Ông Nguyễn Đình Hóa xây lại cổng ngõ sau khi hẻm 210 Trần Cao Vân hoàn thành mở rộng |
Đi trên hẻm 210 Trần Cao Vân (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê), mọi người dễ dàng cảm nhận sự hồ hởi từ người già đến trẻ nhỏ. Con đường bê tông dài vỏn vẹn 300m, rộng 3m thênh thang, tiêu chuẩn cho kiệt, hẻm đô thị bằng phẳng, đi lại êm thuận. Sẽ thật bất ngờ, nếu biết rằng chỉ ít tháng trước đây, con hẻm này chỉ rộng 1,2m, hai xe máy đối đầu phải tránh nhau sát sạt.
Giữa năm 2016, nhận thấy hẻm nhỏ bất lợi trong việc đi lại của 40 hộ dân, bà Trần Thị Cúc - cư dân hẻm 210 vận động người dân hiến đất làm đường. Bà Cúc kể, khi mới đặt vấn đề với hàng xóm, nhiều chủ hộ đồng ý ngay. Nhưng đến hạn cam kết tháo dỡ, mọi người nhìn nhau ái ngại. “Một lần nữa, tôi gõ cửa từng nhà khuyên nhủ. Sau đó, có 2 hộ tự đập tường rào, cổng ngõ thụt vào trong. Nhận thấy mặt tiền 2 nhà này thoáng đãng, xe cộ quay đầu dễ dàng, đồng loạt các nhà khác cũng tháo dỡ theo”, bà Cúc kể.
"Sở GTVT Đà Nẵng cũng vừa vận động bà con khu vực chợ Cồn hiến đất mở rộng các kiệt, hẻm nhỏ cho đồng bộ lộ giới 3m, thấy ai cũng đồng thuận. Cứ đà này, chính quyền địa phương càng thêm niềm tin cùng người dân mở rộng đường sá, hoàn thiện chỉnh trang đô thị”. Ông Bùi Hồng Trung |
Ông Nguyễn Đình Hóa, người hiến 15m2 vườn nhà để làm đường cho hay: “Người ta thường nói giao thông là huyết mạch của quốc gia, có phải bỏ ra vài chục hay cả trăm triệu đồng nhưng tôi cũng thấy vui. Miễn sao, đường vào nhà rộng rãi hơn, giúp một phần nào đó cho bà con lối xóm và cộng đồng”.
Cách đó không xa, hàng trăm hộ dân thuộc các tổ 225, 226, 227 phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) sinh sống trên đường Nguyễn Huy Tưởng nhiều năm chịu cảnh nắng bụi, mưa lầy. Đường Nguyễn Huy Tưởng nối vào các mỏ đá, xe cộ chạy rầm rập ảnh hưởng sinh hoạt của người dân. Đầu năm 2016, UBND quận Liên Chiểu chủ trương nâng cấp, mở rộng tuyến đường đồng bộ 7,5m khiến ai cũng vui mừng. Tuy vậy, để đẩy nhanh công đoạn GPMB, ý tưởng hiến đất mở đường nảy sinh trong đầu ông Mai Mạnh - Tổ tưởng tổ 225.
“Để làm gương cho mọi người, tôi tự tay đập bỏ phần nhà phía trước, hiến 12m2 đất ở mà không kỳ kèo chuyện tiền nong với địa phương. Sau đó, tôi bắt đầu vận động các hộ dân trong tổ 225 và các tổ khác”, ông Mạnh kể.
Trước đó, đầu năm 2017, con hẻm 227 Nguyễn Văn Thoại (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) cũng rộn vang tiếng trẻ em chơi đùa. Theo thống kê, con hẻm này đã được mở rộng mỗi bên từ 3,5 - 3,8m thành 5,5 - 5,8m. Toàn bộ 55 hộ ở tổ dân phố 41 nằm trong hẻm chính đều tham gia hiến đất với tổng diện tích hơn 350m2. Nhiều hộ như ông Lê Ngọc Tâm, bà Nguyễn Thị Hồng tự nguyện hiến 8-10m2 đất.
“Tính giá thị trường có thể lên đến hơn 150 triệu đồng. Vậy mà, bà con chẳng bận tâm, phá rào nhường đất luôn”, ông Nguyễn Hữu Nam, Chủ tịch UBND phường Phước Mỹ chia sẻ.
Ông Lê Thế Nhân, Chủ tịch UBND phường Hòa Minh cho biết, rất cảm phục trước tấm lòng đồng thuận của người dân đường Nguyễn Huy Tưởng. Theo ông Nhân, dù hầu hết hộ dân ở các tổ dân phố nói trên đều có cuộc sống khó khăn, nhưng 100% tự nguyện hiến đất. Đáp lại điều đó, chính quyền địa phương cũng áp giá một phần chi phí đền bù giải tỏa cho dân ổn định cuộc sống, tiết kiệm nguồn tiền GPMB. Đồng tình, lãnh đạo UBND phường Tam Thuận cũng hỗ trợ một số tiền cho các hộ khó khăn, ghi nhận tinh thần tự giác của người dân.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Bùi Hồng Trung, Phó giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng cho biết, đến thời điểm này, chưa có thống kê chính xác có bao nhiêu tuyến đường, kiệt, hẻm mở rộng nhờ người dân hiến đất làm đường. “Còn nhớ, từ khi Đà Nẵng tách khỏi Quảng Nam, đường Phan Thanh (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê bây giờ - PV) là tuyến đường đầu tiên người dân hưởng ứng lời kêu gọi hiến đất của lãnh đạo thành phố. Thời đó, hàng trăm m2 đất nhường lối cho đường mới, khởi nguồn đô thị hiện đại”, ông Trung cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận