Vận tải

Đà Nẵng tiết lộ phương án phát triển hệ thống xe buýt nhanh

09/09/2016, 14:24
image

Liên hiệp các hội KH – KT Đà Nẵng tổ chức hội thảo Phát triển giao thông công cộng cho thành phố này.

da-nang-tiet-lo-phuong-an-xay-dung-giao-thong-cong
Phương tiện cá nhân đang gia tăng chóng mặt tại Đà Nẵng. Trong ảnh: Bờ Tây cầu Rồng giờ cao điểm. Ảnh: Tấn Việt.

5 tuyến buýt trợ giá sắp đưa vào khai thác tại Đà Nẵng có thời gian phục vụ từ 5h00 - 21h00 mỗi ngày. Thời gian giãn cách 20 phút/chuyến, giờ cao điểm 10 phút/chuyến. Xe buýt được đưa vào khai thác có sức chứa 40 chỗ ngồi, mới 100% với máy lạnh, hệ thống kiểm soát vé tự động, thiết bị giám sát hành trình và camera quản lý doanh thu.

Giá vé dự kiến: 5.000đ/khách/tuyến, 90.000đ/khách/tháng. Các đối tượng ưu tiên như người tàn tật, thương binh, Lão thành Cách mạng, học sinh - sinh viên... được giảm từ 50% - 100% giá vé.

Hội thảo do ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch Liên hiệp các hội KH – KT Đà Nẵng chủ trì, phối hợp cùng Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Đà Nẵng.

Theo ông Văn Hữu Chiến, UBND TP cùng các ban ngành liên quan đã nghiên cứu kỹ lưỡng, soạn thảo 1 kế hoạch chi tiết phát triển hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt đến năm 2030.

Ông Chiến cho hay, Đà Nẵng hiện có 6 tuyến buýt nhưng chỉ có 1 tuyến nội thị là Kim Liên – chợ Hàn. Hiện trạng các xe buýt đang sử dụng rất cũ kỹ, xuống cấp, tuổi đời phương tiện trên 15 năm, không còn phù hợp trong việc khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng.

Sau nhiều thời gian nghiên cứu, lãnh đạo Đà Nẵng thống nhất phương án phát triển thêm 5 tuyến buýt trợ giá, xây dựng 214 vị trí dừng đỗ. Hai điểm đầu – cuối đặt tại đường Xuân Diệu (quận Hải Châu) và đường Phạm Hùng (huyện Hòa Vang). Việc xây dựng điểm dừng xe dự kiến hoàn thành ngay trong tháng 10/2016.

Tại hội thảo, các ý kiến tập trung thảo luận về tuyến buýt nhanh (BRT) sắp được thành phố triển khai. Ông Sammual Zimmerman, cố vấn cao cấp về vận tải công cộng của WB cho biết, thực trạng của giao thông tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng là có quá nhiều phương tiện cá nhân. Đầu tư hệ thống BRT là giải pháp tối ưu cho việc giảm ùn tắc, tạo ra mạng lưới giao thông chuyển động thông minh, linh hoạt hơn.

da-nang-tiet-lo-phuong-an-xay-dung-giao-thong-cong
Phối cảnh nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương với làn đường riêng và nhà chờ xe buýt BRT ở tim đường.

Lộ trình phát triển hệ thống BRT được Ban quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng công bố. Theo đó, đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ có 2 tuyến BRT, 3 tuyến tiêu chuẩn dịch vụ BRT và 15 tuyến buýt thường. Năm 2030, Đà Nẵng có đến 28 tuyến buýt, gồm: 4 tuyến BRT, 3 tuyến tiêu chuẩn BRT và 21 tuyến buýt thường.

Theo đề án này, các tuyến buýt sẽ phủ sóng hầu hết khu vực trong thành phố, đi qua 6 quận và 1 huyện, tạo nên sự kết nối giao thông công cộng trên khắp các tuyến đường nội thị.

“Khi chúng ta chưa có kinh phí, cơ sở hạ tầng đáp ứng đủ cho việc xây dựng đường sắt trên cao hay tàu điện ngầm thì buýt nhanh là giải pháp tối ưu nhất. Phương án chi tiết đã có, buýt nhanh sẽ kết nối từ sân bay, cảng biển, ga đường sắt… đến tất cả quận huyện. Buýt nhanh là đáp án cho bài toán ùn tắc giao thông của Đà Nẵng hiện nay” – ông Văn Hữu Chiến nhấn mạnh.

>>>>>> Xem thêm clip Xe buýt gây tai nạn liên hoàn ở Hàn Quốc:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.