Cần cơ chế đặc biệt để thí điểm hơn là đặc thù
Sáng nay (22/10), Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế.
Một số ý kiến cho rằng, không nên đưa ra một Nghị quyết đặc thù thay bằng việc xây dựng một số cơ chế đặc biệt để thí điểm ở một số tỉnh rồi có thể nhân rộng ra các tỉnh khác cùng các tiêu chí đó.
Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội)
Cụ thể, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) đề nghị,không nên ra một Nghị quyết cái gọi là cơ chế đặc thù, mà là chọn 4 địa phương thí điểm để thực hiện một số cơ chế.
"Hiện nay chỉ có Hà Nội là đặc thù thôi, bởi Hà Nội là Thủ đô", ông Lộc nhấn mạnh và cho biết, chúng ta nên có những cơ chế thí điểm, các tiêu chuẩn được đặt ra những tỉnh nào đáp ứng được thì những tỉnh đó sẽ được hưởng chính sách đó, chứ không phải đặc thù.
"Chúng ta nên ra một Nghị quyết thực hiện cơ chế thí điểm, để chúng ta mở đường cho các chính sách cải cách và mở cửa. Bởi hiện nay cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm", ông Lộc nói.
Nếu là thí điểm, thì ông Lộc cho rằng, không nên quá rộng, cũng như không quá hẹp, ở mức độ 4 đến 6 tỉnh là phù hợp.
Đảm bảo bình đẳng giữa các địa phương
"Ở đây chúng ta nên xây dựng thí điểm những cơ chế chung cho cả quốc gia, chứ không phải chỉ trong 4 tỉnh, thành phố này, còn sau này thí điểm xong thấy hiệu quả thì các tỉnh thành phố hội tụ đủ các yếu tố quy định trong Nghị quyết thì có thể thực hiện được cơ chế đó. Nếu làm như thế thì sẽ đảm bảo được bình đẳng giữa các địa phương và đúng với tinh thần thử nghiệm cải cách", ông Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội) bày tỏ sự băn khoăn việc ban hành Nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù cho 4 địa phương lần này có tạo sự thống nhất trong quản lý giữa Trung ương và các địa phương hay không?
"Trong dịch bệnh vừa qua thì chúng ta ban hành Nghị quyết 128 để các địa phương thống nhất một phương án. Bây giờ chúng ta lại ban hành các chính sách để các địa phương khác với Trung ương. Câu chuyện cát cứ địa phương là vấn đề không tốt đối với sự phát triển của xã hội hiện đại", ông Sơn nói và cho rằng đây là những điều mà chúng ta cần cân nhắc khi mà ban hành những cái cơ chế cho 4 tỉnh.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn cũng bày tỏ băn khoăn, việc thí điểm này có tạo ra sự mâu thuẫn với các địa phương khác hay không và sắp tới sẽ có những địa phương khác cũng kiến nghị cơ chế, chính sách đặc thù?
"Như thế thì có tạo ra những mâu thuẫn giữa các địa phương hay không? Sau 4 tỉnh này thì liệu có tạo ra "phong trào đặc thù" hay không?", đại biểu Sơn đặt câu hỏi
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Hữu Chính cũng cho rằng, cần thận trọng để tránh sự so sánh giữa các địa phương.
"Cần tránh trường hợp các địa phương khác giống thế những thắc mắc tại sao tôi không được đặc thù. Nếu chúng ta tính đặc thù của Hải Phòng, thì Quảng Ninh, biên giới có, hải đảo có, biển đảo có… tại sao không được đặc thù", ông Chính nói.
Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai
Cơ chế đặc thù phải thực sự đột phá
Đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) thì cho rằng dự thảo Nghị quyết cần phải có những chính sách đột phá hơn, còn hiện như thế này thì khó thấy đột phá.
Ông Cừ lấy ví dụ, cảng Hải Phòng năm 2019 doanh thu có 17.000 tỷ đồng, chưa được 1 tỷ USD. Trong khi doanh thu tại cảng Singapore trên 20 tỷ USD/năm.
"Tại sao không có những chính sách thực sự đột phá nhằm tập trung nguồn lực vào cảng Hải Phòng để đưa cảng này cạnh tranh trong khu vực, quốc tế. Nếu mỗi một địa phương có một chính sách đặc thù đột phá, sau này qua thí điểm, chúng ta tổng kết lại, cái nào tốt ta áp cho các địa phương còn lại", ông Cừ nói.
Liên quan đến việc thí điểm các cơ chế đặc thù, đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội) cho rằng, hiện nay chúng ta đã phân ra thành 7 vùng kinh tế động lực trên toàn quốc. Trên cơ sở đó, chúng ta chọn mỗi vùng một địa phương mà có tính chất đặc thù để làm điểm.
"Trên cơ sở đó tạo động lực tăng trưởng cho toàn vùng. Đây là vấn đề chúng ta cần đặt ra" ông Thi nói.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) bày tỏ sự băn khoăn khi cả 4 nghị quyết thí điểm này chưa cho thấy sự đột phá của các tỉnh, thành phố khi thực hiện. Đồng thời, chưa có sự bao quát, mà Nghị quyết chỉ tập trung vào cơ chế ngân sách, chưa có điểm mới để có thể lý giải cho việc áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù.
Đại biểu Mai cũng cho rằng, cần có quy định cụ thể hơn về ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu từ tăng thu trên địa bàn các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù này để Trung ương không bị hụt thu.
Sáng 22/10, Quốc hội thảo luận tổ nội dung Tờ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của 4 tỉnh, thành phố gồm Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế.
Dự thảo đề xuất một số nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác quy định của pháp luật hiện hành hoặc chưa được quy định. Theo đó, Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế được đề xuất 6 cơ chế, chính sách đặc thù; Thanh Hóa được đề xuất 8.
Theo đề xuất của Chính phủ, các tỉnh được hưởng cơ chế về chính sách dư nợ vay, như tỉnh Thừa Thiên - Huế, Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; Hải Phòng, Thanh Hóa được vay không quá 60%.
Dự thảo nghị quyết cho phép thực hiện thí điểm chính sách phí, lệ phí và ngân sách được hưởng 100% số thu tăng thêm. Cụ thể, Hải Phòng và Thanh Hóa được quyết định áp dụng các loại phí, lệ phí chưa có trong danh mục đã ban hành.
Ngoài ra, nghị quyết cho phép địa phương được hưởng cơ chế đặc thù về quản lý đất đai, quản lý sử dụng rừng như chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ trên cơ sở lấy ý kiến người dân.
Chính phủ đề xuất phân cấp cho hai tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa được quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng với quy mô dưới 50 ha, rừng sản xuất dưới 1.000 ha.
Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế sẽ được hưởng 50% khoản thu mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha. Trong khi đó, Hải Phòng được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức với mức không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận