Xã hội

ĐBQH đề xuất đưa đường cao tốc vào danh mục tài sản an ninh quốc gia

Đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang cho rằng, cần phân cấp, giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ tài sản đường cao tốc, đưa đường cao tốc vào danh mục tài sản an ninh quốc gia.

Cần quy định cụ thể, chi tiết về đường cao tốc

Chiều nay (26/3), tiếp tục chương trình làm việc, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật Đường bộ.

Phát biểu thảo luận tại hội nghị, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm đến vấn đề đầu tư phát triển đường cao tốc trong dự thảo.

ĐBQH đề xuất đưa đường cao tốc vào danh mục tài sản an ninh quốc gia- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương).

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) cho biết, hiện Chính phủ đang trình sửa đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đường cao tốc.

Qua khảo sát của Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, còn nhiều bất cập trong việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực đường bộ.

"Hiện chúng ta chưa áp dụng nên chưa biết vận hành tiêu chuẩn, quy chuẩn đường bộ cao tốc có mang lại hiệu quả tích cực hay không? Cần đánh giá kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, để làm sao áp dụng vào Luật Đường bộ mang lại hiệu quả, phù hợp với phát triển của thế giới", ông Sơn nói.

Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cho rằng, tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật đường cao tốc là rất cần thiết.

"Tuy nhiên, thực tế khi áp dụng quy chuẩn theo dự thảo luật, một số tuyến đường hiện nay không còn là cao tốc nữa. Ví dụ, quy định đường cao tốc là có dải phân cách hai chiều xe riêng biệt. Hiện có một số tuyến cao tốc không có dải phân cách hai chiều xe thì không còn gọi là đường cao tốc nữa, vậy phải quy định việc chuyển tiếp thế nào?", ông Lâm nêu vấn đề.

Đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) cho rằng, quy chuẩn đường cao tốc trong Luật Đường bộ cần đảm bảo đầy đủ, nên luật hóa những nguyên tắc bắt buộc. Sau đó, Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể.

"Tôi đề nghị cần phải có 6 điểm phải quy định cụ thể, như: bắt buộc phải có dải phân cách cứng, có làn khẩn cấp, có điểm dừng đỗ, tốc độ phương tiện giao thông di chuyển phải cao nhất trong các cấp độ kỹ thuật. Khổ làn phải quy định không thấp hơn 3,75m và phải quy định số làn. Như vậy mới đảm bảo hiện đại, an toàn", đại biểu Lê Hoàng Anh nói.

ĐBQH đề xuất đưa đường cao tốc vào danh mục tài sản an ninh quốc gia- Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp).

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng cho rằng, về quy chuẩn và tiêu chuẩn đường cao tốc, cần quy định cụ thể. Cần quy định rõ vào luật là đường cao tốc phải như thế nào, sau đó áp dụng sẽ đồng bộ.

Ông Hòa cũng cho rằng, việc xây dựng trạm dừng nghỉ ở đường cao tốc cần phải thực hiện luôn, song song với xây dựng đường.

"Như hiện nay một số tuyến cao tốc nhưng không có trạm dừng chân cũng bất cập, chưa biết thời điểm nào những tuyến này có trạm dừng nghỉ để phục vụ người tham gia giao thông", ông Hòa cho hay.

Cần giao UBND cấp tỉnh đầu tư, nâng cấp quốc lộ

Liên quan đến quy định đầu tư xây dựng công trình đường bộ tại điều 28 trong dự thảo Luật Đường bộ, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) đồng tình việc phân cấp cho tỉnh đầu tư, nâng cấp quốc lộ để tận dụng nguồn lực đầu tư, đáp ứng nhu cầu vận tải.

Tuy nhiên, ông Sơn cho biết, hiện Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công chưa phân cấp đầu tư xây dựng cho cấp tỉnh.

"Nếu chúng ta giữ lại nội dung này, cần biên tập lại cho đúng nội hàm là sẽ phân cấp cho UBND tỉnh phù hợp với pháp luật hiện hành. Pháp luật hiện hành ở thời điểm nào thì chúng ta áp dụng ở thời điểm đó", ông Sơn nói.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, giao thẩm quyền cho UBND tỉnh xây dựng, nâng cấp đường quốc lộ là rất hợp lý.

Hiện nay, mặc dù đường quốc lộ tương đối tốt và kết nối được từ Bắc và Nam, nhưng cũng xuất hiện một số tuyến xuống cấp, chính vì thế khi đi qua tỉnh nào mà đoạn đó xuống cấp thì tỉnh đó có thể nâng cấp, cải tạo để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

"Trong luật quy định rất rõ, nhưng có điểm là chưa phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công. Tôi cho rằng nên sửa lại hai luật này để việc phân cấp cho tỉnh thực hiện đầu tư, nâng cấp đường quốc lộ theo đúng quy định", ông Hòa nói.

ĐBQH đề xuất đưa đường cao tốc vào danh mục tài sản an ninh quốc gia- Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang).

Giải phóng mặt bằng theo quy mô, không theo phân kỳ

Về vấn đề công tác giải phóng mặt bằng khi xây dựng đường cao tốc, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đồng tình với phương án Chính phủ trình là việc giải phóng mặt bằng theo quy mô, quy hoạch thay bằng việc giải phóng mặt bằng theo phân kỳ đầu tư.

"Điều này sẽ hiệu quả hơn và có tính chiến lược lâu dài. Tuy nhiên, Chính phủ cần làm rõ quản lý phần giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai như thế nào? Nguồn kinh phí thực hiện và trách nhiệm cụ thể của các cơ quan liên quan ra làm sao", ông Sơn nói.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Sơn, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, trong điều kiện hiện nay, có tuyến chúng ta chỉ đầu tư được 2 làn xe, nếu sau này muốn nới rộng ra thì lại phải giải phóng mặt bằng, như thế rất mất thời gian.

"Giải phóng mặt bằng chỉ chiếm khoảng 10-20% tổng mức đầu tư một dự án đường cao tốc. Nên giải phóng mặt bằng ngay thì sẽ phù hợp hơn là giải phóng theo phân kỳ đầu tư", ông Hòa nói.

Về nội dung này đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, cần cân nhắc thêm và chú trọng vào tính hiệu quả.

"Cần tính toán đến hiệu quả kinh tế, chứ dự án giải phóng mặt hết, rồi để mặt bằng trống, mấy chục năm sau đầu tư tiếp thì có hiệu quả không? Làm như thế nào hiệu quả nhất thì chúng ta phải tính toán kỹ", ông Lâm nói.

ĐBQH đề xuất đưa đường cao tốc vào danh mục tài sản an ninh quốc gia- Ảnh 4.

Đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng).

Thu phí đường cao tốc do nhà nước đầu tư là cần thiết

Bàn về việc thu phí đường cao tốc do nhà nước đầu tư, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, điều này là rất cần thiết.

Ông Hòa cho biết, hiện nay, ngân sách có hạn, khi đầu tư không thu phí thì rất lãng phí. Thực tế hiện nay, các đường cao tốc do nhà nước xây dựng đều song song với đường quốc lộ, người dân có quyền lựa chọn.

"Nếu anh muốn đi nhanh, an toàn hơn thì chọn đường cao tốc, đồng nghĩa với việc anh phải trả phí, còn anh không muốn trả phí có thể lựa chọn đường khác, như đường quốc lộ, tỉnh lộ", ông Hòa nói.

Đại biểu Hòa nêu thực tế hiện nay, nếu đường cao tốc nhà nước xây dựng nhưng không thu phí, phương tiện đi lại đông đúc, cụ thể như đường Mỹ Thuận - Trung Lương.

"Điều này rất lãng phí và xuất hiện tình trạng đường cao tốc xuống cấp nhưng không có kinh phí để tu sửa. Cho nên tôi cho rằng, việc thu phí đường cao tốc do nhà nước đầu tư là hết sức cần thiết", ông Hòa nói.

Đại biểu Tô Ái Vang thì cho rằng, cần khẩn trương có giải pháp quản lý tổ chức lại giao thông ở 17 tuyến cao tốc hợp lý, khoa học, hiệu quả, đảm bảo tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân.

"Nếu không có giải pháp kịp thời, hệ thống đường cao tốc rất dễ xuống cấp dẫn đến lãng phí trong công tác quản lý tài sản công và nguy cơ mất an toàn giao thông. Tôi cho rằng cần có sự phân cấp, phân công quản lý, giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ tài sản đường cao tốc, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đồng thời đưa đường cao tốc vào danh mục tài sản an ninh quốc gia", đại biểu Tô Ái Vang nói.

Tất cả trạm dừng nghỉ, bến xe phải có hệ thống sạc điện có cần thiết? 

Quan tâm đến quy định trạm dừng nghỉ, bến xe phải có hệ thống sạc điện cho phương tiện giao thông cơ giới sử dụng năng lượng điện, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết, việc bố trí hệ thống sạc điện cho các loại xe đạp điện, xe máy điện thì thường đơn giản, và không quá đặt ra nhiều vấn đề về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hệ thống sạc điện.

Tuy nhiên, đối với hệ thống sạc điện dành cho các loại xe ô tô điện, và sau này có tiến tới hiện đại hơn có thể là máy kéo, xe sơmi rơmooc điện… cần có những tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như không gian, diện tích để bố trí hệ thống sạc điện phù hợp.

ĐBQH đề xuất đưa đường cao tốc vào danh mục tài sản an ninh quốc gia- Ảnh 5.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương).

"Do đó, nếu yêu cầu hệ thống sạc điện đối với tất cả các trạm dừng nghỉ, bến xe là không phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, việc sử dụng xe điện của người dân, doanh nghiệp chưa quá phổ biến, chủ yếu tập trung ở một số đô thị lớn. Vì vậy, cần làm rõ, có phải tất cả các trạm dừng nghỉ, bến xe đều cần có hệ thống sạc điện hay không. Nếu xét thấy cần thiết thì cần quy định những tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp để đảm bảo tính khả thi trong việc bố trí không gian, địa điểm của bến xe, trạm dừng nghỉ có hệ thống sạc điện", bà Nga nói.

Nữ đại biểu đoàn Hải Dương cũng cho rằng, nếu yêu cầu tất cả trạm dừng nghỉ, bến xe phải có hệ thống sạc điện thì cần có lộ trình triển khai cho phù hợp với tình hình phát triển, sử dụng xe điện theo các năm, tránh sự triển khai ồ ạt không cần thiết mà lại chưa khai thác hết hiệu quả sử dụng của các hệ thống sạc điện.

Bàn về hoạt động đưa đón trẻ mầm non, học sinh bằng xe ô tô tại điều 70 dự thảo Luật, bà Nga cho rằng, hoạt động đưa đón trẻ, học sinh bằng xe ô tô hiện nay đã rất phổ biến và được nhiều gia đình lựa chọn, vì vậy quy định nội dung này là cần thiết do xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát sinh.

"Tuy nhiên, hiện nay có nhiều mô hình có tính chất tương tự như hoạt động đưa đón nhân viên, công nhân của các công ty, doanh nghiệp… Vì vậy, cần rà soát thêm để xây dựng quy định thống nhất nhằm quản lý những loại hình hoạt động vận tải tương tự nhau, đảm bảo an toàn cho người sử dụng dịch vụ vận tải", bà Nga thông tin.

Báo cáo một số nội dung lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ, Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật Đường bộ (sau đây gọi là dự thảo Luật Chính phủ trình).

Đã có 105 lượt ý kiến ĐBQH phát biểu (trong đó có 80 lượt ý kiến phát biểu tại tổ; 24 ý kiến phát biểu và 1 ý kiến tranh luận tại Hội trường). Đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật; đánh giá cao việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh; cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo Luật và góp ý nhiều vấn đề cụ thể.

Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) đã chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo dự án Luật và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu ý kiến ĐBQH, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật (sau đây gọi là dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý); xây dựng dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Tại phiên họp thứ 31 (15/3/2024), UBTVQH đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật.

Theo chỉ đạo của UBTVQH, Thường trực UBQPAN tiếp tục tổ chức tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật để báo cáo, xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Quá trình tiếp thu, chỉnh lý, Thường trực UBQPAN và Ban soạn thảo đã thống nhất đề nghị chỉnh sửa nội dung 68 điều, bỏ 7 điều, sắp xếp lại vị trí 3 điều; đồng thời gom nội dung một số điều để xây dựng thành điều mới . Sau khi chỉnh lý, dự thảo Luật có 86 điều, giảm 6 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình.



Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.