Không chỉ giúp bệnh nhân giảm bớt phiền hà như chờ đợi thanh toán viện phí, mất cắp… mà việc triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt còn giúp chính các bệnh viện quản trị hiệu quả, giảm chi phí, nhân lực… Tuy nhiên, việc thực hiện tại các cơ sở y tế vẫn còn dè dặt.
Một mũi tên trúng hai đích
Bệnh viện (BV) Đại học Y dược TP HCM được đánh giá là BV đi đầu, triển khai đồng bộ các phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt như thanh toán bằng máy POS, chuyển khoản, thẻ khám bệnh có chức năng thanh toán, thanh toán qua Web/App, Internet Banking (thanh toán hóa đơn). Đặc biệt, trong việc thanh toán bằng QR Code, BV Đại học Y dược TP HCM đã liên kết với 23 ngân hàng thương mại và 5 ví điện tử.
Theo Ths. Đặng Anh Long, Trưởng phòng Tài chính kế toán của BV, hình thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt giúp người bệnh được an toàn, tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời giúp BV quản trị hiệu quả, kiểm soát tốt nguồn thu trong ngày, tiết kiệm nguồn nhân lực. Đến nay, đã có hơn 25% người bệnh ngoại trú sử dụng ứng dụng “UMC - Đăng ký khám bệnh trực tuyến” để đặt lịch khám bệnh, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt trong năm 2019.
Tại Khoa Khám bệnh, BV Bạch Mai, bệnh nhân được mở tài khoản miễn phí và đăng ký thẻ khám bệnh - thanh toán viện phí. Thẻ này vừa là hồ sơ khám bệnh điện tử vừa là thẻ ATM thanh toán trực tuyến trên hệ thống.
Trải nghiệm dịch vụ này, chị Nguyễn Mai Phương (34 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Tôi đi khám, chỉ mất có vài phút để thanh toán xong tiền khám, thuốc, rất tiện lợi. Tuy nhiên, BV cần có thêm các phương thức thanh toán linh hoạt hơn, chẳng hạn như sử dụng phương thức thanh toán qua máy POS để người bệnh có thẻ của ngân hàng nào cũng có thể thanh toán được”.
Tại BV Ung bướu Hà Nội cũng đã triển khai dịch vụ thanh toán viện phí bằng thẻ khám, chữa bệnh. Thẻ này tích hợp đa chức năng lưu trữ thông tin cá nhân, bệnh án, thanh toán viện phí, tiền thuốc; Nộp tiền và rút tiền…
PGS.TS. Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết: Thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong khám, chữa bệnh tại các BV mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, đặc biệt giảm thời gian chờ đợi, xếp hàng chờ nộp tiền. Hơn nữa đảm bảo an toàn, tránh mất mát trong quá trình thăm khám.
Về phía các BV, điều này giúp minh bạch tài chính, giảm bớt nhân lực. Các BV lớn như: Bạch Mai, Việt Đức, Phụ sản Trung ương, K, Chợ Rẫy, Trung ương Huế… không phải bố trí mỗi ngày một ô tô có người đi kèm để chuyển tiền vào ngân hàng, chưa kể việc thanh toán điện tử giúp phòng tránh lây nhiễm bệnh, như dịch Covid-19 vừa qua.
Vì sao chưa làm đại trà?
Anh Nguyễn Minh Hùng (Hưng Yên) đang chăm bố nằm điều trị tại Khoa Thần kinh, BV Bạch Mai cho biết: “Mình làm nông nghiệp nên cũng không hiểu rõ thanh toán điện tử ra sao nữa, thôi cứ khi nào cần đóng viện phí hay tiền thuốc thì điện cho người nhà mang lên, chứ cũng không dám cầm theo người vì sợ mất”.
Phân tích về những khó khăn khi thực hiện thanh toán viện phí điện tử, ông Tường cho hay, đầu tiên là về phía người dân không có tài khoản ngân hàng, không thành thạo thao tác trên thiết bị điện tử thông minh và vẫn giữ thói quen “ôm” tiền mặt. Người dân còn thiếu niềm tin, tâm lý lo ngại rủi ro khi sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử.
Đối với BV, khó khăn lớn nhất hiện nay là phí giao dịch. Theo quy định, phí giao dịch là do BV phải chịu, người dân không chịu. Trước đây, phí là 0,8%, rất lớn, gần đây giảm xuống còn 0,4%, một số nơi sử dụng máy POS đã giảm còn 0,3%, nhưng đối với một số BV lớn thì chi phí này vẫn còn cao, có thể lên tới hàng chục tỷ đồng/năm.
Mặt khác, chi phí này chưa được cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện nên các đơn vị cũng gặp khó khăn trong việc chi trả. Do vậy, các chuyên gia đang tính toán là giảm thêm một chút nữa, chỉ 0,1 - 0,2%.
Ông Tường nhấn mạnh, rào cản nữa là hệ thống cơ sở vật chất tại nhiều đơn vị chưa thể áp dụng đồng bộ hóa dữ liệu để thanh toán, do đó khó có thể triển khai tự động hóa một số quy trình thanh toán viện phí.
“Tới đây, Bộ Y tế tăng cường chỉ đạo và yêu cầu các cơ sở y tế phải chủ động phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hợp pháp để thanh toán chi phí dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt... Đối với người dân không có thẻ, không có tài khoản ngân hàng, các cơ sở y tế phải phối hợp với ngân hàng triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt thuận tiện, dễ dàng và phù hợp với điều kiện, lối sống của người dân”, ông Tường cho biết.
Một trong những khó khăn trong việc triển khai đại trà thanh toán viện phí không dùng tiền mặt được PGS.TS. Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế dẫn chứng là tại các bệnh viện công lập, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, phần lớn bệnh nhân đã được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh nên tỷ lệ thanh toán viện phí trực tiếp so với tổng thu của các đơn vị rất thấp. Mặt khác, không diễn ra tình trạng quá tải nên với họ “không cần thiết” triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận