Vác pháo nghi binh tạo bất ngờ cho địch
Những ngày đầu tháng 5 lịch sử, khi nhân dân cả nước hướng về mảnh đất Điện Biên - nơi làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" 70 năm về trước, chúng tôi có dịp trò chuyện với cựu chiến binh Đỗ Xuân Tịch 95 tuổi, sống tại thị trấn Nông Trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Chia sẻ với PV, ông Tịch kể lại: ông là một trong những chiến sĩ tham gia từ ngày đầu của chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy. Vào năm 1954, ông Tịch 25 tuổi, là chiến sĩ của Đại đội 834, Tiểu đoàn pháo cao xạ 396, Trung đoàn pháo cao xạ 367.
Ông có nhiệm vụ làm "anh nuôi", ngày tiếp tế cơm, đêm tiếp tế nước vào trận địa pháo. Ông dũng cảm mưu trí, đi giữa mưa bom bão đạn, vượt qua từng trận địa pháo tiếp sức cho đồng đội.
Ông Tịch kể, thời điểm giao tranh với quân địch, chúng tôi đem cơm vào thì chứng kiến trên cánh đồng xe tăng đi trước, còn bộ binh kẻ thù đội mũ sắt và bồng súng cúi thấp người tiến theo.
Đơn vị chúng tôi định đặt súng bắn ngang nhưng lệnh chỉ huy không cho, nhiệm vụ chính là bắn máy bay. Đối với cánh quân địch đang di chuyển trên cánh đồng được giao cho bộ binh và pháo binh. Cách liên lạc bí mật với mật mã là "ông chủ ở đâu, bò ra ăn lúa", chỉ mấy phút sau, pháo ta bắn vào, trúng xe tăng, địch rút lui.
"Điều lo sợ nhất là mang đủ phần cơm nước vào trận địa nhưng đến nơi lại thiếu vắng đồng đội trở về ăn cơm sau những loạt mưa bom bão đạn của quân thù...", ông Tịch trầm ngâm nhớ lại.
Cũng những ngày này 70 năm về trước, ông Đặng Văn Duy (94 tuổi, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) là một trong những chiến sĩ Điện Biên với sức trẻ đầy lòng nhiệt huyết tham gia gùi pháo trèo đèo, leo dốc đưa pháo vào mặt trận Điện Biên Phủ.
Năm đó ông Duy mới 24 tuổi, là Khẩu đội trưởng thuộc Đại đội pháo 75 ly, Tiểu đoàn 888, Đại đoàn 304 tham gia mặt trận Điện Biên Phủ.
Ông Duy kể, đơn vị ông được lệnh gùi các bộ phận pháo, hành quân vào chiếm lĩnh trận địa, pháo sau khi được gùi vào sẽ được bộ đội lắp ráp. Việc vận chuyển pháo hoàn toàn bằng sức người, khẩu pháo được tháo ra từng bộ phận, đặt lên vai từng người lính gùi, vác trèo đèo, băng rừng lội suối.
Pháo vừa lắp xong, toàn bộ được ngụy trang cẩn thận thì đơn vị ông lại nhận được lệnh rút quân ra. Thế là những người lính nhanh chóng chấp hành, tháo toàn bộ rồi lại gùi cõng đi bộ trở ra. Đơn vị vừa hành quân ra địa điểm tập kết, nắm cơm trong ba lô còn chưa kịp ăn thì lại có lệnh điều động đưa pháo vào trận địa.
"Trong gian khó, bộ đội ta đã sáng tạo sử dụng ống tre lồ ô chẻ 4 ra rồi đút đạn vào trong, như vậy một người lính có thể vác được 3 quả đạn pháo. Ngày khiêng pháo vào, đêm vác pháo ra liên tục như vậy hơn nửa tháng, đây là kế nghi binh để giặc nghĩ rằng pháo binh đã rút đi rồi, tạo được tính bất ngờ của trận chiến" ông Duy nhớ lại.
Luôn biết ơn sự hy sinh của các cựu chiến binh
Theo đại diện Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Bình, toàn tỉnh có 56 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia các đơn vị chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ, trong số đó có 5 liệt sĩ. Hiện, có 8 cựu chiến binh tham gia chiến dịch còn sống.
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, thời gian qua, đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình, các đơn vị, địa phương đã tích cực đến thăm hỏi, tặng quà các chiến sĩ Điện Biên trên địa bàn tỉnh.
Thông qua các buổi thăm hỏi, tặng quà đã thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, góp phần giáo dục truyền thống lịch cho thế hệ trẻ. Tỉnh Quảng Bình cũng mong muốn các chiến sĩ Điện Biên năm xưa phát huy phẩm chất của người lính cụ Hồ, tiếp tục đóng góp, giáo dục, động viên con cháu tham gia xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Đại tá Trần Ngọc Sâm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Bình cho biết, những ngày tháng 5 lịch sử này, cán bộ, nhân dân, các đoàn thể tại tỉnh Quảng Bình đến thăm, tặng quà bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những cống hiến, hy sinh to lớn của các liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
70 năm trôi qua, những ký ức về "56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non" làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu" chưa bao giờ phai mờ với những người lính ngày ấy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận