Xã hội

Những chiến địa Điện Biên Phủ lừng lẫy năm xưa

06/05/2024, 06:15

Khu di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ là một quần thể các di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Các di tích nổi bật của chiến trường Ðiện Biên năm xưa là đồi A1, C1, C2, D1, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, đồi Ðộc Lập, cầu và sân bay Mường Thanh, hầm chỉ huy của tướng De Castries…

Đồi A1

Dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ năm nay, người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc và du khách quốc tế lại nô nức đến với Điện Biên, thăm những di tích gắn liền với chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Một trong những địa điểm đầu tiên mà nhiều người tìm tới chính là Đồi A1.

Những chiến địa Điện Biên Phủ lừng lẫy năm xưa- Ảnh 1.

Hầm chỉ huy đồi A1 của Pháp.

Đồi A1 nằm ở phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ, diện tích khoảng 83.000m2, cao 32m so với mặt đường. Tháng 2/1946, khi chiếm lại được Điện Biên, Pháp đã bố trí rất nhiều lô cốt, hầm ngầm tại đây và đặt tên gọi là Elian 2.

Xung quanh đồi A1, quân Pháp xây dựng hệ thống hàng rào thép gai với đủ hình dạng. Trên đỉnh đồi là căn hầm cố thủ, vốn là hầm rượu của tòa công sứ Pháp trước năm 1945. Hầm được chia thành 2 ngăn, trong đó một ngăn là nơi làm việc của bộ phận thông tin điện đài.

Trở lại thăm chiến trường xưa, ông Đào Mạnh Lanh, cựu trinh sát Sư đoàn 320a thuộc Quân đoàn 3 không khỏi bồi hồi chia sẻ: "Tham quan cứ điểm xưa, tôi vô cùng xúc động. Cách kể chuyện của đội ngũ hướng dẫn viên rất truyền cảm, ai cũng hình dung được những năm tháng hào hùng. Bản thân tôi cũng là những người đã trải qua chiến tranh, nhưng khi về lại vẫn cảm thấy rất xúc động".

Theo bà Phạm Thị Thảo, Phó giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên, dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ năm nay, đơn vị đặc biệt chú trọng đến công tác hướng dẫn viên, thuyết minh.

Ngoài các hướng dẫn viên chuyên nghiệp, đơn vị còn phối hợp với một số trường cao đẳng trên địa bàn tập huấn cho lực lượng sinh viên để bổ sung, nhằm phục vụ nhu cầu của khách du lịch trong thời gian cao điểm.

Hầm De Castries

Được mệnh danh là căn hầm kiên cố nhất Đông Dương một thời, hầm chỉ huy của tướng De Castries ở Điện Biên Phủ được thực dân Pháp xây dựng rất kỳ công, ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thuộc cánh đồng Mường Thanh, huyện Điện Biên. 

Những chiến địa Điện Biên Phủ lừng lẫy năm xưa- Ảnh 2.

Hầm chỉ huy của tướng De Castries.

Nơi này được chính quyền Pháp xây dựng cực kỳ kiên cố để tránh các cuộc tấn công của quân đội ta với mái được làm bằng sắt, xung quanh là ván gỗ và bọc lót bằng bao cát. Bao bọc xung quanh của căn hầm chính là tầng tầng lớp lớp rào chắn phòng thủ với hàng loạt mạng lưới dây thép gai được dựng lên vô cùng chằng chịt cùng với bốn chiếc xe tăng bảo vệ xung quanh.

Tổng chiều dài của hầm khoảng 20m, chiều rộng 8m và có tới 4 không gian phục vụ cho nơi làm việc cũng như nơi ở của tướng lĩnh Pháp khi chiến đấu tại chiến trường Việt Nam.

Bà Vũ Thị Hằng, Phó phòng Phát huy giá trị di tích thuộc Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên cho biết, dịp lễ kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên năm nay, đơn vị đã chủ động rà soát và khắc phục những hạng mục bị xuống cấp, cải tạo cảnh quan, môi trường, xây dựng các cụm pano, tiểu cảnh nhằm tạo ấn tượng trực quan đối với khách du lịch.

Sở chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng

Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng nằm ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, ẩn mình dưới tán rừng cổ thụ chân núi Pú Đồn, cách trung tâm TP Điện Biên Phủ khoảng 40km.

Những chiến địa Điện Biên Phủ lừng lẫy năm xưa- Ảnh 3.

Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Mường Phăng là địa điểm thứ ba và cuối cùng của Sở chỉ huy thứ ba Chiến dịch Điện Biên Phủ (từ 31/1 - 15/5/1954).

Sở Chỉ huy quân sự chiến dịch Điện Biên Phủ đóng dọc theo một con suối nhỏ chạy quanh dưới chân núi Pú Đồn, được bố trí thành một hệ thống liên hoàn, bao bọc trước sau, có hầm hào, lán trại thuận tiện, vừa phù hợp với tốc độ làm việc, vừa bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối.

Sở Chỉ huy gồm: Chòi canh gác số 1; Hầm thông tin liên lạc; Đài quan sát; Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Lán ở và làm việc của Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái; Đường hầm xuyên núi dài 96m nối liền lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái; Hầm của ban cố vấn Trung Quốc...

Những chiến địa Điện Biên Phủ lừng lẫy năm xưa- Ảnh 4.

Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tại đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định, làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Bà Phạm Thị Thảo cho biết thêm, hiện nay, Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên đang tiếp tục triển khai thực hiện "Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Chiến trường Điện Biên Phủ gắn với phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Các đơn vị đã xây dựng kế hoạch triển khai theo từng giai đoạn, từng năm. Trong đó, tập trung tổ chức lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi nhằm phát huy giá trị di tích, sửa chữa một số công trình, điểm di tích thành phần...

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Được xây dựng trong thời bình, nhưng Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cụm di tích lịch sử Điện Biên. Tọa lạc tại phố 1, phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ, bảo tàng được xây dựng vào năm 1984 nhân dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Những chiến địa Điện Biên Phủ lừng lẫy năm xưa- Ảnh 5.

Toàn cảnh bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Bảo tàng có 5 khu trưng bày với hơn 1.000 hiện vật và 122 bức tranh theo từng chủ đề. Điểm nhấn là bức tranh panorama lớn nhất thế giới "Trận chiến Điện Biên Phủ" được vẽ bởi gần 100 họa sỹ. Bức tranh thể hiện tất cả giai đoạn của Chiến dịch Điện Biên Phủ một cách sinh động và hấp dẫn.

Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chia sẻ: "Bức tranh là công trình có giá trị lưu giữ lịch sử và là điểm đến hấp dẫn, tạo điểm nhấn cho du lịch Điện Biên, đặc biệt thời điểm diễn ra lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Chỉ riêng trong quý I/2024 đã có tới hơn 40.000 lượt khách tham quan bảo tàng".

Theo thống kê từ Ban Quản lý các di tích tỉnh Điện Biên, từ đầu năm đến nay, các điểm di tích đã thu hút gần 80.000 lượt khách (trong đó khách quốc tế là 1.130 lượt). Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 270.000 lượt khách tới tham quan tại các điểm di tích.

Trận chiến lịch sử kết thúc vào hồi 17h30 ngày 7/5/1954 khi chỉ huy trưởng Đại đội 360, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 - anh hùng Tạ Quốc Luật đã bắt sống được tướng địch, chỉ huy tối cao của cuộc chiến De Castries tại bàn làm việc.

Đây chính là thời khắc lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Việt Nam tung bay trên nóc hầm chỉ huy địch, chính thức đánh dấu thắng lợi vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam sau 9 năm kháng chiến trường kỳ.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.