|
Tuyên án bà trùm Hứa Thị Phấn 30 năm tù
Sáng 2/11, TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên án phúc thẩm vụ “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Đại Tín - TrustBank hơn 6.362 tỷ đồng đối với bị cáo Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cao cấp HĐQT TrustBank) và các đồng phạm.
HĐXX nhận định: dựa vào kết quả xét hỏi công khai tại tòa, các chứng cứ trong vụ án, đủ cơ sở kết luận bị cáo Phấn lợi dụng việc nắm giữ 84,92% vốn điều lệ của TrustBank để điều hành, chi phối, thâu tóm toàn bộ HĐQT nhằm thực hiện hành vi nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch (của bị cáo Phấn - PV) từ khoảng 154 tỷ đồng lên 1.260 tỷ đồng; hạch toán thu chi khống gây thiệt hại cho TrustBank hơn 5.256 tỷ đồng.
Hành vi của bị cáo Phấn và các bị cáo trong vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, là nguyên nhân dẫn đến thực trạng TrustBank bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xếp loại ngân hàng loại D (loại yếu kém). Tháng 2.2012 vốn chủ sở hữu âm hơn 2.800 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 6.000 tỉ đồng; là nguyên nhân chính dẫn đến sự đổ vỡ của Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNCB, tiền thân là TrustBank), khi nhóm cổ đông Phạm Công Danh tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của TrustBank từ bị cáo Phấn.
HĐXX nhận định bị cáo Phấn đóng vai trò chủ mưu, chỉ đạo toàn bộ hành vi phạm tội nên tuyên phạt 30 năm tù giam đối với hai tội danh trên. Truớc đó tại vụ án Ocenbank TAND cấp cao tại Hà Nội cấp phúc thẩm đã tuyên bà Phấn 17 năm tù. Tổng hợp hình phạt bà Phấn phải chấp hành bản án chung là 30 năm tù.
Đối với bị cáo Bùi Thị Kim Loan (nguyên kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ), theo HĐXX, Loan đóng vai trò giúp sức tích cực cho Hứa Thị Phấn. Tuy nhiên tại phiên tòa này Loan thừa nhận khai báo thành khẩn có nhiều tình tiết giảm nhẹ và đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, nhưng hậu quả do các bị cáo gây ra đặc biệt lớn, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế tài chính nên HĐXX tuyên phạt Loan 28 năm tù giam.
Bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, nhân viên phòng kế toán Trustbank chi nhánh Sài Gòn, trong quá trình xét xử, xem xét hành vi phạm tội, mức độ phạm tội và sau khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ, HĐXX tuyên phạt bị cáo mức án 2 năm tù.
Các bị cáo còn lại: bị cáo Lâm Kim Dũng bị tuyên phạt 6 năm tù, bị cáo Hoàng Văn Tooàn bị tuyên phạt 7 năm tù; bị cáo Ngô Thị Ngân án 10 năm tù; bị cáo Trần Sơn Nam 6 năm tù, Vũ Thị Như Thảo 4 năm tù.
Như vậy trong vụ án xảy ra tại Trustbank ở giai đooạn 1, đã khởi tố 28 bị cáo, nhưng tại phiên tòa phúc thẩm chỉ có 11 bị cáo kháng cáo và hầu hết các kháng cáo chỉ xin được giảm án. Ngoại trừ bà Phấn không nhận tội, nhưng dựa vào hơ sơ, lời khai và qua quá trình xét xử 27 bị cáo trong đó có các cựu lãnh đạo Trustbank và nhiều người nhà là con cháu, họ hàng của bà Phấn… đều thừa nhận hành vi phạm tội.
Mặc dù đại án hình sự có tới 28 bị cáo bị khởi tố, gây thất thoát số tiền hàng chục ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên trong quá trình xét xử, xem xét hành vi phạm tội, mức độ phạm tội và sau khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ, HĐXX tuyên 14 bị cáo được hưởng án treo. Theo các luật sư, đây là một bản án đầy tính nhân văn.
Y án sơ thẩm: Phương Trang thực nhận 3.936 tỷ
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX nhận định toàn bộ số tiền chiếm đoạt được từ TrustBank (nay là CB Bank) đều do bị cáo Phấn sử dụng nên tòa buộc bà Phấn bồi thường toàn bộ thiệt hại cùng lãi phát sinh là hơn 16.791 tỷ đồng.
Về xử lý vật chứng vụ án, HĐXX tuyên thu hồi hơn 2.000 tỷ đồng từ nhiều cá nhân, tổ chức được xác định là có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án để trả lại cho CB Bank. Số tiền này được dùng để khấu trừ nghĩa vụ của bị cáo Phấn trong vụ án. Về quan hệ giữa Hứa Thị Phấn và cá nhân, tổ chức liên quan sẽ được giải quyết bằng một vụ án khác khi các bên có yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Về mối quan hệ giữa CB Bank và Công ty CP ĐT Phương Trang cùng những cá nhân, pháp nhân có mối quan hệ hợp tác kinh doanh (gọi tắt là Công ty Phương Trang), theo HĐXX, bị cáo Phấn chỉ đạo các bị cáo khác hạch toán thu chi khống, đẩy dư nợ cho Công ty Phương Trang hơn 5.256 tỷ đồng. Trong vụ án này, Phương Trang tham dự với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Từ đó, HĐXX chỉ tuyên buộc Công ty Phương Trang có trách nhiệm thanh toán khoản nợ gốc mà công ty thực nhận, hơn 3.936 tỷ đồng cùng lãi phát sinh đến thời điểm khởi tố vụ án với tổng số tiền là hơn 6.406 tỷ đồng.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật từ ngày tuyên án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận