Các bị cáo tại toà |
Ngày 25/10 phiên xử phúc thẩm đại án Hứa Thị Phấn (71 tuổi, nguyên cố vấn cấp cao Ngân hàng Đại Tín - Trustbank) và 27 đồng phạm chuyển sang phần tranh luận. Các bị cáo bị buộc tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Nêu quan điểm, đại diện Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng, lời khai tại tòa và hồ sơ vụ án đủ căn cứ xác định bà Phấn là chủ mưu, lôi kéo hàng loạt người thân, nhân viên cấp dưới thực hiện hành vi trái pháp luật để chiếm đoạt tiền của Ngân hàng Đại Tín.
Lợi dụng tư cách cổ đông lớn (85% cổ phần Đại Tín), bà Phấn chỉ đạo nhân viên làm các hợp đồng mua bán lòng vòng căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch cho các công ty cũng do bà ta thành lập; sau đó nâng khống giá trị căn nhà lên 8 lần, bán cho Đại Tín 1.268 tỷ đồng. Hành vi này của bà Phấn và đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 1.105 tỷ của nhà băng.
Các bị cáo còn hạch toán thu chi khống để hợp thức hóa việc chiếm dụng 5.256 tỷ đồng của Đại Tín rồi đẩy nợ cho Công ty Cổ phần Đầu tư Phương Trang. Từ tháng 5/2010 đến tháng 2/2012, Đại Tín giải ngân cho Phương Trang, 18 công ty khác cùng 22 cá nhân có quan hệ hợp tác - tổng cộng 83 khoản vay và một khoản phát hành trái phiếu, với số tiền trên sổ sách là gần 16.500 tỷ. Tuy nhiên, Công ty Phương Trang chỉ nhận thực tế hơn 3.900 tỷ.
Cũng như những phiên xử khác, bà Phấn không thể đến toà. Hai ngày trước khi bị khởi tố (tháng 3/2007), bà Phấn nhập viện. Công an nhiều lần đến lấy lời khai nhưng nữ đại gia luôn trong tình trạng "khó tiếp xúc, gọi hỏi không trả lời". Kết quả giám định cho thấy bà Phấn chỉ còn 7% sức khoẻ.
Giữ vai trò giúp sức tích cực cho bà Phấn, bị cáo Bùi Thị Kim Loan (kế toán Công ty Phú Mỹ) qua quá trình xét xử, bị cáo thừa nhận tại phiên sơ thẩm do vừa sinh con nên tinh thần không định. Tuy nhiên tại phiên toà phúc thẩm Loan thừa nhận là người làm theo các chỉ đạo của bà Phấn. Những lần tới chi nhánh Lam Giang và chi nhánh Sài Gòn làm thu - chi cấn trừ đều không có tiền.
"Bản án sơ thẩm tuyên phạt Loan 28 năm tù là không oan sai. Tuy nhiên cần xem xét tình tiết bị cáo đang nuôi con nhỏ và không hưởng lợi trong vụ án này để giảm nhẹ một phần hình phạt", VKS nói.
Đối với bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Tuyết (bị cấp sơ thẩm tuyên 2 năm tù) kháng cáo kêu oan nhưng tại phiên phúc thẩm Tuyết thừa nhận sai nên thay đổi kháng cáo xin hưởng án treo, được VKS đề nghị chấp nhận.
Như vậy trong vụ án khởi tố tổng cộng 28 bị can, tuy nhiên đến nay duy nhất bà Phấn kêu oan. Thư ký của bà Phấn là bị cáo Bùi Thị Kim Loan cũng thừa nhận hành vi và xin giảm án.
Liên quan đến các phán quyết về dân sự VKS đề nghị HĐXX giữ nguyên bản án sơ thẩm, buộc bà Phấn bồi thường 6.300 tỷ đồng thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín, tiếp tục duy trì lệnh kê biên tài sản của bà này để đảm bảo cho việc thi hành án và các khoản nợ của nhóm Phú Mỹ tại ngân hàng.
VKS cũng đề nghị bác kháng cáo của các nguyên đơn dân sự cũng như người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Buộc Công ty Phương Trang cùng các cá nhân, công ty có liên quan trả hơn 3.900 tỷ đồng nợ gốc cùng lãi phát sinh; tiếp tục kê biên các tài sản thế chấp của Công ty Phương Trang để đảm bảo cho việc thanh toán các khoản nợ tại CB (tiền thân là VNCB, Đại Tín). Đối với các quan hệ dân sự còn lại, VKS cũng đề nghị HĐXX giữ nguyên phán quyết của toà sơ thẩm.
Chiều cùng ngày các luật sư bảo vệ cho bà Phấn tiếp tục đưa luận cứ là tình tiết về file ghi âm có chứa trong usb.
Tuy nhiên, trước đó, tại phiên sơ thẩm đã nêu rõ: usb là vật chứa ghi âm, và tại khoản 2 Điều 87 BLTTHS, những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự thủ tục do bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự. Do đó kháng cáo về nội dung này không có căn cứ chấp nhận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận