Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhận định, đa số DN giao thông được cổ phần hoá đều hoạt động hiệu quả |
Chiều 28/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016.
Được người điều hành phiên thảo luận mời làm rõ thêm các thông tin về việc thoái vốn, cổ phần hoá một số DN thuộc ngành GTVT, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, chủ trương cổ phần hoá (CPH) và thoái vốn DNNN ở các công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn là chủ trương đúng đắn.
Bộ GTVT cổ phần hoá 137 doanh nghiệp
Theo đó, thực hiện chỉ đạo và Nghị quyết của T.Ư, Quốc hội và Chính phủ, Bộ GTVT đã tập trung cao để đẩy nhanh công tác cổ phần hoá. Trong quá trình triển khai, Bộ trưởng GTVT cho biết, ngành giao thông có nhiều thuận lợi bởi khi đó, nhiều doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và xây dựng các công trình giao thông rất tốt, do đó chủ trương này nhận được sự đồng thuận cao.
"Nếu các DNNN cổ phần hoá tốt, chuyển sang cơ chế công ty cổ phẩn với mô hình quản lý mới hơn, tốt hơn thì sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận định.
Riêng về lĩnh vực giao thông, Bộ trưởng Thể cho rằng đây thuần tuý là một ngành kinh tế xây dựng, không có nhiều yếu tố liên quan an ninh, quốc phòng nên các công ty liên quan công tác thiết kế, xây dựng công trình được triển khai cổ phần hoá rất tốt.
“Khi thực hiện chủ trương này, chúng tôi cũng quán triệt theo chỉ đạo của T.Ư, những lĩnh vực nào tư nhân làm được thì cố gắng đẩy nhanh cổ phần hoá để thoái phần vốn của Nhà nước phục vụ cho những công việc khác", Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh.
Bộ trưởng Thể thông tin, giai đoạn 2011-2016, Chính phủ giao Bộ GTVT cổ phần hoá 70 DN, trong đó có 9 công ty mẹ, tổng công ty và 61 công ty còn lại là công ty thành viên. Kết quả, Bộ GTVT đã nỗ lực cổ phần hoá 137 DN, vượt kế hoạch được giao 67 DN.
Trong 137 DN có 12 đơn vị là tổng công ty, phần còn lại là các DN trực thuộc tổng công ty.
“Khi cổ phần hoá 137 đơn vị này, tất cả các công ty khi niêm yết và bán cổ phần thì giá bán được cao hơn giá niêm yết, do đó lợi nhuận đem lại tương đối cao” – Bộ trưởng Thể thông tin.
Cụ thể, theo Bộ trưởng, khi cổ phần hoá 12 tổng công ty, giá trị ban đầu nêu ra chỉ là 2.153 tỷ, nhưng thực tế Bộ GTVT cổ phần hoá được 2.785 tỷ, thặng dư 632 tỷ; Còn 133 DN thuộc các tổng công ty mà chúng ta không cần nắm giữ, đã cổ phần hoá và giá trị thu về 4.184 tỷ, thặng dư tới 1.280 tỷ (lúc đó niêm yết giá 2.904 tỷ).
Các ĐBQH thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 |
Quản trị, điều hành tốt nên lợi nhuận sau thuế tăng 194%
Quá trình thực hiện, Bộ GTVT đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hoá, phối hợp với các Bộ, ngành T.Ư thực hiện các khâu đúng quy định của Đảng và Nhà nước.
Nguyên nhân đạt được những kết quả nêu trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, do các DN tư nhân khi thành lập DN mới cần có thời gian, kinh nghiệm để tham gia các gói thầu. Còn các công ty, tổng công ty Nhà nước của ngành giao thông có lịch sử lâu dài, có truyền thống tham gia các công trình, dự án lớn nên khi cổ phần hoá, DN mới hoạt động rất hiệu quả vì đã có thâm niên, có công trình tương tự, có hồ sơ kinh nghiệm để tham gia đấu thầu.
Ngoài ra, nếu là DNNN thì không được tham gia vào một số gói thầu do một số nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu. Nhưng nếu chuyển qua mô hình cổ phần thì những DN này có thể tham gia đấu thầu sòng phẳng với các DN tư nhân cũng như DN nước ngoài. Do đó, những thuận lợi này làm cho hoạt động của các DN cổ phần hoá hiệu quả.
Cụ thể theo số liệu thống kê, từ năm 2011-2016, 18 tổng công ty đã cổ phần có doanh thu tăng khoảng 15%, nhưng lợi nhuận sau thuế do quản trị tốt, điều hành tốt đã tăng tới 194%, thu nhập của người lao động tăng 32% trong vòng 4 năm.
“Những DN giao thông cổ phần hoá giai đoạn này, hiện nay đa số hoạt động có hiệu quả, giải quyết được công ăn việc làm cho người lao động, và cũng đảm đương nhiệm vụ xây dựng các công trình giao thông trọng điểm”, Bộ trưởng GTVT đánh giá. Cũng theo Bộ trưởng, một số công ty được cổ phần hoá từ các DN của Bộ GTVT, một số DN tư nhân dù mô hình mới nhưng nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và nhiệm vụ chuyên ngành GTVT thì các công ty này đều thực hiện tốt.
Xem DN cổ phần hoá như bộ phận không tách rời của ngành GTVT
Bên cạnh mặt tích cực, Bộ trưởng Thể cũng nêu một số khó khăn nhất định mà các công ty cổ phần hoá gặp phải.
Ví dụ công tác Đảng, công tác đoàn thể ở các công ty cổ phần hiện nay so với các công ty của DNNN gặp phải một số khó khăn. Vì thế, Bộ GTVT đang kiến nghị xem xét làm sao có mô hình mới để hoạt động Đảng, đoàn thể ở các công ty cổ phần hiệu quả hơn.
Về chuyên môn, Bộ trưởng GTVT khẳng định Bộ xem các DN cổ phần hoá cũng như một thành viên của ngành GTVT, bởi vẫn dựa vào những công ty này làm nền tảng cho công tác khảo sát, thiết kế và thi công.
Ngày 28/5, Quốc hội dành trọn một ngày để thảo luận về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DN |
Ví dụ như TEDI (Tổng công ty Tư vấn Thiết kế GTVT), trước đây là tổng công ty thiết kế ngành GTVT có 100% vốn Nhà nước, sau khi cổ phần hoá hiện nay TEDI không còn vốn Nhà nước, nhưng Bộ GTVT vẫn sử dụng TEDI để thiết kế đường cao tốc bắc Nam phía Đông, và hiện nay đang làm làm đề án đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao. “Chúng tôi luôn xem các thành viên này là một bộ phận thể tách rời của ngành GTVT, chúng tôi có trách nhiệm tạo điều kiện để các đơn vị này hoạt động hiệu quả và ngày càng vững vàng hơn về kinh nghiệm để có thể đảm đương các công việc của ngành GTVT”, Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.
Khó khăn khác được nêu ra là một số công ty tư nhân quản lý rất gọn nhẹ, khi chuyển qua mô hình cổ phần hoá thì một bộ phận cán bộ nếu không đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ của công ty mới nên gặp khó trong công việc, thậm chí thu nhập cũng có thể giảm.
Bởi ở các công ty cổ phần thường lấy hiệu quả làm đầu để giải quyết lương cho cán bộ và giữ chân nguồn lực chất lượng cao, dù trẻ, mới nhưng có đóng góp lớn vẫn có lương cao. Còn nếu có thâm niên nhưng chỉ làm hành chính, quản trị, không nhạy bén với môi trường mới thì cũng có một số khó khăn.
Bên cạnh đó, chế độ, chính sách cho cán bộ công chức, nhất là cán bộ của DNNN trước đây có nguồn quỹ đảm bảo tốt nhưng khi chuyển qua cổ phần hoá một số cán bộ không thích ứng được. Tuy nhiên, công đoàn ngành và lãnh đạo Bộ GTVT cũng có quỹ và giải pháp để làm việc với các DN giải quyết chính sách cho cán bộ công nhân viên có nhiều năm gắn bó với ngành.
“Đến thời điểm này, đa số DN ngành giao thông cổ phần hoá hoạt động ngày càng tốt hơn” - Bộ trưởng tái khẳng định và cho biết tới đây sẽ thực hiện theo đúng chủ trương, lĩnh vực nào nhạy cảm liên quan đến an ninh, quốc phòng thì giữ lại, còn lại cố gắng cổ phần hoá để giải phóng nguồn lực, phát triển hạ tầng thiết yếu hiện đang có.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận