Thu hồi hơn 1.000 quyết định tuyển dụng công chức sai
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) đặt câu hỏi về giải pháp khắc phục tình trạng bất cập khi phân bổ chỉ tiêu cũng như tinh giản biên chế ở một số địa phương. Đơn cử TP Phú Quốc dù có thu ngân sách chiếm 50% tổng thu ngân sách, tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 25-30%, biên chế chỉ được bố trí ngang bằng các huyện, thị khác.
Đồng thời, vị đại biểu chất vấn về nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp chấm dứt tình trạng sai phạm trong tuyển dụng công chức.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương)
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đến thời điểm này đã rà soát 88.888 người (theo Kết luận 71); còn theo Kết luận 27 đã rà soát 11.000 người và trong tổng số đó đã phải thu hồi 1.021 quyết định do sai phạm trong vấn đề tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức.
Đại biểu Cao Mạnh Linh (Thanh Hóa) nhận định, hiện nay chất lượng đào tạo cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu, chưa gắn với nhu cầu. Ông kiến nghị cần chuyển hình thức bồi dưỡng theo ngạch sang bồi dưỡng theo chức danh, hướng đến đào tạo bồi dưỡng theo yêu cầu của đơn vị.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đồng tình với ý kiến của đại biểu Linh. Và cho biết vừa qua Bộ có đổi mới về bồi dưỡng cán bộ công chức theo hướng vị trí việc làm, chức danh lãnh đạo; cắt giảm tối đa các loại chứng chỉ không cần thiết, giảm 152 chứng chỉ, trong đó có cả chứng chỉ tin học, ngoại ngữ. Theo nữ Bộ trưởng, việc này đã đi vào thực chất, không hình thức.
Bà cũng cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường công tác bồi dưỡng, đổi mới việc liên kết hợp tác để đào tạo đối tượng đặc thù, như việc đưa 300 nhân sự chính quyền địa phương đi đào tạo lĩnh vực hành chính tại Nhật, Pháp…
Thiếu hơn 65.980 nhân lực ngành giáo dục năm 2021 - 2022
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) cho rằng, việc giao số lượng biên chế viên chức sự nghiệp của Bộ Nội vụ những năm qua đã khiến nhiều địa phương không thể bố trí giáo viên theo đúng định mức, vị trí việc làm dẫn đến tình trạng nhiều điểm trường, điểm lớp ở vùng biên giới, biển đảo, vùng sâu, vùng xa thiếu giáo viên và bố trí giáo viên không đúng việc làm.
"Trước tình trạng này, Bộ trưởng có trách nhiệm như thế nào và Bộ Nội vụ có trách nhiệm ra sao để giải quyết?", đại biểu chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk)
Trả lời, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, biên chế viên chức giáo dục phải đảm bảo có học sinh phải có giáo viên. Hiện nay theo định mức biên chế của Bộ GD&ĐT đưa ra cần có sự sửa đổi phù hợp. Bà Trà lấy ví dụ năm học 2021-2022, số lượng viên chức ngành giáo dục còn thiếu 65.980 người trên cơ sở định mức Bộ GD&ĐT nêu ra.
"Giao biên chế phải căn cứ theo định mức, còn nếu tính theo điểm trường thì rất khó khăn và không bao giờ chạy theo được. Các địa phương sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, các điểm trường lẻ cần được dồn lại ở vùng cao", Bộ trưởng Trà nói.
Nữ Bộ trưởng cho biết, có những tỉnh giảm 700-800 điểm trường để đưa con em đồng bào dân dộc về trung tâm học trường nội trú và bán trú. Từ đó chất lượng giáo dục được nâng cao, giúp giảm đầu mối và biên chế. Thậm chí đã có tỉnh đã giảm hơn 1.000 biên chế giáo viên.
Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT và các địa phương để phân bố số lượng biên chế còn lại hợp lý theo mức được Bộ Chính trị giao.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
Cũng quan tâm về tình trạng thiếu giáo viên, đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) đề nghị Bộ trưởng Nội vụ cho biết giải pháp cụ thể. Ngoài ra cũng đặt vấn đề về lương tối thiểu theo vùng, đội ngũ nhân viên làm công tác đơn vị hành chính sự nghiệp như văn thư, thủ quỹ, kế toán có mức lương cơ bản thấp. Giải pháp cho vấn đề này?
Trả lời, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đối với lương tối thiểu vùng, hiện nay, đối với vùng 1 lương tối thiểu là 4.680.000 đồng, vùng 2 là 4.160.000 đồng, vùng 3 là 4.640.000 đồng, vùng 4 là 3.250.000 đồng. Như vậy, lương nhân viên và phụ cấp công vụ 25% thì chỉ có 3.464.000 đồng, thấp hơn lương tối thiểu vùng.
Về giải pháp, trong kỳ họp này xem xét điều chỉnh mức lương cơ bản từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng, như thế có nghĩa tăng 20,8%. Đối tượng nhân viên làm công tác đơn vị hành chính sự nghiệp như văn thư, thủ quỹ, kế toán cũng thuộc điều chỉnh của việc tăng lượng này.
Sau khi thực hiện việc điều chỉnh tăng lương, nếu điều kiện kinh tế trong giai đoạn năm 2023 và những năm tiếp theo ổn định, tăng trưởng tốt thì sẽ thực hiện chính sách cải cách tiền lương. Và khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ đảm bảo cao hơn lương tối thiểu vùng, đảm bảo công bằng, hài hoà, hợp lý.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn
Tăng lương, tăng phụ cấp cho giáo viên là việc làm cấp bách
Cũng trả lời chất vấn chiều 4/11 về vấn đề thiếu giáo viên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, một trong các khâu cần làm ngay là rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông. Bộ đã chỉ đạo công tác này trong 2 năm qua và có những kết quả khả quan.
Về giải pháp, Bộ trưởng GD&ĐT cho rằng cần tiếp tục tuyển theo chỉ tiêu cũ, vừa khẩn trương tuyển theo chỉ tiêu mới.
Theo đó, Bộ GD&ĐT đã đề xuất, tạm tuyển đối tượng giáo viên đạt được tiêu chuẩn cũ nhưng chưa đạt tiêu chuẩn mới, đồng thời đề ra lộ trình bồi dưỡng, nâng chuẩn cho các đối tượng này để đạt được tiêu chuẩn mới vào năm 2030.
Để giảm số lượng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc đang diễn ra, Bộ đang tiến hành nhiều giải pháp, trong đó, có vấn đề tăng lương, tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non, tiểu học cần được thực hiện cấp bách. Bên cạnh đó cũng cần cải thiện môi trường làm việc, hỗ trợ chuyên môn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận