Sáng 5/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán.
Rất nhiều đại biểu đặt câu hỏi với Tổng kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn lý do vì sao các dự án đầu tư xây dựng đã được kiểm toán nhưng sau đó, các cơ quan chức năng vẫn phát hiện sai phạm trong hoạt động đấu thầu; trách nhiệm trong bỏ lọt sai phạm và giải pháp để bịt lỗ hổng...
Phúc Sơn, Thuận An không phải đối tượng được kiểm toán
Trả lời đại biểu Trịnh Minh Bình (đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long), ông Ngô Văn Tuấn cho biết, theo quy định, đơn vị được kiểm toán là đơn vị sử dụng tài chính công, tài sản công (có 12 nhóm đơn vị).
Liên quan tới câu hỏi của đại biểu, vừa qua có nhiều vụ án lớn liên quan tới đấu thầu, cụ thể là vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn và Tập đoàn Thuận An, ông Tuấn cho biết, hai đơn vị này không có vốn nhà nước nên không phải đơn vị thuộc diện kiểm toán nhà nước.
Những đơn vị này chỉ liên quan đến sử dụng tài chính công, tài sản công với tư cách nhà thầu. Do vậy hoạt động kiểm toán chỉ tiến hành với chủ đầu tư và ban quản lý dự án (BQLDA).
Trong quá trình kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước thực hiện 3 nội dung: đánh giá xác nhận tính đúng đắn chung thực của báo cáo tài chính; đánh giá xác nhận việc tuân thủ pháp luật trong đấu thầu đầu tư xây dựng cơ bản; xác nhận tính hiệu quả trong đầu tư tài chính công, tài sản công.
Trong việc kiểm toán chấp hành pháp lệnh về đấu thầu, trên cơ sở hồ sơ, tài liệu do đơn vị được kiểm toán cung cấp, kiểm toán tiến hành thu thập bằng chứng để đưa ra kết luận, đánh giá về tính trung thực, đúng đắn.
Khi thực hiện kiểm toán độc lập sẽ xét toàn bộ quá trình lựa chọn nhà thầu, hồ sơ thầu, chấm thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu, từ đó chỉ ra sai sót, kiến nghị xử lý trách nhiệm tổ chức/cá nhân có liên quan.
30 năm chưa có trường hợp kiểm toán bỏ lọt sai phạm
Chất vấn Tổng kiểm toán, đại biểu Hà Đức Minh (đoàn tỉnh Lào Cai) đặt vấn đề qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã phát hiện rất nhiều những tồn tại, hạn chế, sai phạm của các doanh nghiệp, các dự án đầu tư...
Đại biểu đề nghị Tổng kiểm toán Nhà nước cho biết, trong trường hợp khi Kiểm toán Nhà nước không phát hiện ra sai phạm nhưng sau đó các cơ quan khác lại phát hiện thì trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước thế nào?
Trả lời đại biểu, Tổng kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ: Điều 68 Luật Phòng chống Tham nhũng tiêu cực đã quy định rõ trách nhiệm cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra.
Trong trường hợp sau thanh tra, kiểm tra mà mà phát hiện sai phạm thì phải làm rõ trách nhiệm cụ thể cá nhân/tập thể, tuỳ mức độ mà xử lý hành chính hay xử lý hình sự.
Ông Tuấn khẳng định: "Gần 30 năm hoạt động, kiểm toán chưa có trường hợp nào phải xử lý như vậy".
Cùng liên quan tới chủ đề trên, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn tỉnh Quảng Bình) cho rằng, nhiều vụ án tham nhũng cho thấy có sự cấu kết giữa doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước với một số cán bộ, công chức trong các dự án đầu tư công để trục lợi.
Tuy các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước không thuộc các đối tượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước nhưng những vụ việc này đều liên quan tới sử dụng tài chính công, tài sản công và dự án đầu tư công.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cần có giải pháp để Kiểm toán nhà nước có thể tham gia phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn đăng đàn trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán.
Nội dung chất vấn gồm: Trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm; việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán nhà nước; giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán.
Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận