Đẩy nhanh việc kết nối tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn 1,435m với Trung Quốc
Tham gia thảo luận, đại biểu Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai) cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược.
Đó là "hoàn thiện đồng bộ thể chế", "phát triển nguồn nhân lực", "xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ". Trong đó, có hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống cao tốc và đường sắt.
Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng đã quan tâm chỉ đạo, giải quyết tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về các cơ chế, chính sách quản lý Nhà nước để phát triển mạng lưới giao thông đường bộ và đường sắt.
Trong đó, có tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai và tuyến đường sắt nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh kết nối vận tải hành khách, hàng hóa giữa tỉnh Vân Nam - Trung Quốc với Việt Nam và các nước Asean qua cảng Hải Phòng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của đại biểu, tiến độ triển khai các dự án này còn chậm so với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Đó là hạ tầng và năng lực dịch vụ đường sắt tuyến Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai còn hạn chế, không đồng bộ về khổ đường ray với Trung Quốc.
"Tuyến đường sắt hiện tại không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu Lào Cai về cảng Hải Phòng với mục tiêu đặt ra là vận tải hàng hóa đạt hơn 3 triệu tấn hàng hóa/năm", ông Lềnh nói
Đại biểu đoàn Lào Cai cũng cho hay, tuyến đường cao tốc Nội Bài ‑ Lào Cai được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 2014, trong đó: đoạn Nội Bài ‑ Yên Bái (123km) đã được đầu tư với quy mô 4 làn xe; đoạn Yên Bái ‑ Lào Cai (khoảng 121km) mới chỉ có 2 làn xe.
"Qua 10 năm khai thác mặt đường đoạn tuyến từ Yên Bái – Lào Cai đã bị xuống cấp, lưu lượng xe trên tuyến tăng cao dẫn đến tốc độ khai thác chậm, không đáp ứng tốc độ thiết kế (khoảng 50km/h), tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và du lịch", ông Sùng A Lềnh nói.
Để phát huy tiềm năng lợi thế, kết nối phát triển vùng và khai thác có hiệu quả tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng, đại biểu Sùng A Lềnh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh việc kết nối tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn 1,435m giữa ga Lào Cai và ga Hà Khẩu Bắc (Vân Nam, Trung Quốc).
"Đề nghị, Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, ưu tiên sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng mặt đường đoạn Yên Bái - Lào Cai thuộc cao tốc Nội Bài - Lào Cai lên quy mô 4 làn xe", ông Sùng A Lềnh đề xuất.
Xây dựng cảng biển hiện đại để tăng sức cạnh tranh quốc tế
Đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn TP Hải Phòng) cho biết, Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra các chủ trương lớn phát triển các ngành kinh tế biển, trong đó phát triển thành công, đột phá về các ngành thứ tự ưu tiên.
Về kinh tế hàng hải, có trọng tâm là khai thác hiệu quả cảng biển và dịch vụ vận tải, đẩy mạnh phát triển tàu biển với cơ cấu hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường vận tải nội địa, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng vận tải, từng bước tham gia, chiếm lĩnh thị phần quốc tế.
Về công nghiệp ven biển có ưu tiên phát triển hợp lý các ngành sửa chữa, đóng tàu, cơ khí, chế tạo, công nghiệp phụ trợ.
Đại biểu Lã Thanh Tân đánh giá, mặc dù kinh tế biển đã đạt được một số thành tựu quan trọng tuy nhiên chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của một quốc gia có hơn 3.000km bờ biển như Việt Nam, trong đó một số ngành như vận tải biển, đóng mới và sửa chữa tàu biển còn yếu và thiếu, rất nhiều nhà máy, xưởng đóng tàu được nhà nước đầu tư nhưng đang dừng hoặc hoạt động kém hiệu quả...
Thời gian qua, ngành đóng tàu của nước ta đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: thiếu nguồn nhân lực do quan niệm đây là ngành nặng nhọc, do yêu cầu của thị trường và những quy định của công ước quốc tế về thế hệ tàu mới phải đảm bảo tính an toàn cao, đa dạng về chủng loại, kích thước, mẫu mã.
Để phát huy được lợi thế và hạn chế của nguồn lực ngành đóng tàu, phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2018, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần đánh giá đúng vai trò và có cách nhìn thỏa đáng đối với ngành đóng tàu, coi đây là ngành công nghiệp "xương sống", tạo điều kiện cho nhiều ngành công nghiệp khác như luyện kim, cơ khí, kinh tế biển cùng phát triển.
Ngoài ra, sớm có các chính sách hỗ trợ về tài chính như ưu đãi vốn vay cho các doanh nghiệp đóng tàu, giảm thuế đất cho các doanh nghiệp đóng tàu; Đầu tư, hỗ trợ cho công tác đào tạo nguồn nhân lực đóng tàu, khuyến khích phát triển nghiên cứu khoa học liên quan đến công nghiệp đóng tàu cũng như công nghiệp phụ trợ.
Đồng thời, đẩy mạnh cải cảnh thủ tục hành chính, thủ tục đăng ký, đăng kiểm tàu, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các cảng biển, quy hoạch phát triển và tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các cảng biển hiện đại, thông minh để tăng sức cạnh tranh với các cảng biển quốc tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận