của cuộc đời, xây dựng “Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Ông chủ kiêm hướng dẫn viên

Về đến xã Phước Đồng (TP. Nha Trang), hỏi Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ai ai cũng rành mạch chỉ rõ. “Cái này do ông Phước quê tôi tự bỏ tiền xây đó nghe”, chị bán nước hồ hởi nói. Khu tưởng niệm nằm trên con đường từ TL3 vào khu di tích lịch sử - căn cứ địa Đồng Bò. Đó là một khuôn viên rộng khoảng 2.000m2 có bờ tường rào bao quanh được xây dựng với họa tiết hoa văn hình chim lạc, trống đồng. Cổng chào có dòng chữ “Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh – gia đình bác Bùi Xuân Phước”.

Chúng tôi đến đúng lúc ông Phước đang sửa chữa, nâng cấp khu tiếp khách thành hội trường. “Chỗ này không chỉ là nơi trà nước, nói chuyện với khách đến thăm mà còn làm nơi học tập, nói chuyện về gương đạo đức Bác Hồ cho học sinh trong vùng”, ông Phước tươi cười nói.

Dù cách trung tâm TP Nha Trang hơn 10km nhưng hàng ngày vẫn có hàng chục khách tìm đến viếng, thăm Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vào những ngày đặc biệt, lễ kỷ niệm, từng đoàn, từng đoàn đến thăm. Ai đến cũng cẩn thận ghi lại tên tuổi, ông Phước bảo đó là một cách để mình nhớ đến họ, tri ân họ.

Dẫn chúng tôi dạo quanh một vòng khu tưởng niệm, ông Phước như một người hướng dẫn viên, giới thiệu tỉ mỉ cách thiết kế, bài trí không gian do chính ông thực hiện. Đó là sự kết hợp theo lối kiến trúc xưa giữa chữ “Nhất”, và chữ “Tam”. Từ hội trường, men theo một con đường nhỏ, 2 bên ông trồng nhiều cây xanh, ông Phước gọi đó là “dãy Trường Sơn”. Dọc dãy Trường Sơn, ông dành một khoảng đất nhỏ dựng tượng đài, ghi công, tưởng nhớ những chiến sĩ cách mạng. Đối diện tượng đài là một khuôn viên lớn, ngay chính giữa là tượng Bác Hồ đứng trên đóa sen hồng, ông gọi khu này là “Cột 79 mùa xuân tưới mát cho đời”. Ngay sau khuôn viên là khu quan trọng nhất: Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vào bên trong bảo tàng, hàng trăm hình ảnh, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh được sắp xếp bài trí một cách khoa học, cẩn thận đặt trong tủ kính. Bảo tàng được ông chia thành nhiều không gian khác nhau, mỗi không gian thể hiện một giai đoạn cuộc đời của Bác: Tuổi thơ, 30 năm bôn ba nước ngoài, giai đoạn 30-45…

Mỗi giai đoạn là hàng chục hình ảnh, đồ vật phục chế khắc họa nên con người Bác. Đặc biệt, ông Phước còn kể chi tiết, rành mạch từng hình ảnh một: Đây là viên gạch Chauffeuse, một viên gạch hồng, Bác chống lại cả mùa băng giá khi bác ở Paris. Gạch dùng để sưởi ấm không phải loại gạch xây dựng bình thường mà loại gạch chịu nhiệt, có khả năng giữ nhiệt lâu.

Theo ông Phước, hiện bảo tàng của ông có gần 150 hiện vật tư liệu, hình ảnh, hiện vật… do chính ông sưu tầm, phục chế từ hiện vật gốc và được các cơ quan, tổ chức trong cả nước trao tặng. Khu bảo tàng đẹp đẽ, công phu là vậy nhưng ông Phước không hề thu phí khách đến tham quan. Bất chợt, chúng tôi hỏi bác Phước hiện giờ ở đâu. Ông cười tươi rồi chỉ về ngôi nhà nhỏ phía góc vườn: Đấy, nhà tôi đấy, ở đây vừa tiện làm việc, chăm sóc, hướng dẫn khách luôn. Mà tôi chỉ có miếng đất cắm dùi này thôi.

60

Ông Phước giới thiệu những kỷ vật về Bác Hồ mà mình sưu tầm được

Kính yêu Bác từ trong quân ngũ

Kể về mình, ông Bùi Xuân Phước bảo cuộc đời ông là những chuyến đi từ khi chưa lọt lòng: Khi mẹ mang thai tôi thì ở Đà Nẵng, tôi sinh trong lúc di chuyển vào Quy Nhơn nhưng đến 3 tháng tuổi lại sống ở Tuy Hòa. Ông Phước giác ngộ cách mạng ngay từ thở thiếu thời. Năm 15 tuổi, ông đã hoạt động trong trường thiếu sinh quân rồi tham gia kháng chiến trong đội hình Sư đoàn 305 dù - đặc công. Năm 1961, ông ra Bắc tập kết, theo học Trường Lý luận và nghiệp vụ thuộc Bộ Văn hóa, rồi công tác tại Nhà bảo tàng Hải Phòng. Năm 1968, sau 3 lần viết đơn tình nguyện, ông Phước được vào Nam, tham gia chiến đấu tại Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 141, hoạt động tại khu vực Quảng Đà. “Đây là giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh, tiểu đoàn gần như bị xóa sổ nhưng tôi vẫn kiên cường chiến đấu, bám trụ”, ông Phước xúc động nói.

Năm 1970, do sức khỏe suy yếu nặng, ông được chuyển ra Hà Nội điều trị rồi được đưa về đơn vị cũ công tác. Từ năm 1976, ông công tác tại Bảo tàng tỉnh Phú Khánh (cũ) và năm 1989 giữ cương vị Giám đốc Bảo tàng Phú Yên. “Từ khi tham gia chiến đấu, hình ảnh Bác luôn thường trực trong tâm trí tôi và mỗi đồng đội. Rồi hoạt động trong ngành bảo tàng càng có cơ hội tìm hiểu, càng biết nhiều về Bác, càng yêu quý con người, nhân cách Bác hơn”, ông Phước thổ lộ.

2 lần bán đất xây khu tưởng niệm

Ý tưởng về việc xây dựng khu tưởng niệm Bác Hồ được ông Bùi Hữu Phước ấp ủ từ lâu nhưng khi về hưu (năm 1995) ông mới có nhiều thời gian thực hiện. Ông chọn khu đất hiện nay nhưng nghẹt nỗi mua xong không còn tiền xây dựng các hạng mục của khu tưởng niệm. Thế là, dù bước qua tuổi 63 nhưng vẫn cùng vợ lái chiếc xe máy Citi 100 rong ruổi ra Bắc vào Nam tìm đồng đội, trình bày ý nguyện và đặt vấn đề mượn tiền để thực hiện công trình mình ấp ủ. Ông Phước bắt tay ngay xây dựng Khu tưởng niệm Hồ Chí Minh. Nhưng không may, vợ ông bị tai biến phải nằm viện. Ngày chăm vợ, tranh thủ thời gian có người đến trông, ông lại chạy về xây dựng. Bộn bề chi phí, chăm lo, ông Phước cũng suy kiệt, tiền mượn bạn bè, tiền bán xe dần cũng vơi hết. Trằn trọc suy nghĩ nhiều đêm, ông đưa ra quyết định táo bạo: bán nhà.

Cái tin ông Phước bán ngôi nhà thân thuộc của gia đình trong mấy chục năm qua ở trung tâm TP Nha Trang, để lấy tiền xây dựng Khu tưởng niệm Bác Hồ, khiến nhiều người sửng sốt. Nhiều đồng đội gặp ông khuyên: “Anh Phước ạ, nên nghỉ ngơi thôi. Dành dụm được bao nhiêu thì để dưỡng già. Việc anh làm thì ý nghĩa lắm, nhưng e rằng khó...”. Thế nhưng ông Phước vẫn quyết làm cho được. “Tôi nói với vợ nằm viện chuyện này, bà gật đầu đồng ý. Bà bảo là ý niệm của cả 2 người, bằng cách gì cũng gắng thực hiện cho được”, ông Phước bồi hồi kể.

Tiếp tục dồn công sức vào công trình, đến năm 2002, ông Phước hoàn thành công trình đầu tiên của khu tưởng niệm, đền thờ Bác Hồ. Tiếc thay, không lâu sau thì vợ ông trút hơi thở cuối cùng. Đau buồn, nhưng ông vẫn âm thầm tiếp tục xây dựng từng chút, vun vén cho khu tưởng niệm. Có điều, chi phí thực hiện lớn hơn nhiều so với ông tính toán. Còn biết bao công trình mà ông phải làm như: Nhà tiền chế, khu sinh hoạt cộng đồng, phòng đọc sách về Bác...Rồi, ông Phước lại có một quyết định nữa: “xin lại” lô đất mà trước đó ông đã mua cho con gái út là chị Bùi Thị Thu Hà, rồi rao bán. Nhớ lại chuyện này, chị Hà nói: “Nghe ba tâm sự, tôi đáp ngay: Ba cứ bán đi ạ! Đây là công việc vĩ đại của ba mẹ. Khu tưởng niệm được thực hiện, mẹ dưới chín suối cũng an lòng”.

Có tiền, ông Phước tiếp tục đại công trình của cuộc đời mình. Mong có người chia sẻ, vài năm sau, ông Phước đi tiếp bước nữa, bà Nguyễn Thị Nga, người sống với ông bây giờ. “Tôi ngưỡng mộ nhân cách, con người anh nên theo anh, chia sẻ buồn vui, giúp anh hoàn thành ý niệm”, bà Nga cho biết. Không chỉ phụ giúp ông xây dựng, bà Nga còn cùng ông rong ruổi khắp miền, đi sưu tầm những tư liệu quý về Bác Hồ. Mỗi khi nghe tin nơi nào có hình ảnh đặc biệt là cả 2 lại đến tìm. Bức ảnh này có khổ gốc nhỏ là 18-24, do một gia đình quê ở Phú Yên, có người thân là cán bộ gần gũi bên Bác. Ông phải chạy ra xin mượn phục chế. Vừa xây dựng, vừa sưu tầm, mãi đến năm 2010, ông Phước mới chính thức khánh thành Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nhà mình, mà theo ông lúc này “đã đủ khái quát những điểm son về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.