Học sinh thích thú tham gia hội thi chủ đề ATGT tại Trường mầm non Đống Đa, quận Đống Đa, Hà Nội - Ảnh: Khánh Linh |
Hiện nay, một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông dường như chỉ có ý thức chấp hành Luật GTĐB khi thấy có CSGT trên đường. Còn không, họ sẵn sàng điều khiển phương tiện phóng nhanh, vượt đèn đỏ, đi không đúng làn đường theo quy định.
Hễ ra đường là thấy vi phạm
Có một thực tế rất đáng lưu tâm là hiện rất nhiều vụ TNGT thương tâm xảy ra có nguyên nhân do người tham gia giao thông mất tập trung, thiếu quan sát, không nhường đường hay cố tình không chấp hành các quy định pháp luật về giao thông. TNGT do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông chiếm phần lớn khi phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn trên địa bàn cả nước. Điều đó cho thấy, ý thức của người tham gia giao thông kém như thế nào. Thực tế, hễ bước ra đường, mọi người có thể chứng kiến nhan nhản vi phạm, từ đường làng, đến quốc lộ, thậm chí cả đường cao tốc. Hễ không có bóng dáng CSGT là họ sẵn sàng vi phạm như: Bỏ mũ bảo hiểm treo trên xe không đội, vượt đèn đỏ, đi lên vỉa hè, lạng lách chạy quá tốc độ...
Bài tham dự Diễn đàn chống ùn tắc giao thông đô thị do Báo Giao thông, Otofun phối hợp tổ chức, Tập đoàn Hyundai Thành Công đồng hành tài trợ. Ý kiến đóng góp xin gửi về: Chonguntac@baogiaothong.vn và news@otv.vn... |
Một vấn đề khác đáng lo ngại không kém là khi xảy ra tai nạn hoặc va chạm, thay vì xin lỗi nhau hay gọi lực lượng chức năng giải quyết, ngay lập tức họ nhảy bổ xuống giải quyết bằng những lời qua tiếng lại, cãi vã, thậm chí ẩu đả. Rất nhiều trường hợp không bị thương tích do va chạm, nhưng bị thương nặng, thậm chí tử vong do xô xát, đánh nhau trên đường chỉ vì va quệt nhỏ. Nhiều người đi đường hiếu kì tập trung quan sát nhưng bỏ mặc việc chăm sóc, giúp đỡ, sơ cấp cứu cho người bị nạn. Tất cả đều nói lên ý thức chấp hành pháp luật giao thông và trách nhiệm công dân khi tham gia giao thông của người Việt rất hạn chế.
“Tre non dễ uốn”
Thay đổi ý thức, hành vi của một người đã là rất khó, hình thành được thói quen tốt, có ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông của một số đông người còn khó khăn bội phần và không thể trong ngày một ngày hai. Nhưng câu hỏi đặt ra, tại sao chúng ta không giáo dục, rèn luyện ý thức cho mọi người ngay từ lúc nhỏ để hình thành thói quen giống như câu “Dạy con từ thuở còn thơ” hay “Tre non dễ uốn”?. Để từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông, trách nhiệm công dân, kéo giảm TNGT, tôi đề xuất phải tăng cường tuyên truyền pháp luật giao thông theo chiều sâu, chú trọng nâng cao chất lượng, thực hiện bằng những hình thức thiết thực hơn. Việc tuyên truyền pháp luật về giao thông tốt nhất là thực hiện ngay từ lúc nhỏ, trường học là nơi tốt nhất để thực hiện điều đó (nhất là bậc mầm non và tiểu học).
Tới đây, mỗi quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố nên thành lập một hoặc hai địa chỉ email (công khai rộng rãi trên các tuyến đường) để tiếp nhận thông tin về ATGT. Các địa phương cần khuyến khích người dân khi phát hiện người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm chụp lại ảnh, clip ghi lại hành vi vi phạm và biển số xe (nếu được chụp cả gương mặt người điều khiển) gửi vào email để cơ quan chức năng tiến hành phạt nguội. Số tiền phạt nguội có thể trích 20-30% để khen thưởng cho người cung cấp hình ảnh. Làm như vậy sẽ từng bước ngăn chặn được vi phạm và nâng cao ý thức người tham gia giao thông. |
Từ lâu, một số trường (bậc trung học, đại học) đã lồng ghép tuyên truyền pháp luật giao thông cho học sinh, sinh viên vào một số buổi sinh hoạt dưới cờ, ngoại khóa và đã tác động tích cực đến nhận thức và hành động của học sinh, sinh viên. Nhưng bấy nhiêu đó là chưa đủ, cách làm nhiều nơi còn mang nặng hình thức, thành tích. Tới đây cần triển khai tuyên truyền đồng loạt ở tất cả các trường, các bậc học và phải quy định 100% học sinh, sinh viên tham gia. Để làm tốt việc này, nhà trường cần chủ động phối kết hợp với ngành Công an, để được hỗ trợ về nhân lực, tài liệu hướng dẫn và một số hoạt động khác. Phải tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền định kỳ giống như một môn học chính thức (có thể tổ chức 3 lần trong 1 tháng) để học sinh, sinh viên, nhất là trẻ nhỏ nhận thức và tiếp thu đầy đủ, logíc, theo hướng “học mà chơi, chơi mà học”.
Cùng đó, khi lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát trên đường phải xử nghiêm, đúng người, đúng tội để tạo sự răn đe và công bằng với tất cả mọi người. Tới đây, có thể nghiên cứu, khi phát hiện và lập biên bản người điều khiển phương tiện vi phạm, ngoài xử phạt theo quy định, cần yêu cầu người vi phạm học thuộc những điều, khoản trong Luật GTĐB (trong phạm vi người dân vi phạm). Cùng đó, hiện nhiều địa phương đã áp dụng công nghệ hiện đại như lắp đặt camera và tiến hành phạt nguội. Việc này rất cần nhân rộng để người tham gia giao thông biết rằng, họ có thể bị phát hiện và xử phạt bất kỳ khi nào, ở đâu nếu vi phạm.
Đặng Khánh Hưng
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Cà Mau
|
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận