Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, ông Hà Á Phi, nguyên thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc gần đây đã có bài phát biểu trong Đối thoại Mỹ-Trung năm 2020, do Viện Nghiên cứu Tài chính Just World và Chongyang có trụ sở tại Hoa Kỳ, Đại học Renmin Trung Quốc tổ chức. Nội dung bài phát biểu của ông Hà Á Phi xuay quanh chủ đề “làm thế nào để hạ nhiệt căng thẳng với Mỹ về vấn đề Biển Đông”.
Theo nhận xét của cựu Thứ trưởng Trung Quốc Hà Á Phi, Biển Đông dường như đã trở thành một trong những điểm nóng chớp nhoáng cho những xung đột tiềm tàng có thể xảy ra giữa Trung Quốc và Mỹ trong tương lai.
Ông Hà Á Phi cho rằng Biển Đông cũng sẽ là bãi thử cho tương lai của mối quan hệ địa chính trị Trung - Mỹ.
Mở đầu bài phát biểu, ông Hà Á Phi đã nêu ra một số câu hỏi như: Đó sẽ là sự cạnh tranh chiến lược, sự cạnh tranh trong khuôn khổ dựa trên quy tắc hay hợp tác? Những dấu hiệu có thể xảy ra bây giờ là gì?
Vị này sau đó cho rằng, cạnh tranh quân sự ngày càng trở nên căng thẳng giữa Trung Quốc – Mỹ và điều nay liên quan chặt chẽ đến khu vực Biển Đông.
Hồi tháng 2/2020, Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Hoa Kỳ lập luận rằng, các mục tiêu tiềm năng chung của Washington đối với cạnh tranh chiến lược Hoa Kỳ-Trung Quốc ở Biển Đông có thể bao gồm việc thực hiện các cam kết an ninh của Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương, bao gồm các cam kết hiệp ước với Philippines; Duy trì và nâng cao cấu trúc an ninh do Mỹ dẫn đầu ở Tây Thái Bình Dương;
Duy trì cân bằng quyền lực trong khu vực có lợi cho Mỹ và các đồng minh, đối tác bảo vệ nguyên tắc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình; ngăn Trung Quốc trở thành "bá chủ" trong khu vực.
Cựu Thứ trưởng Trung Quốc Hà Á Phi khi nhắc lại những tuyên bố của Mỹ đã nhấn mạnh rằng “đây là những nội dung khá chính thức”.
Theo lời ông Phi, Trung Quốc và Mỹ có các định nghĩa khác nhau về các khái niệm, chẳng hạn như “tấn công” hoặc “phòng thủ”, liên quan đến hoạt động xây dựng (phi pháp – PV) của Trung Quốc trên các đảo, bãi đá ngầm, cũng như quân sự hóa chúng trên khu vực Biển Đông.
“Hơn nữa, sự thay đổi cán cân quyền lực giữa hai bên và sự nhận thức sai lầm sau đó về ý định của đối phương đang đẩy những khác biệt đó đến cực điểm” – ông Há Phi nói và nhấn mạnh như sau:
“Tôi tin rằng Mỹ đã nhận thức sai về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là đe dọa đến các lợi ích chiến lược của nước này. Trung Quốc cảm thấy rằng các hành động của Hoa Kỳ, đã tuyên bố hoặc thực sự đã làm, là khiêu khích và nguy hiểm”.
Trong bối cảnh đó, ông Phi nói tiếp: “Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên kế hoạch các biện pháp mạnh mẽ hơn để kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông”.
“Các hành động đơn phương của một số bên tranh chấp là nhân tố gây bất ổn ở Biển Đông. Một số ít quốc gia có thể thúc đẩy các hoạt động thăm dò dầu khí trong các khu vực mà họ đã tuyên bố chủ quyền”. – cựu quan chức Trung Quốc đưa ra cáo buộc phi lý để đổi lỗi cho các quốc gia khác ở khu vực.
Lần thảo luận thứ hai của Dự thảo Quy tắc ứng xử chung ASEAN-Trung Quốc trong Văn bản đàm phán Biển Đông đã bắt đầu. Nhưng, theo ông Phi, “sự khác biệt đã xuất hiện giữa các bên tranh chấp về các vấn đề khác nhau, bao gồm ai và quy tắc ứng xử nên quy định điều gì, liệu nó có ràng buộc về mặt pháp lý hay không...”.
Chính vì vậy, ông Hà Á Phi cho rằng: “Tranh chấp pháp lý về các đảo ở Biển Đông cũng trở nên gay gắt hơn’.
Ông Phi tiếp tục cho rằng, kể từ khi Mỹ đưa vấn đề Biển Đông vào cuộc cạnh tranh cường quốc và đối thủ chiến lược từ năm 2010 trở đi, không chắc những nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN nhằm xây dựng một khuôn khổ dựa trên luật lệ ở Biển Đông thông qua đàm phán quy tắc ứng xử có thành công hay không.
“Mỹ, trong trường hợp này, đã đóng vai trò của một bên phá vỡ hòa bình hơn là một bên xây dựng hòa bình. Vì vậy, chúng tôi hy vọng bước đầu tiên là Mỹ sẽ đảo ngược vai trò của mình” – cựu Thứ trưởng Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ.
“Thành thật mà nói, hòa bình ở Biển Đông phục vụ lợi ích tốt nhất của Trung Quốc, Mỹ và các thành viên ASEAN. Trung Quốc và Mỹ đã và đang nỗ lực xây dựng sự đồng thuận và cơ chế quản lý khủng hoảng để tránh xung đột trực tiếp.
Điều này là khá khẩn cấp bây giờ. Chúng ta cần các cơ chế quản lý khủng hoảng có thể hành động được.
Tuy nhiên, khi các cuộc tập trận và hoạt động quân sự của Mỹ ngày càng gia tăng khiến căng thẳng với Trung Quốc tăng cao ở Biển Đông, các quy tắc ứng xử vì sự an toàn trên không và hàng hải của hai bên cần phải khả thi. Nó sẽ là một bài kiểm tra.
Việc thiếu vắng các cơ chế hợp tác an ninh là cạm bẫy chính đối với các thách thức an ninh trong khu vực. Đối với tôi, các cơ chế như ASEAN + 1, ASEAN + 3, Diễn đàn khu vực ASEAN không phù hợp với mục đích đó.
Vì vậy, các quốc gia trong và xung quanh Biển Đông cần xây dựng các quy tắc hoạt động và ràng buộc về mặt pháp lý đối với an ninh trên biển nhằm tăng chi phí chính trị cho các bên vi phạm các quy tắc” – ông Phi nói tiếp.
Cuối cùng, theo vị cựu Thứ trưởng này, các vấn đề cần giải quyết liên quan đến các cơ chế hợp tác an ninh ở Biển Đông nên bao gồm các vấn đề như:
“Xung đột về chủ quyền và lợi ích an ninh giữa các bên tranh chấp; Xung đột trên biển do leo thang chiến tranh hoặc khủng hoảng gây ra; Lợi ích và nguyện vọng ngày càng tăng của các cường quốc ngoài lãnh thổ - đặc biệt là với Mỹ”.
“Làm thế nào chúng ta có thể quản lý điều đó? Các cơ chế dài hạn để ngăn chặn khủng hoảng cũng cần được đưa ra. Hòa bình và ổn định trong khu vực thể hiện lợi ích an ninh tốt nhất cho tất cả mọi người liên quan đến Biển Đông. Các quốc gia ven Biển Đông, bao gồm Thái Lan, Singapore và Indonesia đều mong muốn duy trì sự ổn định trong khu vực. Điều này tất nhiên cần có mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc.
Sẽ là không thực tế khi tin rằng các giải pháp cho các tranh chấp trên Biển Đông có thể đạt được trong ngắn hạn. Dù chúng tôi đưa ra giải pháp nào hiện nay, các bên liên quan có sự khác biệt đáng kể trong cách tiếp cận giải quyết tranh chấp. Họ mang một sự ngờ vực lẫn nhau sâu sắc.
Vì vậy, hợp tác tổng thể sẽ giúp xây dựng lòng tin lẫn nhau cho các nghị quyết hợp tác. Quan trọng hơn, các cơ chế liên lạc và liên lạc song phương và đa phương, bao gồm đường dây nóng khẩn cấp, quy tắc ứng xử an ninh và quy tắc can dự, sẽ giúp quản lý tốt hơn các xung đột có thể xảy ra dường như đang rình rập” – ông Hà Á Phi kết luận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận