Cựu danh thủ Dương Hồng Sơn |
Có thời điểm tôi cảm thấy rất sợ khi ra sân cỏ
10 năm sau chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008, không nhiều người biết Dương Hồng Sơn đang làm gì. Anh có thể chia sẻ một chút về cuộc sống hiện tại?
Tôi vẫn gắn bó cùng trái bóng tròn và hiện đang làm HLV thủ môn cho các lứa trẻ của CLB Hà Nội. Ngoài ra, tôi và vợ hùn vốn với một số người bạn làm kinh doanh để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, do công việc ở đội khá bận nên kinh tế trong gia đình đều do một tay vợ tôi quán xuyến.
So sánh chơi bóng và kinh doanh, anh thấy có điểm gì giống và khác nhau?
"Chúng ta đang sở hữu một lứa cầu thủ tài năng, được rèn luyện nhiều năm ở đấu trường quốc tế. Chỉ cần các em chơi tập trung như ở giải U23 châu Á, tôn trọng các đối thủ, tôi tin cúp vàng AFF Cup sẽ lần thứ hai thuộc về bóng đá Việt Nam." Cựu danh thủ |
Kinh doanh theo tôi mạo hiểm hơn chơi bóng. Anh bỏ vốn ra thì coi như đặt cược, có thể lãi nhưng cũng có thể lỗ. Ngược lại, bóng đá nếu mình đã đạt đến ngưỡng nào đó thì sẽ ổn định. Nhưng cả kinh doanh và bóng đá đều giống nhau ở khoản chớp thời cơ. Thời cơ đến, nếu không nắm bắt thì làm kinh doanh hay chơi bóng đá đều có thể dẫn tới thất bại.
10 năm đã trôi qua, nhiều ký ức đã lùi xa, nhưng ký ức về chức vô địch AFF Cup 2008 hẳn chưa thể mờ trong tâm trí anh?
Chắc chắn rồi! Tôi nhớ như in từng trận đấu, từng khoảnh khắc từ lo âu đến vỡ òa ở giải đấu năm đó. Đến giờ, mỗi khi nhắc lại tôi luôn cảm thấy tự hào vì mình cùng đồng đội đã đặt bước chân lịch sử cho bóng đá Việt Nam ở đấu trường khu vực.
Sau chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008, anh và đồng đội đã trở thành những ngôi sao. Anh có phải đối diện với những cám dỗ?
Khi đã trở thành cầu thủ nổi tiếng, tiền bạc rủng rỉnh sẽ đi liền với cám dỗ. Cám dỗ ở đây đôi khi là ngay cả trong tâm trí. Cầu thủ tự cho mình quyền được nghỉ ngơi, quyền tận hưởng. Nhưng cám dỗ cũng có thể đến từ bên ngoài, đó là những cuộc vui quên trời đất, những tệ nạn. Với bản thân, tôi luôn ý thức mình phải có trách nhiệm với cái nghề đã cho mình tất cả nên tôi tránh xa thị phi.
Anh suy nghĩ thế nào về việc cầu thủ lấn sân lĩnh vực quảng cáo hay truyền hình?
Với bóng đá chuyên nghiệp, điều này hết sức bình thường. Cầu thủ Việt Nam nếu được mời quảng cáo là điều đáng mừng bởi nó cho thấy sự quan tâm của xã hội với bóng đá. Nhưng bù lại, cầu thủ phải biết sắp xếp, phân bổ thời gian sao cho việc quảng cáo không làm ảnh hưởng tới chuyên môn.
Vị trí thủ môn mang tính đặc thù rất lớn, chỉ cần một sai lầm nhỏ cũng có thể biến thành tội đồ, hứng chịu chỉ trích, anh đã bao giờ cảm thấy sợ hãi trước những chỉ trích nhắm vào mình?
Có! Có những thời điểm tôi cảm thấy rất sợ khi ra sân, sợ đến mức chân tay run lên. Tôi nhớ như in khi còn khoác áo SLNA. Đó là năm 2004, trong trận đấu với Đồng Tháp, tôi để đối phương cướp được bóng và ghi bàn. Sau trận, tôi bị lãnh đạo kỷ luật còn người hâm mộ thì quy kết tôi bán độ. Sự việc này không chỉ ảnh hưởng tới tôi mà còn khiến gia đình tôi đối diện sức ép.
Thủ môn Dương Hồng Sơn thời còn thi đấu |
Bát súp lươn, đĩa bún chả giúp tôi có thêm động lực
Anh được đánh giá là một thủ thành bản lĩnh, lỳ lợm. Điều gì đã tạo ra một Dương Hồng Sơn như vậy?
Trên sân, tôi luôn tập trung tối đa cho các tình huống khiến ánh mắt, cử chỉ cũng bị cuốn theo trận đấu nên khi nhìn vào có cảm giác trông tôi rất lỳ. Nhưng thực ra ngoài đời tôi là người sống rất trọng tình cảm.
Xứ Nghệ vốn nổi tiếng với điệu ví dặm, liệu có phải những điệu ví ngọt ngào, sâu lắng đã nuôi dưỡng tâm hồn anh, tạo ra một Dương Hồng Sơn nặng nghĩa tình?
Đúng vậy, tôi lớn lên với những điệu ví dặm đò đưa. Những lúc nhớ quê, tôi lại trở về bên gia đình, để được đắm chìm trong hương vị quê hương, của bát súp lươn, đĩa bún chả. Đơn giản thế thôi nhưng nó lại giúp tôi có thêm động lực tiếp tục cuộc hành trình của cuộc đời.
Có vẻ anh là một người coi trọng yếu tố truyền thống?
Tôi muốn kết hợp giữa hiện đại và truyền thống. Xã hội phát triển, có rất nhiều điều mới mẻ, mình không thay đổi sẽ bị tụt hậu.Tôi cũng không bao giờ ép con theo suy nghĩ của mình, tôi muốn để con được lựa chọn con đường mà con cảm thấy hứng thú. Nhưng cái cốt lõi của gia đình vẫn là hiếu kính với ông bà, cha mẹ, như vậy mới có thể bền vững. Thế nên, những ngày nghỉ hay dịp lễ Tết, tôi đều đưa con về quê, để con không quên nguồn cội, gia phong.
Cảm ơn anh!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận