Đại biểu quốc hội trả lời nhiều vấn đề báo chí quan tâm bên ngoài hội trường |
Tại phiên thảo luận ở hội trường chiều nay (28/5) về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013, nhiều đại biểu lo lắng trước vấn đề bội chi quá cao. Các đại biểu kiến nghị cần sớm có biện pháp lập lại kỷ cương ngân sách để không còn tình trạng bội chi.
Có cơ chế xử lý chi sai
Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) thẳng thắn "Tuy năm 2012 theo báo cáo, thu có tăng hơn 1,5% nhưng chủ yếu do giá dầu và thu cấp quyền sử dụng đất. Dầu dự kiến 90 USD/1 thùng nhưng bán được 113USD.
Nhưng thất thu chủ yếu là thuế, phí, lệ phí tại các đơn vị sự nghiệp chưa được khắc phục, tình trạng chuyển giá và tiêu cực cũng dẫn đến thất thu".
Đại biểu Hùng kiến nghị tăng cường kỷ luật tài chính và công khai minh bạch hơn nữa quản lý ngân sách nhà nước. Ban hành chế tài xử lý các trường hợp không thực hiện nghiêm kiến nghị của kiểm toán.
Đồng quan điểm này, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng phải xử lý những tổ chức và cá nhân không thực hiện nghiêm chi ngân sách. Phải lập lại kỷ cương, kỷ luật tài chính ngân sách.
Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho rằng, kế hoạch thu chi chưa sát thực tiễn. Nhiều năm liền quyết toán thu chi cho giáo dục và khoa học công nghệ đều không đạt. Trong khi đó, đây là hai lĩnh vực được coi là quốc sách hàng đầu, nhưng nguồn chi cho hai lĩnh vực này lại không đủ. Đề nghị cần bố trí đủ cho hai lĩnh vực này, tinh giảm thủ tục hành chính để đạt định mức như dự toán.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) cũng cho biết chưa thấy đề nghị khiển trách ai hay xử lý thế nào nếu không thực hiện đúng thu chi ngân sách. Nếu so kế hoạch Quốc hội thông qua dự toán ngân sách 2013 với con số đề nghị quyết toán, thu 816 nghìn tỷ đồng và quyết toán thực thu là 1.084.000 tỷ đồng (tăng 32%). Chi 978 nghìn tỷ đồng và quyết toán chi 1.277.700 tỷ đồng. Như vậy dự toán và thực tế lệch nhau quá lớn. Phải chăng có tình trạng khi dự toán thì thấp để vượt kế hoạch? Báo cáo thẩm tra nói một số địa phương vi phạm. Kỷ cương ngân sách của ta không nghiêm. Tôi kiến nghị khi thông qua Luật Ngân sách sửa đổi tới đây cần khắc phục được tồn tại về thể chế để đảm bảo kỷ cương ngân sách. Ủy ban tài chính ngân sách không chỉ thẩm định trên giấy tờ, mà cần giám sát điển hình, đặc biệt là những nơi có dấu hiệu vi phạm để báo cáo Quốc hội.
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) lại kiến nghị đã đến lúc phải áp dụng chính sách quyết liệt để chấm dứt bội chi. Dự toán đã công bố rồi thì tăng một xu cũng không được. Chỉ trường hợp thật sự đặc biệt mới được tăng như chiến tranh hay bão lũ. Đau cũng phải làm mới cắt được bội chi. Ngay cả những khoản không chi được cũng cần phải xem xét và đánh giá nguyên nhân.
Nợ công vẫn trong giới hạn
Giải trình thêm về vấn đề chi và bội chi, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tại Nghị quyết 32 năm 2012, Quốc hội đã quyết định mức bội chi ngân sách là 162 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,8% GDP. Sau được được điều chỉnh thành 195 nghìn tỷ đồng tại Nghị quyết số 54.
Quyết toán bội chi là 236.769 tỷ đồng (vượt 41.269 tỷ đồng so với mức đã điều chỉnh). Số vượt này có hai nguyên nhân. Một do chi trả nợ quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng hơn 13.000 tỷ đồng của năm 2011 và tăng chi giải ngân vốn ODA 29.422 tỷ đồng.
Tăng chi ngân sách nhà nước để giải quyết dứt điểm quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng. Về tăng chi vốn ODA, Bộ trưởng Dũng cho biết mấy năm gần đây, từ 2012 – 2014, toàn hệ thống chính trị tập trung cải cách thủ tục hành chính và ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho ODA. Các địa phương cũng quyết liệt tập trung giải phóng mặt bằng cho các dự án nên số giải ngân ODA cao hơn dự toán. Năm 2013 giải ngân hơn 29.000 tỷ đồng chủ yếu đầu tư các dự án đẩy nhanh tiến độ, thực hiện đúng theo quy định. Số tăng chi ODA chủ yếu cho giao thông, thủy lợi và nông lâm nghiệp. Số giải ngân tăng so với dự toán, Chính phủ cũng đã nhận nợ với các nhà tài trợ và tính vào nợ công. Vì vậy tăng bội chi nhưng cũng không làm tăng thêm nợ công theo con số Chính phủ đã báo cáo Quốc hội.
Bộ trưởng Dũng cũng thừa nhận tăng bội chi ngoài yếu tố khách quan, còn có nguyên nhân chủ quan do tính toán dự toán chưa sát thực tế. Để khắc phục, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 02 năm 2015 quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng và quản lý chặt chẽ hơn vốn ODA.
“Tính đến 31/12/2013 so với GDP thực tế, dư nợ Chính phủ là hơn 42%, nợ công khoảng 54,5%. Chúng tôi cho rằng vẫn đang trong giới hạn” – Bộ trưởng Dũng nói.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng báo cáo về vấn đề thất thoát ngân sách. Qua kiểm tra đã phát hiện nhiều trường hợp lợi dụng chính sách thông thoáng để gian lận. Chúng tôi đã phối hợp với công an xử lý nhiều vụ án gian lận thuế giá trị gia tăng như ở Đồng Nai, Lâm Đồng và An Giang đều do cơ quan thuế phát hiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận